HV110 - TRẦN QUỐC HƯƠNG - Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế

LTS: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bên cạnh những chiến công trực diện bằng súng đạn, ngoại giao, binh vận của biết bao lớp cán bộ, chiến sĩ Việt Nam, thì hoạt động của những người “không mặc áo lính”, ẩn giấu dưới nhiều vỏ bọc ngành nghề khác nhau, tập trung tại sào huyệt của kẻ thù đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chiến cuộc.

Tên tuổi và thành tích của không ít người trong số họ đã trở thành huyền thoại. Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Hoàng Đạo, Phạm Ngọc Thảo, Tư Cang, Nguyễn Tài… mỗi người ở vị trí khác nhau “chui sâu”, “leo cao” hoặc bản lĩnh, quyết đoán, thông minh của người chỉ huy đã làm kẻ địch thất điên bát đảo. Ấy vậy, những người trong cuộc, sau chiến thắng mùa xuân 1975, họ bình thản xem như nhiệm vụ được hoàn thành. Cũng có người sống thầm lặng, tiếp tục hy sinh, chờ đợi xác minh, chấp nhận sự khắc nghiệt của nghề nghiệp.

Nhưng lịch sử cần được ghi nhận và tái hiện. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã thực hiện nhiều cuộc trò chuyện với các nhân vật của mình, để rồi lần lượt các tác phẩm về các nhà tình báo và lãnh đạo tình báo ra đời.

Năm 2010, cuốn sách Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo được NXB Công an ấn hành. Ban đầu dự kiến có nhan đề Trần Quốc Hương - Người thầy của các nhà tình báo nhưng chính ông Hương (Mười Hương) không chịu. Trước sau, ông trả lời chân thật: “Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng”.

Có đúng vậy không? Khi ông nhìn thấy ở nhà tình báo Lê Hữu Thúy có những ưu thế thâm nhập vào lực lượng Hòa Hảo sau năm 1954 ở miền Nam. Còn với Vũ Ngọc Nhạ, ông khuyên phải bám giám mục Lê Hữu Từ để gây ảnh hưởng, len sâu vào gia đình họ Ngô với tư cách là “ông cố vấn”.

Ông phát hiện năng lực phân tích, tri thức uyên bác, quảng giao ở Phạm Xuân Ẩn và đề đạt, tổ chức bằng được cho con người này được đào tạo bài bản về báo chí ở Mỹ.

Với Phạm Ngọc Thảo, ông bàn thảo chơi kiểu “ván bài lật ngửa”, phát huy tính công khai của một sĩ quan có thời là chỉ huy đơn vị kháng chiến. Tất cả những đầu mối do ông phụ trách đều lập chiến công và thành danh.

Điều may mắn và kỳ lạ nữa là những lãnh tụ cách mạng lớp trước và đồng chí cùng thời với ông hầu hết đã qua đời, mà nay, tuổi ngoài 90, thỉnh thoảng ông vẫn xuất hiện ở những lễ kỷ niệm, họp mặt. Ông là nhân chứng sống của cách mạng hiện đại Việt Nam qua bão táp và khói lửa. 15 tuổi nếm mùi tù ngục (1940-1941). 5 năm biệt giam ở địa ngục miền Trung (1958-1963) sống trở về, được bầu là ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng sau nhiều lần kiểm điểm, sưu tra của tổ chức Đảng, xứng đáng là chiến sĩ trung kiên của Tổ quốc.

Thời trẻ, Trần Quốc Hương công tác ở Trung ương, được gần gũi và chỉ bảo của Bác Hồ, Tổng bí thư Trường Chinh và các ông Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Đức Thọ… Ông tiếp xúc với nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa Cứu quốc như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Huy Cận… Những năm trước và sau 1945, ông là thành viên Đội Cận vệ Trung ương chuyên lo tổ chức, xây dựng mạng lưới An toàn khu gần Hà Nội, bảo vệ các cuộc họp quan trọng của Đảng.

