Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng có hơn nửa đời người phải sống và hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, luôn luôn bị mật thám, cảnh sát theo dõi, săn đuổi. Người đã phải trăm lần thay tên đổi họ, che giấu tung tích, tìm cách đánh lạc hướng kẻ thù. Những chiến công của Người đã sớm đưa Người đi vào huyền thoại, không phải chỉ với nhân dân Việt Nam, mà ngay cả ở phương Tây. Chính đại tướng Valluy (Pháp) đã có lần phải thốt lên: “Đó là một con người vô cùng đức độ mà cũng là một người đa mưu, túc kế khôn lường!”(1).
Vì vậy, xét xem một sự kiện nào đó xảy ra trong cuộc đời một con người như vậy, nhất là những sự kiện đã xảy ra cách đây hơn một thế kỷ, là có thực hay chỉ là huyền thoại, quả thật không đơn giản. Ví như sự kiện cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành khi đó đang làm việc cho hãng Vận tải Hợp nhất, đã theo tàu sang Mỹ, nhập cảng New York, vào một ngày nhàn rỗi, đã đến khu Harlem ở ngoại ô thành phố... Điều này đã có tư liệu lịch sử xác nhận. Nhưng anh Thành có dịp đến thành phố Boston, thủ phủ miền Đông Bắc nước Mỹ, rồi vào làm thợ nặn bánh mì cho nhà hàng Parker House hay không, đó là điều cần phải được xem xét, bởi nó đã được quá nhiều sách báo ở ta nói đến mà chưa ai đưa ra được chứng cứ lịch sử xác thực có thể khẳng định điều này.
***
Năm 1988, nhà văn Lê Lựu trong bút ký Một thời lầm lỗi có viết: “Cuối năm 1913, Người vượt Đại Tây Dương sang Mỹ. Tại đây, Người đã dừng chân ở New York một thời gian, đi làm thuê ở Brooklyn (tr.57) rồi vào làm phục vụ cho một nhà hàng ở Boston năm 1916 (tr.60)”. Nhà báo Hoàng Thịnh, trong một bài đăng trên báo Nhân dân, đã viết: “Trong chuyến đi thăm Mỹ đầu tiên tháng 10-1988 vừa qua, điều đặc sắc nhất đối với tôi là được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm đường cứu nước, đã từng làm việc tại nhà bếp của khách sạn Parker ở Boston vào khoảng năm 1915”(2). Thế là cùng một sự kiện, nhưng về thời gian, hai bài viết đã vênh nhau rồi.
Năm 1999, trong một chuyến đi Mỹ, GS Hà Minh Đức cũng đã đến Boston, được các bạn Mỹ đưa đi thăm nhà hàng Parker House, dẫn xuống nhà bếp, giới thiệu chiếc bàn đá cũ, đã bị vỡ một mảnh ở góc, nói rằng đây là một kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn thanh niên, Người đã phục vụ tại nhà hàng, đã từng nhào nặn những chiếc bánh mì Parker nổi tiếng trên chiếc bàn này. Câu chuyện làm mọi người xúc động, khiến tác giả nảy ra ý nghĩ: “Tôi nghĩ rằng những cơ quan có trách nhiệm nên giao thiệp với khách sạn, thương lượng để họ chuyển nhượng cho chiếc bàn của Bác. Kỷ vật này nếu được giới thiệu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ gây xúc động cho người xem”(3).
Mấy năm sau, chính Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Tình, cũng đã có mặt ở Boston, đến thăm nhà hàng Parker House và cũng có những xúc động không kém khi đứng trước chiếc bàn được truyền tụng là xưa kia người thanh niên Tất Thành đã từng nhào nặn bánh mì trong những tháng ngày làm thuê ở đây. Vị giám đốc bảo tàng đã cho quay phim, chụp ảnh chiếc bàn, hy vọng sẽ phục chế thành một hiện vật để trưng bày “về thời kỳ bôn ba nơi đất khách quê người để tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu”(4). Thế là vấn đề đã vượt qua ngoài khuôn khổ tiếp thị của nhà hàng rồi.
