Dưới nhan đề “Ly rượu mừng - cuộc đoàn viên với khán giả sau hơn 40 năm”, báo điện tử VNExpress ngày 21-1-2016 cho biết, sau hơn bốn thập niên bị cấm vì có đoạn nói tới lính tráng chế độ cũ(*), bản nhạc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (đã qua đời ở California, Mỹ ngày 22-8-1991) được Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy phép cho phổ biến trong cả nước.
VNExpress tường thuật khá chi tiết: “Khoảng tháng 10-2015, PNF [tức Công ty Phương Nam Film] nộp hồ sơ lên Cục Nghệ thuật biểu diễn [xin phổ biến bài hát]. Nhưng đây không phải là lần đầu. Trước đó PNF từng làm hồ sơ nhưng thất bại, vì chưa tập hợp được đầy đủ các thông tin về bài hát. Bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc PNF, cho biết: chỉ đến khi đơn vị này kết nối được với gia đình của nhạc sĩ Phạm Đình Chương ở Mỹ thì các thông tin mới được tập hợp đầy đủ hơn… Ông Phạm Thành [con trai trưởng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương] đã nhiệt tình gửi cho PNF bản nhạc gốc kèm theo lời giải thích rõ ràng về hoàn cảnh sáng tác. Bản nhạc này vốn trích ra từ một tập sách nhạc Phạm Đình Chương ấn hành ở Mỹ. Theo đó Ly rượu mừng được viết tại Sài Gòn năm 1953 để đăng trên số Tết báo Đời mới thể theo yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, hai người chủ của tờ báo. Khi các thông tin rõ ràng thì việc quy trình xin phép từ PNF và việc cấp phép từ cơ quan chức năng được tiến hành nhanh chóng hơn”.
Bản tin của VNExpress viết dài dòng nhưng lập luận khá lủng củng, không cho biết tại sao chỉ cần chứng minh bản nhạc được viết năm 1953 tại Sài Gòn (lúc đó nằm dưới sự quản lý hành chính của Pháp - Bảo Đại) thì được cấp phép ngay? v.v…
Câu chuyện nói trên ít người biết (hoặc nhớ) nếu bài hát Ly rượu mừng không được Đài truyền hình VTV đưa vào chương trình Giai điệu tự hào tối 31-12-2016. Theo tường thuật của báo điện tử Thanh niên ngày 1-1-2017, sau khi bài hát được trình bày, nhà báo Nguyên Minh (Nguyễn Minh Đức) nhắc lại chuyện cấp phép rồi đặt câu hỏi: “Người lính [được đề cập trong bài hát] là người lính nào?” và giải thích ngay: những tư liệu cũ mà gia đình của nhạc sĩ tìm lại được “cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016”. Sợ khán giả nghe không rõ, Nguyên Minh cẩn thận nhắc lại: “Đó là bài hát về người lính chống Pháp” rồi kết luận: “Bài hát cuối cùng đã được giải oan”!
Tất cả các thành viên Hội đồng bình luận của chương trình Giai điệu tự hào không có lời nào phản đối phát biểu của Nguyên Minh, ngược lại, theo báo Thanh niên, “Hội đồng bình luận đều xúc động trước Ly rượu mừng”! Riêng PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm: “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”!
Khi 10 thành viên Hội đồng bình luận bình chọn bài hát hay nhất trong chương trình Giai điệu tự hào tối hôm ấy, Ly rượu mừng được 4 phiếu. Bài Mơ hoa cũng được 4 phiếu, trong khi bài Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối (một nhạc sĩ từng tham gia chống phát xít Nhật ở Quảng Nam trong đầu thập niên 1940, bị địch bắt, tra tấn rồi bắn chết) chỉ được 2 phiếu, mặc dầu tên bài hát Xuân và tuổi trẻ được dùng làm chủ đề cho chương trình Giai điệu tự hào tối hôm ấy.
Thật là ngây ngô khi cho rằng bài hát Ly rượu mừng được sáng tác trong giai đoạn nhân dân ta chống Pháp nên người lính trong bài hát ấy phải là “người lính chống Pháp”! Chả nhẽ không ai biết rằng, từ khi trở lại xâm lược nước ta lần nữa (tháng 9-1945), thực dân Pháp đã thành lập nhiều đạo quân bản xứ để làm tay sai cho Quân đội viễn chinh, như Vệ binh cộng hòa Nam Kỳ (thành lập ngày 1-1-1946), Bảo vệ quân (12-4- 1947, sau đổi thành Việt binh đoàn), Bảo chính đoàn (7-1948), Vệ binh quốc gia (13-4-1949), Quân đội quốc gia (11-5-1950, tiền thân của Quân đội cộng hòa sau này).
Thật hết sức phi lý khi một bài hát được đăng trên một tờ báo công khai xuất bản trong vùng Pháp - Bảo Đại chiếm đóng lại nhằm ca ngợi “người lính chống Pháp”! Cũng nên biết thêm: ông Trần Văn Ân, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo ấy, trước đó từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền (1947) và sau này làm Tổng trưởng Bộ Chiêu hồi (1965)!
Nếu thế thì người lính trong các bài hát do Phạm Đình Chương sáng tác tại Sài Gòn trong thời kỳ nhân dân ta chống Mỹ - như các bài Lá thư người chiến sĩ (1956), Anh đi chiến dịch (1964)… - cũng được xem là “người lính chống Mỹ” hay sao?
Thế mà lập luận ngây ngô và phi lý đó vẫn có khả năng thuyết phục mấy vị ở Cục Nghệ thuật biểu diễn một cách dễ dàng! Có người nghĩ, đằng sau quyết định cấp phép ấy, có thể có lý do tài chính hay lập trường, nhưng tôi không tin như thế: các vị được tuyển chọn “đúng quy trình” để cầm đầu cục này cục kia thì chắc chắn không thể bị mua chuộc hay tự diễn biến. Tôi tin chắc chắn như thế! Chỉ lo các vị bị đánh lừa mà thôi.
Có điều hơi khó hiểu: tại sao bị đánh lừa quá dễ dàng như thế? Ai biết, xin vui lòng trả lời giùm tôi câu hỏi này, tôi xin cảm ơn.
_____
(*) Đoạn ấy là: “Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành/ Sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình…/ Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính”.