Chuẩn hóa tiếng Việt, nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ lâu đã là mối ưu tư của các nhà ngôn ngữ. Mối ưu tư này càng ngày càng mạnh, trước thực tế biến đổi mạnh mẽ của ngôn ngữ đang diễn ra mọi lúc mọi nơi, trong đó không ít trường hợp là sử dụng tùy tiện, sai chính tả, sai ngữ pháp, kể cả ở những nơi mà lỗi sai như thế không thể chấp nhận được, chẳng hạn văn bản pháp quy của nhà nước hoặc đài truyền hình, hay báo chí.
Chúng ta có thể giải quyết tình trạng này bằng cách nào? Một bộ Luật Ngôn ngữ chẳng hạn, trong đó quy định thế nào là chuẩn mực, để mọi người có căn cứ để dựa vào khi sử dụng ngôn ngữ, liệu có phải là một cách tiếp cận tốt và khả thi?
Chắc chắn là tình trạng ngôn ngữ phát triển thêm từng ngày, mỗi lúc một thêm đa dạng và không thống nhất về chuẩn mực không phải là một tình trạng chỉ nước ta mới gặp phải. Rất nhiều nước cũng phải đương đầu với vấn đề tương tự. Họ đã giải quyết như thế nào?
Thế nào là chuẩn mực?
“Mực” nghĩa là cái thước, còn “chuẩn” là mốc để đo. Dù mỗi người có lối nói, cách dùng từ, ngữ điệu hay giọng nói khác nhau, vẫn có một điểm chung giữa những khác biệt đó để mọi người có thể giao tiếp được với nhau. Tập hợp những điểm chung đó là các quy tắc. Những quy tắc này được xem là quy ước giữa một cộng đồng sử dụng ngôn ngữ, mọi cách viết và cách nói trái với những quy tắc ấy có thể bị coi là lệch chuẩn, hay là vi phạm chuẩn mực. Khốn nỗi, chuẩn mực ngôn ngữ không bất biến, mà có thể thay đổi theo thời gian cùng với sự biến đổi và phát triển của ngôn ngữ.
Thêm vào đó, lại có thể có những chuẩn mực khác nhau trong những cộng đồng nhỏ khác nhau. Chẳng hạn, ngôn ngữ của thiếu niên bây giờ rất khác với ngôn ngữ của người lớn. Thí dụ, lối viết “bùn wá” (buồn quá) với người lớn thật khó chấp nhận, nhưng lứa tuổi thanh thiếu niên thấy như thế là hoàn toàn bình thường. Lối nói chêm thêm ngoại ngữ, cách đây vài chục năm được xem như không thể chấp nhận, ngày nay ngày càng nhiều từ có gốc ngoại ngữ du nhập vào kho từ vựng tiếng Việt, và việc sử dụng thêm những từ đó khi giao tiếp ngày càng trở nên bình thường.
Nhiều lối nói trước đây chưa từng có, nay mỗi lúc thêm phổ biến. Chẳng hạn, cách nói “món này hơi bị ngon”, “chán như con gián”, “ngon lành cành đào” thoạt đầu là một lối nói chơi cho vui, nay trở thành ngôn ngữ bình thường và không bị cộng đồng xem là lệch chuẩn.
Thêm nữa, có lối nói, cách viết trong bối cảnh này được xem là bình thường, trong bối cảnh khác bị xem là lệch chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu có thể quy định tất cả những quy tắc để người sử dụng biết điều gì được và không được, đúng và không đúng? Ai có quyền đặt ra chuẩn mực? Có thể luật hóa những chuẩn mực ấy được không? Giả sử câu trả lời là có, vi phạm Luật Ngôn ngữ này thì biện pháp chế tài như thế nào?
Thực tiễn các nước
Việc chuẩn hóa ngôn ngữ, bản thân nó có nhiều khía cạnh: khía cạnh chính thức (de jure) và khía cạnh thực tế (de facto).
Về mặt chính thức: không có quốc gia nào có một thứ gọi là “luật ngôn ngữ” cả. Không đâu trên thế giới có một bộ luật trực tiếp liên quan đến ngôn ngữ, trong đó quy định những chuẩn mực trong ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và dụng pháp. Dĩ nhiên một số nước có nêu vấn đề về ngôn ngữ trong luật, chủ yếu là tuyên bố ngôn ngữ nào được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức của nước đó trong bối cảnh đa ngôn ngữ. Chẳng hạn, Albania, Pháp hay Litva là những nước có nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng được sử dụng, vì thế luật quy định ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong nhà trường, trong những giao dịch của nhà nước với người dân. Có những nước quy định nhiều hơn một ngôn ngữ chính thức, chẳng hạn như Afghanistan, Belarus, Bỉ, Bolivia, Canada, Phần Lan, Ấn Độ, Nam Phi, Singapore và Thụy Sĩ.
Ngôn ngữ chính thức của một số nước có thể không phải là ngôn ngữ quốc gia và cũng không phải là ngôn ngữ được nói nhiều nhất, tiêu biểu là trường hợp ở các cựu thuộc địa, như tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Bồ Đào Nha.
Ngôn ngữ chính thức có thể không phải là thứ tiếng có nhiều người biết dùng nhất, ví dụ tiếng Ireland là ngôn ngữ dân tộc và là ngôn ngữ chính thức thứ nhất của Ireland mặc dù chỉ có không đến 10% dân Ireland nói được ngôn ngữ này. Ở Ireland, hầu như mọi người đều nói được tiếng Anh nhưng đó lại là ngôn ngữ chính thức thứ hai được quy định bởi điều 8 trong Hiến pháp Ireland.
