Bước vào năm mới 2017, chúng ta đứng trước những triển vọng tốt đẹp, nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức phức tạp, khó lường. Chúng ta giữ một cái nhìn, một tầm nhìn tỉnh táo, khoa học, khách quan, chủ động trước tình hình, để có niềm vui Năm Mới. “Đi tới niềm vui” qua khổ nạn, đó là truyền thống lịch sử của Việt Nam ta chăng? Không nói những khổ nạn do khách quan, do lịch sử, do thiên nhiên, cần tính tới những khổ nạn do chính con người gây ra, như tham nhũng, như tắc trách, như kém sút (của năng lực và ý chí). Hiện trạng tham nhũng đã khoét sâu vào đời sống, làm mất lòng tin, làm nhụt ý chí. Đó là tội đồ cần nghiêm trị. Nếu không, sẽ ảnh hưởng tới tồn vong còn mất. Giảm sút niềm tin, giảm sút lòng dân, tình hình sẽ khó khăn càng khó khăn thêm.
Chế độ chúng ta xây trên nền nhân dân, trên sức dân từ ngày còn trứng nước, từ ngày phải từ hạt lúa củ khoai dựng nghiệp. Nay để những con chuột đục khoét xã tắc mà không phát hiện, không đủ luật, đủ sức nghiêm trị… thì tình hình sẽ ra sao? Không để vụ tham nhũng nào, vô trách nhiệm nào lọt lưới, “chìm xuồng” do nể nang, “chiếu cố”, do “cần người” v.v… Trung Quốc đã “đả hổ”, đã đưa ra ánh sáng những nhân vật lớn, mà do đó tình hình của họ tốt hơn, ta nên nghiên cứu.
Đồng thời, tình hình đòi hỏi chúng ta phải đổi mới hơn nữa, trước hết là “thực hành dân chủ rộng rãi” như Bác Hồ dạy trong Di chúc. Dân chủ phải thấm đến cơ sở, đến từng người dân. Bởi vì chính là ở cơ sở, ở làng xã, huyện tỉnh, thành phố, một số chính quyền địa phương do cơ chế quyền lực tập trung của chúng ta, không được kiểm soát, rất dễ móc ngoặc, lách qua kẽ hở của luật mà hoành hành, nhũng nhiễu, bán đất, lấy đất, làm mất lòng dân.
Đổi mới các thể chế, chính sách kinh tế như khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghe các chuyên gia giỏi góp ý… Chính phủ đã làm, nhưng đúng là phải tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”…
Kinh tế là trọng tâm, nhưng giáo dục, văn hóa, xã hội…, những vấn đề dài lâu, cốt yếu của con người… nhất thiết phải được quan tâm rốt ráo, sâu sắc, thường xuyên hơn, không nên để tình trạng “bận trăm công nghìn việc” nên bỏ qua, “chưa chết ai, cứ để đó đã”… Tình hình đứt gãy với văn hóa tổ tiên, với cả văn hóa cách mạng - kháng chiến, mất cảm hứng chủ đạo, mất độc giả - khán giả chân chính, trình độ thẩm mỹ xuống thấp, tác phẩm kém chất lượng, văn hóa đại chúng lấn át văn hóa tinh hoa, mê tín dị đoan nấp bóng lễ hội… là những nét tiêu cực cần khắc phục để nâng cao và giữ vững thành tựu.
“Tất cả đều qua, còn lại con người”. Có con người chân chính, giỏi giang… chúng ta sẽ học được nhân loại và làm được tất… Cái cuối cùng là con người, là nền văn hóa. Thời trung đại, ta có Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… những thiên tài mẹ, thiên tài nhân loại. Nay nhìn kỹ ra, chúng ta dường như thiếu nhân tài, thiếu nhân lực cao, cả trong quản lý và khoa học kỹ thuật. Phải coi lại cả hai phía: đào tạo và sử dụng.
Ôi! Đất nước bốn bề công việc, niềm vui, nỗi lo… Năm mới, nỗi lo cũ với niềm vui mới, nỗi lo không át được niềm vui. Dân tộc ta trường tồn, phát triển là nhờ đức tính lạc quan. Khó khăn cách mấy ta cũng chịu đựng, vượt qua. Nhìn tình hình, dễ sốt ruột, xót ruột vì yếu kém, tụt hậu. Nhưng ta tin tưởng ở đại cục, ở những nhân tố mới, con người mới. Ta ra sức ủng hộ họ, ủng hộ cái mới, cái phát triển; lòng dân sẽ thành sức mạnh, thành thành trì muôn thuở.
Hồn Việt chúc mừng Năm Mới đến bạn đọc, đến các cộng tác viên yêu quý, Niềm Vui mới.