HV111 - Ông “Phủ Vĩnh Tường” rất nổi tiếng trong “thơ Hồ Xuân Hương truyền tụng” là ai?

Đó là Trần Phúc Hiển, quan Tham hiệp trấn An Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Trần Phúc Hiển là con Trần Phúc Nhàn, người Đàng Trong. Trần Phúc Nhàn là tướng của Nguyễn Ánh đã tham gia vào trận đánh thắng vua Quang Toản nhà Tây Sơn (con vua Quang Trung Nguyễn Huệ) năm 1802 và tử trận tại Phú Xuân (Huế). Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, rồi không biết vào năm nào, cho tìm con của Trần Phúc Nhàn là Trần Phúc Hiển phong cho làm Tri phủ Tam Đới (năm 1822 đổi là phủ Vĩnh Tường, nay là huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc) để trả ơn.

Cứ theo lời Tựa của Tốn Phong trong Lưu hương ký thì Lưu hương ký là tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương nói với Tốn Phong: “Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay, nhờ ông viết cho một bài tựa”, và theo bài Tựa, trong số bạn bè thường trao đổi chuyện trò, ứng đối thơ văn với Hồ Xuân Hương, năm 1813, tại nhà riêng của bà ở phường Khán Xuân, gần hồ Tây hiện nay, đã có thêm Trần Phúc Hiển. Rồi hai người yêu nhau. Lúc đó, vợ Trần Phúc Hiển đã mất. Năm đó, Trần Phúc Hiển được vua Gia Long thăng làm Tham hiệp trấn An Quảng (tương đương như Phó chủ tịch thứ nhất tỉnh Quảng Ninh hiện nay). Trần Phúc Hiển rời Tam Đới về trấn lỵ Quảng Yên, bên bờ sông Bạch Đằng để nhận việc quan. Hồ Xuân Hương đã đến thăm ông bằng thuyền và để lại 2 bài thơ Nôm, chép trong Lưu hương ký, cùng 5 bài thơ khác bằng chữ Hán viết về vùng biển đảo nay là vịnh Hạ Long.

Về tập thơ này, theo nhận định của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại thì Lưu hương ký là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”(*).

Đọc hai bài thơ Hồ Xuân Hương viết về Trần Phúc Hiển, chúng ta sẽ thấy Hồ Xuân Hương yêu Trần Phúc Hiển đến mức nào, chỉ lo Trần Phúc Hiển không giữ lời hứa với mình, và thơ bà quả thật là “hào hoa phong nhã”, “vui mà không buông tuồng, buồn mà không bi lụy”, “thơ đúng phép mà văn hoa”, “bao giờ cũng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa”… đúng như ông Tốn Phong đã viết về thơ bà, tháng 3-1814:

Bạch Đằng Giang tạm biệt

Khấp khểnh đường mây bước lại dừng

Là duyên là nợ phải hay chăng

Vun hoa khéo kẻo lay cành gấm

Vục nước mà xem động bóng giăng

Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt

Lời kia nay đã núi giăng giăng

Với nhau tình nghĩa sao là trọn

Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng…

Các sách đều chú thích nước Đằng là một quốc gia nhỏ bé bên Trung Quốc. Theo tôi, chú thích thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng khi lưng, khi vơi theo mức lên xuống của thủy triều. Hồ Xuân Hương nhắc Trần Phúc Hiển lòng dạ yêu bà chớ có như thế.

Bài thứ 2:

Lưu biệt thời tại An Quảng An Hưng ngụ thứ

(Ghi lại lúc chia tay tại An Hưng An Quảng)

