HV110 - Sắp đến mùa xuân, cần quản lý chặt chẽ các lễ hội

Đã sắp sang năm mới, mùa xuân, toàn quốc sắp rộn ràng bước vào mùa lễ hội.

Nhớ kỳ lễ hội mùa xuân Bính Thân năm ngoái, đã có bao nhiêu chuyện xấu xí xảy ra, nào xông vào đánh nhau để cướp ấn, cướp đồ lễ, nào chém lợn đâm trâu, nào nhét tiền vào tượng lễ, vào kiệu thánh, nào ném tiền tung bay cho mọi người tranh nhau nhặt…, kèm theo đủ các loại trò chơi đánh bạc trá hình… Địa phương có lễ hội tha hồ phát huy sáng kiến, bày ra đủ các kiểu rước kiệu, cờ vàng cờ đỏ, áo tía áo xanh, trống chiêng rầm rĩ, múa may đủ các kiểu trên đời…

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2016, đã có nhiều cơ quan ngôn luận, truyền thông, báo chí… phê phán rộng rãi, lên án kiểu “lễ hội bạo lực, lễ hội xấu xí”, “hủ tục, cổ truyền biến tướng…”, nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu đã có bài phê phán, phân tích, đề xuất một số biện pháp để chấm dứt “nạn lễ hội nhố nhăng biến tướng” này.

Tôi rất đồng tình với những lời phê phán đó, nhưng tôi cảm thấy hình như các vị vẫn còn quá dè dặt, hoặc còn nể nang ai đó, hoặc chưa vững vàng về lý luận, hoặc thiếu minh bạch về quan điểm… cho nên phê phán rất có chừng mực, đề ra biện pháp cũng còn rất chung chung.

Do đó, năm nay, để đón trước và kịp thời nhắc nhở các cơ quan có trách nhiệm về văn hóa và lễ hội, cần phải có những biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn các việc làm tệ hại của các địa phương và các tổ chức hiện đang chuẩn bị sẵn sàng để “xông ra làm ăn” trong mùa lễ hội sắp đến.

Tôi xin mạnh dạn góp thêm một vài ý kiến:

1. Các lễ hội diễn ra vừa qua có thật là tiếp nối “truyền thống tâm linh” của dân tộc, có thật là phát huy “bản sắc dân tộc đậm đà” của cha ông để lại không? Nhiều nhà văn hóa đã khẳng định: Không có gì rõ ràng, thậm chí nhiều tục lệ bịa đặt, ngay cả việc khai ấn đền Trần không có gì ghi lại trong chính sử hoặc trong các thư tịch cổ, thậm chí cái ẤN cũng không biết họ lấy ở đâu ra.

Tôi cho rằng: Kiểu lễ hội vừa qua là một trò mê tín, dị đoan nhảm nhí, không hơn không kém. Đừng cố tình khoác chiếc áo tâm linh lên những hành vi mê tín nhố nhăng. Sao không dám nói thẳng ra là: họ mượn chuyện tâm linh, mượn truyền thống cổ truyền để bày trò kiếm chác? Nào có gì đáng tôn kính, thiêng liêng trong những trò đánh nhau, cướp giật, cướp đồ lễ? Sao các nhà văn hóa còn e dè chưa dám kết luận rõ ràng như thế?

2. Về mặt lý luận, về mặt quan điểm kế thừa truyền thống của tổ tiên… hình như các nhà lãnh đạo văn hóa và lý luận chưa có được luận điểm rõ ràng, minh bạch. Cho nên không có những bài phê bình sắc bén và thuyết phục. Chúng tôi, những cán bộ bình thường, đang chờ mong và đòi hỏi các vị phát biểu rõ ràng luận thuyết của mình để chỉ đạo phong trào lễ hội của toàn dân.

