HV109 - Những ngày tháng không quên…

Đấu tranh trong máu lửa…

1. Đó là lần đầu tiên tôi cầm cuốn tạp chí Đất nước ở thư viện gia đình của một người bạn, tôi đã đọc say sưa về một con người mà tôi chỉ biết qua những lời thì thầm của má tôi và những người thân trong nhà. Vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân vật như một huyền thoại và bí ẩn ấy bỗng nhiên choáng ngợp cả một cuốn tạp chí xuất bản tại Sài Gòn. Tôi đã phải ngồi đọc tại chỗ trong vòng 2 tiếng đồng hồ và trả lại chỗ cũ mà không được phép mượn mang về nhà… Tôi nhớ như in từng bài viết, những lời ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh trích từ báo chí nước ngoài và nhất là bài viết Nói chuyện với người đã khuất của GS Lý Chánh Trung, bởi vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết được khá rõ về một người vừa mất ở miền Bắc xa xôi mà gia đình tôi đã thầm lặng đặt lên bàn thờ ông bà một hương án mới không có ảnh, nhưng cả nhà đều biết đó là ai… Sau này, khi đất nước đã thống nhất, tôi tìm lại bài viết này không khó, nhưng trong những ngày sôi sục chiến tranh, sau Tết Mậu Thân, bao nhiêu người bị bắt bớ, tù đày, trong đó có cả những người thân của tôi, thì những thông tin như thế này thật vô cùng dũng cảm, và nó đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tâm hồn non trẻ của tôi: “Tôi đã tận hưởng những ngày hội lớn của dân tộc: tận hưởng những buổi mít tinh tuần hành vĩ đại, những bước chân rầm rập, những tiếng “một hai”, những bài hát Lên đàng vang lên từ sáng sớm, những công tác thâu đêm, những trách nhiệm mà người lớn dám giao cho con nít chúng tôi; tận hưởng cái cảm giác thật say sưa: chúng tôi là một và đất nước nầy là của chúng tôi, một đất nước trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Tất nhiên, mọi sự đã không lý tưởng như vậy, nhưng đối với riêng tôi và trong lúc ấy, đó là những ngày đẹp nhất mà tôi đã sống và vì thế, sẽ mãi mãi không quên. Có lẽ những gì tôi làm, những gì tôi nghĩ và viết bây giờ đã bắt nguồn từ những ngày ấy. Mà những ngày ấy đã trải qua dưới bức chân dung của Cụ Hồ, trên đó viết: “Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc”. Lần đầu tiên tôi nghe nói tới hai chữ dân tộc, ý thức cái thực tại dân tộc như một tình thương bao la đùm bọc mọi người Việt Nam, như một ý chí bất khuất chống bọn cướp nước, đó là dưới hình ảnh Cụ Hồ chứ không của ai khác, lịch sử đã định như vậy. Cho nên tôi sẽ không bao giờ quên vừng trán cao, đôi mắt sáng, cặp má hóp, chòm râu thưa, bộ đồ kaki bạc màu và đôi săng-đan cũ kỹ, không bao giờ quên hình ảnh Cụ Hồ…”. Viết về một lãnh tụ cộng sản ở phía bên kia chiến tuyến bằng những dòng chữ đầy ngưỡng mộ và kính trọng dường ấy, quả là một việc quá phi thường… Từ đó, tất cả những bài viết của GS Lý Chánh Trung trên các báo Tin sáng, Đối diện tôi đều tìm đọc với lòng ngưỡng mộ một trí thức chân chính, đúng như quan điểm của ông ở lời tựa cuốn Bọt biển và sóng ngầm (năm 1971): “Bởi từ muôn đời, bổn phận của người trí thức là nói lên sự thật hoặc những điều mình tin là sự thật”. Ông cũng viết những bài ca ngợi những người đã sống và chết cho Tổ quốc như Trần Văn Ơn, Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang, ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh…

Và tất nhiên số báo Đất nước kỷ niệm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 10-1969) đã bị tịch thu toàn bộ, nhưng trước khi nộp lưu chiểu tòa soạn đã phân phối trước một số lớn vì biết chắc là sẽ bị tịch thu. Và số báo tôi đọc được là một trong những tờ báo bí mật lọt được ra ngoài. Một trong những người chủ biên tờ tạp chí ấy là anh Nguyễn Quốc Thái, và khi biết cảm xúc của tôi khi tiếp nhận tờ tạp chí, anh nói đó chính là mục tiêu của tờ báo, là muốn đem đến cho chúng tôi, một lớp trẻ đang lớn lên trong chiến tranh, kiến thức tối thiểu về một con người mà cả thế giới phải nghiêng mình…

