HV112 - Truyền thống văn hóa và yêu nước đầy tự hào của gia đình và quê hương đồng chí Trường Chinh

 …Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới

Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng

Để tâm hồn dào dạt với Chi Lăng

Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt

Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết

Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông

Thả trái tim hòa nhịp với Đô Lương

Với Lục tỉnh, Bắc Sơn và Đình Cả…

… Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền...

Sóng Hồng (Trường Chinh)

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã và sẽ còn nhắc nhiều đến đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, nhà văn hóa nổi tiếng của dân tộc. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng và những đóng góp cho nền văn hóa hiện đại của ông đã khắc nên một trang vàng trong những trang về các nhân vật lớn thời đại Hồ Chí Minh.

Cố Tổng bí thư Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) xuất thân từ một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Từ xưa trong nho sĩ Bắc Hà đã lưu truyền câu Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện(*), là muốn nhắc đến hai mảnh đất nổi danh khoa bảng, truyền thống yêu nước. Đồng chí Trường Chinh lớn lên và bước đầu trưởng thành trong cái nôi văn hóa ấy.

Ông nội đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Canh Tuất (năm 1850), đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856) đời vua Tự Đức thứ chín. Cụ Đặng Xuân Bảng là con thầy đồ nghèo Đặng Viết Hòe (thầy đồ Hòe bảy lần đi thi hương toàn chỉ đỗ tú tài nhưng vẫn ôm mộng bằng cử nhân). Cụ Bảng vốn là một học trò rất thông minh, chỉ học cha mình, nhưng nhờ ham học, đọc nhiều mà trở thành một người thông thái, hiểu sâu biết rộng và là người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng. Sau khi đỗ tiến sĩ, cụ được bổ làm quan triều Nguyễn, giữ nhiều trọng trách quan trọng, có lòng yêu nước thương dân. Với mong muốn chấn hưng đất nước, cụ đã nhiều lần trình lên vua Tự Đức những bản điều trần về cải cách kinh tế, tài chính, chính trị, quân sự. Thái độ cương trực, thẳng thắn của cụ đã làm vua và nhiều triều thần không ưa, triều đình điều cụ đến những nơi “nước sôi, lửa bỏng”. Sinh thời, cụ nghiên cứu và sáng tác đủ các ngành khoa học, khảo cứu, biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị như Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu, Cổ nhân ngôn hành lục, Cư gia khuyến giới tắc, Huấn tử quốc âm ca...

Cha đồng chí Trường Chinh tên là Đặng Xuân Viện (1880-1958), là một nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực. Cụ là một nhà Nho cấp tiến, sau này học chữ quốc ngữ và trở thành nhà báo, viết cho nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội… Cụ có hàng chục cuốn sách viết về văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học… Sự hiểu biết của cụ sâu rộng nên được người đời khâm phục gọi là “Ngọc kỳ âm” (nghĩa là tiếng nói giọng văn trong như ngọc).

Làng Hành Thiện, Nam Định, quê đồng chí Trường Chinh, vốn có tên là Giao Thủy, có từ thế kỷ 10. Năm 1823, vì yêu mến ngôi làng nhỏ mà có nhiều người đỗ đạt, người dân chăm làm điều thiện, vua Minh Mạng đổi tên làng là Hành Thiện, tặng kèm theo bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong”. Dòng họ Đặng và nhiều tộc họ khác ở làng Hành Thiện có nhiều người thành đạt về khoa bảng, nhiều nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, nhiều danh nhân lịch sử. Thời phong kiến, tính đến khoa thi Ất Mùi (năm 1915), khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn, làng có khoảng 400 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đỗ đại khoa, có 4 người làm thượng thư, 4 người làm tuần phủ, 4 người làm tổng đốc cùng hàng chục người khác làm quan trong triều….

Thời Pháp thuộc, dân làng Hành Thiện hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động yêu nước như Cần vương, Đông du, Duy tân hội, Đông Kinh Nghĩa thục… Năm 1906, bốn thanh niên Hành Thiện đầu tiên đã tham gia Đông du sang Nhật do cụ Phan Bội Châu khởi xướng.

Tỉnh Nam Định là nơi phát tích của vương triều Trần (1225-1400), vương triều hiển hách nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với hào khí Đông A, ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỷ 13)… Dấu ấn văn hóa Trần luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân cư Nam Định nói riêng. Nam Định cũng là quê hương của Khai quốc Trạng nguyên Nguyễn Hiền (khoa thi năm 1247, thời vua Trần Thái Tông, lúc đó Trạng 13 tuổi), Trạng nguyên Lương Thế Vinh - “Trạng Lường” (khoa thi năm 1463, thời vua Lê Thánh Tông), cùng với nhiều nhà khoa bảng, nhà văn hóa nổi tiếng của đất nước. Đó cũng là quê hương của bao chí sĩ yêu nước, can trường, khí phách.

Một sự kiện điển hình thời cận đại: Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị (1805-1881), Đốc học Nam Định vừa nhậm chức, được tin thực dân Pháp nổ súng đánh vào Sơn Trà - Đà Nẵng (ngày 1-9-1858, mở đầu cuộc xâm lược nước ta), đã căm giận viết Trà Sơn kháng sớ nổi tiếng, tâu lên vua Tự Đức xin vào Nam đánh giặc. Đây là văn bài vào loại sớm nhất của dòng văn chương yêu nước thế kỷ 19. Cuối năm 1859, Phạm Văn Nghị chiêu mộ, thành lập đạo dân binh nghĩa dũng, trong đó có hàng ngàn học trò của ông tham gia tuyển chọn. Nhưng khi vào tới Huế, đạo binh nghĩa dũng lại buộc phải giải giáp và trở lại Bắc Kỳ vì thái độ do dự giữa “hòa” và “chiến” của vua tôi nhà Nguyễn. Trong cuộc tấn công Bắc Kỳ và Nam Định lần thứ nhất (năm 1873) của giặc Pháp, một lần nữa, bất chấp tuổi cao, Phạm Văn Nghị lại hô hào nhân dân Nam Định và các vùng lân cận cầm vũ khí đứng lên chống lại quân xâm lược. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, điển hình như cuộc chiến ở ngã ba Độc Bộ (tháng 12-1873) làm quân Pháp phải lui binh. Đó là những khúc tráng ca về lòng yêu nước, về quyết tâm đánh giặc cứu nước của nhân dân Nam Định.

Đồng chí Trường Chinh, từ thời niên thiếu và thanh niên đã sống, học tập và hoạt động trong môi trường đầy ý chí quật cường mà giàu văn hóa đó. Ảnh hưởng của truyền thống của quê hương, gia đình như cội nguồn, như nhân tố hình thành tư tưởng yêu nước cách mạng, đạo đức cách mạng, trí tuệ mẫn tiệp của đồng chí Trường Chinh.

 

_____

(*) Làng Cổ Am, xứ Đông thuộc tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng; làng Hành Thiện, xứ Nam, Xuân Trường, Nam Định.

Tài liệu tham khảo:

Sách Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2017.

 

LÊ AN