Tôi cũng rất ngạc nhiên, vì đến nay, trong khi báo chí truyền thông xôn xao phê phán, thì các nhà lãnh đạo của ngành văn hóa, của ngành tuyên huấn, cả của Chính phủ và của Đảng… đều chưa thấy có một lời phát biểu nhận xét nào. Hay là các vị cho rằng lễ hội diễn ra như thế là chuyện bình thường chăng, chỉ là chuyện nhỏ không đáng nói chăng? Hay các vị vẫn đang lúng túng về lý luận, về quan điểm? Hay các vị cho rằng đó là chuyện tín ngưỡng của dân nên cần tôn trọng, không dám xâm phạm chăng?

3. Những chuyện lộn xộn xảy ra, các ban tổ chức lễ hội đều đã dự kiến trước cả, và đã cố gắng có nhiều biện pháp đề phòng, huy động hàng trăm (có nơi đến hàng ngàn) công an cảnh sát để giữ trật tự. Nhưng, trừ vài chỗ như chùa Hương, ở nhiều nơi khác tất cả công an cảnh sát đều bất lực, đành để cho mọi người phá hàng rào xông vào cướp giật, ẩu đả… như những lưu manh, du đãng.

4. Biết sẽ có lộn xộn nhưng vẫn kiên quyết làm, vì việc tổ chức lễ hội đem đến cho những người tổ chức những món lợi tiền bạc kếch xù mà không ai kiểm tra dòm ngó đến. Theo tôi, đó là động cơ chủ yếu làm cho lễ hội tràn lan (8.000 lễ hội trong toàn quốc), ngày càng biến tướng theo hướng xấu xí, bạo lực, lôi kéo ngày càng đông quần chúng đổ xô vào lễ hội, mà các cơ quan quản lý không thể nào chỉ đạo tiết chế đúng hướng được. Phải thấy rằng: bên cạnh việc các vị trong ban tổ chức có dịp bỏ túi một số tiền không nhỏ, thì lễ hội đem đến lợi ích vật chất rất lớn cho nhân dân trong địa phương, từ việc mở lu bù các quán ăn nhậu các kiểu, cửa hàng vàng mã, đến việc mở ra đủ các kiểu trò chơi cờ quay đánh bạc…, lễ hội là dịp tốt cho các thanh niên hư hỏng thỏa sức bộc lộ tính chất lưu manh bạo lực của mình mà chẳng bị ai phê phán hoặc trừng phạt. Không biết các cơ quan quản lý cấp trên (Phòng Văn hóa huyện, Sở Văn hóa tỉnh), các hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh… ở địa phương có được chia chác bao nhiêu trong phần “lộc thánh” mà ban tổ chức thu được?

5. Không hiểu tình hình nhận thức của thanh thiếu niên, học sinh trong địa phương có lễ hội và đang náo nức chạy theo tham gia lễ hội… đang diễn biến như thế nào? Lễ hội có nâng cao được tâm hồn nhân ái và lòng tự hào dân tộc của các cháu, hay là để lại những vết hằn nguy hiểm về lối sống, về mê tín nhảm nhí, về kiểu sống lừa bịp và chụp giật?

Mặt khác, đối với những người thực sự tôn vinh tuyền thống cổ truyền, tâm hồn gắn bó với lịch sử cha ông đất nước… thì nhìn những điều phản cảm xảy ra trong lễ hội, chắc rằng người ta sẽ mất dần sự kính trọng đối với tâm linh dân tộc, chắc hẳn sẽ làm xót đau đến tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của họ.

6. Mùa lễ hội diễn ra trong mùa xuân, là thời điểm nhiều du khách nước ngoài đến du lịch. Tôi không hiểu họ nhìn thấy lễ hội của dân Việt Nam diễn ra như vừa qua, thì họ sẽ đánh giá dân tộc Việt Nam như thế nào? Ngẫm ra thật là hết sức xấu hổ! Tôi nghĩ rằng: Qua các lễ hội như vừa qua, dân Việt Nam đã bộc lộ một trình độ dân trí rất thấp. Và các nhà lãnh đạo văn hóa của nước ta cũng đã bộc lộ một tầm văn hóa rất kém.

