Cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài. Thành phố mất điện, bóng tối bao trùm tất cả, nhưng sinh hoạt cũng dần quen thuộc. Một vài ngọn đèn vẫn sáng nơi công cộng. Và đêm nay có một vầng sáng dành cho khu vực hồ Tây. Nơi đây vào thứ bảy, chủ nhật trai gái vẫn đến thuê thuyền dong chơi trên hồ. Đêm Trung thu nhà thuyền đã dành cho thanh niên đến du thuyền nhỏ trên hồ. Một vài bóng điện giăng trên cọc trên mặt hồ giới hạn phạm vi thuyền có thể đi lại. Em dặn tôi: “Anh biết bơi thuyền, đêm nay chúng ta phải đi ngắm trăng Trung thu giữa hồ Tây”. Tôi nói: “Em lãng mạn quá, tôi rất vui, nhưng nói dại có chuyện gì xảy ra thì sao?”. Em bảo: “Chúng ta sẽ trở thành huyền thoại của hồ Tây. Anh không phải mang gì, chỉ cần đôi tay khỏe để chèo lái và em chuẩn bị tất cả”.
Khoảng tám giờ chúng tôi xuống thuyền pê-ri-xoa, trăng đã lên từ phía tây mặt hồ, ngày càng tỏa sáng. Vầng trăng dần đã ở đỉnh cao đem vẻ đẹp thanh bình đến cho mọi người. Trăng dịu dàng, trăng lấp lánh, trăng lan xa. Thuyền rẽ sóng hay rẽ sóng trăng. Tôi miên man và tâm hồn chìm dần theo những con sóng trăng trong đêm lộng gió. Đến giới hạn rồi, em nhắc tôi, hồ còn mênh mông quá, mọi giới hạn chỉ là ước lệ phải vượt qua thôi! Tôi bơi mạnh, bơi nhanh, chẳng mấy chốc thuyền đã đến giữa hồ. Chỉ còn vầng trăng, mênh mông nước và em. Tôi đã có dịp dạo chơi và trò chuyện với em bên hồ Tây. Dạo ấy rặng liễu lao xao trong gió mùa thu. Tôi ngắm em từ đôi mắt, làn môi tất cả đều mỉm cười trong khuôn mặt tươi sáng. Em bảo: “Đừng làm em ngượng…”. Dạo ấy, em cho tôi nắm bàn tay đầy đặn, ấm áp như đang nói lời âu yếm của da thịt. Quen em đã lâu, nhưng không làm sao xóa được khoảng cách. Đêm nay, em rủ tôi đi ngắm trăng trên hồ Tây. Một niềm vui bất ngờ. Chiến tranh gây bao tổn thất, nhưng đêm nay chúng tôi có một vầng trăng đẹp giữa thủ đô với khoảnh khắc thanh bình. Thuyền đã ở giữa hồ, gió đã lên. Em bảo: “Vừa ngắm trăng vừa thưởng thức lộc Trung thu anh ạ, nhưng anh phải rửa tay” - “Tay anh sạch”. Em ngồi gần lại, lấy chai nước và dội lên tay tôi. “Phải có bàn tay sạch anh ạ, nhất là để hưởng lộc Trung thu. Xin lỗi anh, kinh thánh nói nhiều đến bàn tay không sạch của đàn ông. Em cũng không hiểu vì sao” - “Chắc là lao động, nhiều nhất là tiếp xúc với cát bụi, đất đai”. Em cười và bảo: “Anh ngụy biện rồi”.
Gió bỗng lặng, thuyền như đứng yên một chỗ. Chúng tôi vào tiệc nhỏ Trung thu. Em bảo tôi nhắm mắt lại và mở bàn tay ra. Cốm non tỏa hương thơm. “Phải dùng từng ngón tay nhón từng nhúm nhỏ và ăn với chuối tiêu”. Tôi vội cầm quả chuối tiêu, em bảo để em giúp anh cách ăn. Quả chuối được bẻ làm hai, bóc vỏ và cô gái lấy hai ngón tay ấn nhẹ nhàng ba mảnh dài, “anh ăn từng mảnh nhỏ sẽ thấy ngon hơn”. Có phần kiểu cách, nhưng thanh lịch và hợp với đêm Trung thu. Món thứ hai là bưởi. Những múi bưởi thơm hương mùa thu và ở vào độ chín ngon lành. Em bảo, phải vào tiết Trung thu bưởi mới ngon, cho dù là loại bưởi quý như bưởi đào; anh có biết câu ca này không: “Bưởi đào tháng bảy còn the/ Thấy em còn nhỏ anh ve để dành”?
