Nước Mỹ và thế giới vừa trải qua một sự kiện đầy kịch tính. Ông Donald Trump dẫn xa bà Hillary Clinton với số phiếu 306/231 đại cử tri để giành chiếc ghế tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Điều này lật ngược dự đoán của giới truyền thông, cũng như dự đoán của nhiều người trên thế giới. Báo chí thế giới dùng từ “thảm kịch” hay “bi kịch” để chỉ sự kiện này. Nhưng thực ra, cái gì đã xảy ra đằng sau những sự kiện ấy? Giới truyền thông có thể đã thiên vị và đã không lường hết số người đi bỏ phiếu lần này đông đến thế. Trong đó, số phiếu cử tri da trắng lao động thấp chiếm một số lượng rất đông, ủng hộ ông Donald Trump vì những hứa hẹn ngọt ngào của ông ta, áp đảo số phiếu của những người da màu và Mỹ La tinh. Nhưng cái quan trọng nhất phải nói là với việc bỏ lá phiếu cho ông Donald Trump chiếm áp đảo, cử tri Mỹ đã phát đi một thông điệp rõ ràng: họ muốn thay đổi. Trong khi bà Hillary Clinton tuy là một nhân vật thông minh, trí tuệ, có tầm nhìn và có tài điều hành, thể hiện qua việc làm Ngoại trưởng Mỹ vừa rồi, nhưng không đưa ra được một cải cách hấp dẫn so với triều đại ông Barack Obama có phần lún sâu vào trì trệ do khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong khi đó, ông Donald Trump, thể hiện chủ nghĩa dân túy trong chính trị, dưới khẩu hiệu làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đã đưa ra những hứa hẹn rất cụ thể. Ông ta nói rằng, ưu tiên số một của ông ta là quyền lợi của nước Mỹ, nước Mỹ trên hết. Nghĩa là ông ta thu hẹp hoặc giảm nhẹ phần can dự, cũng như đóng góp của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Nước nào muốn Mỹ bảo vệ thì nước đó phải trả tiền. Đồng thời, ông ta muốn hủy bỏ tất cả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 nước đã ký. Ông ta đánh vào người dân nhập cư, 11 triệu người dân nhập cư gọi là bất hợp pháp, kiếm tìm công ăn việc làm, những công việc “đen” ở Mỹ. Ông ta đòi xây một bức tường ngăn giữa Mỹ và Mexico để cấm thâm nhập. Ông ta cũng hứa hẹn giảm thuế và tăng mức GDP của Mỹ lên gấp đôi… Rõ ràng, điều đó hấp dẫn và làm mềm lòng những người Mỹ đang thất nghiệp hoặc đang bị đe dọa thất nghiệp, những người Mỹ đang bất mãn, thậm chí phẫn nộ. Lịch sử cho thấy, những lúc kinh tế khủng hoảng và phục hồi chậm thì những khẩu hiệu như thế gây một ấn tượng hết sức mạnh và có thể làm đảo ngược tình hình. Phe Dân chủ đã không đánh giá hết điều đó, cứ tưởng rằng kinh tế được phục hồi nhẹ, thất nghiệp giảm thì tình hình có vẻ ổn. Nhưng cuối cùng họ đã thất bại, không những ở việc giành chiếc ghế tổng thống mà ở cả thượng viện và hạ viện. Ở đây phe Cộng hòa cũng chiếm đa số. Chưa nói bà Hillary Clinton gần với giới tinh hoa, nhưng ông Donald Trump lại gần với giới bình dân bởi cách nói “huỵch toẹt”, đôi khi thô lỗ - cái mà giờ đây người Mỹ lại thích hơn là tác phong “quý phái”. Bà Hillary Clinton thì cho rằng cú đánh của giám đốc FBI vào những ngày cuối cuộc tranh cử đã làm Donald Trump thắng cử.