Người về người ở khéo buồn sao

Tức tối mình thay biết lẽ nào

Tơ tóc lời kia còn nữa hết

Đá vàng lòng nọ xiết là bao

Nổi cơn riêng giận ngày giời ngắn

Mỏi mắt chờ xem bóng nguyệt cao

Sớm biết lẽ giời ly có biệt

Thì mười năm trước bận chi nao…

Hồ Xuân Hương ở hẳn An Quảng với chồng từ năm 1815 (khi Trần Phúc Hiển cưới bà làm vợ kế) đến khi chồng bà bị bắt (tháng 5-1818) chịu án tử hình (1819), vì đã nhận hối lộ 700 quan tiền ở châu Hải Ninh để giải quyết về việc ruộng đất. Hồ Xuân Hương viết đơn xin ân xá, được vua Gia Long cho giảm xuống “tự xử”: một, được sống thêm 60 ngày; hai, trong 60 ngày ấy, giam ở đâu cũng được, chuẩn theo ý của người làm đơn; ba, đến ngày thứ 61 phải chết, bằng cách nào cũng được, tự xử lấy. Lý do: Khi nhậm chức, các vị sẽ làm quan phải thề 3 điều: một, tuyệt đối trung thành với nhà vua; hai, không được ức hiếp dân; ba, không được ăn hối lộ (dù chỉ 1 đồng). Nếu phạm một trong ba tội ấy thì chém đầu mà không phải xử. Việc Trần Phúc Hiển tự chết ở An Quảng năm 1819 cũng đã rõ, vì điều đó còn ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn. Cũng theo Thực lục, năm 1820, Minh Mạng lên ngôi vua, tự mình rà soát lại các án tham nhũng, đến vụ Trần Phúc Hiển, vua Minh Mạng đã phê luôn vào bên cạnh như sau: “Tham nhũng đến như thế mà không giết thì lấy gì mà khuyến liêm”. Nhân đây xin nói thêm: Ai đã nghiên cứu quan chế phong kiến sẽ thấy việc làm quan là rất nghiêm chỉnh. Có 5 điều nhà nước phong kiến cấm: Một, không được làm quan ở tỉnh quê mình, nơi quan làm việc phải ở tỉnh khác và cách nhà khoảng 500 dặm. Hai, không được lấy vợ ở tỉnh mình làm quan. Ba, không được tậu ruộng mua nhà tại tỉnh mình làm quan. Bốn, không được đưa đàn bà con gái vào việc quan hoặc nơi ở của quan (trong Bộ luật Gia Long có ghi: Phàm quan văn võ, nếu đưa con hát vào nơi ở hay làm việc - kể cả văn nghệ trong bữa ăn như ta thường thấy bây giờ - sẽ bị đưa ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về quê. Và năm, đã về hưu rồi, không được đến nơi làm quan trước để xin xỏ hay cản trở công vụ.

Trần Phúc Hiển chết năm 1819, ba năm sau, năm 1822, phủ Tam Đới mới được vua Minh Mạng cho đổi tên thành phủ Vĩnh Tường. Vậy trước đó ba năm đã có bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, chả là điều vô lý lắm sao. Hồ Xuân Hương mất năm 1822, sau ba năm mãn tang chồng. Chưa bàn cái việc bà vợ khóc chồng bị án tử hình mà khóc cái cán cân tạo hóa của ông với cái miệng túi càn khôn của tôi, rất thiếu văn hóa, phản cảm… chỉ nói chắc gì trước khi mất, Hồ Xuân Hương đã biết có phủ Vĩnh Tường… mà làm thơ khóc ông chồng. Bài thơ như sau:

Khóc ông Phủ Vĩnh Tường

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi

Cái nợ ba sinh đã trả rồi

Chôn chặt văn chương ba thước đất

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi…

Chưa kể các bài thơ chữ Nôm và 24 bài thơ chữ Hán khác rất trang nhã, chỉ đọc 3 bài thơ Nôm trên (2 bài trong Lưu hương ký và 1 bài truyền tụng), chúng ta đã thấy, thơ của bà trong Lưu hương ký và thơ truyền tụng được cho là của bà khác hẳn nhau như thế nào. Chưa kể trong tập còn có bài thơ tình gửi người yêu cũ là “Hầu Tiên Điền nhân” tức Du Đức Hầu Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, mà theo tôi là một trong số ít bài hay nhất trong tập thơ Hồ Xuân Hương.

 

_____

(*) “Lưu hương ký và lai lịch phát hiện nó” - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III, NXB Văn học, 2004.

TRẦN NHUẬN MINH