Tôi bảo, câu ca ấy nhà thơ Xuân Diệu hết lời ca ngợi. Ông nói: “Yêu như thế mới là yêu, phải dấm trước, chờ cho hương quả vừa chín tới”. Em nói: “Đàn ông các anh tham lắm” - “Như thế là có tầm nhìn xa đấy chứ”. Em giải thích bưởi ngon phải ngọt và hơi giôn giốt chua, bóc không dính vỏ, tép bưởi phải mềm, bên ngoài hơi khô nhưng trong lại mọng nước. Tôi hỏi: “Những tiêu chuẩn ấy có trong quả bưởi ngon của em không?” - “Chắc chắn rồi. Em không chiều anh, mà là mùa thu, trăng thu chiều anh”. Tôi hỏi em có thích hoa bưởi không và thử nhớ thêm một câu thơ về hoa bưởi của nhà thơ Xuân Diệu: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”. Và em nói tiếp: “Hoa bưởi thơm nhưng gợi không khí chùa chiền nên em không thích lắm. Em thích hương thơm đời thường của loài hoa gợi đam mê như hoa nhài, hoa dạ lan hương”.
Tôi khen em con gái Hà Nội tinh tế quá. Bữa tiệc nhỏ lại tiếp tục sang đến món bánh Trung thu. Tôi hy vọng các thứ bánh Trung thu ngon mà em biết khéo chọn. Em bảo, chỉ nên ăn một thứ thôi là bánh dẻo, bánh dẻo mang hương gạo nếp thu và thoảng hương hoa bưởi. Gói bánh dẻo không nhân suôn theo chiều dài ngón tay. Em lấy ra, rồi đưa cho tôi một chiếc và dặn: “Phải ăn dần dần và theo chiều dài của bánh, từng miếng nhỏ và không được gấp lại hoặc vo lại”. Lúc này, tôi chú ý đến những ngón tay búp măng của cô gái trong đêm trăng lao động nhẹ nhàng. Tôi bảo: “Anh là người thô vụng, tỉnh lẻ, đêm nay em dạy anh bài học để đời về sự thanh lịch của người Hà Nội”. Tạm kết thúc buổi tiệc ngon lành, em nắm tay tôi và hỏi: “Bây giờ anh phải trả lời câu hỏi về trăng”. Tôi gật đầu. “Đêm nay trong khung cảnh đẹp này có mấy vầng trăng?”. Tôi nhìn lên trời cao nơi trăng đang tỏa sáng và bảo: “Một vầng trăng đẹp” - “Không đúng rồi” - “Hai vầng trăng, trăng trên cao và trăng thả mình dưới nước” - “Cũng không đủ”. Óc tôi vỡ lẽ ra và trả lời: “Có tất cả ba vầng trăng”. Em gật đầu và hỏi tiếp: “Vầng trăng nào xa nhất?” -“Vầng trăng xa nhất là vầng trăng gần nhất”.
Em tủm tỉm cười và bảo: “Anh cũng không ngốc nghếch như em tưởng. Bây giờ sang bài hỏi thứ hai. Anh là người dạy Văn, vậy nhà văn nào yêu trăng nhất, tả trăng đẹp nhất?”. Tôi nói, ở Trung Quốc có giai thoại Lý Bạch là người yêu trăng, làm thơ hay về trăng, uống rượu với trăng và một lần đi thuyền đêm trăng, trong cơn say đã nhảy xuống ôm vầng trăng và chết. Em im lặng cảm động và lại hỏi: “Ở nước mình có nhà thơ nào chết vì trăng như thế không?” - “Nhà thơ nước mình tỉnh táo và không đắm đuối được đến thế, họ yêu trăng nhưng chỉ mơ mộng, tưởng tượng thôi. Thơ của Xuân Diệu nhiều trăng, có câu thơ rất hay về trăng trên vùng biển Quy Nhơn: “Trăng từ viễn xứ/ Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”. Còn Hàn Mặc Tử có thơ ôm trăng, rượt trăng, ngủ với trăng” - “Có được gì không?” - “Được những câu thơ hay về trăng” - “Anh đọc một vài câu hay nhất đi” - “Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe/ Mới lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô”. Em bảo: “Câu sau rất hay nhưng trong đêm nay có thẹn thò không?” - “Chắc là không, trông thấy cảnh chúng mình thế này thì còn thẹn thò gì nữa”.
