HV112 - Nhớ cô giáo cũ

Bây giờ thì mọi chuyện qua rồi. Qua rất lâu rồi. Sự kiện đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn ám ảnh. Ấy là cuộc gặp gỡ “Thầy trò Xô - Việt” cách đây nhiều năm. Trước đó chừng nửa tháng, tôi nhận được cú “phôn” của Kim Ngân, cô bạn học cùng khoa dự bị tiếng Nga cách đây khoảng ba chục năm, khi đó là biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam: “Anh tham gia chương trình truyền hình trực tiếp cuộc gặp gỡ “Thầy trò Xô - Việt” nhé. Có một món quà đặc biệt dành cho anh đấy. Nhưng em không nói trước được! Anh cứ đến rồi sẽ rõ!”.

Tôi đã lờ mờ phỏng đoán chuyện gì sẽ diễn ra trong cuộc gặp gỡ này. Vậy mà vẫn bất ngờ, khi nhìn thấy khu trường M. Gorki tại Mátxcơva mà tôi đã học. Bắt đầu là khu vườn yên tĩnh. Những thân cây trần trụi. Dấu hiệu của mùa đông vừa đến và tuyết sắp rơi. Rồi bức tượng Gerxen đứng dưới gốc sồi già. Những chiếc ghế gỗ phơi đầy lá phong. Tất cả vẫn như thế. Như lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây. Rồi cô giáo của tôi. Cô Nhina Kornhieva!

Trời ơi! Cô giáo của tôi!

Tôi thực sự bị sốc khi cô dùng chính những ngôn từ mà ngày xưa tôi đã âu yếm gọi cô là bà mẹ bé nhỏ của tôi. “Maia Mamuska”! Đó cũng chính là lời X. Êxênhin gọi mẹ mình. Tôi cũng đã dùng những lời ấy để gọi cô. “Khoa ơi! Ở đây tất cả vẫn thế. Vẫn như ngày nào em học. Em hãy về thăm lại ngôi trường của chúng ta đi. Cô sẽ sống, bà già bé nhỏ này sẽ cố gắng sống để đợi em trở về...”.

Dưới hội trường, nhiều người đã bật khóc. Tôi cũng không thể kìm nổi lòng mình. Tôi nói với MC Diễm Quỳnh: “Cám ơn các bạn đã ban cho tôi một giấc mơ khi tôi vẫn đang tỉnh thức. Giấc mơ tuyệt vời này, chỉ những người có phép màu nhiệm mới tạo ra được!”.

Tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để trở lại Mátxcơva thăm cô giáo của tôi trong một ngày gần nhất. Cầu mong cô luôn khỏe để tôi còn được trở về sưởi ấm trong tình yêu thương của cô.

Lại nhớ những ngày thần tiên sống trên đất Nga. Thuở ấy, hầu như năm nào, cứ vào dịp Tết cổ truyền của ta là tôi lại nhận được tấm bưu thiếp của cô Nhina Kornhieva. Bưu thiếp bao giờ cũng mở đầu Trần Đăng Khoa kính mến, và rồi kết thúc cũng vẫn bằng một giọng trân trọng: Cô giáo Nhina Kornhieva luôn nhớ đến anh với lòng kính trọng sâu sắc...

Đối với người Nga, những từ mang tính xã giao trang trọng như thế này thường chỉ để dành cho những bậc cao tuổi hoặc những người xa lạ mới quen biết lần đầu. Tôi là học trò của cô, lại ở lứa tuổi con cô, tôi không khỏi băn khoăn khi cô dùng những từ to tát đến mức xa cách như thế. Đã có lần tôi bộc bạch với cô điều ấy, cô cười: “Anh là học trò của tôi, còn ít hơn tuổi con tôi, nhưng anh là nhà văn, là chuyên gia văn hóa, chuyên gia chữ nghĩa. Những người như thế bao giờ cũng cần phải được kính trọng. Tôi mong anh luôn là một nhà văn được bạn đọc kính trọng”.

Hóa ra đó lại là một bài học cô dạy cho tôi.

