HV112 - Một lần được gặp Thủ tướng Chu Ân Lai

Năm 1963, bộ phim Chị Tư Hậu được trình chiếu rộng rãi khắp miền Bắc và được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, chúng tôi - những người thực hiện bộ phim này hết sức vui mừng và hạnh phúc. Bởi đây mới là bộ phim truyện thứ 8 kể từ Chung một dòng sông, bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, ra đời. Với tôi, niềm vui, hạnh phúc đó như được nhân lên khi mà tôi mới bước chân từ trường Học sinh miền Nam vào trường Điện ảnh mới có ba năm lại được nhận ngay một vai quan trọng sau khi tốt nghiệp khóa học. Năm đó, tôi mới 20 tuổi.

Năm ấy, Bộ Văn hóa đã quyết định chọn bộ phim Chị Tư Hậu tham dự Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva. Đoàn đại biểu Điện ảnh Việt Nam được cử đi gồm có ông Phạm Tuấn Khánh (Cục trưởng Cục Điện ảnh, làm trưởng đoàn), ông Nguyễn Đắc (Phó giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam, làm phó đoàn) và tôi, người duy nhất đại biểu cho các nghệ sĩ thực hiện bộ phim, là đoàn viên.

Bộ phim được trình chiếu trong Liên hoan phim, đã được Ban giám khảo và báo chí đánh giá cao. Bộ phim được trao giải thưởng Huy chương Bạc và tôi được khen ngợi rất nhiều. Đây là phim truyện đầu tiên của Việt Nam được giải thưởng ở một Liên hoan phim Quốc tế lớn, rất có uy tín lúc bấy giờ.

Sau Liên hoan phim, đoàn về nước bằng tàu hỏa, khi về đến Trung Quốc, đoàn nhận được tin của Bộ Văn hóa (qua sứ quán) là được Bộ cử làm đại biểu văn hóa Việt Nam thăm Trung Quốc mười ngày. Tin này làm chúng tôi rất vui. Trong những ngày ở thăm Trung Quốc, chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu, được đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh, được tiếp xúc với các nghệ sĩ ở xưởng phim Bắc Kinh, các di tích văn hóa mà từ lâu tôi đã mơ ước được đến, vì nó đã sống trong tâm hồn tôi qua những vần thơ tráng lệ của tiền nhân… Một hôm nhân đi thăm bảo tàng lịch sử Trung Quốc, người thuyết minh có nói về các cuộc chiến tranh của Trung Quốc qua các triều đại thời phong kiến và gần đây là chiến thắng lẫy lừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy lùi phe Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan dưới tài lãnh đạo thần kỳ của Mao Chủ tịch, tôi ngây thơ khoe rằng ngày xưa ông cha Việt Nam rất giỏi, đã đánh thắng được giặc Thanh và ba lần đẩy lùi giặc Nguyên Mông… mà không để ý không khí đã lặng đi… Mấy ông trong đoàn liền bấm tay tôi, ra hiệu đừng nói. Nhưng tôi cãi, đấy là nói chuyện ngày xưa, thời vua quan phong kiến xâm lược Việt Nam, chứ bây giờ hai nước là đồng chí, là anh em, sao lại ngại mà không nhắc…

Ngày cuối cùng, đoàn được Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp. Từ lâu, tôi cũng có nghe nhiều về Thủ tướng Chu Ân Lai, biết Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai có tình bạn rất sâu đậm. Nghe nói từ năm 1920 Bác Hồ và Chu Ân Lai đã thân quen nhau tại Paris, Pháp. Bác Hồ đã từng nói “Với tôi, đồng chí Chu Ân Lai là người anh em của tôi. Chúng tôi đã từng cùng nhau đồng cam cộng khổ, cùng nhau làm công tác cách mạng. Anh ấy là người bạn chiến đấu của tôi trên ba mươi năm”. Và Thủ tướng Chu Ân Lai đã đáp lời: “Anh là người dẫn đường của tôi. Khi ấy, anh đã là một người mácxít thành thục, mà tôi khi ấy mới vừa tham gia Đảng Cộng sản”.

