Bảy mươi mùa xuân qua, bài hát Xuân và tuổi trẻ vang mãi từ thành thị đến nông thôn, từ Trung ra Bắc vào Nam, từ vùng tự do đến vùng tạm chiếm, cả thời chiến, thời bình, ở hải ngoại và trong nước, bất cứ chương trình ca nhạc, băng đĩa dành cho ngày Tết đều tuyển chọn bài hát để đời nhạc La Hối, lời Thế Lữ.
Điều kỳ diệu nào đã làm nên nhạc phẩm bất hủ ấy?

Nhà thơ Thế Lữ Nhạc sĩ La Hối
Mùa xuân năm Giáp Thân (1944), chàng trai - nhạc sĩ La Hối 24 tuổi viết bản hòa tấu Printemps et Jeunesse cho ban nhạc Société Philharmonique de Faifo (Hội khuyến nhạc Hội An) mà anh là hội trưởng kiêm nhạc trưởng.
La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 trong gia đình Hoa kiều sống lâu đời và danh giá ở Hội An. Có năng khiếu âm nhạc, La Hối được gia đình cho học đàn mandoline, guitare, piano từ thuở lên mười. Năm 1936, chàng trai La Hối 16 tuổi vào Sài Gòn học văn hóa, trau dồi âm nhạc cổ điển và nhạc lý cho đến cuối năm 1938 mới trở về Hội An.
Lúc bấy giờ cao trào tân nhạc ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng nở rộ khiến La Hối vô cùng hứng khởi. Anh đứng ra thành lập Hội khuyến nhạc Hội An mà anh là hội trưởng.
Giỏi nhạc lý, chơi đàn piano điêu luyện, sáng tác nhiều bản nhạc hay, La Hối đã hướng dẫn âm nhạc cho nhiều thành viên trẻ của hội sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng như: Dương Minh Ninh (với tác phẩm Đường chiều, Tự túc), Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều), Lan Đài (Chiều thương nhớ), Nguyễn Hữu Thiết (Tiếng hát đồi tím), Dương Minh Viên (Du kích Ba Tơ), Trương Đình Quang (nhà nghiên cứu âm nhạc, tác giả của Men rượu hồng đào, Tai nghe trống chiến, trống chầu)…
Hội An những năm 30, 40 của thế kỷ trước là thành phố nhỏ yên lành, hầu như chỉ có hai đường phố lớn. Thanh niên Hoa - Việt thân thiết như anh em trong các hoạt động âm nhạc, thể thao.
La Hối rất bận rộn với sinh hoạt âm nhạc của Hội khuyến nhạc Hội An, anh còn tham gia hoạt động bí mật phong trào kháng Nhật thời ấy. Nhạc sĩ trẻ tài hoa đã nhiều lần đi Sài Gòn, Viêng Chăn (Lào) liên lạc với các tổ chức chống Nhật.
La Hối bị bọn hiến binh Nhật bắt và tháng 5-1945 cùng với 9 đồng chí, anh bị hiến binh Nhật hành quyết bằng gươm và chôn chung ở chân núi Phước Tường - Đà Nẵng. Ngôi mộ chung được cải táng về Hội An ở nghĩa trang Thanh Minh, người ta khó phân biệt được di thể của La Hối và các đồng chí khi đầu, mình rời nhau trong huyệt chung(1).
La Hối mất đi mới 25 tuổi đời, nhưng âm nhạc của anh đã được nhiều người yêu nhạc Hội An - Đà Nẵng, Huế và miền Trung yêu thích với các bài hát: Xuân sắc quê hương, Gió thiêng liêng, đặc biệt là bản hòa tấu cho dàn nhạc Printemps et Jeunesse được thi sĩ Diệp Triều Hoa phổ lời Hoa với tiêu đề Thanh niên dữ Xuân Thiên.
Mùa xuân năm Bính Tuất (1946), đoàn kịch nói Anh Vũ do Thế Lữ dẫn đầu với sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kỳ, Văn Chung, cùng các nhạc công, diễn viên kịch, hát, múa sau chuyến lưu diễn lâu dài xuyên Việt từ mùa thu 1945 qua Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, mỗi nơi dừng lại khá lâu và đã ghé Hội An.
Đoàn kịch Anh Vũ là đoàn kịch cuối cùng của Thế Lữ trong thời Pháp thuộc, tiếp nối ban kịch Tinh Hoa của Thế Lữ, bị thực dân Pháp giải tán.
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh ngày 6-10-1907 tại Hà Nội, mất ngày 3-6-1989 tại TP.Hồ Chí Minh. Là một nghệ sĩ đa tài, Thế Lữ là nhà thơ nổi tiếng khởi xướng phong trào Thơ mới với Nhớ rừng, Tiếng sáo thiên thai. Ông cũng là nhà tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn với Vàng và máu, Lê Phong phóng viên… nhưng gắn bó lâu dài nhất với ông là kịch mà ông vừa là soạn giả, đạo diễn, diễn viên xuất sắc(2).
