Nguyễn Hàm Ninh 阮咸寧 (1808-1867) tự Thuận Chi 順之, hiệu Tĩnh Trai 靜齋, Nhâm Sơn 壬山; danh sĩ người Quảng Bình thời Nguyễn, nổi tiếng giỏi chữ nghĩa, thơ văn; đỗ đạt sớm, làm quan trong nội các triều Nguyễn, rồi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, sau cáo quan về quê. Qua những bài thơ còn để lại trong Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao 靜齋小草摘抄 (VHv.104, gồm 116 trang) và Tĩnh Trai thi sao 靜齋詩抄 (A.2820, gồm 46 trang), cho thấy ông là bạn xướng họa với các nhà thơ danh tiếng Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu… Sinh thời, Nguyễn Hàm Ninh được xưng là “Tràng An tứ kiệt” (ba người còn lại là Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Đinh Nhật Thận; Tràng An ở đây chỉ kinh đô Huế). Tuy cùng đứng trong hàng “tứ kiệt”, nhưng so với “Thánh Quát”, “Thần Siêu” thì cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Hàm Ninh còn ít được nghiên cứu. Ngoài số bị thất lạc, nhiều bài thơ còn sót lại chưa được dịch và giới thiệu. Người xưa nói “danh bất hư truyền”. Thiết nghĩ tìm về thơ văn Nguyễn Hàm Ninh, sẽ xác định được trung thực địa vị của ông trong văn học triều Nguyễn. Hy vọng rằng, những tác phẩm mà với giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật đã làm cho Nguyễn Hàm Ninh “nổi tiếng” (theo Đại Nam chính biên liệt truyện) ngay từ khi còn tại thế, thì sẽ được các nhà làm văn học sử đời nay đặt vào đúng vị trí của nó.
1. Người bạn của Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương
Tình cảm giữa Nguyễn Hàm Ninh - Cao Bá Quát (1808-1855) và Tùng Thiện Vương (1819- 1870) không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thù tạc, xướng họa mà là tình cảm tri âm, tri kỷ. Nguyễn Hàm Ninh là người mà Cao Bá Quát có thể tin cậy trao gửi nỗi lòng: “Duyên hẩm tả nỗi hận lòng gửi tới anh/ Mưa gió sông Hương đang là mối bận lòng của tôi” (Bằng ký ô duyên tả thâm hận/ Hương giang phong vũ chính quan tình 憑寄烏緣寫深恨/ 香江風雨正關情 - Gửi Nguyễn Thuận Chi). Là tri kỷ nên hơn ai hết, Cao Bá Quát rất hiểu về bạn thân của mình: “Thuận Chi nết phóng khoáng, khá thương cho tài” (Thuận Chi sơ phóng khả liên tài 順之疏放可憐才 - Đằng Giang chu trung hoài cựu); hay: “Lão này quật cường, lại cùng ta một bệnh” (Thử lão quật cường, phục dữ ngã đồng bệnh 此老倔彊, 復與我同病). Cái “bệnh” ấy đã giúp Cao Bá Quát đứng lên khởi nghĩa, còn Nguyễn Hàm Ninh nhờ “bệnh” này mà sẵn sàng từ bỏ bả danh lợi để lui về gìn giữ chân tâm của mình.
Nguyễn Hàm Ninh là tri âm của Tùng Thiện Vương. Tình cảm ấy thể hiện qua rất nhiều bài thơ trong Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao và những cánh thư. Năm 1938, cụ Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề về quê Nguyễn Hàm Ninh tìm kiếm tài liệu để viết Đời tài hoa đã kịp thấy nhiều tờ thư Tùng Thiện Vương gửi cho Nguyễn Hàm Ninh. Xin trích ra đây một đoạn: “(…) Không biết gần đây gia đình như thế nào, chim hạc đậu cây châu, bao giờ lại cất cánh bay về chốn kinh khuyết vậy - Tháng 3 năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức. Trọng Uyên-Bạch Hào Tử” (Gia đình cận trạng hà như, vị châu thụ chi hạc, hà niên khước hướng đế thành phi dã -Tự Đức Tân Dậu tam nguyệt. Uyên Bạch 家庭近狀何如, 未珠樹之鶴, 何年卻向帝城飛也. 嗣德辛酉三月-淵白). Năm 1867, được tin Nguyễn Hàm Ninh qua đời, Tùng Thiện Vương vô cùng thương tiếc, đã tổ chức ai điếu tại phủ ở Huế.
2. “Nếu không khéo học Thiếu Lăng, làm sao có thể đạt đến sự linh diệu như thế!”
Trong Tĩnh Trai thi sao còn thấy đặc lời phê và dấu khuyên của Tùng Thiện Vương và Cao Bá Quát. Cao Bá Quát tán thưởng: “Nếu không khéo học Thiếu Lăng, làm sao có thể đạt đến sự linh diệu như thế!” (Phi thiện học Thiếu Lăng, an đắc linh diệu nãi nhĩ 非善學少陵, 安得靈妙乃爾); hay: “Cơ trời đến, hạ bút không cần phí công suy nghĩ” (Thiên cơ sở chí, lạc bút định bất phí tưởng 天機所至落筆定不費想). Còn Tùng Thiện Vương khen: “Thở một hơi mà thành trọn vẹn, không dấu vết đẽo gọt. Thơ Thịnh Đường sở dĩ vượt người là vậy” (Nhất khí a thành toàn vô phủ tạc ngân tích. Thử Thịnh Đường sở dĩ siêu nhân dã. 一氣阿成全無斧鑿痕迹. 此盛唐所以超人也). Khảo sát trong Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao và Tĩnh Trai thi sao có rất nhiều bài Nguyễn Hàm Ninh “Vâng lời họa ngay trong bàn tiệc” (Tức tịch ứng giáo thứ vận 卽席應教次韻) cho thấy lời phê của “Thánh Quát” và Tùng Thiện Vương là chân thật.
Văn phong của Nguyễn Hàm Ninh được Cao Bá Quát đánh giá: “phong chí thậm nhã 風至甚雅” (văn phong hết sức tao nhã). Có lẽ vì thế, trong thời đại mà theo Cao Bá Quát “tác gia xuất hiện như rừng” thì Nguyễn Hàm Ninh vẫn được “Thánh Quát”: “Muốn đem chuyện thơ hỏi ý anh” (Dục tương thi sự cánh tham khanh 欲將詩事更參卿 - Gửi Tu soạn Nguyễn Thuận Chi họa thơ ngài Cù Tiên). Còn Tùng Thiện Vương tán tụng: “Có thể địch được Ngọc Khê. Phi Khanh, Đoan Kỷ đều không thể bì kịp” (Khả địch Ngọc Khê. Phi Khanh, Đoan Kỷ đẳng bất năng cập 可敵玉溪. 飛 卿,端己等不能及).
3. “Hai mươi năm làm quan/ Được cái nghèo mang về”
Đại Nam chính biên liệt truyện cho Nguyễn Hàm Ninh có “số lạ” vì trong 17 năm làm quan (1831-1848), ông bị thăng, giáng, bãi chức tổng cộng tới bốn lần, mà cứ “hễ thăng quan là bị miễn thự”(1). Tuy vậy, Nguyễn Hàm Ninh không cho là lạ, ông lý giải: “Đường đời vô duyên lại nhiều vụng dại” (Bất duyên thế lộ đa sơ chuyết 不緣世路多疎拙 - Tĩnh Trai tam thủ). Và, vì “vụng dại” nên “Hai mươi năm làm quan/ Được cái nghèo mang về” (Hoạn du nhị thập tải/ Doanh đắc nhất bần quy 宦遊二十載/ 嬴得一貧歸 - Cảnh nghèo). Từ quan vì không muốn “đi ngược lại với lương tâm”, Nguyễn Hàm Ninh an lòng trở về quê hương và tin rằng mình vẫn giữ được chân tâm sau khi trải qua bão táp chốn quan trường: “Sau hai mươi năm gió bụi (tôi) trở lại tôi xưa” (Lưỡng kỷ phong trần hoàn cố ngã 两紀風塵還故我 - Lên khe, làm hai bài, gửi đến Triệu Tùng Tuyết). Cái “Tôi xưa” ấy thuần khiết tựa đóa hoa sen: “Ánh trăng chiếu lên đóa hoa sen bên bờ sông/ (Và) soi sáng tấm lòng trong trắng vẫn như xưa” (Liên hoa trì bạn nguyệt/ Y cựu chiếu băng tâm 蓮花池畔月/ 依舊照冰心 - Nơi giáp ranh giữa Diễn Châu và Ái Châu).
4. … và đi theo con đường thơ của Đỗ Phủ
Nguyễn Hàm Ninh có quan điểm vì dân sâu
Bút tích của Nguyễn Hàm Ninh. Bên cạnh câu thơ là lời phê của Cao Bá Quát (bên trái) và Tùng Thiện Vương (bên phải) trong Tĩnh Trai thi sao sắc. Nếu như trong tận cùng đói rét, bệnh tật, nhà nát Đỗ Phủ mong ước “nhà vạn gian” cho mọi người, dù một mình mình chết rét cũng cam lòng, thì Nguyễn Hàm Ninh cũng đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo ở chỗ đó. Trời lạnh, Nguyễn Hàm Ninh thầm xót xa: “Thương lắm người không áo/ Cuối năm tính làm sao” (Kịch liên vô hạt khứ/ Tuế tốt nhược vi mưu 劇憐無褐去/ 卒歲若爲謀 - Lạnh). Khi gặp cảnh người nông dân cùng khốn bị đàn áp, tiếng nói của Nguyễn Hàm Ninh trở nên gay gắt lạ thường: “Quân quỷ ác (như) tên quan ở thôn Thạch Hào/ Làm sao dâng được bức tranh vẽ cảnh dân bị đày đến miền xa” (Lệ quỷ Thạch Hào lại/ Lưu dân an thướng đồ 癘鬼石壕吏/ 流民安上圖 - Tức cảnh làm thơ tặng các bạn cùng chí hướng).
Nguyễn Hàm Ninh đối với “quân quỷ ác” thì gay gắt như vậy, nhưng ông lại dành cho người nông dân tình cảm vô cùng trìu mến. Ông lo đến cháy lòng khi nắng hạn kéo dài: “Nắng hạn lâu ngày đã quá sức chịu đựng/ Nông dân biết tính sao?” (Cửu hạn dĩ thái thậm/ Tam nông kỳ như hà? 久旱已太甚/ 三農其如何 - Tức cảnh làm thơ tặng các bạn cùng chí hướng). Ấy vậy mà bọn “đạo tặc” sống bằng tô thuế của nông dân - như Đỗ Thiếu Lăng nói “Quan lại đồng thời là trộm cướp” (Y quan kiêm đạo tặc) - vẫn đều đều “Thuế hai vụ thu đa nộp thiểu, chốn Trường An hoa đá thiếu gì đâu” (Phản thúc ước), Nguyễn Hàm Ninh đã đứng về phía nông dân và mạnh mẽ lên tiếng: “Gẫm nhân tình gươm sắc muốn reo lên; Tưởng thế sự xương khô nên dựng dậy” (Phản thúc ước).
5. Phản thúc ước - bản cáo trạng bọn cường hào lộng hành ở nông thôn
Áng danh văn Phản thúc ước (gồm 111 câu Nôm biền ngẫu) được Nguyễn Hàm Ninh viết nhằm chống lại sự giả dối của bản Thúc ước do bọn quan lại ở địa phương soạn ra bắt dân phải thuộc. Trong đó, mọi thói hư tật xấu của bọn cường quyền được phơi bày đến từng chi tiết: “…Troắt ngọn roi tra nợ, dân Khe Dang giăng khắp đầy sân; Khua hồi mõ nhóm làng, quan án cựu mới ra khỏi chái. Lời ăn tiếng nói vẫn ngang tàng; Quần rộng xống dài coi nhóng nhưởi. Dân lâm phần mong ơn vua tha tội; Chính suất năm quan, phụ cư ba bốn, hãy nạp cho thầy lý với thầy cai; Binh thủy sư nhờ thầy đội lo giùm, mật ong một ché, tiền mặt năm trăm, may thuyên được đội mười qua đội bảy…”.
Phản thúc ước được coi là kế tục và phát huy truyền thống văn học dân gian Việt Nam (trước đó có Khuất tố ca - Khuyết danh). Giá trị của Phản thúc ước ở chỗ: “Trong lịch sử văn học thành văn của Việt Nam, bài Phản thúc ước là bài văn đầu tiên tố cáo sự bóc lột, áp bức tàn tệ của cường hào, địa chủ ở nông thôn. Trước Phản thúc ước trong dân gian chỉ có những bài vè truyền khẩu kể tội bọn cường hào gian ác ở nông thôn”(2).
6. Bản diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc - đỉnh cao của nghệ thuật dịch
Phong Kiều dạ bạc 楓橋夜泊 là tuyệt tác của Trương Kế, chỉ nhờ một bài thơ này mà Trương Kế thành bất tử. Nguyên tác như sau: 月落烏啼霜滿天/ 江楓漁火對愁眠/ 姑蘇城外寒山寺/ 夜半鐘聲到客船 Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Tạm dịch: Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời/ Trước rặng cây phong trên bến và ngọn đèn chài, người khách ngủ giấc ngủ buồn/ Từ chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô/ Tiếng chuông lúc nửa đêm vọng đến thuyền khách).
Xưa nay, Việt Nam đã có hàng chục bản dịch thơ, song bản dịch dưới đây (có nhiều dị bản) được đánh giá là hay nhất: “Quạ kêu trăng lặn trời sương/ Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.
Năm 1957, Trần Trọng San trong cuốn Thơ Đường (NXB Bắc Đẩu) chú bản dịch này là Tản Đà dịch. Kỳ thực, ngay từ năm 1942, trong sách Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận và Thu dạ lữ hoài ngâm), tác giả Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề đã cho biết bài diễn Nôm này được ông tìm thấy trong tủ sách của Nguyễn Hàm Ninh (Sđd, NXB Tân Việt, tr.82). Sau này (2003), trong bài Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, học giả Nguyễn Quảng Tuân một lần nữa khẳng định chính Nguyễn Hàm Ninh là tác giả của bản diễn Nôm trên.
Bản diễn Nôm của Nguyễn Hàm Ninh thành công ở chỗ không chỉ dịch câu, dịch chữ mà dịch được cả hồn thơ, cái không khí yên tĩnh và cái nhạc điệu của nguyên tác. Từ thể thất ngôn tứ tuyệt đậm chất Đường thi, Nguyễn Hàm Ninh đã chuyển sang điệu lục bát của dân tộc Việt Nam và thổi hồn tiếng mẹ đẻ vào. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy tiếc khi bản diễn Nôm trên bỏ mất chữ “giang” (sông) và “phong” (biểu tượng mùa thu), song thiết nghĩ nói “trời sương” đã đủ gợi hơi thu rồi, mà lại rất Việt Nam; nói “thuyền”, “bến” là đã mở ra không gian sông nước và “thuyền” cũng chuyển được mã văn hóa ly biệt thay cho “giang”, “phong”. Hơn nữa, nhờ bỏ giang, phong để thay bằng “le lói”, “vương” thì cũng thật “đáng giá ngàn vàng”, là một sự sáng tạo trở lại mà nguyên tác không có. Ngoài ra, có ý kiến cho bản dịch “chưa toàn bích” vì dịch giả “hiểu nhầm” thành Cô Tô thành bến Cô Tô. Thiển nghĩ, Nguyễn Hàm Ninh từng đỗ thủ khoa kỳ thi Hương, chắc chắn cấu trúc câu 3 của nguyên tác không gây khó hiểu cho ông. Nhưng ông không quá câu nệ câu chữ. Cô Tô sau hơn ngàn năm đến bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh không nhất thiết phải là thành Cô Tô bên Trung Hoa nữa, mà ý chỉ một nơi kẻ cô lữ tạm dừng chân trên đường lữ thứ.
Cả bài thơ có thể diễn tả bằng một chữ buồn - một nỗi buồn tiêu tao, man mác mà không bi thương. Bài thơ chỉ có 28 chữ nhưng bằng sự sắc sảo, thi nhân đã miêu tả được đủ cả cảnh trên bờ dưới sông, vừa tĩnh vừa động, vừa sáng vừa tối, vừa gần vừa xa; cảnh quyện tình, tình quyện cảnh… Hình ảnh đốm lửa chài le lói dưới màn sương phủ đầy trời, đối lập với hình ảnh ánh trăng đang lặn, dễ hình dung người lữ khách cô đơn trơ trọi giữa không gian bao la trên chiếc thuyền nhỏ bé côi cút trong đêm khuya vắng lặng. Người khách không ngủ nên tất cả mọi cảnh tượng, âm thanh bên bờ sông được cảm nhận một cách rõ ràng. Tại sao người khách thao thức? Chắc hẳn không phải chỉ co ro vì cái lạnh mà chập chờn giấc ngủ? Nỗi sầu nào đã len tận vào trong giấc ngủ mơ màng của khách thơ? Nhưng rồi tiếng chuông chùa lững lờ đến bên thuyền khách đã pha loãng được cái không gian tĩnh mịch bị màn đêm và màn sương bao phủ. Các học giả Trung Hoa cho rằng bài thơ mang chất Thiền - Đạo, mang cái u tịch, thụ động… của con người trước cảnh vật...
Lời thơ tao nhã, điêu luyện, âm điệu bảng lảng, man mác của bản dịch đã truyền tải được đầy đủ thanh, tình, cảnh, sắc của nguyên tác. Có thể nói, bản diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc đã thể hiện được nghệ thuật dịch tài hoa tột bậc của một người từng được truyền tụng là “Tràng An tứ kiệt”. Thật không quá lời khi nói rằng, chính Nguyễn Hàm Ninh đã gởi hồn mình vào bản dịch, làm nên một đời sống mới cho Phong Kiều dạ bạc ở Việt Nam và đã giúp nó thêm một lần bất tử.
____
Chú thích:
* Tất cả những câu thơ của Nguyễn Hàm Ninh được trích dẫn trong bài đều được lấy từ Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao 靜齋小草摘抄, ký hiệu thư viện Hán Nôm VHv.104.
** Tất cả lời phê của Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương được trích dẫn trong bài đều được lấy từ Tĩnh Trai thi sao 靜齋詩抄, ký hiệu thư viện Hán Nôm A.2820.
(1) Theo Quốc sử quán Triều Nguyễn (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện (tập 4), Viện KHXH Việt Nam – Viện Sử học - NXB Thuận Hóa, Huế, tr.154.
(2) Theo Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong (1963), Lịch sử văn học Việt Nam (sơ giản), in lần thứ hai, NXB Khoa học, Hà Nội, tr.291.
Tài liệu tham khảo:
1. Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề (1938), Đời tài hoa (Tập lịch sử ly kỳ nhất của cụ thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh - bạn đồng hành của Cao Bá Quát), Hiệu sách Đông Tây xuất bản, Hà Nội, tr.36, 45-46, 59, 61.
2. Mai Quốc Liên chủ biên (2012), Cao Bá Quát toàn tập - tập 2, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, tr.384, 793-794.