Tình hình như thế là đã quá rõ ràng. Cơn sóng Donald Trump có thể lan truyền đến Đức, đến Pháp trong những mùa bầu cử tới, nơi mà chủ nghĩa dân túy, tinh thần dân tộc cực đoan, tinh thần bảo hộ mậu dịch… cũng đang nổi lên. Cả thế giới lo lắng. Nhưng đây là chính trị. Và trong chính trị, người ta không thể dự kiến hết mọi việc. Những bất ngờ, những ngẫu nhiên trong lịch sử là điều luôn xảy ra. Trước mắt, chúng ta hãy theo dõi chính quyền Donald Trump làm gì. “Tranh cử là thơ, mà điều hành là văn xuôi”, một cử tri ở New York ủng hộ Donald Trump nhận xét. Đúng như vậy. Giờ đây ông Donald Trump lo việc chuyển giao quyền lực, lo bổ nhiệm 4.000 nhân viên (để “đền ơn đáp nghĩa” trong tranh cử), lo cho bộ máy cho đến ngày đăng quang 20- 1-2017. Đầu tiên, ông ta phải ổn định tình hình, kêu gọi đoàn kết, hàn gắn những vết thương làm chia rẽ nước Mỹ. Rồi chắc ông ta sẽ hủy các hiệp ước xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương về tự do thương mại, giải quyết vấn đề người da màu nhập cư... Nhưng một tổng thống không thể quyết định tất cả. Còn bộ máy, còn quốc hội, còn cử tri, còn tình hình khách quan. Trước mắt, ông Donald Trump đã tuyên bố một số điều chỉnh. Để xem ông ta giải quyết vấn đề quan hệ với NATO và Nga mà với Tổng thống Vladimir Putin ông ta tỏ ra thân thiện, như thế nào. Trước mắt, EU đã họp để lo vấn đề quốc phòng của mình, tuy không rời khỏi NATO mà 2/3 chi phí là do Mỹ. Nga hy vọng Nga và Mỹ sẽ giải quyết những căng thẳng và mâu thuẫn để cộng tác giải quyết những vấn đề trên thế giới như Syria, như Trung Đông, như Ucraina. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ làm tất cả để bình thường hóa quan hệ với Mỹ (hiện giờ Nga và Mỹ - phương Tây là một cuộc chiến tranh lạnh rất nóng, nóng hơn bao giờ hết). V. Putin và D. Trump vừa mới điện đàm, hứa hẹn cải thiện quan hệ Nga - Mỹ; và họ sẽ còn gặp nhau. Cũng nói thêm rằng, với bà Hillary Clinton, Putin có một quan hệ không thể nói là tốt đẹp. Khi có người nói: “Hãy nhìn vào mắt Putin, ta sẽ thấy tâm hồn ông ấy”, bà Hillary Clinton đánh ngay một câu: “Đã là KGB thì làm gì có tâm hồn” - một câu cay độc, phi ngoại giao. Đối với Trung Quốc, đối thủ của Mỹ, Donald Trump có một thái độ cứng rắn từ khá lâu rồi. Ông ta hiểu rõ và vạch ra một cách “tàn nhẫn” – nếu ta có thể nói như vậy – về quan hệ Mỹ - Trung. Không phải chỉ là việc tố Trung Quốc ăn cướp việc làm của người dân Mỹ. Điều đó, theo chúng tôi còn có mặt thứ hai: Mỹ muốn sử dụng nhân công giá rẻ ở Trung Quốc, và đầu tư vào đó để tránh ô nhiễm cho mình, hàng rẻ “Made in China” lại đem về bán giá rẻ (chủ yếu là hàng tiêu dùng). Thế là lưỡng lợi. Nhưng Donald Trump nói đúng, Trung Quốc ngoài cướp công ăn việc làm của Mỹ (tính từ 2001 đến 2008, Mỹ mất 2,4 triệu việc làm vào tay Trung Quốc), còn phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của Mỹ “với tốc độ âm thanh”. 30 năm qua, Trung Quốc phát triển nhanh một cách bất thường và Mỹ thua lỗ cũng nhanh chóng một cách bất thường. Tăng trưởng của Trung Quốc là 9%-10% một năm (nay đã chậm lại), quý I năm 2011, kinh tế Trung Quốc tăng 9,7%, còn Mỹ chỉ là 1,9% và Mỹ có 14,4 triệu người mất việc.
Cứ khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc tăng gấp đôi. Dự đoán chỉ mười năm nữa thôi (2027), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thử hỏi, một nền kinh tế lụn bại sau Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình đi Mỹ không có đôla để tiêu vặt, để mua quà, phải ở trong sứ quán, mà nay lớn mạnh như thế (họ có hơn 3.000 tỉ đôla ở ngân hàng dự trữ nước ngoài). Và nó đánh bại Mỹ về thương mại. Cứ 3 năm, Trung Quốc lại gởi ngân hàng 1.000 tỉ đôla của Mỹ do sự mất cân bằng thương mại… Đặc biệt, Mỹ không thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc, do Trung Quốc định giá thấp đến 40%-50% đồng nhân dân tệ của họ, nghĩa là mức giá của họ chỉ là một nửa so với giá của một nhà sản xuất Mỹ. Ba mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ là: thao túng tiền tệ, nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất của Mỹ, gián điệp và chiến tranh mạng chống Mỹ. Điều quan trọng nữa là nguồn nhân lực Trung Quốc lớn, dồi dào, với 1,3 tỉ người: ở độ tuổi 15, trẻ em Trung Quốc xếp thứ nhất về toán (điều tra ở Thượng Hải), còn Mỹ đứng thứ 25/34 quốc gia. Nghĩa là Mỹ đang có nguy cơ về giáo dục…
Donald Trump cho rằng phải kíp học cái khôn ngoan của Trung Quốc để chống Trung Quốc, chứ cứ như thế này thì Trung Quốc sẽ “lấy, lấy và lấy cho đến khi Mỹ không còn gì cả…”.