Tháng 7-2005, tôi lại được đọc ký sự Hành trình trên đất Mỹ của một phóng viên báo Thanh niên, nhân chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải. Bài báo cũng nói đến sự kiện này, trong đó có trích một đoạn trong bài tiếp thị của bà Susan Wilson, nhà báo - nhà văn của tờ Boston Globe, rồi cảm thán: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng có thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh mì tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt này đã đem đến vinh dự cho nơi này”(5). Nhà báo còn đi xa hơn khi dẫn thêm chi tiết rằng: “Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm việc ở tiệm bánh của Omni Parker House lúc theo đuổi việc học ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT)”(?); tiếp theo nhà báo còn “hình dung cảnh người thợ bánh mì mang chí tiến thủ ấy đạp tuyết giữa mùa đông lạnh giá ở Boston, ngày ngày đi về hàng mấy dặm đường đến trường MIT gần bờ sông Charles, mà nao lòng”(6). Nhà báo cũng dẫn ý kiến của một nhà sử học (không rõ ông ấy có nói như vậy không), rằng sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Mỹ năm 1915 “đã có những tài liệu xác nhận sự lưu trú của Bác Hồ tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ”. Rất tiếc, giá nhà báo dành ít chút thời gian đến thăm trường MIT, tìm đọc tư liệu lưu trữ của trường để biết người thanh niên Paul Tất Thành đã theo học ban nào, hệ nào, từ năm nào đến năm nào của trường, có học hết khóa và có tốt nghiệp không? v.v... Nếu có thì sẽ là một tư liệu vô cùng quý báu đối với tất cả những ai quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài những bài viết đã dẫn ở trên, còn có thể nói đến bài của Nguyễn Thụy Kha trên Tiền phong cuối tuần và nhiều bài khác mà tôi chưa được biết, chưa được đọc. Cần khẳng định ngay rằng các bài viết trên đều được viết rất trân trọng, với nhiều cảm xúc về lãnh tụ kính yêu, về niềm kính trọng và tình cảm tốt đẹp của những người bạn Mỹ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc xây đắp mối quan hệ Việt - Mỹ. Đối với bạn đọc rộng rãi, những bài viết đó đã đem lại những thông tin mới lạ và hấp dẫn.
Song đối với các nhà sử học, Hồ Chí Minh học và bảo tàng học... họ lại có những đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn. Giai thoại, huyền thoại chưa phải là lịch sử, tuy huyền thoại có mặt chân thực của nó, đó là sự ngưỡng mộ có thực của quần chúng đối với vĩ nhân. Còn khoa học, đòi hỏi phải được các tư liệu lịch sử kiểm chứng và xác nhận. Ví như muốn đưa sự kiện trên vào tiểu sử chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc muốn xin nhượng lại hay phục chế chiếc bàn đá kia để phục vụ trưng bày trong bảo tàng thì lại càng phải hết sức thận trọng trong xác minh tư liệu.
***
Vậy, hồi trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sang Mỹ mấy lần? Theo các ý kiến trích dẫn ở trên thì Hồ Chí Minh đến Mỹ vào các năm 1911-1913, hay năm 1915-1916 hoặc 1917-1918? Năm nào Người đến thành phố Boston, đi thăm trong chốc lát hay định cư ở đây, vừa làm thợ nặn bánh mì vừa theo học trường MIT, từ năm 1913 đến 1915?
Theo các tư liệu hiện có, ta biết đích xác Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến nước Mỹ một lần, đó là vào cuối năm 1912, khi đang làm việc cho hãng Vận tải Hợp nhất (Chargeurs Réunis) có trụ sở tại thành phố Le Havre, miền Bắc nước Pháp. Sau khi tới New York, ngày 15-12-1912, với tên ký Paul Tất Thành, Người có gửi cho Khâm sứ Trung Kỳ một bức thư, nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha mình là Nguyễn Sinh Huy. Dưới thư có ghi rõ địa chỉ hộp thư lưu: Số 1 đường Đô đốc Courbet, thành phố Le Havre, nước Pháp(7). Trong thời gian chờ tàu dỡ hàng và cất hàng, vào thời gian rảnh rỗi, anh Thành đã tranh thủ lên bờ đi thăm thành phố. Người cho biết đã từng đi xe điện ngầm tới khu Harlem của người da đen, tham dự cuộc mít tinh do Tổ chức cải thiện đời sống của toàn thể người da đen (Universal Negro Improvement Trust - viết tắt là UNIT) đứng ra vận động quyên góp tài chính và anh Thành đã hào hiệp hưởng ứng bằng tất cả đồng lương ít ỏi của mình(8).
Sự kiện này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại, lần đầu trong tờ khai lý lịch cho Quốc tế Cộng sản năm 1938; một lần trong buổi tiếp phái đoàn hòa bình Mỹ sang thăm Việt Nam năm 1961, do ông Robert Williams, là người Mỹ da đen, cùng vợ là bà Mahen; lần thứ ba trong cuộc nói chuyện với nhà báo Mỹ David Dellinger sang thăm Hà Nội năm 1966(9). Trong cả ba lần này, không lần nào Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng mình đã đến Boston.
