HV109 - Về tên của cụ Phan Châu Trinh

HỎI: Thành phố Đà Nẵng có đường Phan Chu Trinh và trường Phan Châu Trinh. Tại sao một nhân vật lịch sử mà có hai cách viết tên khác nhau?

Trần Thanh Nhã (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng)

ĐÁP:

Một số chữ Hán có nhiều âm Hán-Việt. Chẳng hạn, chữ có hai âm Hán-Việt: HOÁN và CÁN (Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB Đà Nẵng, năm 2005, trang 324-325).

Chữ ký của cụ Phan Châu Trinh

Trong phong trào Văn thân ở Nghệ Tĩnh, có một lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp tên viết bằng chữ Hán là 陳光浣. Ngày nay các sách phiên ra chữ quốc ngữ bằng hai tên khác nhau: Trần Quang Hoán hay Trần Quang Cán. Trong thực tế, chỉ có một trong hai tên đó là đúng, nhưng vì ông và những thân nhân, bạn bè ông đều đã qua đời, nên chúng ta đành phải chấp nhận cả hai cách phiên âm.

Từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, một số chữ Hán có hai cách đọc khác nhau. Ví dụ: ở Đàng Ngoài (phía bắc sông Gianh) đọc Tùng, Chu, Tính, Nhân... trong khi ở Đàng Trong (nam sông Gianh) đọc Tòng, Châu, Tánh, Nhơn... Trong sách Việt Nam sử lược, tác giả Trần Trọng Kim viết Ngô Tùng Chu, Võ Tính, Ngô Thanh Nhân... là không phù hợp, vì các nhân vật này sống ở Đàng Trong, nên tên của họ phải viết Ngô Tòng Châu, Võ Tánh, Ngô Thanh Nhơn. Cũng trong sách trên, tác giả viết Phan Chu Trinh.

Từ khi tên viết bằng chữ quốc ngữ, chỉ có một cách đọc duy nhất. Do đó phải căn cứ trên giấy tờ hộ tịch (như giấy khai sinh, giấy căn cước...), trên cách viết, chữ ký của chính đương sự. Cụ ký “Phan Châu Trinh” thì tên của cụ là Phan Châu Trinh, không thể là Phan Chu Trinh được. Vả lại, con cháu của cụ dùng chữ “Châu” trong tên mình, như Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên, Phan Thị Châu Loan...

 

DUY VIỆT