Ngày mùng một, theo chân anh em thủy điện như lệ thường hằng tháng đi thắp hương tại đền vua Lê Thái Tổ.
Cũng không xa lắm, tính từ công trình thủy điện Lai Châu. Đền nằm bên con đường nhựa thủy điện mới mở, kề bên bờ sông Đà. Hàng trăm bậc đá màu đen sẫm khai thác mang về đây, không bao giờ có rêu, dẫn tôi lên một đỉnh núi nằm lọt giữa nhiều dãy núi sừng sững, tựa như những bức thành xanh trên Nậm Nhùn, xưa vốn là đất thuộc Mường Tè, một huyện lỵ nơi biên cương trấn giữ phía tây bắc đất nước.
Mưa vẫn rơi lắc cắc lẫn từng chùm nắng le lói đan trong thảm rừng. Con đường nhỏ chìm giữa khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, cho cảm giác một không gian u tịch, trầm mặc, thâm nghiêm. Ta đi lên một cõi tâm linh! Tôi chầm chậm bước trong sự im lặng gần như tuyệt đối để trước mắt, giữa rừng xanh, bỗng hiện ra một ngôi đền thấp, cỡ chừng nhà ba gian, khá thuần Việt. Và, trước đó, chính giữa, trong một ngôi nhà mái cong thiết kế cổ kính, tựa như một ngôi miếu cổ cao lớn, có một khối đá cao tới hơn hai mét, ngang chừng khoảng ba mét, nặng hàng chục tấn đập vào mắt. Tôi tiến lại gần. Những dòng chữ Hán trong ánh sáng chập chờn của một sớm vừa nắng vừa mưa, dầu đã qua mấy trăm năm, nắng sương gội gió, vẫn còn hiện lên rất rõ nét. Sớm mai mùng một. Tôi bàng hoàng đưa tay sờ vào phiến đá, rờ vào những con chữ của tiền nhân. Rõ ràng trong tôi có một dòng điện chạy nhanh, bất ngờ cho cảm giác tôi đang chạm vào thời gian xa lắc.
Đại Việt sử ký toàn thư đã từng viết, kể về chuyến tuần thú của vua Lê Thái Tổ từ Thăng Long qua Hòa Bình và tới tận rẻo biên cương này.
Thơ rằng:
Thân chinh đi đánh dẹp Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ(1)
Bọn giặc ngông cuồng đáng tội giết dám trốn
chạy ư?
Dân chúng vùng biên giới từ lâu mong chờ
nhà vua đến để đời sống họ tươi tỉnh lại.
Xưa nay vẫn có bọn bề tôi làm phản,
Đất hiểm yếu từ nay không còn bóng giặc.
Gió thổi cỏ, hạc kêu cây bọn giặc cũng kinh
hoàng,
Núi sông ở đây vào bản đồ đất nước.
Ta đề thơ khắc vào đá,
Trấn giữ vùng biên giới miền tây nước Việt ta.
Ngày lành tháng chạp năm Tân Hợi (1431)
Ngọc Hoa Động Chủ đề
Ngọc Hoa Động Chủ là tên ai hay bút danh của chính vua Lê trong chuyến tuần thú kể trên mà Người khi đó, với cái tên như tự xưng với tất cả rằng, Người là chúa tể ở cõi biên cương này. Đó là câu chuyện dành cho giới sử học phát ngôn. Nhưng rõ ràng lời lẽ trong đoạn thơ trên không phải của người bình thường, cũng không phải của một bậc quan lại cao cấp. Khí thơ và lời lẽ rõ ra một người ở vị thế vương giả, vua chúa cao trọng và đầy quyền uy phát ngôn.Tôi rùng người cúi lạy phiến đá. Một cột mốc thiên nhiên giữa vùng biên ải. Cúi lạy lời của tiền nhân, đã khắc sâu, để lại như sự căn dặn cho hậu thế. Như nhắn nhủ chính tôi và anh em thủy điện cũng như bao người đang ở đây, sẽ sinh ra, đã và sẽ tới đây rằng, đừng sao nhãng cái “bọn giặc cuồng” mà phải vững tay, giữ gìn nơi ông cha đã đánh dấu, dẫu là một tấc đất, một dặm biển đã ngàn năm thuộc về non sông gấm vóc.
