HV110 - Di sản văn hóa - giáo dục xứ Nghệ: Mộc bản Trường học Phúc Giang

Từ xưa, trên vùng đất xứ Nghệ đã hình thành nên những làng khoa bảng, những trung tâm văn hóa - giáo dục lớn, có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi khu vực. Những trung tâm văn hóa - giáo dục đó thường gắn với các thư viện lớn của các cá nhân và gia tộc. Thời Hậu Lê có Phúc Giang thư viện của gia tộc họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (huyện Can Lộc).

Phúc Giang thư viện được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) sáng lập vào khoảng những năm 1775 đến 1777, và sau đó tiếp tục được các danh sĩ trong gia tộc không ngừng bổ sung. Đây không chỉ là thư viện cá nhân cổ nhất hiện tồn, tàng trữ hàng ngàn quyển sách in trên giấy mà còn là một xưởng in với hàng ngàn trang chế bản trên gỗ (mộc bản). Hơn thế, Phúc Giang thư viện không chỉ là nơi để sĩ tử trong vùng đến đọc sách mà còn là nơi dạy học, đào tạo cho xã hội lúc bấy giờ khoảng trên 30 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân.

Trước kia Phúc Giang thư viện có khoảng gần 2.000 mộc bản nhưng đến nay, sau một thời gian dài không được quan tâm bảo tồn nên đã hư hỏng, mất mát, chỉ còn lại 383 bộ được lưu giữ và bảo quản tại nhà riêng của ông Nguyễn Huy Mỹ ở xã Song Lộc (huyện Can Lộc).

Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh(1) và các ông Nguyễn Huy Mỹ - Nguyễn Trí Sơn(2) thì những bộ mộc bản còn lại gồm bản in của các bộ sách Tính lý toản yếu đại toàn (2 quyển), Ngũ kinh toản yếu đại toàn (9 quyển). Hai bộ sách này là đều là những sách cơ bản của Nho gia dùng để dạy học trong các nhà trường phong kiến, được Nguyễn Huy Oánh và các danh sĩ trong gia tộc “toản tu” để khắc ván, in sách. Ngoài hai bộ sách nói trên còn có một bản Thư viện quy lệ. Chữ “thư viện” trong Phúc Giang thư viện hay Thư viện quy lệ, trong cách hiểu của người xưa còn có nghĩa là “trường học”. Vì vậy, Phúc Giang thư viện còn được người đương thời coi là Trường Lưu học hiệu.

Tuy mộc bản Phúc Giang còn lại rất ít so với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và mộc bản triều Nguyễn, nhưng vì nó cổ hơn nên có giá trị tư liệu cao hơn. Theo ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban UNESECO Việt Nam - “Vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc”(3). Vì vậy, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, cùng với thơ văn, kiến trúc cung đình Huế, mộc bản Trường học Phúc Giang được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

_____

(1) Thái Kim Đỉnh, Bộ ván khắc của “Thạc đình tàng bản” lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn - Tràng Lưu, tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 217 (tháng 8-2016), tr.8-10.

(2) Nguyễn Huy Mỹ - Nguyễn Trí Sơn, Mộc bản Trường học Phúc Giang, tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 217 (tháng 8-2016), tr.11-13.

(3) http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/30788902-moc-ban-truong-luu-tro-thanh-di-san-ky-uc-the-gioi.html

PHẠM QUANG ÁI