Năng lực quan sát, tổ chức nổi trội ấy đã đặt ông vào vị trí mới khi cách mạng miền Nam cần chi viện. Hai lần vào Nam ra Bắc, trải qua tù ngục của kẻ thù, lại phải sống chờ đợi tổ chức xác minh, khối óc và trái tim của Trần Quốc Hương có lúc tưởng như vượt giới hạn. Vì vậy, ông càng thấu hiểu những số phận không may mắn, có khi đổ vỡ, để rồi bình tĩnh vượt qua.

Hồn Việt xin giới thiệu câu chuyện Đấu trí ở trại giam Tòa Khâm, Huế viết về ông.

Ngay sau khi bắt được ông Mười Hương tại điểm hẹn ở Gò Vấp, bọn lính kín đưa ông về Vân Đồn, một kho của quân Bảy Viễn trước đây, giờ được Đoàn mật vụ miền Trung lấy làm trụ sở. Vì là kho nên sân rộng, có một tòa nhà có tầng gác. Chúng để ông ở tầng trệt, có một thằng coi, không nói năng gì. Trưa có cơm. Tối phát mùng: “Ông cứ nghỉ đi. Đừng tìm cách trốn để chúng tôi phải dùng biện pháp không muốn”. Suốt cả ngày không hỏi gì, có lẽ đêm đến nó mới đánh? Cũng không. Sáng hôm sau, ngoài sân thấy lính ra tập sớm. Đến khi nhìn qua khe cửa mới biết anh em cùng hoạt động cũng bị bắt vào đây.

“Khi còn ở ngoài hoạt động, tôi luôn nghĩ: Hoạt động mà bị bắt thường phải nghĩ tới hai trường hợp: nó không biết gì về mình, có thể nghĩ ra cách cung khai một bản cung giả nhưng phải hợp lý. Khi nó đã biết về mình rồi, chỉ còn cách đấu tranh trực diện. Vì vậy, việc quan trọng bây giờ của tôi: phải tìm hiểu cho ra vì sao mình bị bắt, từ đó mới có thể hiểu là kẻ địch đã biết gì về mình hay chưa.

Bọn chúng để yên cho tôi ba ngày, không hỏi han, không đánh đập. Tôi chưa hiểu nó định làm gì. Lúc ấy đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi nằm một lúc rồi ngồi dậy thiền. Tôi học thiền từ lâu rồi, theo cuốn sách về khí công mà đồng chí Lý Ban (sau này là Thứ trưởng Ngoại thương) cho tôi. Suốt 6 năm tù tôi đều tập, nó làm cho tôi bình tĩnh lại và giữ được sức khỏe. Bọn gác theo dõi cả đêm. Tôi tập đến lúc mệt mới thôi. Một hôm, có thằng đến hỏi:

- Tên ông là gì?

- Các ông giữ căn cước của tôi còn hỏi. Tôi là Trí.

- Không phải, ông nói láo. Đó là giấy giả. Tên ông là H.G.

H.G. chính là tên tôi thường ký trong các báo cáo. Hay là bể đường dây, có người bị bắt khai ra? Mấy ngày sau tôi có quan sát xung quanh. Ở nhà ngang phía sau phòng tôi có phòng giam anh em, trong đó tôi có thoáng thấy một số cán bộ cùng hoạt động với tôi. Buổi tối các anh ấy thường chơi cờ. Một lần khi xin đi vệ sinh, tôi liều tạt thẳng vào. Có một anh nói ngay, thằng Ba nó chỉ bắt anh, nó phản rồi đấy anh ạ. Rồi giơ tay chỉ cho tôi một căn phòng. Đó chính là căn phòng hễ cứ tôi ra là nó đóng cửa phòng ấy lại. Tôi vờ kêu lên mấy câu, chợt nghe tiếng anh Ba, người đã cùng bị bắt với tôi khi gặp nhau ở Gò Vấp. Anh ta kêu lên: “Các bố mở giùm cửa ra chứ nhốt mãi chịu sao được”. Bọn địch ở đây nói tiếng miền Trung. Tôi chợt nghĩ: “Mình dính bọn thằng Cẩn rồi, không thể bịa ra một bản cung đánh lừa chúng được, chỉ còn con đường đấu tranh trực diện”.