Trong chuyến đi năm 1912, Paul Tất Thành ở Mỹ bao lâu? Thông thường, mỗi con tàu vận tải, tùy theo lớn nhỏ, thời gian lưu tại cảng để dỡ hàng và cất hàng càng nhanh càng đỡ tốn kém. Là nhân viên đang làm việc trên tàu chứ không phải đi du lịch, anh Thành không thể bỏ việc đi chơi xa được (Boston cách New York gần ngàn cây số) lại càng không có chuyện tự do bỏ tàu, lên bờ định cư ở Boston, vừa làm thợ nặn bánh mì vừa vào học trường MIT từ năm 1913 đến 1915. Điều này đòi hỏi những thủ tục nhập cảnh rườm rà, nhất là ở Mỹ. Vả lại vào thời điểm đó, anh Thành mới học xong tiểu học Pháp - Việt, và chưa biết tiếng Anh, sao có thể vào học trường MIT được?
Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (tập 1 - sđd), khoảng cuối quý I-1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ, trở về Le Havre. Tại đây, anh làm thủ tục rời tàu, rồi tìm đường sang nước Anh, nơi mà cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ireland đang sôi nổi, có triển vọng giành được thắng lợi. Hiện nay ta chưa có tư liệu chính xác về thời gian cụ thể Nguyễn Tất Thành đến nước Anh, đành phải căn cứ vào nội dung những bức thư Nguyễn Tất Thành gửi cho Phan Châu Trinh từ nước Anh (tiếc rằng nhiều thư không đề ngày tháng) để suy đoán. Qua tìm hiểu, TS Thu Trang (ở Pháp) cho rằng thời gian gửi những bức thư từ nước Anh là trước năm 1914. Theo bà, “Đó là dựa vào lời khai trong một cuộc hỏi cung về việc Phan Châu Trinh bị bắt... Tiếc là số thư ấy bị tên Chuyên là người tố cáo hai nhà chí sĩ họ Phan đã hủy hết trước khi bị bắt. Vì vậy mà chúng ta chỉ có thể căn cứ vào lời khai sau đây (của Cao Đắc Minh) để biết là Nguyễn Tất Thành đã gửi thư sang Paris vào năm 1913 để liên lạc với Phan Châu Trinh”(10).
Ngày 3-8-1914, cuộc đại chiến thế giới I bùng nổ. Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã gửi ngay thư cho Phan Châu Trinh nói về sự kiện trọng đại này(11). Sau đó, có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh, việc trao đổi thư từ giữa Nguyễn Tất Thành và Phan Châu Trinh bị gián đoạn, nhưng chủ yếu là do cả Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đều đã bị bắt giam, chỉ một tháng sau khi Pháp - Đức tuyên chiến, về cái tội gọi là “âm mưu chính trị chống nước Pháp”. Sau khi được tha (7-1915), cụ Phan bị cắt trợ cấp, phải đi làm ảnh nơi xa Paris để sinh sống, ông Phan Văn Trường cũng đi Mayence làm việc, địa chỉ liên hệ có lẽ vì thế mà trở nên khó khăn.
Ngày 16-4-1915, Nguyễn Tất Thành, từ nước Anh, gửi một bức thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha mình. Nhưng bức thư không đến được người nhận vì không tìm được địa chỉ của cụ Nguyễn Sinh Huy(12), lúc này cụ Huy đã về sống ở Đồng Tháp.
Như vậy, vào thời gian từ 1913 đến 1915, Nguyễn Tất Thành đang sống, làm việc, học tập tại nước Anh, chứ không phải ở Boston (Mỹ) làm thợ nặn bánh mì hay đang theo học tại trường MIT, như có báo đã viết.
Theo một tài liệu của mật thám Pháp lưu tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại (CAOM), đầu tháng 9-1919, Nguyễn Ái Quốc có trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ. Bài phỏng vấn này đã được đăng trên một tờ báo ở Thiên Tân (Trung Quốc) ra ngày 18 và 20-9-1919. Một mật vụ người Pháp ở Bắc Kinh đã dịch tóm tắt bài phỏng vấn đó gửi về Paris, đại ý là: Sau khi việc nêu Yêu sách thất bại, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực để tiếp cận với nhiều nhân vật chính trị có tiếng và tranh thủ sự ủng hộ của tất cả mọi người. Về hoạt động tại các nước khác, Nguyễn Ái Quốc cho biết ông đã thực hiện một chuyến đi tới Hoa Kỳ và “tại nước các bạn (Hoa Kỳ), chúng tôi đã đạt được những thành công lớn nhất”(13).