Đó là một vài luận điểm cứng rắn của Donald Trump. Ông ta quy trách nhiệm cho chính quyền Obama, dĩ nhiên cả Hillary Clinton cũng thế, và điều đó thuyết phục cử tri Mỹ. Ông ta có lý hay không, ta hãy chờ xem hạ hồi phân giải, nói theo cách nói của Trung Quốc.
Tình hình biển Đông, biển Hoa Đông căng thẳng, ông ta có rút lại những can dự của Mỹ vào đó không? Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ vừa tuyên bố Mỹ giữ nguyên trạng sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương. Đối với bán đảo Triều Tiên, lò lửa nóng hạt nhân ngày một nóng lên đe dọa an ninh của Hàn, Nhật và cả Mỹ. Ông ta cho rằng, Hàn và Nhật có quyền trang bị vũ khí hạt nhân để đối lại Triều Tiên và quân đội Mỹ sẽ rút ra khỏi Hàn. Điều đó có thực tế không, có làm cho nguy cơ hạt nhân trên thế giới tăng lên không?…
Đối với Việt Nam, chúng ta chắc rằng, dù là Dân chủ hay Cộng hòa, quan hệ về cơ bản vẫn không thay đổi. Việt Nam không nghiêng về bất cứ một bên nào trong cuộc đối đầu. Việt Nam muốn hòa bình và hữu nghị, buôn bán và giao lưu văn hóa, quan hệ an ninh, quốc phòng với Mỹ cũng như với tất cả các nước. Điện của lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump viết: “Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác toàn diện theo hướng thực chất, ổn định, bền vững, lâu dài”. Và điều đó là phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Có thể sắp tới xuất siêu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm đi ít nhiều. Nhưng chắc rằng, quan hệ hai nước cũng vẫn giữ được trạng thái bình thường.
Điều hơi lạ là ngày 10-11, Nhật Bản lại thông qua TPP, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ ghé Mỹ trên đường đi Peru dự APEC để thuyết phục ông Donald Trump về TPP. Đây có lẽ sẽ là những hy vọng cuối cùng của TPP chăng?
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang có những bước chuyển biến, hòa dịu, mong muốn tiến tới ổn định, hữu nghị. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9 đã gặt hái những kết quả tích cực. Cũng như chuyến thăm Trung Quốc (và sau đó là thăm Mỹ) mới đây nhất của đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, cũng vậy. Tiếp đó là chuyến thăm của Ủy viên trưởng, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Ủy viên trưởng Nhân đại) của Trung Quốc Trương Đức Giang đến Việt Nam. Cả hai bên đều thống nhất giữ gìn tình hữu nghị, phát triển hợp tác, tăng cường tin cậy giữa hai đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa, quán triệt những nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về quan hệ giữa hai nước. Trong các phát biểu của mình, phía Việt Nam luôn tỏ rõ sự kiên trì, giải quyết hòa bình các vấn đề xung đột tranh chấp trên biển Đông, thực hiện DOC và tiến nhanh đến COC. Mặc dầu hiện nay Trung Quốc vẫn chiếm một số đảo đá ở Trường Sa và quân sự hóa nó (chưa nói đến Hoàng Sa) tình hình quan hệ giữa hai nước như vậy là có sự hòa dịu. Việt Nam luôn luôn yêu cầu nói đi đôi với làm. Việt Nam chân thành quý trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và vấn đề còn lại là cách ứng xử của phía Trung Quốc. Nếu như sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc nhận ra rằng đòi hỏi đường lưỡi bò là tuyệt đối phi lý thì mọi vấn đề sẽ khác. Nhưng ta biết Trung Quốc không bao giờ từ bỏ giấc mộng bá chiếm biển Đông để từ đó vươn lên giấc mộng toàn cầu. Trung Quốc hiện đang tranh thủ được Philippines, Campuchia, Myanmar và phần nào cả Lào bằng những hiệp ước đầu tư và viện trợ “khủng”. (Ở Trung Quốc có người gọi đó là ngoại giao vãi tiền). Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, nội bộ Trung Quốc cũng không bao giờ là ổn định và vững mạnh. Đứng trước sự phát triển của tình hình thế giới, người ta chưa thể nói chắc một điều gì về Trung Quốc.