Trước khi bị bắt, tôi đã nhận được hai bức điện của Xứ ủy dặn: Hãy cẩn thận. Ngưng liên hệ với Trung ương và ngoài Trung vì có bể bạc lớn. Có lệnh mới được liên lạc lại. Tôi được biết, ở Khu V có cơ sở bị xóa trắng toàn bộ. Có những nơi đồng chí ta bị bắt gần hết. Quân của Cẩn phá căn cứ Ba Lòng tàn khốc lắm, thậm chí sau khi đã phá nát nó còn cho người đi kiểm tra, gặp một bé trai sống sót nó cũng giết nốt. Lại còn vụ ở Quảng Nam, đập Vĩnh Trinh… Tư tưởng sẵn sàng chết là có từ đấy, khi tôi nghe giọng nói của bọn công tác đặc biệt miền Trung.

Dương Văn Hiếu, tu xuất, sau làm Giám đốc Cảnh sát đặc biệt, lúc đó đang là Trưởng ty Công an Thừa Thiên. Hắn là một trong số trưởng ty công an đầu tiên do Mỹ đào tạo trở thành Trưởng đoàn Công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn. Một hôm, Hiếu cùng tên Khanh, một tên chuyên phụ trách việc bắt bớ của Nha Cảnh sát đặc biệt ngụy quyền Sài Gòn (kẻ đã bắt tôi), tới gặp tôi:

- Chúng tôi tới thăm sức khỏe ông.

Tôi im lặng. Nó nói tiếp:

- Ông đừng có hy vọng, không trốn được, cũng không tự tử được đâu. Ông bị theo dõi 24/24. Làm gì chúng tôi biết ngay.

Tên Hiếu đi lại, thủng thẳng:

- Ông không biết tôi đâu. Nhưng tôi rất biết ông. Ông và Bùi Lâm là người lãnh đạo Tòa án quân sự Quân khu IIIa mà. Anh em bị bắt rất ca ngợi ông. Họ phục ông lắm.

Bọn chúng rất cáo già, cẩn thận trong từng câu nói, cả cách xưng hô. Chúng không dùng đại từ gì khác ngoài từ “ông” và “anh” khi nói chuyện với tôi. Kể cả lúc tức tối. Dương Văn Hiếu vốn là người Hà Nam, việc nó biết tôi và anh Bùi Lâm chẳng có gì lạ.

Tôi cứ im lặng xem nó giở bài gì. Nó nói tiếp:

- Cậu Hội cao phục ông lắm.

Hội là tên người liên lạc, rất giỏi và ngoan cường, đòn tra không ăn thua. Thời kháng chiến chống Pháp, Hội nổi tiếng dũng cảm đánh bọn đặc vụ Quốc dân Đảng.

Thấy tôi im lặng, chợt nó hỏi:

- Ông có phải tên Hương không?

Tôi nghĩ đã đến lúc đấu tranh trực diện nên trả lời:

- Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói trước cho các ông biết: người cách mạng bị bắt có ba việc không làm: không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu chính phủ Cụ Hồ. Còn các ông muốn làm gì thì làm. Tôi biết, tôi bị bắt, các ông có quyền hành hạ, không cho ăn, không cho - xin lỗi - ỉa, nhưng tôi nói trước là tôi không khai.

Hai đứa nhìn nhau bất ngờ. Trao đổi vài câu, chúng bỏ về”.

Ông Mười Hương ngầm liên hệ được với anh Hoàng - trưởng nhóm tình báo Thừa Thiên Khu V cũng bị bắt nhốt ở trại Vân Đồn. “Tôi bí mật viết thư nói rõ thái độ của mình cho anh ấy: “Tôi bị bắt chắc chết thôi. Thế nào chúng nó cũng biết. Nhờ anh nhắn cho vợ con tôi. Tôi chết thanh thản và trong sáng”... Anh ấy viết trả lời cho biết là anh không khai gì về tôi cả, chỉ nói là có lần gặp ở bùng binh (đường Nguyễn Văn Cừ bây giờ thì phải). Anh dặn tôi: “Cố gắng sống. Cách mạng cần anh nhiều. Cẩn sẽ đưa anh ra Huế đấy, hắn rất muốn gặp anh”. Cẩn có nói với tay chân, thái độ anh này mà giống Tư Lung thì tao giết ngay thôi, tao không chịu được.