Vậy chuyến đi đó, nếu có, được thực hiện vào thời gian nào? Theo nhà sử học Mỹ Sophie Q. Judge: vào năm 1912 thì điều đó chưa thể xảy ra, mà vào năm 1917-1918, khi Nguyễn Ái Quốc đã ở Paris thì cũng khó thuyết phục.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc vào thời gian này khó có thể thực hiện, một là vì khi ấy Nguyễn Ái Quốc không còn điều kiện đi Mỹ như hồi còn làm thủy thủ cho hãng Vận tải Hợp nhất nữa, mà bỏ tiền dành dụm mua vé tự đi thì lại càng khó hơn; hai là thời gian này chiến tranh thế giới I vẫn đang diễn ra ác liệt, không một tàu vận tải hay tàu khách nào dám vượt đại dương, đơn giản là nếu không vấp phải thủy lôi dày đặc thì cũng trở thành mục tiêu cho máy bay đối phương oanh kích. Vì vậy, nếu Nguyễn Ái Quốc có nói với nhà báo Mỹ về chuyến đi Hoa Kỳ năm 1917-1918 gì đó thì cũng chỉ nên coi là một cách “khuếch trương” sự ủng hộ của quốc tế đối với vấn đề độc lập của Việt Nam vừa được khởi động với bản Yêu sách tám điểm.
Một sự việc nhỏ, đã xảy ra từ những năm đầu của thế kỷ trước bỗng thu hút được sự quan tâm, chú ý của giới sử học hai nước Việt - Mỹ vào lúc mà quan hệ hai nước đang tiến tới bình thường hóa sau gần 20 năm kết thúc chiến tranh. Tháng 7-1993, một đoàn học giả Mỹ gồm 3 người đã xin sang làm việc với Viện Hồ Chí Minh. Đoàn do bà GS Marilyn Young, Trưởng khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp New York làm trưởng đoàn, thành viên còn có GS William Duiker, khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp quốc gia Pennsylvania và GS Tom Grunfelt, khoa Lịch sử Trường đại học Quốc gia Empire - New York. Về chủ đề trao đổi, phía Việt Nam đề nghị một vấn đề tương đối rộng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ Việt - Mỹ, 1912-1969”; nhưng phía Mỹ nói chỉ được giao một vấn đề tương đối hẹp là “Nghiên cứu, trao đổi về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian 1912 ở Mỹ”.
Hai bên đã thông báo cho nhau về các nguồn tư liệu, kết quả nghiên cứu của mỗi bên và trao đổi các công trình khoa học đã được xuất bản. Về sự kiện Nguyễn Tất Thành đến New York cuối năm 1912, cả hai bên đều nhất trí ghi nhận, thông qua các tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng. Phía Việt Nam có nêu lên với đoàn Mỹ câu hỏi về sự kiện Nguyễn Tất Thành có đến Boston, vào làm công cho nhà hàng Parker House hay không? Phía các học giả Mỹ đã chuyển cho Viện Hồ Chí Minh một tờ tiếp thị của nhà hàng Parker House in đầu năm 1993, trong đó có một chi tiết nói rằng Hồ Chí Minh có thời gian từng là nhân viên của nhà hàng. Phía Việt Nam đã nêu lên những băn khoăn, thắc mắc chung quanh sự kiện này. Các học giả Mỹ cũng thừa nhận là họ chưa có điều kiện nghiên cứu và thẩm tra kỹ về sự kiện này, xin được trả lời sau. Bà trưởng đoàn M. Young đã phân công cho một thành viên trong đoàn, khi đó còn tương đối trẻ (sinh năm 1946) là GS Tom Grunfeld, sau khi về Mỹ sẽ đi Boston khảo sát, viết báo cáo tường trình rồi đưa ra ý kiến kết luận của mình về sự kiện này, rồi gửi cho phía Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 1-5-1994, GS Tom Grunfeld đã hoàn thành báo cáo có tiêu đề Đi theo vết chân Hồ Chí Minh, trong đó ông cho biết: “Việc điều tra, tìm hiểu qua Ban quản lý khách sạn Omni Parker House đã không cung cấp được thông tin xác thực nào về việc ông Hồ Chí Minh đã từng làm việc tại đó. Tìm hiểu trong hồ sơ Cục di dân và Chuyển quốc tịch của Hoa Kỳ cũng không thấy có tư liệu nào nói về sự có mặt của ông Hồ Chí Minh ở Boston, Hoa Kỳ”(14).
Vấn đề như thế là đã rõ. Nguyễn Tất Thành là nhân viên của hãng Vận tải Hợp nhất, theo tàu hàng nhập cảng New York chừng một tuần (như Người đã nói với nhà báo Mỹ D. Shoenbrun ở Paris năm 1946), có lên bờ đi thăm thành phố, chứ không có chuyện định cư, làm thuê hay học tập lâu dài tại nước Mỹ, vì vậy không có một tư liệu nào được ghi lại và lưu trữ tại đây.
