HV111 - Tân xuân khai bút

 1. Tân xuân khai bút, bút khai hoa. Khai bút đầu năm. Tôi cố tìm hiểu, nhưng không thấy tục lệ khai bút ra đời từ bao giờ và ở đâu. Nhưng qua chiêm nghiệm và biết được những văn nhân, thi sĩ, các đồ Nho, thầy giáo, nhà báo... xưa nay đều có thói quen vào đêm giao thừa, hay sáng mồng một Tết là ngồi tĩnh lặng khai bút. Cầm bút viết mấy chữ đầu tiên, vào giờ đầu tiên và ngày đầu tiên của năm mới.

Tôi nghĩ, khai bút đầu xuân là một mỹ tục đẹp và thiêng liêng vô cùng. Phút giây tinh khôi Nguyên đán, trịnh trọng, trang nghiêm, để hết cõi lòng, trí tưởng, ký thác vào một chữ, năm ba chữ, một câu thơ, hay một bài thơ bốn dòng chan chứa cái ý, cái chí, cái khí, cái hành, cái mộng ước, cái tâm can... của mình với ngày tháng đang mở với mình, với người, với hoa cỏ, chim muông, trời mây, sông nước, với đại cục nhân quần, tự hóa thân, chan hòa vào thời gian, không gian miên viễn. Một chữ, vài chữ hoặc đôi câu thôi, mà vào thời khắc ấy thật mênh mang, sâu thẳm biết chừng nào!

Năm tôi lên mười, sáng sớm mồng một Tết, ông nội tôi sai tôi lấy nghiên mài mực. Vẫn cái nghiên bằng đá, có chạm hình đôi kỳ lân, và chiếc ống gỗ cao chừng gang tay cũng khắc hình mai trúc có ống cắm mấy cây bút lông (bút chữ Nho), cán bút bằng trúc mỏng trắng mịn. Ông tôi thử bút, thử mực lăn đảo ngòi bút mềm mại trên nghiên, đưa lên ngắm nghía xong, ông sửa lại khăn áo, ngồi ngay ngắn xuống ghế trường kỷ, trải rộng tờ giấy hoa tiên lên mặt bàn. Ông lại chấm mực và thử bút một lần nữa rồi cúi người tì tay lên giấy viết bốn chữ Hán “Xuân bất tái lai”. Ông ngắm nghía, vuốt râu, gật đầu mỉm cười ra chiều đắc ý, gọi cha tôi, bảo chờ cho khô rồi đem dán lên vách gỗ, chỗ ông hay ngồi tiếp khách, đọc sách hằng ngày.

Cha tôi vòng tay thưa:

- Dạ, năm nay nét chữ tân xuân của thầy rắn rỏi và khoáng đạt. Trông đẹp vô cùng. Cả nhà chúc thầy sức khỏe, bình an, sống lâu trăm tuổi cho con cháu được hưởng hồng phúc của thầy.

Ông tôi cười:

- Thôi được. Nhưng đừng khen nịnh thầy. Thầy đã viết bốn chữ ấy rồi còn gì.

Tôi đâu biết ông tôi viết bốn chữ gì, cha tôi cũng không đọc lên cho cả nhà cùng nghe. Nhưng trong không khí ngày đầu năm trang trọng lễ nghi, và còn có cái gì đó nữa, đã khắc ghi trong tâm khảm tôi ấn tượng sâu sắc đến bây giờ. Nhìn hình ảnh ông tôi trong trang phục áo dài, khăn đóng chỉnh tề, trước mặt là tờ giấy hồng điều như ngọn lửa sống lấp lánh giao hòa cùng nhất thể vạn vật, tận lực gân cốt, máu huyết của mình mà ra những nét tung hoành đen nhánh, thơm tho, chất chứa một đời người. Thật huyền diệu...

2. Khai bút là đại cát, là sự vui mừng thanh tao, trọng tiết nên vật dụng không thể tầm thường đối với các cụ ta xưa, phải là giấy mới, bút mới, mực mới. Trước đây chỉ có bút lông Tàu, làm bằng lông chuột bạch với những tên bút nổi tiếng như Tảo Thiên Quân, Ô Long, Lan Trúc, Nhất Chi, Diêu Thử... Mực Tàu nổi tiếng như Tam Xương, Chu Vĩnh... Lấy cái dĩa gốm mà mài cũng được, nhưng phải có cái nghiên từ đá tỉnh Thanh Hóa, Ngũ Hành Sơn có chạm trổ tinh xảo mới đúng nghĩa và trang trọng. Ông tôi kể lại, cái nghiên quý và nổi tiếng nhất của nước ta có lẽ là nghiên mực có tên Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức, vì được vua phong tước “Hầu” do được làm bằng đá quý. Một phần nghiên có chạm khắc một ngôi miếu cổ, cây tùng, ông tiên, một cây cầu, một lão trượng với một tiểu đồng. Lòng nghiên có khắc bài thơ của vua Tự Đức. Mép nghiên chạy hồi văn và chạm mấy câu chữ Hán. Đặc tính độc nhất vô nhị của nghiên, là khi lòng nghiên đã khô mực, chỉ cần hà vài hơi vào mặt nghiên là đủ quặt bút lông vào và viết được năm, ba dòng. Giấy viết, các cụ xưa chuộng giấy ta hơn giấy Tàu. Loại giấy bản có màu sẫm, mặt khô, hút mực, không nhòe; giấy lệnh trắng như ngà voi, dùng viết chiếu chỉ; giấy hoa tiên có ẩn các cánh hoa trong mặt giấy là những loại sang trọng và đắt tiền. Nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân ca ngợi giấy Chu Hồ, là của họ nhà Chu, ở Hà Khẩu (tỉnh Hà Đông, Trung Quốc), mặt nhẵn, mình không cứng, dày mà nhẹ như lông hồng, nhìn nghiêng như má trinh nữ, có lớp lông tơ, mùa nóng vuốt tay thì mát, tiết đông ấp tay thì ấm như có sinh khí.

Khai bút, thường nắn nót cho chữ thật đẹp. Chữ viết đẹp được ví ngang hàng với bức họa đẹp, nên mới có câu “Chữ như rồng bay phượng múa, như gió cuốn mây trôi”. Xem chữ có thể biết tính khí, tâm địa, cơ duyên, hậu vận con người (đời người trong nét bút). Các cụ xưa tin như vậy. Trong sách Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cho rằng, chữ tươi tắn là chữ của người có hậu vận, làm nên danh vọng. Chữ viết của ông có cái ý nhị của hoa mai, hoa đào đọng giọt mưa, là sương phủ làn khói. Cùng một chữ thôi, nhưng trong chữ Nho có nhiều cách, nhiều kiểu viết khác nhau như cổ lệ, đại triện, chân phương, chân thảo, khải thư... Ngày nay trong chữ quốc ngữ, có một kiểu viết ra đời, gọi là “thư pháp”. Một chữ, mà ở đó có đầu rồng, cánh phượng, đuôi công, có hoa lá, núi non, sông nước... Ngày Tết, đầu năm, những năm gần đây, nhiều gia đình lại ưa chuộng xin chữ và mua treo các câu, chữ thư p h á p , cũng viết bằng mực Tàu giấy dó. Còn thực chất khai bút đầu xuân, không chỉ có viết theo các cụ ta xưa, mà còn viết bút mực thường trên giấy trắng, trong sổ tay, viết không bày treo, mà cốt giữ làm kỷ niệm, như một cảm xúc, xúc động đầu năm, ngồi nhẩm lại một năm trôi qua và mơ ước, nguyện cầu một năm mới tốt lành, may mắn nhiều hơn.

3. Trong tiểu thuyết Thanh đạm, nhà văn Nguyễn Công Hoan có tả cảnh khai bút của một quan huyện nọ ở huyện đường: “Giữa công đường bày một cái sập, trên trải chiếu cạp điều, phủ thêm khăn gấm. Mé ngoài bày một đỉnh trầm và đôi đèn sáp ong thắp sáng; mé trong bộ tam sự, lọ sứ cắm cây chuối, có gài vài bông hoa giấy đỏ. Đối diện với lộc bình là tấm gương mờ đặt trên giá gỗ. Quan huyện mặc áo thụng, bước vào giữa chiếu trải dưới đất cúi lạy lễ vọng Hoàng thượng (vua) 5 lạy, rồi lùi ra cho các thầy Đề, thầy Thông vào lễ. Quan huyện ra ngồi ở ghế ngựa kê ở gian bên, sau chiếc án thư trùm nhiễu đỏ, có để sẵn giấy hồng điều. Quan khai bút bốn chữ “Vạn niên an lạc” rồi đóng ấn son niên hiệu nhà vua ở phía trên. Thầy Đề bắc thang leo lên bóc tờ hoa niên năm ngoái đã bạc màu dán tờ tân xuân khai bút mới, màu đỏ tươi lên giữa xà nhà huyện đường...”.

Khai bút ở các công đường vua, quan xưa không đơn giản chút nào. Còn nói đến các cụ tú, cụ cử như trường hợp cụ Tú Xương, ngày Tết năm nào cũng có một hai câu, hoặc một bài:

“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

Thưa rằng: hay thực là hay

Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!

...”

Nhắc đến Tú Xương mà không nhớ đến Tú Mỡ cũng e thất kính. Vậy xin chép lại bài Khai bút rông của ông:

“Là văn sĩ, lẽ nào không khai bút

Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài

Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời

Thì Tết đến cũng phải có bài thơ rắc rối

Rót thêm mực, thay ngòi bút mới

Thảo mấy dòng cảm khoái sau đây.

...

Đầu năm đã bị rông rồi

Hẳn là văn viết ngược đời quanh năm!”

Chuyện khai bút tân xuân thì nhiều. Tôi nhớ cách đây mươi năm nhà thơ Tường Linh thì phải, có gửi cho tôi mấy câu:

“Đường xuân bước nắng chang chang

Đi tìm trăng cũ gặp vàng hôm nay

Cả màu hoa cũng đổi thay

Thấy màu mai chắc phải đợi ngày tuyết gieo”.

Còn ông bạn văn Trần Huiền Ân ở tận Phú Yên khai bút:

“Buổi sáng đầu năm, pháo nổ giòn

Gật gù hít nhẹ khói thơm ngon

Khoan thai nâng tách trà - ông lão

Tiếc khóm hoa xuân đã chẳng còn”.

Vui có. Mà phấn chấn, vui tươi là chính. Nhưng cũng thoáng chút bâng khuâng, luyến tiếc ở mỗi người. Khi đã thành lệ, thành thói quen đến ngày đầu năm viết năm ba chữ, năm ba câu khai bút, đều gửi gắm vào đó sự khát khao, mong ước tốt lành, hơn thế nữa là sự gác lại, quên đi, xóa nhòa những gì không may mắn của năm tháng cũ.

Dù là các nhà túc Nho thâm hậu, các ông đồ, hay những người yêu thích văn chương, chữ nghĩa thánh hiền, thư sinh bạch diện đi nữa, mỗi khi chạm đến thú vui, thú chơi tao nhã này, đều cảm nhận được việc chơi chữ, cho chữ, xin chữ là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo Việt Nam.

Đến bất kỳ nhà ai, hay ở đâu đó, bắt gặp trên tường, trên bàn văn, trên thiếp chúc Tết những chữ Thần, chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Đức, chữ Thọ, chữ Tâm, chữ Đại cát, Vạn sự, An khang... còn tươi thơm nét mực, bay bướm, quyện trong hương trầm sực nức, chen trong hoa mai, hoa cúc, hoa đào khoe sắc, đặc trưng của ngày xuân, và bánh trái đậm đà, tâm hồn ai lại không thấy nhẹ nhàng, khấp khởi, lắng lại cùng thời gian và không gian bất tuyệt này.

Đà Nẵng, 2017

HOÀNG HƯƠNG VIỆT