Tôi nghi ngờ, không biết sự thực sẽ như thế hay không, hay là địch tìm cách bắn tiếng để “tâm lý chiến” tôi”.

Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn tự coi là “đoàn thể cách mạng Quốc gia”, không chịu sự chi phối, điều hành của nhà nước và luật pháp. Là một thứ công cụ chuyên chế bất hợp pháp nhưng quyền hành của nó bao trùm lên chính thể, bao trùm lên luật pháp nhờ uy thế của gia đình họ Ngô, để bảo vệ chính quyền Diệm - Nhu. Toàn bộ nhân viên của Đoàn công tác đều đồng thời là gia nhân của Cẩn, hành động theo chỉ thị - phần lớn là khẩu lệnh - của Cẩn. Sào huyệt gốc của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung là cơ quan đặc biệt đóng tại Tòa Khâm. Tòa Khâm sứ Huế cũ lúc này biến thành một nhà tù lớn làm nhiệm vụ cải tạo, chuyển hướng cán bộ Cộng sản bị bắt. Ngoài ra còn có các cơ sở lao động khổ sai như vườn cam, nhà mát ở Cửa Thuận và đặc biệt là Trại giam ở Chín Hầm (gần lăng Gia Long), nơi cấm cố để thủ tiêu những người Cộng sản kiên cường không chịu khuất phục(*).

Đưa ông Mười Hương ra Huế, bọn chúng nhốt ông ở trại Tòa Khâm nhưng chúng để ông ở chung phòng với một người tên Th., trước là cán bộ kinh tài của ta ở Khu V, nay chuyển hướng, hợp tác với địch. Nhiệm vụ của người này là phân tích, lung lạc ông Mười. Anh Th., sau này cũng bị đưa về Bình Định và đã nhận thấy sai lầm khi chuyển hướng nhưng đã muộn, sau anh bị địch tra tấn suốt một năm cho đến chết.

Trong thời gian ở trại Tòa Khâm, ông Mười Hương chỉ nghĩ: “Khổ nhất là phải tìm chuyện gì để suy nghĩ, để sống còn, có ý nghĩa, ích lợi. Nó sẽ làm cho tư duy mình lớn lên. Tôi tìm mọi cách để có tin tức, kể cả từ những mẩu giấy báo trong nhà cầu, khi đi đổ bô lén lấy về coi”.

Sáu năm ở trong nhà tù mật vụ miền Trung, cái khó của ông Mười Hương không phải là những đòn tra khảo mà là đối phó với “chính sách” của địch. Hiểu được nó thì mới hiểu vì sao sau này khi đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, ông Mười Hương vẫn còn khổ vì đơn tố cáo: Tại sao giặc biết ông là cán bộ tình báo cao cấp mà không giết, tại sao ông lại được thả?

Ngày ông Mười Hương bị đưa ra nhà tù Tòa Khâm - Huế bằng máy bay Dakota nhà binh, ông chưa biết được những gì đang chờ đón mình. Mà biết làm sao được! Mãi tới năm 1989, hơn 30 năm sau, nhóm cựu tù nhân chính trị họp mặt để phân tích về giai đoạn ấy, “họ vẫn cho là chưa ai phục chế một mảng trống lịch sử bị bỏ rơi, quên lãng. Họ cho rằng chế độ mật vụ Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu là một ngành an ninh đích thực nhưng là một siêu tổ chức với nhiều đặc thù không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được”. Trong nhà tù không song sắt này, công an mật vụ của tụi nó cùng với người tù sinh hoạt chung. “Chuyện khó tin mà có thật và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định”. Những người tù ấy có một đặc điểm là họ trưởng thành trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, là những người đã kết liễu chế độ thực dân cũ, bước vào giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến đấu chống chế độ thực dân kiểu mới là đế quốc Mỹ.