Thủ tướng Chu Ân Lai ân cần thăm hỏi chúng tôi về những ngày ở Trung Quốc. Chúng tôi, mỗi người đều nói cảm tưởng tốt đẹp của mình về đất nước Trung Quốc, về con người, về các nghệ sĩ mà chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu. Những năm tháng đó, giữa Liên Xô và Trung Quốc có bất đồng lớn về chính trị, cho nên Trung Quốc luôn nói xấu Liên Xô và họ cũng muốn Việt Nam mình nói theo cách của họ. Cuối buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chu Ân Lai nói về phim, nói về các phim “xét lại” của Liên Xô như Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Người thứ 41… Sau đó, ông hỏi chúng tôi: các đồng chí đã xem phim Người thứ 41 chưa? Ông Phạm Tuấn Khánh và ông Nguyễn Đắc đều nói chưa xem. Tôi không hiểu sao hai ông lại nói chưa xem. Các ông phải là người xem đầu tiên, rồi mới cho chiếu rộng rãi chứ… Sau này, tôi mới hiểu, các ông hiểu vấn đề, nên cố tình né tránh, không muốn phát biểu thật ý kiến cá nhân, vì biết rằng sẽ không hợp ý Thủ tướng Chu Ân Lai… Tôi lúc đó mới 20 tuổi, rất ngây thơ và thật thà, không hiểu gì về chính trị nên nói ngay rằng đã xem rồi. Ông Chu Ân Lai lại hỏi: Cô thấy phim có hay không? Tôi trả lời ngay là phim rất hay và tôi rất thích. Ông cau mày, tỏ ý không vui và nói đó là bộ phim “xét lại”, ông phê phán rất nhiều về nữ nhân vật chính cũng như nữ diễn viên đóng vai nữ chiến sĩ Hồng quân ấy. Tôi im lặng không dám nói gì, nhưng tự thâm tâm tôi không đồng tình với những ý kiến bài bác quá đáng của ông. Ông lên án cô nữ Hồng quân Marutxia (do nữ diễn viên Izolda Izvitskaya đóng) đã đi yêu kẻ thù, quên mất nhiệm vụ của mình, dù sau này cô có giết tên Bạch vệ khi hắn reo mừng kêu gọi đồng bọn đến cứu hắn, nhưng hành động đó chỉ là vì thấy nguy hiểm cho mình chứ hoàn toàn không phải vì giác ngộ giai cấp. Hành động cô ôm tên Bạch vệ và khóc ngất ở đoạn cuối cũng cho thấy sự yếu đuối, không có tư chất của chiến sĩ Hồng quân. Tôi thì nhớ mãi cảm giác bồi hồi xúc động của mình khi xem đoạn cuối phim, khi phát súng của người con gái buộc phải nã vào tim người cô yêu dấu, và khi cô vuốt đôi mắt xanh mà cô vẫn ngắm mãi nó khi hai người quấn quýt bên nhau, tôi đã khóc. Nữ diễn viên Izolda Izvitskaya đã lột tả một cách hết sức tinh tế thế giới nội tâm giằng xé trong nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia. Tình yêu và nghĩa vụ, tâm trạng của một thiếu nữ đang yêu, được yêu với lý tưởng cách mạng của một nữ Hồng quân. Trong phim Người thứ 41 của đạo diễn Grigori Chukhrai, viên sĩ quan Bạch vệ không hề hung ác mà ngược lại “Mắt xanh” còn có vẻ phong lưu mã thượng (do Olek Strigiênốp đóng). Tình yêu giữa đôi trai gái trên đảo hoang cũng được thể hiện như một lẽ tự nhiên, thơ mộng… Vì thế, cái kết đau lòng càng tăng thêm sự thương cảm trong tôi.

Đoàn về nước, chắc mấy chú lãnh đạo có báo cáo về chuyến đi công tác ấy. Tôi cũng cảm thấy lo lắng vì sự sơ suất của mình, nhưng may quá, tôi không hề bị phê bình gì mà nghe chuyện các chú chỉ cười xòa, thể tất cho sự thiếu chín chắn của cô gái 20 tuổi chưa có kinh nghiệm giao tiếp, nhất là với những lãnh đạo cao cấp. Nhưng chuyện này có lẽ cũng đã làm Thủ tướng Chu Ân Lai không vui. Nên sau này, cũng có mấy đoàn Việt Nam qua thăm Trung Quốc về kể lại rằng họ được Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp, và ông đã nhắc lại câu chuyện của tôi, một cô nữ diễn viên Việt Nam đã nói với ông là cô rất yêu thích bộ phim “xét lại” Người thứ 41 của Liên Xô như thế nào… Đó cũng là một kinh nghiệm quý báu cho tôi, và là một chuyến đi nước ngoài khó quên trong tôi…

NSND TRÀ GIANG