Em cười và hỏi tiếp: “Trong văn xuôi ai là người tả trăng đẹp nhất?” - “Có lẽ Nam Cao là người tả trăng đẹp nhất. Làng Nam Cao gần sông có bãi và vườn chuối. Những đêm trăng rất đẹp, trăng sáng trên sông nước, trăng tỏa sáng trên những vườn chuối lấp lánh và đặc biệt là mối tình đầu trong đêm trăng giữa Chí Phèo và Thị Nở. Cặp nhân vật này không sợ nhau, thậm chí Nở còn dám vào nhà Chí Phèo xin rượu bóp chân ở nhà Chí Phèo, điều mà cả làng không ai dám nghĩ đến. Phải tạo cho chúng một hoàn cảnh để trai gái này gặp nhau đi từ bản năng bốc lửa đến tình tứ, từ ngẫu nhiên đến quy luật. Đấy là một đêm trăng ngời sáng những tàu lá chuối lấp lánh ánh trăng, gió thổi mát nên cứ giãy lên đành đạch như hứng tình. Chí say rượu về nhìn thấy ở bến cái gì trắng trắng. Lại gần hóa ra là một người đàn bà đang ngủ. Sống nửa thực vật nên có gió mát là thị ngủ dù ở nơi nào: góc vườn, bờ sông. Dưới trăng, thị đẹp hơn nhiều lần. Cái miệng há rộng đầy trăng nên cũng thơ mộng, đáng yêu quá, quần áo xộc xệch lộ ra những mảng da thịt nõn nà và Chí đã “cưỡng yêu”. Lúc đầu còn la, phản ứng, sau nhận ra nhau thì hợp ý tâm đồng. Vầng trăng làm duyên cho cặp trai gái này. Không có trăng, làm sao nhận ra nhau, làm sao thấy người yêu đẹp lên bội phần”. Cô gái cười và nói châm chọc: “Như cỡ em trên tầm Thị Nở chắc cũng duyên dáng thêm trong đêm trăng phải không anh?”. Tôi bảo: “Xin em đừng liên hệ văn chương với chuyện đời”.
Đêm đã khuya, gió đã lên từ lúc nào thổi mạnh dạt dào trên mặt hồ. Như mất phương hướng, thuyền trôi về phía tây, xa nơi xuất phát. Đã có tiếng loa gọi các thuyền về. Họ nhắc đến tên theo chứng minh thư. Em lo lắng và tôi cũng lo: “Nếu gió to hoặc cơn lốc ào đến, thuyền lật thì thành ma trơi hồ Tây”. Làm sao chèo được hàng cây số, hàng trăm sải nước để về chỉ để lại một ngọn đèn. Tôi không dám chèo ngược chiều gió và tạt thuyền vào gần bờ, men theo bờ trở về bến cũ. Lúc này trăng sáng cũng như hiểu cảnh ngộ của chúng tôi. Em cũng hỏi tôi: “Anh vất vả, động viên anh bằng cách gì được?! Giá có một con thuyền chèo đôi”. Thỉnh thoảng bóng cây to lại che bớt ánh sáng của vầng trăng. Một cuộc phiêu lưu lãng mạn và đầy thử thách. Về đến bến, anh phụ trách nhìn chúng tôi vừa như thông cảm vừa như trách móc: “Mải mê quá quên cả giờ giấc!”. Chúng tôi xin lỗi và cảm ơn. Trên đường về, em bảo: “Chuyện đêm nay rồi anh có quên được không?”. Tôi vui, cười: “Muôn đời không quên, nhất là tôi đã vớt được vầng trăng mà không phải chìm dưới nước như huyền thoại về Lý Bạch”.
Một đêm Trung thu ở hồ Tây trong những năm chống Mỹ. Đêm trăng đẹp ấy là có thật. Em xinh tươi là có thật hay chỉ là một giấc mơ tôi đã tưởng tượng trong đời. Bây giờ em và vầng trăng năm xưa ở đâu? Mùa thu lại sắp trở về rồi. Ánh điện thành phố tỏa sáng, vầng trăng nhợt nhạt như một giấc mơ đang dần tan.