Ù

Vì sao Diệm - Nhu biết ông là cán bộ cấp cao như vậy lại không giết ngay?

“Phải hiểu triết lý của anh em họ Ngô. Họ chống Cộng quyết liệt nhưng lại khâm phục cái phần kháng chiến của người Cộng sản, cho đó là phần quốc gia, chống ngoại xâm, yêu nước. Họ muốn dùng người sạch sẽ để cùng Quốc gia, theo đường lối Quốc gia. Vì vậy, họ sẽ cố gắng cả năm trời làm việc lay chuyển và tấn công tư tưởng”. Ông đã có lần nói với Ngô Đình Nhu và đám tay chân, phân tích cho họ thấy chế độ Diệm - Nhu “không thể thoát khỏi cái thòng lọng viện trợ Mỹ. Cứ thử so sánh với việc Mỹ dùng Lý Thừa Vãn (tổng thống Hàn Quốc cùng thời với Ngô Đình Diệm). Mỹ tin Lý Thừa Vãn hơn tin ông Diệm. Lý Thừa Vãn được đào tạo ở Mỹ, lấy vợ Mỹ. Chứ còn ông Diệm thế nào, Mỹ biết chứ”.

Những lời phân tích, đấu lý này với các cấp tay chân của Diệm - Nhu đều được báo cáo lên hết. Thời kỳ ấy, Diệm - Nhu tổ chức cả những cuộc đấu lý công khai. Người ta còn nhớ cuộc đấu trí ở Mỹ Tho do Tỉnh trưởng tỉnh Nha Trang Nguyễn Văn Trân tổ chức đấu lý với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (lúc đó đang phụ trách công tác trí vận Thành ủy). Khi không lung lạc được ông Mười Hương, có ý kiến định đưa Nguyễn Văn Trân đấu lý với ông Mười Hương. Nhưng chính Ngô Đình Cẩn gạt đi, vì “Không được đâu. Không đủ lý lẽ để đấu với ông Hai này. Đã đấu lý lẽ cả năm không được. Để nói ông cố vấn Nhu gặp mới được”. Chính Ngô Đình Cẩn cũng nhận xét về ông Mười Hương: “Cộng sản ngoan cố thì rõ rồi. Nhưng lời ông ta nói, có cái chúng ta phải suy nghĩ”.

Sau này, qua lời những tên đã từng canh giữ, tra hỏi ông Mười Hương, sau giải phóng chúng đã khai trong trại cải tạo, ông Mười Hương biết rằng Diệm - Nhu không giết ông còn có một lý do nữa. Lê Văn Dư, phụ trách trại giam Tòa Khâm - Huế, khai rằng do thái độ ngoan cố của ông Mười Hương nên hắn nhiều lần đề nghị Ngô Đình Cẩn phải dùng biện pháp mạnh như tra tấn, thủ tiêu nhưng Cẩn không chấp nhận. Cẩn nói: “Phải kiên trì thuyết phục làm sao chuyển hướng được tư tưởng chứ khai hay không không thành vấn đề. Hương không khai thì người khác cũng đã khai hết, mất thời gian tính rồi. Cứ đối xử tử tế. Người giá trị thế này mới có giá để trao đổi tù binh khi cần thiết”...