Tôi gặp cô Nhina Kornhieva ngay sau buổi sáng khai giảng 1-9-1987. Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu bước vào năm học thứ nhất ở Học viện Văn học Macxim Gorki. Lớp cô chỉ có ba người. Một nhà thơ Mông Cổ. Một nhà văn kiêm nhà soạn kịch Ethiopia và tôi. Đến năm thứ hai tách ra làm ba lớp. Một thầy kèm một trò. Những buổi học với cô thường rất thú vị. Có khi buổi học diễn ra ngay trong rạp chiếu bóng. Tôi cùng cô xem phim rồi lại cùng cô trò chuyện về bộ phim đó. Cũng có khi chúng tôi cùng đọc một cuốn tiểu thuyết rồi thầy trò lại tranh luận với nhau về một chi tiết nào đó của nhà văn. Nhina Kornhieva là giáo viên dạy tiếng Nga, nhưng cô còn là một nhà văn hóa với sự hiểu biết sâu rộng. Chạm đến lĩnh vực nào, cô cũng biết và biết rất thấu đáo. Cứ thế, tiếng Nga ngấm vào tôi dần dần. Học như chơi mà hiệu quả lại cao. Tôi nhớ có một lần, Nhina Kornhieva kéo tôi đi dạo phố. Cô vừa đi vừa giới thiệu những danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử của Mátxcơva. Căn nhà của L. Tônxtôi. Ngôi mộ của A. Tchêkhốp. Những khu phố cổ Arbat mà A. Pútxkin thường đi dạo. Có thể nói Mátxcơva là thành phố bảo tàng. Nhìn đâu cũng thấy tượng đài. Tượng ở quảng trường. Tượng trong công viên, trong các ga tàu điện ngầm. Tượng sau các vòm cây. Mỗi bức tượng một dáng vẻ rất đa dạng. Nhưng có một điều rất lạ, tượng tạc những nhà cách mạng, những người anh hùng thì mái đầu thường ngẩng cao, mắt nhìn ra xa xăm, cánh tay vung cao hướng về phía chân trời. Nhà chính trị, hay các vị lãnh tụ cần nhìn xa trông rộng, vươn tới những cái đích lớn, rồi đưa đất nước đi theo. Còn tượng các nhà văn, các thi sĩ thì gương mặt thường lại nhàu nát, đau khổ, cúi gằm như đang tìm kiếm cái gì đó ở dưới mặt đất. Đó là số phận của những kiếp người bé nhỏ và bất hạnh chăng? Tôi hỏi Nhina Kornhieva. Cô rất ngạc nhiên: “Ồ, lần đầu tiên, cô nghe em nói như vậy đấy. Mà có lẽ đó là một phát hiện rất thú vị của em...”. “Không phải em phát hiện đâu. Một nhà thơ Việt Nam đã thấy như thế đấy...”. “Ừ! Đúng là như thế thật. - cô Nhina Kornhieva xác nhận - Nước Nga có đến hàng triệu tượng đài. Mắt cô cũng đã trông thấy hàng vạn bức tượng. Nhưng chưa thấy bức tượng nào tạc nhà văn, nhà thơ với mái đầu ngẩng cao. Có thể đây là ý tưởng của các nhà điêu khắc Nga mà nhà thơ Việt Nam “đọc” được chăng? Họ muốn nhà văn luôn gần gũi với con người, là bạn đồng hành với con người, nhất là những kiếp người bé nhỏ và bất hạnh. Làm nhà văn, nhà thơ, nhất là những nhà văn nhà thơ có tài thì đừng bao giờ mong có nhiều tiền bạc và quyền cao chức trọng. Tài đến như đại văn hào L. Tônxtôi, giàu có đến như bá tước L. Tônxtôi mà cũng có sướng đâu. Phút cuối đời, ông chết rét trong một cái ga xép. Ông đã chết như một người hành khất. Nhà văn thường rất khổ. Cô không tin những trang văn cứ tơn hớn lại có thể hay, cũng như không thể tin những anh chàng lúc nào cũng cười đùa toe toét lại là những người uyên thâm, sâu sắc. Những người thông minh, lịch lãm thường có chất uy-mua. Nhưng uy-mua không phải là những cái cười toe toét rẻ tiền. Điều rất đơn giản ấy, không phải ai cũng phân biệt được”.

Trước ngày tôi về phép Tết, cô Nhina Kornhieva khuân đến phòng học bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh: phích nước, chè đen, bánh mì, xúc xích, bánh ga tô. Trông cô như một bà nội trợ vừa từ cửa hàng thực phẩm về. Buổi học ấy, chúng tôi chỉ uống chè đường, ăn bánh ngọt và nói chuyện phiếm. Nhina Kornhieva hỏi tôi về gia đình. Tôi cứ đinh ninh đó là giờ học tiếng Nga và thế là tôi bắt đầu huyên thuyên đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển. Toàn những chuyện bịa đặt. Nói đúng ra, tôi đã “sáng tác” một thiên truyện về gia đình mình, dựa vào vốn từ tiếng Nga mà tôi có được. Nhina Kornhieva nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng, cô lại hỏi về tính cách và sở thích riêng của từng “nhân vật” trong gia đình tôi. Thế là tôi lại tiếp tục “sáng tác” về ông nội, ông ngoại, rồi bà nội bà ngoại. Mặc dù, ông bà nội ngoại tôi đã mất từ rất lâu rồi. Có người qua đời từ khi tôi còn chưa sinh ra.

Sáng hôm sau, đến lớp, tôi rất kinh hoàng khi thấy trên bàn học của mình bày la liệt những đồ đạc, vật dụng, mà toàn là những thứ đắt tiền đã được gói buộc rất cẩn thận. Cô Nhina Kornhieva nhờ tôi chuyển quà đến từng thành viên trong đại gia đình tôi. Cái tẩu bằng bạc cho ông nội. Cái khăn san cho bà ngoại, cái khăn này là khăn X. Êxênhin đã nói đến trong bài thơ Thư gửi mẹ. Rồi áo choàng cho chị gái. Bức tranh Mùa thu vàng của I. Lêvitan cho em trai. Một đống tiền bạc chứ đâu có ít. Mà cô giáo tôi nào giàu có gì. Lương cô thấp lắm, chỉ nhỉnh hơn gấp đôi tháng phụ cấp của tôi thôi. Tôi muốn kêu lên: “Trời ơi, cô Nhina! Ông nội em đâu còn sống mà dùng được cái tẩu đắt tiền đến như thế kia...”. Nhưng rồi, nhìn gương mặt phúc hậu, sáng bừng rạng rỡ của cô Nhina Kornhieva, tôi lại không thể nói được gì. Và bây giờ, ngồi nhớ lại ngày Tết năm ấy, tôi vẫn rất ân hận. Người Nga vốn chân thật cả tin. Bởi thế, có lần, tôi đã ví nụ cười của các giáo sư Xôviết là nụ cười của đứa trẻ thơ nằm trong nôi, hay nói cách khác thì đấy là nụ cười bà Mụ dạy, hay nụ cười của người ở nước Thiên Đàng, nghĩa là nụ cười ở một xứ trong vắt, không thể tìm thấy trên mặt đất đầy bụi bặm...

TRẦN ĐĂNG KHOA