Thế Lữ có sức hút với bạn bè văn nghệ mà nhà ông được gọi là “Gió bốn phương”. Ông chơi thân với các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ. Nguyễn Xuân Khoát đã nhờ Thế Lữ viết lời cho bài hát Bình minh (1938), được xem là bản tân nhạc xuất bản sớm nhất.
Tin đồn về đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ ngoài diễn các vở kịch lịch sử, còn có ca kịch Tục lụy (nhạc Lưu Hữu Phước), các tiết mục đơn ca đặc sắc khiến nhân dân Hội An vô cùng háo hức.
Vừa đến Hội An, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã đề nghị đi thăm La Hối, nhạc sĩ nổi tiếng của Hội An. Cả đoàn nghệ sĩ đến nhà La Hối thì hay hung tin nhạc sĩ trẻ tài hoa đã bị hiến binh Nhật hành quyết mấy tháng trước. Các nghệ sĩ thắp nén nhang tưởng nhớ người nhạc sĩ đoản mệnh và gia đình trao cho bản hòa tấu Printemps et Jeunesse cùng lời ca tiếng Hoa Thanh niên dữ Xuân Thiên của Diệp Triều Hoa.
Qua mấy đêm Thế Lữ đã viết xong lời bài hát với tên Xuân và tuổi trẻ giống tên bản hòa tấu (Printemps et Jeunesse), Nguyễn Xuân Khoát lo phối âm, Bùi Công Kỳ tập hát và Văn Chung soạn cho múa.
Mở đầu đêm diễn ở Hội An của đoàn kịch Anh Vũ là bài hát múa Xuân và tuổi trẻ hòa quyện giữa nhạc, lời ca cùng nét duyên dáng, quyến rũ của vũ đoàn được nhân dân Hội An vô cùng yêu thích.
Theo bước chân bộ đội Nam tiến trên các nẻo đường kháng chiến, bài hát Xuân và tuổi trẻ nhanh chóng phổ biến toàn quốc.
Từ thời tân nhạc, các nhạc sĩ Việt Nam đã yêu thích thể loại valse qua các nhạc phẩm Danube xanh, Rừng Vienne, Đời nghệ sĩ của Johann Strauss, nhưng các sáng tác nhịp 3-4 của họ vẫn buồn man mác.
Chỉ đến khi La Hối viết Printemps et Jeunesse năm 1944 và Thế Lữ phổ lời Xuân và tuổi trẻ năm 1946 mới có một bản valse Việt Nam đầy nhiệt huyết thanh niên và duyên dáng, thơ mộng.
La Hối trong bản hòa tấu của mình đã viết theo hình thức 3 đoạn mà đoạn 1 khoan thai, lãng mạn, duyên dáng, da diết để hai đoạn tiếp theo càng sôi nổi như quay cuồng với vũ điệu valse. Thang âm Ré trưởng chủ đạo đã được tài năng âm nhạc của La Hối biến hóa sang Si thứ, Fa thăng thứ làm cho giai điệu mềm mại và dân tộc Việt Nam hơn.
Và chính Thế Lữ, bằng tài năng thơ ca, năng khiếu âm nhạc được cổ vũ, hưng phấn của người nghệ sĩ với mùa xuân độc lập đầu tiên của nước nhà đã viết nên lời bài hát Xuân và tuổi trẻ sôi động, nhiệt huyết, yêu đời của tuổi thanh xuân. Ca từ đúng với nhạc, làm cho hát rõ lời cũng là đóng góp cho âm nhạc La Hối vừa dân tộc, vừa dễ đi vào lòng người.
Bảy mươi mùa xuân trôi qua, biết bao thế hệ ca sĩ đã trình diễn Xuân và tuổi trẻ, kể từ Ngọc Bảo, Thương Huyền, Minh Đỗ, Mai Khanh, Khánh Vân những năm 50 thế kỷ trước; đến Lệ Thu, Thái Thanh, Thái Hằng, Bạch Yến…; cùng các ca sĩ hải ngoại và các nghệ sĩ trong nước ngày nay: Cẩm Vân, Thanh Thúy, Cẩm Ly, Quang Dũng, Ánh Tuyết, Tam ca Áo Trắng, Mắt Ngọc trong các CD, video, DVD.
Những mùa xuân mới nối tiếp nhau với nhiều bài hát mới nhưng Xuân và tuổi trẻ với nhạc La Hối, lời Thế Lữ sẽ còn đồng hành và trường tồn với mùa xuân của dân tộc Việt Nam.
_____
(1) Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Thái Trọng Lai (Ngô Văn Lai) kể rằng: hồi đó ông đi chăn bò núp trong bụi cây thấy bọn hiến binh Nhật hành hình bằng gươm.
(2) Thế Lữ được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