Chúng ta đang ở thế kỷ XXI! Nhìn ra thế giới, ta thấy có dân tộc Do Thái là một dân tộc nổi tiếng về sự trung thành gìn giữ nguyên xi những thủ tục truyền thống của tôn giáo của mình qua hàng chục thế kỷ. Hiện nay, họ vẫn giữ vững những tục xa xưa ấy, nhưng đất nước Israel đang vùn vụt đi vào cuộc sống văn minh của nền kinh tế tri thức số hóa… thì dân tộc Việt Nam ta vẫn đang sa trong vũng lầy của những lễ hội biến tướng ngày càng xấu xí!

Từ những nhận xét trên đây, tôi xin mạnh dạn kiến nghị:

1. Cần dứt khoát đánh giá là kiểu lễ hội như vừa qua là xấu xí, phản cảm, không chấp nhận được, thể hiện trình độ dân trí rất thấp của dân ta. Không thể cho tiếp tục xảy ra mà không thay đổi uốn nắn một cách cơ bản.

2. Trước mắt, để ngăn ngừa trước những việc phản cảm sẽ tiếp tục xảy ra như năm ngoái, các cơ quan có trách nhiệm: Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương, Bộ Văn hóa… cần ban hành những chỉ thị hướng dẫn việc tổ chức lễ hội năm nay, các đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh…), các hội văn hóa và tâm linh… cũng có phát biểu và hướng dẫn nội bộ có thái độ đúng đắn đối với lễ hội.

Về lâu dài, đề nghị các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành Tư tưởng - Văn hóa cần tiến tới tổ chức một đợt hội thảo lớn về lễ hội, về những vấn đề: tâm linh, bản sắc dân tộc, truyền thống cha ông trong lễ hội. Xác định rõ cái gì là tín ngưỡng, cái gì là mê tín dị đoan… Cần đi đến một Nghị quyết của Trung ương Đảng, một Nghị định của Chính phủ chỉ đạo rõ ràng về lễ hội. Phát động một cao trào phát biểu về lễ hội trong nhân dân, trong các hội quần chúng, trong trường học… Kiên quyết không để tiếp tục những lễ hội xấu xí như những mùa xuân vừa qua.

3. Cần rà lại 8.000 lễ hội hiện nay, cái nào rõ là do đời nay bịa đặt ra để làm tiền thì cấm đoán, cái nào đã biến tướng thì uốn nắn lại, cắt bỏ (cấm đoán) những hoạt động nhảm nhí mê tín (như cướp phết, cướp ấn, cướp đồ lễ, quệt tiền vào chùa Đồng, ném tiền vào kiệu thành, chém lợn, đâm trâu v.v…). Đã cấm thì có biện pháp thực hiện, dùng luật pháp thẳng thừng đối phó với những hành vi lưu manh, hung hãn. Cần thì truy tố ra pháp luật. Tôi cho rằng việc cấm đoán này hoàn toàn không vi phạm gì quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân.

4. Tại các địa phương có lễ hội, cần tổ chức hội thảo công khai, để địa phương đồng tình thực hiện chủ trương mới về lễ hội của Đảng và Nhà nước. Các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng tổ chức hội thảo để quán triệt chủ trương mói. Nhất là các đoàn thể ở địa phương có lễ hội, cần phân tích loại bỏ tinh thần “ăn theo lễ hội” mà lâu nay đã đưa đến những thu nhập khá hậu hĩ cho họ.

Cấp trung ương (Đảng, Nhà nước, các Bộ liên quan) cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện một số lễ hội lớn theo đúng tinh thần mới với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, nhưng loại bỏ hết những trò ăn theo nhảm nhí… để làm gương cho các địa phương.

Ngành Giáo dục cần đưa vào sách giáo khoa các cấp những bài về lễ hội theo tinh thần mới.

Tháng 11-2016

PHAN HOÀNG MẠNH (Nhà giáo hưu trí, quận Đống Đa, Hà Nội)