Ông Mười Hương lại kể: “Trong suốt 6 năm ở tù này (1958-1963), có tất cả 49 đứa canh gác tôi. Tất cả đều là dân Công giáo Phủ Cam (Huế), địa phương của gia đình Ngô Đình Diệm. Chỉ có hai người theo Phật giáo, một lính khố xanh của chính quyền Nam triều, một commăngđô mũ đỏ. Tôi đã nói chuyện nhiều với họ. Chuyện gì? Chuyện đối nhân xử thế ở đời, không dùng chữ chủ nghĩa xã hội hay Cộng sản, chỉ nói về một tương lai không còn bóc lột… Người lính theo Công giáo nói: Đấy cũng chính là địa đàng Chúa định cho con người nhưng con người kiêu quá nên Chúa phạt đó thôi. Họ cũng mong muốn một xã hội công bằng, bác ái nhưng động đến chữ Cộng sản là giãy nảy lên. Tất nhiên, có những anh mê muội, hung ác. Khi nhìn đánh giá kẻ thù cũng phải hiểu sâu nhiều mặt mới không dao động vì biết được bản chất của nó rồi. Chính ý này khiến tôi thích tác phẩm Viết dưới giá treo cổ của Phuxích. Ông đã nhận xét bọn cai ngục quân SS phát xít Đức: có đứa là súc vật không còn nhân tính nhưng cũng có kẻ nửa người nửa vật. Chính thế mới có kẻ cai ngục giữ lại cuốn sách của ông để người đời sau đọc. Kiểu tuyên truyền sơ lược không cẩn thận gây tác dụng ngược. Phải nói sao cho thuyết phục và có tính chân thật, đừng sợ bị chụp mũ là ca ngợi kẻ địch. Vào chiến trường sinh tử phải nhìn chính xác mọi mặt thì mới đối phó được”.

Cao Dao là một nhà báo có tiếng, cũng là người của ta (chính là anh Huyến, người cùng cung cấp cho ông Mười Hương tin báo Nhật sẽ đảo chính Pháp) thời gian Diệm mới được đưa về thay Bửu Lộc làm Thủ tướng, Cao Dao có nói với ông Mười Hương: “Anh ạ, Diệm trước khi về nước băn khoăn lắm, nó nói rằng chúng ta phải đấu tranh với Cộng sản. Cộng sản có ba mặt. Thứ nhất, nói gì thì nói, Cộng sản là người nắm thế chính nghĩa, không thể phủ nhận sự lãnh đạo khởi xướng cuộc chống Pháp, từ đó mới có nước Việt Nam độc lập. Thứ hai, Cộng sản có một đội ngũ rất trung thành. Giống như một đội thánh tông đồ. Đội này có hàng ngàn, hàng vạn, chứ không chỉ mười hai vị như của Chúa. Tụi này rất trung thành, quyết liệt. Thứ ba, nó có tổ chức gắn với dân. Cho nên chúng ta chống Cộng sản phải làm sao phá nổi ba thế này thì mới thắng được, không vượt được ba cái này thì khó lắm…”. Những điều này đeo đuổi ông Mười suốt về sau, giúp ông đánh giá được kẻ địch để có những đối phó chính xác.

“Với cách nhìn như thế, tôi phân tích các khía cạnh của lối cai trị của anh em Ngô Đình Diệm. Sự tàn ác với nhân dân, làm tay sai thì đã rõ. Nhưng Diệm có những đặc thù. “Phải tìm hiểu thằng địch” - ông Mười nhận định - “Anh em Diệm - Nhu làm chính trị thật, muốn dân tộc theo kiểu của họ. Ngay khi tìm hiểu, phân tích, báo cáo ra bên ngoài lãnh đạo, tôi cũng lưu ý thấy Diệm có mâu thuẫn với Mỹ. Ví dụ, CIA cần tin tức, Diệm yêu cầu cứ chi tiền ra, Diệm cung cấp tin tức chứ không cung cấp cơ sở”…

“Vì sao tôi phải nhận xét đặc thù đó? Vì nó là những sắc thái để chúng ta có thể hiểu chính sách thâm độc của nhà họ Ngô.

