HV109 - Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

Mỗi khi nghe bài hát Quê em miền trung du của Nguyễn Đức Toàn, ta nhớ lại cả một thời kháng Pháp. Trung du Bắc Bộ lúc ấy bị giặc chiếm. Biết bao đau thương tang tóc của đồng bào, đồng chí, quê hương… Nhưng rồi quân ta đã về chiếm lại đồng quê ta - “đồng xuôi lúa xanh rờn, giặc tràn lên đốt phá, dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ…”. Tôi không ở Bắc Bộ, ở trung du ngày ấy, nhưng bài hát này, cũng như bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng… làm tôi cảm hết cái tình của kháng chiến. Bài hát với giai điệu mượt mà, duyên dáng (theo nhịp 3/4 của điệu valse), dễ in vào hồn những tứ thơ tứ nhạc chắt lọc từ cuộc đời. Quê em miền trung du là một kiệt tác sống mãi…

Và đến thời chống Mỹ, một kiệt tác khác, một đỉnh cao của nhạc kháng chiến: Biết ơn chị Võ Thị Sáu của ông ra đời. Điều lạ là nhạc sĩ miền Bắc Nguyễn Đức Toàn, chưa vào Nam bao giờ, mà bằng tâm huyết, tài nghệ lớn của mình đã thâm cảm và tưởng tượng kỳ tuyệt về kỳ tích của người con gái đất đỏ một cách tha thiết, sinh động vang vọng đến thế! “Mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở…”.

Có người nói hoa lê-ki-ma là một thứ hoa “huyền thoại” mà nhạc sĩ đã tiếp nhận từ truyện Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, chứ không phải loài hoa có thật. Không phải. Hoa lê-ki-ma có ở khắp Nam Bộ, trái của nó (trái trứng gà) không những ăn được, mà còn rất thơm ngon béo ngọt… Nhưng loài hoa ấy hợp với Võ Thị Sáu trong bài hát mới trở thành hoa huyền thoại. Điệu nhạc trong sáng, tha thiết…, lời ca có những tứ tuyệt kỹ “…tôi đứng trước nấm mộ chôn sâu người nữ anh hùng”; lúc viết là tưởng tượng, mà sau năm 1975 là sự thật, vì tác giả đã đến Côn Đảo và sáng tác về Côn Đảo…

Chỉ cần nhắc tên hai đỉnh cao, hai kiệt tác ấy thôi cũng đủ để nói về tâm hồn, chí khí, tài nghệ của nhạc sĩ. Chưa kể, còn những bài rất hay, đã thành “bài tủ” của bao thanh niên nam nữ, như Hà Nội một trái tim hồng - “hàng cây xanh bao mùa lá đỏ, gió sông Hồng rì rào sóng vỗ, mùa thu đi qua từng phố nhỏ, ơi hồ Gươm như một bài thơ…”, Chiều trên bến cảng - “…nghe đất nước đang gọi mình đi, theo cánh chim của đồng quê, hỡi em yêu, nghe biển gọi, giữa trời chiều…”, Mời anh đến thăm quê tôi - “…ngày được mùa bao cô gái ngồi dệt lụa dưới ánh trăng khuya, anh đến thăm quê tôi mà nghe tiếng sáo lưng trời, bà mẹ già đang ru cháu một đời người nay mới thấy tương lai”…

Nguyễn Đức Toàn là nhạc sĩ, họa sĩ quân đội (đại tá). Ông đã học mỹ thuật: vẽ, điêu khắc (đồ đồng)… Nhưng người ta hiểu ông nhiều hơn là ở những ca khúc làm sống dậy cả một thời oanh liệt của dân tộc.

Vĩnh biệt Nguyễn Đức Toàn, chúng ta ngước trông lên thành tựu âm nhạc của cả một thế hệ vàng kháng chiến và tìm cách phát huy nó, để cứu vãn tình trạng âm nhạc có phần chìm lắng hiện nay…

H.V.