2. Đó là những cảm xúc choáng ngợp hừng hực ngọn lửa đấu tranh trong những đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở Trường đại học Văn khoa, là những tà áo dài trắng thấm đỏ máu trên đường phố trong khói lựu đạn cay mù mịt. Là những chiếc xe Mỹ bốc cháy nằm trơ xương trên đường, là những hàng rào kẽm gai dày đặc bên những chiếc mặt nạ heo của cảnh sát dã chiến. Vòng quanh ánh lửa hồng, bên chiếc đàn guitar, tiếng hát bay trong đêm, vang dội trong những trái tim hừng hực lửa: “Ơi, Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, trong tiếng hờn, trong máu lửa ngập trời… Tổ quốc ơi, ta đã nghe lời sông núi. Hận thù này tràn đầy sục sôi trong tim gan nồng…”. Những bài hát cho phong trào đấu tranh được sáng tác tại chỗ, của các nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt… Những tà áo dài cuốn theo phong trào tranh đấu làm rung chuyển những con đường đầy dây kẽm gai ở thành phố. Với tiếng hát vang dậy:

“Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào

Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù

Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên

Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang

Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…”

Bài hát có một sức lay động mãnh liệt không chỉ được hát trong những đêm không ngủ của sinh viên đấu tranh mà nó lan tỏa khắp các trường học không phải chỉ ở Sài Gòn mà còn vang dội ở khắp các tỉnh thành, trong những đêm lửa trại, những đêm văn nghệ trường… Nó có sức sống mãnh liệt, đã tác động mạnh mẽ vào lớp trẻ thành thị và làm thức tỉnh những tâm hồn còn sống trong tháp ngà với những trang tiểu thuyết tình đẫm lệ của Quỳnh Dao…

Từ năm 1968, sau Tết Mậu Thân, nhạc Trịnh Công Sơn như lột xác, anh đã hoàn toàn thoát ra khỏi nỗi buồn nhược tiểu “Người nô lệ da vàng ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ…” (Đi tìm quê hương) mà hào hùng như tiếng kèn xông trận trong các tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời… Bởi vì anh đã không còn dò tìm mãi quê hương nữa mà đã biết rõ con đường của chính mình. Chính người bạn chí thiết Ngô Kha với những hoạt động đấu tranh cho hòa bình đã cuốn hút anh bước vào cuộc đấu tranh của dân tộc. Ngọn lửa đấu tranh của Ngô Kha đã xốc anh bừng tỉnh “giấc mơ da vàng” và viết những dòng nhạc sôi bỏng: “Huế, Sài Gòn, Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa… Triệu chân em, triệu chân anh, hỡi ba miền vùng lên cách mạng. Đã đến lúc nối tấm lòng chung. Tuổi thanh niên, hãy đi bằng những bước tiền phong” (Huế, Sài Gòn, Hà Nội)... và “Xin anh chị hãy vùng lên. Đời sống này đầy bóng tối. Triệu anh em chia sớt nguy nan, xây cách mạng dựng đời người mới. Dân ta quyết lòng giữ nước…” (Đừng mong ai, đừng nghi ngại). Từ đó, để càng hiểu tấm lòng tràn trề yêu nước của anh, để hiểu vì sao có những nốt nhạc reo vui dường ấy khi anh “Nối vòng tay lớn” cùng cả nước “Rừng núi dang tay nối lại biển xa…”, khi anh hát những bài ca rực lửa ở Trường đại học Văn khoa Huế: “Ta phải thấy hòa bình, ta phải thấy hòa bình. Hỡi anh em thân yêu cùng khắp đứng lên. Bước chân ta đi trong hồn nước bập bùng. Triệu trái tim người rộn ràng chờ. Triệu bước chân người cứ mãi tiến lên. Ta phải thấy. Ta phải thấy một ngày hòa bình rực sáng nơi đây” (Ta phải thấy mặt trời). Thấy rất rõ anh không hề giấu diếm tình cảm với những người cách mạng, anh cũng đã nói rõ anh biết họ là người cộng sản và anh kính phục họ. Anh đã viết say sưa, hát say sưa bằng sự chân thành, thiết tha của trái tim sôi bỏng đòi hòa bình của mình… Anh đã viết với một giấc mơ hòa bình trong màu cờ đỏ tung bay và viết như một bài ca cách mạng: “Ta đã thấy gì trong đêm nay. Cờ bay trăm ngọn cờ bay. Rừng núi loan tin đến mọi miền, gió hòa bình bay về muôn hướng…” (Ta đã thấy gì trong đêm nay). Những bài ca ấy đã một thời làm rung động trái tim tuổi trẻ của chúng tôi khi nó được hát vang hào hùng trong những chương trình văn nghệ ở trường. Tất nhiên không ai trong chúng tôi hình dung nổi trăm ngọn cờ bay ấy như thế nào, nhưng đó là ngọn cờ hòa bình, đó chính là nỗi khát khao chung của cả dân tộc. Để đến bây giờ đọc kỹ lại lời ca mới thấy ngọn cờ ấy từ “rừng núi” loan tin thì chắc chắn không phải là lá cờ bay trên Dinh Độc Lập rồi. Để đến ngày 30-4-1975, khi đi giữa rừng cờ đỏ sao vàng, bỗng nhớ làm sao bài ca hào hùng ngày nào của anh. Phải, anh đã mang đến cho tuổi trẻ của chúng tôi nỗi rạo rực say sưa bằng những lời ca như dựng người ta đứng dậy. Anh đã như một nhà tiên tri khi từ năm 1970 đã “Ta cùng lên đường. Đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi mau, đi sâu vô tới rừng cao. Vác những cây rừng to, về nơi đây ta xây dựng nhà….” (Dựng lại người, dựng lại nhà); đó cũng chính là hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam rầm rập lên đường năm 1976 với màu áo xanh của Thanh niên xung phong lên đường dựng lại người, dựng lại nhà đúng như anh đã từng mơ ước…

3. Đó là những bài thơ như tiếng hịch cứu nước của nhà thơ Trần Quang Long. Cuộc sống anh quá ngắn ngủi, 27 năm, nhưng thơ anh đã sống mãi trong lòng giới trẻ. Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1963 sau đêm chứng kiến cuộc thảm sát ở Đài phát thanh Huế, anh trở thành một sinh viên tích cực đấu tranh trong phong trào chống Ngô Đình Diệm bên cạnh những người Phật tử, cùng ngồi chung nhà tù với họ cho đến ngày Diệm bị lật đổ. Và từ đó anh như lột xác, không còn là nhà thơ của màu mực tím với những dòng thơ trữ tình: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón, bước nhẹ nghe em kẻo động vỡtơ chiều...” (Nghiêng nón). Anh lao vào cuộc đấu tranh như một mũi tên bắn thẳng với những vần thơ kiếm thép… Lần đầu tiên đọc Thưa m, trái tim của anh, có cảm giác như anh đang truyền lửa cho cả thế hệ. Ai có thể bình tâm khi đọc những dòng thơ nhiệt huyết như thế này:

Con đang nghe trái tim

Nổ tung thành mảnh vụn

Máu từng dòng im lìm

Máu từng dòng phẫn nộ

Trên bàn tay con đó

Trên mảnh đất khô cằn

Trên mặt mày khốn khổ

Trên cuộc sống lầm than

Nếu thơ con bất lực

Con xin nguyện trọn đời

Dùng chính quả tim mình làm trái phá

Sống chết một lần thôi…”

Anh mất năm 1968 vì bom Mỹ, nhưng những dòng thơ của anh luôn sống trong tâm thức mỗi người trẻ bằng dòng mực đỏ thắm trong những lần xuống đường đấu tranh:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ như kiếm sắc

Chặt đầu văn nghệ tay sai

Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước

Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai…”

… Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Tôi còn nhớ mãi nhà văn Minh Quân khi cầm quyển tiểu thuyết Trung Quốc Điên cuồng như Vệ Tuệ dúi vào tay tôi với giọng vô cùng bức xúc: “Em phải đọc và phải viết”. Chị Minh Quân là một trong những nhà văn của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ngày trước, chị đã thở dài đau đớn và nói: “Sao ta có thể cho xuất bản và truyền bá cho giới trẻ những loại sách dơ bẩn như thế này?”. Tôi đã viết theo “đơn đặt hàng” của chị và cũng bằng chính lương tâm của mình. Nhưng thực ra, tôi biết một cánh én không làm nổi mùa xuân. Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đã ra đời cách đây 17 năm, nhưng những vấn nạn của văn hóa nói chung hiện nay chưa có tín hiệu khả quan. Đảng nhìn thấy nhưng chính quyền, nói đúng hơn là những con người thực thi có cùng đồng hành với Đảng hay không? Hiện nay đã và đang tồn tại nghịch lý giữa quan điểm cơ bản về vai trò và sự phát triển văn hóa và sự triển khai các quan điểm này trong thực tiễn. Câu “Giữ gìn và phát triển nền Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dường như đã trở thành câu khẩu hiệu có thể tìm gặp ở bất cứ nơi đâu... Nhưng dường như không phải ai cũng hiểu và vận dụng đúng với tinh thần Nghị quyết 5. Nói cách khác, quan điểm đúng đắn đó đã được (hay bị) biến thành khẩu hiệu của người quản lý, lãnh đạo mỗi khi đề cập sự phát triển văn hóa hơn là hiểu biết về văn hóa một cách sâu sắc…