Trở lại tờ tiếp thị của nhà hàng Parker House do nhà văn Susan Wilson viết, ở đoạn thứ ba, khi bà kể ra các nhân vật đầy danh tiếng là nhà văn, nghệ sĩ, chính khách... đã từng lui tới nhà hàng như Emerson, Hawthorne, Longfellow, Whittier, James Michael Curley, John F. Kennedy v.v... cuối đoạn này có thêm một câu: “Người ta nói rằng nhân viên của khách sạn còn có cả Malcom X và Hồ Chí Minh”. Chỉ có vậy thôi. Chính nhà văn sau đó cũng đã phải viết ra câu này: “Nhưng vấn đề là ở chỗ không còn dấu vết gì để chứng minh rằng đây là nơi lui tới của các nhân vật danh tiếng ấy”(15). Năm 2015, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu thăm nước Mỹ, có đến Boston, ghé thăm nhà hàng Parker House, cũng được họ mời xuống nhà bếp, thăm nơi nói là anh Paul Tất Thành đã từng làm việc tại đây; nhưng chẳng có dấu tích lịch sử nào cả, trừ bức chân dung lồng kính Nguyễn Ái Quốc mặc com lê, thắt ca vát, được chụp vào năm 1924 khi Người lần đầu tiên đến Moskva dự Hội nghị Quốc tế nông dân!
***
Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy vì muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu sử học, Hồ Chí Minh học và bảo tàng học những thông tin, tư liệu chung quanh sự kiện này để rộng bề tham khảo trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Đối với người Việt Nam chúng ta, phát hiện ra mỗi chi tiết, sự kiện có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đáng quý, nhất là những sự kiện thuộc những năm tháng gian nan nơi đất khách quê người của Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ XX đã quá xa xôi, lại càng đáng quý hơn. Được bạn bè quốc tế trân trọng nói với ta về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ta đang tham quan, du lịch ở nước ngoài, đã làm ta rất cảm động, nhưng được thấy họ trân trọng giữ gìn những kỷ vật về Người, ta lại càng cảm động hơn. Nhưng khi cảm xúc đã lắng lại, cần phân biệt giữa giai thoại và lịch sử, giữa tiếp thị trong du lịch với nghiên cứu khoa học. Đó cũng là điều cần thiết chung cho tất cả chúng ta khi nói và viết về Bác Hồ kính yêu.
_____
(1) L’amitié définitive (Tình bạn thủy chung - Trả lời phỏng vấn của tướng Valluy) Planète Action, 3-1970, tr.36.
(2) Báo Nhân dân, ngày 19-11-1988.
(3) Hà Minh Đức, Ba lần đến nước Mỹ, tập bút ký, NXB Văn học, 2000, tr.139.
(4) Nguyễn Thị Tình: Thăm lại những nơi đã in dấu chân của Bác, Nội san TTTL BTHCM, số 7/2005, tr.19.
(5), (6) Nguyễn Quang Thông: Ký sự hành trình trên đất Mỹ. Kỳ 1: Gian bếp nhỏ ở Omni Parker House, báo Thanh niên, số ra ngày 5-7-2005.
(7) Lá thư đã được chuyển đến Khâm sứ Trung Kỳ, hiện lưu tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại (CAOM), Paris. Theo D. Hémery: Jeunesse d’un colonisé, genèse d’un exil... Approche - Asie, N0 11-1992, p.132.
(8) Theo bài của Tony Martin, trên báo Caribe (tập IX, số 1) của Hoa Kỳ.
(9) D. Dellinger: Nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạp chí Libération số 10-1969, xem: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.1 (1890-1929), xuất bản lần 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
(10) TS Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, NXB Văn nghệ TP.HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000, tr.121.
(11) Xem nguyên văn bức thư in trong Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.1 (sđd), tr.55.
(12) Bản chụp bút tích, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(13) Hiện chúng tôi chưa tìm được nguyên văn bài trả lời phỏng vấn này. Xin tham khảo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.1 (sđd) và Hồ Chí Minh, những năm tháng lưu lạc 1919-1941, University of California Press, 2002, tr.18-19 (tiếng Anh).
(14) Xem W. Duiker: Ho Chi Minh: A life, chú thích số 9 của chương II nói về sự kiện này.
(15) Trang tiếp thị của nhà hàng Parker House, in trong sách Calendar của báo The Boston Globe, ngày 4-3-1993. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.