Hỏi ra cho tường, dấu mốc này xưa tạc trên vách đá, đã bao nhiêu năm nằm giữa cánh rừng ven con sông Đà. Không phải du khách nào cũng biết mà tới thăm viếng. Trước khi hồ thủy điện Sơn La dâng nước, những người làm thủy điện đã chú ý tới dấu mốc văn hóa vô giá này và để bảo tồn di tích, họ là những người đầu tiên nghiên cứu đề xuất để Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu quyết định cho họ di dời và xây thêm một ngôi đền thuần Việt, để tưởng nhớ công ơn Đức vua và tạo ra một không gian nghiêm cẩn, cho một di chỉ vô giá của tổ tiên.Ở hậu cung đền, có bức tượng đồng thờ đức vua Lê Thái Tổ. Bức tượng đồng nhỏ, khiêm tốn chứ không to lớn phô phang. Tượng chép lại tượng cổ vua Lê ở quần thể văn hóa Hồ Gươm, nơi kề khuôn viên báo Nhân dân hôm nay.Khen công trình vừa đủ độ lớn khiêm tốn đứng giữa núi non bao la mà vẫn rất trang nghiêm này, Bùi Phương Nam nhẹ nhàng nói với tôi: “Chúng em làm khoa học nên sự hiểu biết về sử, về văn hóa không nhiều. Công trình nhỏ này, được như ngày hôm nay là có sự góp ý, chỉ dẫn của nhiều nhà văn hóa, mà trong đó, đặc biệt có sự giúp đỡ chu đáo của giáo sư, ông Hoàng Đạo Kính. Riêng việc đưa khối đá nặng hàng chục tấn kia dưới thấp, kề bên dòng sông Đà, từ khâu cắt lìa nó khỏi vách núi, toàn khoan tay, tới việc đưa Ngài lên tới đây, là cả một bài toán không đơn giản”. Từ Ngài mà Nam dùng, lời lẽ, ngôn từ của anh em thủy điện dùng, làm tôi giật mình. Ơ hay, khi lòng người kính trọng, đá cũng hóa tâm hồn. Đá vô tri, một khi đã gửi vào đó tư tưởng của tiền nhân, thì bản ngã đá, sự vô tri biến mất, vì hậu thế cảm rõ được tấm lòng và tư tưởng của tiền nhân để lại. Đá bỗng có bản thể, mang tâm hồn của Một Con Người.Đền thờ Lê Thái Tổ với di chỉ phiến đá có thơ đề của Ngọc Hoa Động Chủ, nay là nơi duy nhất khang trang, đậm ý nghĩa tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, giúp cho sự đi lại thuận tiện mà thăm viếng và hương khói của nhân dân, các dân tộc tại Nậm Nhùn.
Chúng tôi thắp hương. Tôi kính cẩn dưới bức bức tượng đồng nhỏ của Lê Thái Tổ trong một tâm trạng đa chiều về quá khứ và hiện tại, để lòng rưng rưng dâng lên lời cầu khẩn.
Ra về, có vài người dân bản địa, cả cô chủ quán Thái xinh đẹp trẻ trung mà mới tối qua luộc ngô non đãi chúng tôi. Sớm nay cô gái Thái cũng lên đây dâng hương. Cháu ơi, cháu cầu mong gì?
Hóa ra, tại huyện này người ta mới thêm có một nơi thiêng liêng hiếm hoi, xưa cả vùng núi bao la không hề có đền, lại thuận tiện hơn, thỏa mãn nhu cầu về tâm linh. Nó cũng là nơi thuận tiện hơn để thêm nhiều người đến mà nhớ tới lời dặn của tiền nhân, ở một không gian đầy kính cẩn và tôn quý. “Xưa bên phiến đá đề thơ cũng chỉ có một am rất nhỏ thôi anh ạ” - Nam giải thích. Đó cũng là một điểm nhấn bày tỏ, rõ ra lòng kính trọng, sự cố gắng bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, trong quá trình xây dựng thủy điện với tinh thần: không chỉ có điện cho quá trình hiện đại hóa, cho kinh tế quốc dân, mà còn liên quan tới nhiều vấn đề như an ninh chính trị, bảo tồn văn hóa của bản địa và bao nhiêu vấn đề khác cần chú ý tháo gỡ do nhân dân và chính phủ giao cho ngành.
Nói chuyện với giám đốc Phương ở Hà Nội về di chỉ đáng giá này, Phương khoe ngay với tôi, những anh em đi làm cùng với Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh rất có ý thức. “Chúng em đã thu gom về rất nhiều hiện vật thuộc công cụ sản xuất, đặc trưng ở các bản điển hình nay đã chìm trong lòng hồ. Những di chỉ tôn giáo, văn hóa từng dân tộc, khi đồng bào không mang theo lúc di dân, được đồng thuận của ủy ban các cấp, thuận tình của đồng bào các bản, mường, được tập trung lại để Ban A Thủy điện kiến tạo mỗi tỉnh một Bảo tàng văn hóa mà lưu giữ lại các hiện vật của đồng bào rất khang trang...”. Tôi hỏi lại, thế các ông mang máy bay trực thăng lên cẩu khối đá đề thơ đức vua Lê ư? “Không! Đấy là những người ngoài nghề tưởng như thế. Người thủy điện giỏi di dời các vật siêu nặng lắm” - Phương cười tự hào vang vang trong máy.
Thì ra, cũng theo Nam giải thích: “Ban đầu, người ta định đặt đền trên một ngọn núi khác. Nếu vậy, công việc sẽ dễ dàng hơn bởi đoạn đường di dời gần hơn. Nhưng nếu đặt ở vị trí ấy, lại không thuận tiện cho nhân dân các dân tộc trong vùng tới thăm viếng đền. Chúng em khảo sát kỹ, đã chọn ngọn núi sát đường mới mở, nơi anh em ta đã tới. Mở một con đường ngoằn ngoèo đằng sau núi để vận chuyển khối đá lên cao. Tính toán thế nào, con đường mở ra sao, ít phải hạ cây đại thụ lâu năm đi. Công việc khó khăn hơn. Lại tời, kéo đá, cẩu khối đá lớn ấy đặt lên xe lớn, bò trên con đường vòng ra sau đền ấy mà lên núi, không ai biết được. Ngay cả phiến đá khổng lồ có sẵn trước bậc đầu tiên vào đền, cũng được tính toán giữ lại. Giữ là giữ cho cảnh sắc thật tự nhiên”. Nghe chuyện mà tôi thầm khâm phục những người thủy điện. Anh em thủy điện đều là những ngươi chuyên nghiệp, làm khoa học mà đã thận trọng nghiên cứu văn hóa và môi trường cẩn trọng, sâu sắc thế. Ôi, tôi chợt nhớ tới sườn núi tả ngạn đập. Sườn núi dễ sạt lở nếu làm cho xong chỉ việc xây kè lên, nhưng như thế, công trình sẽ toàn xi măng là xi măng. Những người thủy điện đã nghĩ tới cảnh quan một cách đầy cân nhắc. Các phiến đá tựa như sườn núi tự nhiên bên phải, ngay sát vai phải đập ấy đã được phun xi măng rất khéo, giữ được vẻ tự nhiên của sườn núi, chứ không xây tường đặc bê tông kè núi. Tôi cũng nhớ tới cảnh dưới mưa và nắng cuối năm 2015, anh em Ban A đã dọn dẹp tất cả mặt bằng bề bộn vật liệu còn lại từ khi mới bước đầu xây dựng. Họ làm sạch hàng trăm hécta quanh khu công trường. Trồng lại cây, trả lại rừng xanh xung quanh công trình Lai Châu. Năm, sáu tháng trời đã trôi qua sau ngày ấy. Hôm nay tôi thăm lại, tất cả đã là một cánh rừng đầy cây xanh chạy ngang chạy dọc. Qua mùa xuân rồi tới mùa mưa, rừng cây đã thi nhau bật lá non xanh, nom thật thích mắt.
_____
* Trích tùy bút Đứng đầu ngọn sóng.
(1) Nguyễn Tiến Đoàn dịch, theo Hoàng Việt thi tuyển (của Tồn Am Bùi Huy Bích), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, năm 2007, tr.254.