Trước hết hãy nói về lòng tự hào và tự trọng dân tộc. Chỉ đọc những tên diễn viên, nghệ sĩ hiện nay thôi cũng thấy lạ. Từ bao giờ mà tên người Việt Nam cứ lật ngược tên họ như người nước ngoài vậy? Những Trang Trần, Tuấn Nguyễn, Mai Ngô... ngày càng xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình, dù người mang tên là người VN chính cống. Có lẽ từ những đạo diễn, diễn viên từ Mỹ trở về, nhưng chính những con người này ngay những lần đầu tiếp cận với làng điện ảnh Việt Nam cũng với cái tên rất Việt Nam là Nguyễn Minh Trí (Johnny Trí Nguyễn) và Nguyễn Chánh Trực (Charlie Nguyễn). Nhưng khi họ cảm thấy chính cái tên lật ngược mới làm nên thương hiệu sang trọng của Việt kiều (?) mà nhà nước Việt Nam không hề có sự ngăn chặn nào, thì ào ạt cả những ca sĩ diễn viên trong nước cũng lật ngược tên cha sanh mẹ đẻ để hãnh diện là Tây. Ở nước ngoài, người Việt ngoài cái tên gọi theo bản xứ để dễ giao tiếp, hầu hết đều có tên Việt để người thân gọi, đó chính là cái gốc rễ để tự mỗi người nhớ về nguồn cội của mình. Làm thế nào để thu hút lớp trẻ hiểu sâu nền văn hóa của chính đất nước mình? Bởi lòng tự hào dân tộc không phải tự dưng mà có, đó là một quá trình thấm sâu vào trái tim mỗi người… Và đó chính là nhiệm vụ của giáo dục. Ngay từ bé, những bài học vỡ lòng đầu tiên phải là lòng yêu nước, yêu quê hương, là những áng văn hay, câu thơ đẹp, và dòng nhạc truyền thống dân tộc… Một người có học thức không hẳn là người có văn hóa, anh có thể hiểu biết rộng khoa học kỹ thuật, nhưng nếu anh không có lòng tự hào dân tộc, nghĩa là anh không có đủ nền tảng văn hóa để hiểu mình là ai, chỗ đứng của mình ở đâu, thì cả đời anh chỉ là một kẻ làm thuê mất gốc.

Và từ hệ lụy ấy, nhiều năm qua văn hóa Việt đã và đang dần bị xâm thực bởi những cơn lốc của nhiều nền văn hóa du nhập vào nước ta, chủ yếu là từ Âu Mỹ và Hàn Quốc. Tinh thần dân tộc dường như đã trở thành một thứ xa xỉ trên một đất nước đã nhiều lần đánh bại những tên đế quốc hùng cường nhất trên thế giới để giành độc lập. Đó là một nghịch lý đau lòng, nhưng sự thật đó đang hiển nhiên, nhan nhản khắp nơi trên cả nước. Điều trước nhất có thể nhìn thấy rõ ràng nhất, cơ bản nhất đó là tiếng Việt đang có nguy cơ bị lai tạp bởi tiếng Anh. Điều mà ngày trước Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc đã ra sức ngăn chặn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều hiện tượng đáng báo động của tiếng Việt hiện tại với nỗi đau đáu nhất chính là sự tự giác đầy ý thức mang tính chất xã hội trước sự xâm lăng dữ dội của tiếng Anh vào ngôn ngữ Việt hiện nay. Đây là vấn đề không phải thuộc về cá nhân hay một số người, mà đang có cơ nguy trở thành lề thói và được mặc nhiên công nhận trong giao tiếp xã hội.

Nhưng cái dễ thấy nhất về sự tự ti ngôn ngữ của đất nước ta hiện nay chính là các bảng hiệu, bảng thông tin. Hầu hết các bảng quảng cáo, bảng hiệu cửa hàng ở Việt Nam đều sử dụng tiếng Anh vô tội vạ, thậm chí không cần chú thích tiếng Việt nhan nhản khắp nước, nhất là ở những thành phố lớn. Người nước ngoài đến Việt Nam, chỉ nhìn các bảng hiệu sẽ có sự so sánh rõ ràng về tinh thần dân tộc của Việt Nam với các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vấn đề này cơ quan chức năng có thể xử lý trong tầm tay, nhưng lạ thay nó vẫn là vấn nạn kéo dài suốt bao năm nay (!).

Ôn cố tri tân, chính là để nhìn thấy những hy sinh của lớp lớp người đi trước, những giọt máu thắm đỏ cho màu cờ dân tộc, cho sự thống nhất vẹn toàn đất nước. Nếu ngày nay chúng ta không chung sức bảo vệ văn hóa dân tộc thì chính chúng ta sẽ là kẻ có tội với những giọt máu anh linh của hàng triệu người đã ngã xuống ngày hôm qua…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG