Hv111 - Ngày xuân, đi hội gà làng Hồ

Không chỉ vì suốt đời thi sĩ Hoàng Cầm luôn ca ngợi quê mình với lòng tự hào thương nhớ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” mà còn bởi vì các bức tranh dân gian Đông Hồ vẽ chú bé ôm gà trống - chú bé bụ bẫm tóc để chỏm náo nức ôm con gà đi hội - đã gọi tôi về cái làng nổi tiếng của vùng Kinh Bắc ấy: Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng vì có thi sĩ Hoàng Cầm và “đệ nhất danh kê Bắc Kỳ”.

Đất của Lý Thái Tổ thật lắm tài hoa, xứ sở thấm đậm chất tình tứ của những cô gái đẹp khỏe như Nguyên phi Ỷ Lan thuở nào, là vùng đất đào hoa, nức tiếng sinh nhiều anh tài, nghệ sĩ. Lạc Thổ, đúng là đất vui, ngày thường vào làng xem gà cũng như mở hội. Cách nuôi, mục đích nuôi gà cũng đầy chất “nghệ”. Không quý phái, bồng bềnh tóc huyền như chàng công tử gà lôi trắng, chẳng có bộ mã dễ bị ghen tị như gà lôi vằn, lôi lam màu trắng, gà làng Hồ mang dáng vẻ võ sĩ giác đấu: cơ bắp, xù xì. Thời vàng son, những gã trống lực lưỡng chễm chệ diễu hành trong hoàng thành Thăng Long cho vua ngắm, là chủ đề chính của nhiều lễ hội đầu xuân. “Có thực mới vực được đạo” nhưng vùng Hồ nuôi gà không cốt để ăn, dù thịt chắc ngon, mà để chơi, dù nuôi cầu kỳ tốn kém. Nhưng ăn chơi thì phải tốn kém. Dân chịu chơi đều hiểu “nghề chơi cũng lắm công phu”, đời nào chẳng thế. Cả năm giấu giấu diếm diếm cặp gà đi thi (gà không thi thì thả đầy sân) đến mồng 10 tháng 2 âm lịch đầu năm, ông cháu nhà bé Xù háo hức bế một con gà trống 5 kg (nặng bằng con gà của ông trưởng thôn), cu Xù 3 tuổi béo tròn cũng chẳng chịu nhường ai, khệ nệ bế cô gà mái 2 tuổi, nặng 3,7 kg. Một già, một trẻ, quần áo mới cáu cạnh, ông đi giày, cháu xăng đan - loại đi “tóe tóe” ánh sáng (chứ không phải dép lê như mọi ngày) phía sau là bầu đoàn thê tử cổ động viên - họ hàng, nhằm hướng đình làng mà tiến. Giấu diếm không phải là bí quyết chăn gà vì Viện chăn nuôi Quốc gia đã phổ biến cách chăm sóc, phòng bệnh và ủng hộ việc khôi phục hội thi gà từ năm 1991, mà là “cấm cung” đấu sĩ gà chỉ để gây bất ngờ, kịch tính cho đối phương và khán giả ở phút 89 mà thôi. Dọc đường từ thị trấn về làng, từ trong làng ra đình, nô nức người và gà, ai cũng đỏm dáng, hân hoan, cờ phướn, đuôi nheo vẫy gọi, trống giục liên hồi. Chưa đến hội, người xem đã mong hội đừng nhanh kết thúc, dân quan họ sợ cách xa, chia tay, chả thế mà hát “giã bạn” mấy ngày vẫn chưa về, dờn dứ mãi “Chàng buông vạt áo em ra…”. Gà chọi, thi theo hồ (đơn vị tính hiệp đấu), người xem vây quanh xới. Gà làng Hồ thi vẻ đẹp, giải cặp hay đơn, thi ở sân đình Thổ.

Tiết xuân mát rượi mà chủ gà mồ hôi ướt áo. Hồi hộp quá. Tiêu chuẩn trọng lượng gà loại “oách” từ xưa là “5 quan 4” hoặc “5 quan 8”, tức 8 kg/con. Trước năm 1991, nhiều người mải làm ăn, do sức ép kinh tế thị trường những năm đầu nên không có phong trào nuôi gà, con giống không được chú ý… Gà làng Hồ - sự kết tinh chọn lọc dày công bao đời, gắn với lịch sử, văn hóa Kinh Bắc đồng bằng Bắc Bộ - có nguy cơ diệt vong. Nhờ chương trình lưu giữ bảo tồn nguồn gien vật nuôi Việt Nam do GS Viết Ly - chủ nhiệm, TSKH Lê Thị Thúy - phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ gien động vật (chủ trì đề tài “Bảo tồn giống gà làng Hồ”), gà được “lên đời” trở lại vị trí, tuy trọng lượng chưa đạt đỉnh như xưa nhưng nhan sắc thì lấy lại được. Thế thì tiêu chuẩn xưa lại được Ban giám khảo lấy làm tiêu chí: đầu công, mình cốc, mào xuýt, diều cân, da vàng, mã lĩnh. Mã lĩnh tức là gà trống lông đen óng hoặc màu mận chín, mào tròn. Cậu nào có mào cờ dựng đứng là hỏng thi, đã thế phải có màu da đỗ nành, bàn chân ngắn, các ngón tách rời, đùi to, tròn, dài đúng độ “quản ngắn, đùi dài”, theo tiêu chuẩn con gái thời nay gọi là “chân dài tới nách”. Các cô nàng gà mái muốn giành giải kê hậu, phải đủ các tiêu chuẩn: mã thó (lông màu đất thó) hoặc mã sẻ, mã nhãn (màu xám nâu như lông chim sẻ, quả nhãn), ngực nở, mào xuýt, không cần “chân dài tới nách”, thân chắc chắn, bảo đảm mắn đẻ là thắng cuộc. Nhưng chuyện “bên lề” cho biết gà làng Hồ thành thục sinh dục muộn, 8 tháng mới đẻ bói, tỷ lệ phôi nở chỉ đạt 50% trứng ấp, gà mái nuôi con vụng, hay giẫm chết con. Chuyện! Của quý là phải hiếm và khó một tí chứ! Từ xưa, nuôi gà là thú chơi, nuôi chăm công phu để khỏe, mã đẹp mà tiến cung cho vua ngự lãm, là quà tặng giá trị biếu nhau dịp lễ lạt.

Sau 50 năm không thi, từ Quý Dậu 1993 lễ hội truyền thống thi gà được khôi phục trở lại. Các chàng trai năm xưa nay đã là các ông cụ già của làng, xúc động vô cùng, và háo hức chăn gà đi thi không kém thời trai trẻ. Niềm đam mê của thú chơi đẹp gắn kết mọi người với nhau, thật thắm thiết, vô tư và ý nghĩa. Giải nhất trị giá 250.000 đồng, không nhiều về vật chất nhưng lớn về tinh thần, vì nó là vinh dự nối từ trăm năm của người dân làng Hồ có gà tiến cung, là cái oai của người nhất bảng nghề chơi được bạn nghề thán phục. Cũng thế, khi bán 7.000 đồng/quả trứng giống, 70.000-75.000 đồng/kg gà thì cũng không thể coi nuôi gà là kế sinh nhai, làm kinh tế. Vì theo anh Nguyễn Đăng Chung - Hội trưởng hội gà của thôn thì “khéo lắm cũng chỉ đủ quay vòng, tiếp tục thú chơi mà thôi”. Mục tiêu của những người nuôi gà là có được 1- 2 đôi danh kê “Đệ nhất Bắc Kỳ” trong bộ sưu tập quý kê của mình, là tuyệt đích. Niềm đam mê cha truyền con nối hàng trăm năm qua được bắt nguồn từ ý thức bảo tồn một loại giống quý hiếm của quê cha đất tổ. Thật có duyên, khi lễ gà được khôi phục và chỉ sau 12 năm gà làng Hồ đã có được phong độ như xưa.

Chủ nhân của quán quân không giấu nổi tự hào, khi gà mình nghiễm nhiên là con bố đầu dòng, phối giống cho các con mái tốt của nhà khác (tránh đồng huyết, tránh phối ở đời con, đến đời cháu thì được). Đàn gà của các nhà này được đánh số, cân, nuôi theo quy tắc: Tuân theo sự hướng dẫn, chỉ đạo về chọn lọc, ghéo phối, cân đo của cán bộ kỹ thuật, không tự ý bán gà khi cán bộ và lãnh đạo hội chưa cho phép. Đó là cách bảo tồn gà hạt nhân, với 150 gà thuần chủng hạt nhân, từ đây phối giống, bán cho người hâm mộ cả nước hoặc lai tạo gà ri, gà mía… để tăng tầm vóc cho các nhà nuôi lấy thịt ở các vùng khác.

Cách bảo tồn mang tầm chiến lược và Viện chăn nuôi Quốc gia (Chèm, Từ Liêm) đã xác định đây là giống gà quý nhất, nên đã dùng kỹ thuật sinh học hiện đại để lấy và lưu các vật liệu di truyền, gien quý (bảo tồn đông lạnh trứng, tinh trùng, tế bào) để gìn giữ giống gà này trong tương lai. Gà làng Hồ đã được đưa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài, nuôi ở các vùng khác vẫn phát triển tốt, từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Yên Bái, Sài Gòn; nhưng chỉ ở quê mình, gà làng Hồ được là nó tốt nhất, vì chỉ có ở đây, con gà mới được yêu quý, chăm sóc, được cả làng nuôi chỉ để ngắm như đất Lạc Thổ này.

Đâu chỉ người già mới chơi gà, Câu lạc bộ Gà làng Hồ gồm 21 thành viên (chưa kể những người say nuôi khác nhưng chưa vào hội) có không ít những thanh niên, trung niên. Họ có Ban lãnh đạo, Ban kỹ thuật thú y, chọn gà, thủ quỹ, hằng tháng họp nhau trao đổi kinh nghiệm nuôi, ghép phối và tiêm phòng định kỳ. Hơn 300 gà làng Hồ đang tiến tới thuần chủng hoàn toàn. Gà ăn thóc, gạo, ngô trông dữ tướng nhưng hiền lành, sức đề kháng tốt. Buổi trưa nằm ngủ nghe tiếng động chẳng nỡ bực mình, mà thấy ngộ nghĩnh đáng yêu khi chú gà 7 kg hùng dũng bước, nghe rõ tiếng chân của chú hùng kê, cậu chàng chẳng phải cố gắng gì cũng nghển cổ mổ được thóc trong cối. Xã hội gà cũng giữ gia phong, không phối bố với con.

Tuy còn lâu mới là trưởng lão nhưng anh Nguyễn Tiến Chung, 52 tuổi, đã được cả thôn tín nhiệm vì sự năng động và tâm huyết với gà làng Hồ. Nhà chưa giàu có lắm, nuôi 3 con ăn học, con trai cả đã lấy vợ, thu nhập chính từ nông nghiệp và làm mì sợi nhưng những gì tốt nhất trong sân vườn, anh dành cho gà. Dưới giàn gấc trĩu quả, bầy gà của anh quả không hổ danh của đất gà. Anh cũng như ông Toàn, ông Linh 72 tuổi, không phân biệt tuổi tác, là bạn của nhau trong hội. Nguyễn Tiến Chung vốn là y sĩ đóng quân ở sân bay A Lưới (Thừa Thiên - Huế) được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, được giấy khen của Viện trưởng Viện chăn nuôi Quốc gia, vì thành tích nuôi gà làng Hồ và tạo được khí thế cho cả thôn, anh xây dựng được cả CLB Người cao tuổi, mỗi lần sinh hoạt lại trao đổi về nuôi gà. Vừa làm Hội trưởng Hội nuôi gà ở thôn, anh còn là Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh ở thị trấn, thành lập từ hai năm nay (chuyên chim, đá, cá, gà).

Tranh dân gian Đông Hồ sau hơn 500 năm, nay chỉ còn hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam còn in tranh giấy dó trên bảng khắc gỗ truyền thống, còn lại là in công nghiệp, kỹ thuật hiện đại chiếm lĩnh và làm mất gốc truyền thống là thế. Nhưng gà làng Hồ thì khác, ngoài công lao nuôi chăm thủ công, đòi hỏi bền bỉ, đam mê, gà làng Hồ lại được Viện chăn nuôi Quốc gia lấy máu, phân tích gien, giữ giống với sự hợp tác quan tâm chặt chẽ của tầm nhìn chiến lược.

Cùng thời với nhau, cùng đi vào nghệ thuật, tranh Đông Hồ và gà làng Hồ qua hàng trăm năm đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến đất Kinh Bắc. Nếu như tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ nay chỉ còn rất ít nhà làm, đa số làm hàng mã vì lời nhanh, giàu nhanh thì thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ với những người dân đồng tâm, bản lĩnh, biết trân trọng truyền thống ông cha đã vượt lên sức ghì vít của mưu sinh cơm áo, để đưa gà làng Hồ tiếp tục giữ vị trí khôi nguyên của gà quý Việt Nam. Nhiều lần đi triển lãm ở Hà Nội, được giải thưởng của Hội sinh vật cảnh Bắc Ninh, toàn quốc, gà làng Hồ tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thi sĩ, nhà nhiếp ảnh, quay phim. Gà làng Hồ còn đem lại niềm vui kép nối tiếp và xóa ranh giới cụ già - em bé khi cùng mê gà, cho con người biết yêu quý hơn những vật nuôi quanh mình, yêu thiên nhiên, quê làng, yêu truyền thống, là biểu tượng đáng yêu cho ngôi làng có truyền thống trồng trọt, chăn nuôi bên con sông Đuống hiền hòa. Gà làng Hồ trên giấy dó đã đi vào lịch sử, bay khắp các châu lục, là một hiện thân của văn hóa làng quê đồng bằng Bắc Bộ, lại đang sải bước đến mọi miền trong năm Dậu sung sức của mình!

Chú bé ôm gà trong tranh Đông Hồ như đang bước ra, ôm gà chạy lon ton, í ới gọi và cùng bé Xù thôn Lạc Thổ hôm nay đi hội…

TẠ NGỌC HÀ