Tình hình thế giới bên cạnh những mặt tích cực, ổn định, phát triển, hòa bình, cộng tác… thì vẫn luôn có những mặt đe dọa sự ổn định hòa bình và hợp tác. Nhân loại đang dồn mọi cố gắng để bảo vệ hòa bình và phát triển, nhưng chiến tranh và đe dọa chiến tranh, đe dọa hòa bình ổn định vẫn là điều có thực.
Quốc hội nước ta đang họp và thảo luận về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có những vấn để về phát triển kinh tế xã hội trong các năm sắp tới theo nghị quyết của Trung ương và tờ trình của chính phủ. Quốc hội vẫn giữ nguyên mức phát triển 6,7% về kinh tế trong năm tới. Đó là một quyết tâm lớn trong tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay. Những số liệu cho thấy các năm từ 2010 đến 2015, nước ta vay nợ trung bình 18% mỗi năm và nay nợ công đã kịch trần cho phép. Mỗi năm ta phải trả khoảng 2 tỉ đôla nợ công. Đồng thời, vẫn phải bội chi ngân sách. Những biện pháp quy định số lượng công chức, giảm chi ở những việc không cần thiết, không cần kíp, đòi hỏi các địa phương phải phát huy những thế mạnh của mình, đi lên, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương… là những biện pháp cần thiết. Trung ương chuyển biến, nhưng địa phương và cơ sở cũng phải tích cực chuyển biến, trên dưới đồng lòng, tương thích, thì hiệu quả sẽ tốt đẹp. Quốc hội cũng tiến hành chất vấn một số Bộ trưởng và Thủ tướng. Cuộc chất vấn diễn ra thẳng thắn, sâu rộng, dân chủ, bao gồm hầu hết các vấn đề lớn của đất nước, từ bổ nhiệm cán bộ, phân bón giả, môi trường, thi cử, đối ngoại, du lịch… Chỉ tiếc là trong chất vấn Bộ trưởng giáo dục, không thấy đại biểu nào nêu vấn đề đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) là một vấn đề các báo đã nêu – kể cả báo Nhân dân – và là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hướng đến toàn cục giáo dục hiện nay và tương lai. Bởi vì trong giáo dục, cái giả, cái dốt... sẽ tăng bằng cấp số nhân qua đào tạo.
Niềm hy vọng vào những bứt phá về kinh tế của những tháng cuối năm để có được một chỉ số tăng trưởng tuy không đạt mức yêu cầu nhưng cũng là cao so với khó khăn hiện tại; niềm hy vọng ấy là đức tính muôn thuở của người Việt, vượt qua bão giông, lũ lụt, thách thức, bám chặt vào mảnh đất hình chữ S, không ngừng đi tới những ngày mai tươi sáng hơn.
Vấn đề mà chúng tôi luôn tâm niệm và kiến nghị là vấn đề văn hóa, vấn đề con người, vấn đề xã hội. Kinh tế đã đành là trọng tâm, là cơ sở, nhưng nếu không có con người, không có văn hóa - trong đó chất lượng con người và bản lĩnh văn hóa luôn là những vấn đề thiết yếu thì chúng ta sẽ luôn luôn tụt hậu. Không thể nào để một nước với một truyền thống văn hiến hàng mấy ngàn năm và đã được kết tinh trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, phải suy sút, đứt gãy, kém cỏi về văn hóa và con người. Đó là một điều đau lòng và là một điều mà tất cả chúng ta, trên dưới, từng gia đình, toàn xã hội đều phải quan tâm, tận lực giải quyết, không thể để kéo dài. Bởi vì để kéo dài thì mất máu và càng ngày càng khiến nhân tài suy kiệt (Nhân tài như lá mùa thu/ Tuấn kiệt như sao buổi sớm - Nhân tài thu diệp/ Tuấn kiệt thần tinh). Hiện tượng thiếu nhân tài, hay chưa sử dụng đúng nhân tài là một điều đã quá rõ ràng, ta phải tính sao? 25.000 tiến sĩ (và hàng trăm ngàn thạc sĩ) được đào tạo và đang tiếp tục được đào tạo với phần lớn là chất lượng thấp nói lên cái gì? Chúng ta cần những báo cáo thật, những người thực, thực việc. Trong một thời gian ngắn, quá ngắn, ít thầy giỏi mà đẻ ra từng ấy tiến sĩ thì ta đã vượt xa thời Lê - Trịnh với câu nói hài hước: “Triều Lê có 24 ông tiến sĩ, 8 ông chân, 8 ông ngụy, 8 ông chân ngụy. Đến nay trật bỏ khăn chít đầu, chưa biết ai chân, ai ngụy”. Ngày xưa hai, ba ngàn sĩ tử mới lấy được dăm mười tiến sĩ mà chất lượng còn như thế thì nay tiến sĩ nhiều như lá rừng, biết đâu là chân, ngụy!
18-11-2016