Nước Pháp có lẽ là nước độc nhất có một cơ quan có quyền thẩm định về ngôn ngữ, đó là Viện hàn lâm Pháp (Académie française), một tổ chức công lập của nhà nước. Tuy nhiên những chuẩn mực mà hàn lâm viện đưa ra chỉ có tính cách khuyến nghị, không bắt buộc phải thi hành như những bộ luật khác theo tính chất của luật pháp. Có nhiều văn bản có giá trị luật pháp của chính phủ dùng chữ khác với khuyến nghị của hàn lâm viện, thậm chí đi ngược lại những khuyến cáo của viện, từng làm báo chí sôi nổi bàn cãi, nhưng cũng rất hiếm khi xảy ra như thế. Viện hàn lâm Pháp có trách nhiệm soạn thảo văn phạm và từ điển tiếng Pháp, bộ văn phạm cuối cùng xuất bản năm 1932 bây giờ không ai dùng vì bị chỉ trích nhiều và vì nó đã lạc hậu so với những khái niệm ngữ pháp hiện đại. Tất nhiên là ta đang nói tới những điểm tế nhị trong ngôn ngữ, còn những vấn đề phổ thông được trình bày trong sách giáo khoa tiểu học hay trung học thì đã bền vững hàng thế kỷ rồi. Bộ từ điển đang soạn thảo hiện nay là bộ thứ 9. Bộ này bắt đầu được biên soạn từ năm 1986, đến nay đúng 30 năm mới soạn đến chữ Q, tức sắp xong, xong rồi lại làm lại bộ thứ 10.
Trong thực tế, dĩ nhiên nước nào cũng có những bộ văn phạm và những bộ từ điển; chỉ trừ nước Pháp, trong thế giới Tây Âu tất cả những công trình từ điển hay văn phạm đều là sản phẩm tư nhân, từ các nhà xuất bản lớn và các trường đại học mà ra. Các bộ sách ngữ pháp và từ điển lớn đồ sộ thì dùng trong nghiên cứu, các bộ nhỏ phổ thông xuất phát từ đó ra thì dùng trong các trường trung/tiểu học hay trong đời thường của công dân. Bộ Giáo dục không áp đặt văn phạm hay từ điển “chính thức”, tuy dĩ nhiên họ có chương trình giáo dục chính quy nhưng không có sách giáo khoa được quy định chính thức. Ngoài ra còn có những từ điển chuyên ngành, cũng là do các nhóm tác giả hay các tổ chức tư nhân thực hiện và tự điều chỉnh “từ dưới lên”.
Thực ra thì trách nhiệm “chuẩn hóa” về ngôn ngữ hoàn toàn là do xã hội công dân tự hình thành, trong đó có đúng có sai, nhưng về lâu dài xã hội sẽ tự điều chỉnh. Xã hội công dân chịu trách nhiệm về ngôn ngữ của mình; trong đó nổi bật là các trí thức, đặc biệt đội ngũ thầy cô, tác giả văn chương, giới truyền thông. Những điều này là kết quả của hàng trăm năm tự do báo chí và văn hóa nghệ thuật cùng với nền giáo dục dân chủ mà ra.
Ngôn ngữ từ đời sống mà ra, đặc biệt là đời sống văn hóa giáo dục. Không ai có thể hạ mệnh lệnh cho ngôn ngữ. Ở Việt Nam đã từng có tiền lệ là Bác Hồ dùng chữ kách mệnh, nhưng nó vẫn không đi vào thực tế được. Tuy vậy chúng ta có thể đóng góp cho nó đẹp hơn bằng những cố gắng sử dụng chuẩn tắc, hay sáng tạo, của mỗi người.
Bối cảnh Việt Nam và khuyến nghị
Không phải ngẫu nhiên mà không có nước nào luật hóa các quy tắc ngữ pháp hay từ vựng, chính tả.
Có nhiều lý do cho việc đó. Trước hết, vì ngôn ngữ thường xuyên biến đổi, khó lòng quy định hết tất cả những chuẩn mực. Nhưng quan trọng hơn, nền tảng của chuẩn mực ngôn ngữ là sự chấp nhận của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ấy, hình thành trong thực tiễn nói và viết hằng ngày. Luật hóa các chuẩn mực này có ý nghĩa như là sự áp đặt từ trên xuống và là bắt buộc thi hành, nghĩa là phải đi kèm với các hình thức chế tài. Thực khó mà hình dung các biện pháp chế tài sẽ như thế nào và lực lượng nào sẽ thực hiện việc chế tài đối với hành vi nói hay viết trái với chuẩn mực do nhà nước quy định.
Vì thế, kể cả trong trường hợp nước Pháp, dù Viện hàn lâm Pháp là một tổ chức học thuật của nhà nước bao gồm những học giả lỗi lạc và rất có uy tín, thì đề xuất của họ vẫn không mang tính chất bắt buộc.
Trong bối cảnh Việt Nam, có lẽ soạn thảo Luật Ngôn ngữ là một ý tưởng không thực tế, mặc dù nhu cầu chấn chỉnh thực trạng ngôn ngữ xuống cấp và bị sử dụng sai, sử dụng tùy tiện là một nhu cầu cấp thiết.
Tuy vậy, có một số điều có thể được luật hóa, có tính chất bắt buộc và có thể chế tài, ví dụ ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ thứ hai trong hoạt động hành chính, trong nhà trường. Những quy định về đặt tên công ty, bảng tên đường, biển hiệu cơ sở kinh doanh bằng hai ngôn ngữ trở lên chẳng hạn. Hay quy định về việc dạy tiếng Việt hoàn toàn miễn phí cho người dân tộc thiểu số, hoặc tài trợ cho những hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ, giáo dục và văn hóa, nhằm nâng cao trình độ sử dụng tiếng Việt của người dân.
_____
* Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia - TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu & đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành