HV112 - Chuyện trò với Chúa Chổm

Chúa Chổm tên Lê Duy Ninh tức là vua Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên của nhà Lê trung hưng. Ông sinh vào khoảng năm 1514, lên ngôi năm 1533, mất năm 1548 - được xem là con nợ lớn và khó đòi nhất trong lịch sử các vua chúa…

Chuyện xảy ra dưới Âm phủ. Hôm ấy có anh chàng phóng viên đi thâm nhập thực tế dưới dạ cầu Nại Hà thấy một người đàn ông khoảng ba mươi ngoài, ở trần, mặc quần xà lỏn, đầu gối lên một cái đòn gánh, hai tay hai chân sải ra thì đứng lại tò mò quan sát. Người đàn ông quắc mắc hỏi:

- Nhìn đểu hả - muốn chết không đấy?

- Muôn tâu bệ hạ. Đây là Âm phủ. Chẳng phải cả ngài lẫn thảo dân đều là những kẻ đã chết thành ma rồi sao? Đời người ai cũng chết nhưng chỉ chết một lần và chỉ một thôi chứ?

- Ờ nhỉ, thế mà ta quên mất. Nhưng sao ngươi gọi ta là bệ hạ - Bộ ngươi biết ta từng làm vua sao?

- Ngài nằm duỗi thẳng chân tay, trên đầu kê cái đòn gánh, tạo thành hình chữ Vương. Đó là tư thế nằm đặc trưng của Chúa Chổm nên thảo dân đoán ngài chính là cựu hoàng Lê Trang Tông.

- Đúng rồi. Nhưng thôi đừng gọi ta là Trang tổ, Trang Tông gì cho phiền. Ta khoái cái danh hiệu Chúa Chổm, nó thực chất hơn.

Được lời như cởi tấm lòng, phóng viên bèn đi thẳng vào vấn đề.

PV: - Vậy thì xin lỗi ngài - tại sao có câu tục ngữ: nợ như Chúa Chổm ạ? Cụ thể ngài đã làm gì mà mắc nợ?

CC: - Thì rượu chè, cờ bạc, hút xách, gái gú… chuyện sinh hoạt đàn ông ấy mà.

PV: - Ngài nợ khoảng bao nhiêu?

CC: - Ai mà nhớ. Chỉ biết là mất khả năng chi trả.

PV: - Nhưng muốn vay nợ thì phải có tài sản thế chấp. Ngài chỉ có trên răng dưới dép, không lẽ thế chấp bằng… cái đòn gánh?

CC: - Bậy! Đòn gánh thì sao mà thế chấp được. Cái này là chuyện bí mật, bây giờ ta mới tiết lộ nhé. Hồi đó không hiểu mẹ ta làm sao mà có được cái ngọc tỉ - tức là cái ấn truyền quốc của tiên hoàng. Bà đem chôn ở đầu giường. Ta lén đào lên mang đến tiệm cầm đồ. Từ đó cứ vay chỗ này trả lãi cho chỗ kia, lúc nào cũng có đồng ra đồng vào ăn xài thoải mái.

PV: - Nhưng còn cái nợ gốc, đáo hạn cũng phải trả thì làm sao?

CC: - Trả không được thì xù. Xù không được thì tù chứ sao.

PV: - Rồi ngài có bị bỏ tù không?

CC: - Hôm ấy bọn bộ đầu xém bắt ta về công đường bỏ tù thì bỗng có một đoàn quan binh phất cờ gióng trống xuất hiện. Chúng bảo ta có chân mạng đế vương rồi ép ta lên kiệu, khiêng về cho làm vua.

PV: - Thế là ngài xù được nợ?

CC: - Đâu có dễ dàng vậy? Bọn chủ nợ, bảo kê, đầu gấu huy động cả chợ chặn hết mọi ngả đường bắt ta trả hết nợ mới cho đi. Bọn quan binh bèn nghĩ ra một kế. Viên quan cầm đầu phát loa, lệnh cho dân chúng nộp thuế ngay lập tức. Nào thuế thân, thuế môn bài, thuế chỗ ngồi, chỗ đứng, chỗ nằm, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất, thuế chuyển mục đích sử dụng đất, thuế bảo hiểm, thuế thu nhập hằng năm, thuế thu nhập đột xuất, phí giao thông đường bộ, đường thủy, đường núi, đường hẻm, đường mòn… Nào thuế lao động công ích, đảm phụ quốc phòng, phòng chống bão lụt, xóa đói giảm nghèo… nghe đến chóng mặt. Y lại bảo năm nay mặt trăng đến gần trái đất nên phải tăng thuế lên gấp ba. Tuy vậy nhưng nếu bà con chịu xóa hết nợ cho Chổm thì nhà nước sẽ miễn 2/3 tổng số các khoảng thu pháp lệnh nói trên cho mọi người. Dân chúng lúc đầu nghe nói tăng thuế gấp ba, sợ muốn xỉu. Sau lại nghe được miễn bớt hai phần ba thì mừng húm, bèn giải tán, mở đường cho kiệu ta đi.

PV: - Viên quan ấy làm kinh tế giỏi thật đấy.

CC: - Bởi vậy mới nói Kinh tế kế tinh mà.

PV: - Rồi về sau thế nào thưa ngài?

CC: - Thì ngươi cũng biết đấy, sau đó ta lên làm vua - thế là sạch nợ, thoát nghèo. Ủa mà ngươi là ai mà lại tìm hiểu chuyện nợ nần của ta kỹ thế?

PV: - Thảo dân là nguyên phóng viên của tờ “Thời báo Đại Cồ Việt”. Chẳng giấu gì ngài, lúc này trên dương gian, nước Việt cũng đang nợ như… Chúa Chổm. Các đại công ty vỡ nợ như đường ống nước sông Đà. Nhà máy đắp chiếu nằm rên hù hù như bị sốt ác tính. Nợ công thì sắp đụng trần. Thảo dân muốn tìm hiểu xem ngài có kinh nghiệm gì có thể học tập được không.

CC: - Có chứ. Với kinh nghiệm mắc nợ và kinh nghiệm làm vua trong đời ta thì có thể rút ra bài học nằm trong bốn chữ vàng là “LẤY DÂN LÀM GỐC”.

PV: - Xin nói rõ hơn một chút được không?

CC: - Nghĩa là bao nhiêu nợ lớn nợ bé, lãi mẹ lãi con, nợ cũ nợ mới, nợ công nợ tư, nợ trong nợ ngoài, nợ tốt nợ xấu - cứ chuyển thành thuế thành phí gì đó rồi bổ vào đầu thằng dân là xong ngay. Đời này chúng trả không nổi thì chuyển khoản sang cho con cháu đời sau trả tiếp. Hì hì!

PV: - Thật là bài học vô giá. Xin cảm ơn ngài.

Tuy ngoài miệng nói vậy nhưng trong bụng anh chàng phóng viên rất băn khoăn. Y bỗng nghĩ ra được mấy câu ca dao mới:

“Chúa Chổm ngồi dưới gốc đa/ Dựa lưng vào gốc - gốc đà muốn xiêu/ Chúa Chổm ngồi dưới gốc điều/ Ngó lên trên ngọn thấy nhiều trái sâu!”.

HOÀNG THIẾU PHỦ