Anh em họ Ngô không bơ sữa, ăn chơi như đám Tâm, Hữu - những tên thủ tướng được dựng lên. Nhà Ngô đó tự hào mình là dân tộc Việt Nam, yêu nước - những biểu hiện sinh hoạt của họ không phải không có nhiều người ngưỡng mộ. Họ không ăn chơi đàng điếm mà thích ăn vặt kiểu Huế. Thích nhất món cá trầu kho dưa. Sinh hoạt kiểu Á Đông… quần áo lót tự giặt lấy, cho đó là đồ riêng, không để người khác giặt. Viên đại úy hầu cận kể lại vậy. Diệm dùng người rất chú ý kiểu Việt Nam: sử dụng những người thân tín. Viên đại úy hầu cận này tên là Bằng, con một người chạy giấy làm cho Ngô Đình Luyện em của Diệm, Giám đốc Sở Đạc điền ở Đà Nẵng. Bố là người thân tín nên Diệm tuyển con vào tiếp tục hầu cận. Bằng kể buổi sáng sớm vào pha trà cho Diệm, bao giờ cũng được Diệm kêu đến cho một chén. Vì thế, Diệm cũng có nhiều người thân tín, dám xả thân. Diệm rất tự hào về gia đình, dòng dõi mình. Không tán thành Pháp, Diệm treo ấn từ quan lúc làm Thượng thư Bộ Lại. Bố của Diệm là Ngô Đình Khả cũng Bộ Lại. Đến người sui gia Nguyễn Hữu Bài cũng Thượng thư Bộ Lại. Diệm nói Diệm yêu nước và tự hào: “Đày vua không Khả, Đào mả không Bài” (Ngô Đình Khả - thân sinh ông Diệm không tán thành đày vua Duy Tân. Pháp chủ trương đào các mả vua chúa lên để lấy vàng. Ông Nguyễn Hữu Bài, cha vợ Ngô Đình Khôi anh ông Diệm, phản đối trong khi các quan khác lại ngậm miệng). Ông Thục nói là cả nhà phải nghe. Khi Mỹ ép gia đình họ Ngô đi di tản để đưa Phan Quang Đán về, ông Thục không cho: “Tổng thống cứ làm tổng thống, Nhu làm phụ tá cứ làm. Mỹ nói kệ nó. Nước của mình là việc của mình”.

Tôi đã hai lần bị bắt: lần trước là thời kỳ thanh niên, tham gia hoạt động Việt Minh năm 1940-1941. Thời đó tôi khỏe, bị đánh nhưng ngủ dậy là khỏe. Khi bị bắt, ráng chịu mấy tháng. Đánh xong là ký cung, nhốt vào tù. Pháp cho rằng thế là yên. Bị nhốt, không liên lạc được với bên ngoài, không hoạt động được nữa là thôi. Từ thời Diệm rất khác. Nó giam để khai thác vô thời hạn. Cứ giam đấy, vớ được tài liệu gì dính anh, nó lại kêu lên hỏi. Người tù luôn ở tâm trạng cái chết treo trước mặt. Nó có yêu cầu chính trị của nó chứ không chỉ đánh giá về tổ chức không thôi. Nó mở cuộc đấu tranh tư tưởng thật sự với người tù trong thế nó mạnh, nhốt anh, có thể không cho ăn, thậm chí không cho vệ sinh thân thể. Nó hành hạ trên sinh hoạt, đánh không nhiều. Diệm - Nhu có nêu ý kiến trong một cuộc họp ngành an ninh: Vì sao người Pháp cả 100 năm không tiêu diệt được Cộng sản dù họ lập ra biết bao nhà tù, bao nhiêu cách khảo tra? Nhiều người lúc bị bắt không phải Cộng sản, là một nông dân, thật thà đến khờ khạo, vậy mà khi ra tù trở nên tinh khôn, thật kỳ lạ, thành một người Cộng sản có lý luận. Nếu sử dụng nhà tù, rồi bắn giết mà hiệu quả thì Pháp đã thành công từ lâu rồi. Diệt Cộng sản kiểu Pháp không ăn thua. Chính vì vậy, Diệm - Cẩn đưa ra chính sách: Với Cộng sản phải dùng cách “qua cầu rút ván”. Lợi dụng phong trào ta đang lúc khó khăn, chúng kết hợp thủ đoạn cứng rắn với lừa gạt dụ dỗ tấn công tư tưởng khiến người bị bắt luôn phải căng thẳng, đưa dần họ vào con đường phản bội từng bước. Khi có sai lầm với tổ chức rồi thì có ra tù cũng không được tin dùng nữa. “Lấy chim cu diệt chim cu, lấy chúng nó đánh chúng nó” là một ý tưởng của Diệm - Cẩn”.

 

_____

(*) Theo Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn, Văn Phan, NXB Công an Nhân dân, 1989, tr.8 và 20.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI