Dòng nhạc bolero trước năm 1975 dành cho một bộ phận quần chúng ít học, người giúp việc (sen) cho các gia đình giàu có, người ta thường gọi là bolero sến (chữ “sen” đọc thành “sến”) và một bộ phận nhân dân lao động nghèo khổ hát để quên đi những bất công, bất bình trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Sau đó, dòng nhạc này tự phát, phục vụ cho nhu cầu giải trí của lính Sài Gòn cũ. Dòng nhạc này phát triển và phổ biến rộng rãi, vì thế bắt đầu từ khoảng năm 1967, ở miền Nam đã nảy sinh các bài hát bolero mang tâm lý chiến với nội dung cổ vũ, an ủi, thông cảm, sẻ chia với lính Cộng hòa, thi ca hóa, biến họ trở thành những anh hùng có lý tưởng, tưởng như mình đang cầm súng chiến đấu để bảo vệ thế giới tự do của miền Nam Việt Nam.
Sẽ chẳng có gì phải bàn cãi khi dòng nhạc bolero tiếp tục phát triển, và cho ra đời những ca khúc mới phù hợp với nhu cầu và hiện thực của đời sống hiện đại. Nhưng dòng nhạc bolero lính, bolero ủy mị, yếu đuối hiện nay vẫn đang được tiếp tục sử dụng dưới các hình thức công khai, hợp pháp và bất hợp pháp, núp dưới các sân khấu hải ngoại và dần trở thành âm nhạc hải ngoại.
Sẽ là không công bằng, và thật sự không thể chấp nhận được khi hiện nay, dòng nhạc bolero đang lấn át dòng nhạc truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Các nhạc sĩ, ca sĩ bolero đang nổi như cồn, các đài truyền hình địa phương và gần đây là đài truyền hình trung ương thi nhau tổ chức những cuộc thi hát nhạc bolero, nhằm “lăng xê” các nhạc sĩ và ca sĩ hát nhạc này, thu hút người nghe, người xem. Là một người trẻ thuộc thế hệ 9X, khi thấy nhạc bolero đang vươn lên vị trí cao trong nền âm nhạc Việt Nam như thế, tôi cũng cảm thấy mủi lòng và thấy dường như chúng ta đang đi ngược lại truyền thống của dân tộc mình. Một đất nước đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, những con người đang sống dưới bầu trời hòa bình và tự do trong đó có tôi đã được đánh đổi bằng xương máu của biết bao liệt sĩ, nhưng chúng ta đã và đang đặt âm nhạc cách mạng, yêu nước ở vị trí nào?
Ngày trước, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau cất cao tiếng hát: “Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi. Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ. Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù...” (Tiến về Sài Gòn - Lưu Hữu Phước), “Trường Sơn ơi, nơi núi mờ xa mà ta chưa qua, có suối reo, có gió ngàn cây có dốc cao vực sâu mất lối. Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi, có nắng lửa đốt thiêu vách núi ơ… ơ… Trường Sơn ơi…” (Chiếc gậy Trường Sơn - Phạm Tuyên). Nhưng giờ đây, những giai điệu và ca từ đầy khí thế cách mạng, đầy nhiệt huyết này lại rất ít khi được cất cao tiếng hát và tôn vinh. Người dân lao động và đặc biệt là giới trẻ hiện nay cũng đều rất ít biết, và nhiều khi không muốn biết, không muốn tìm hiểu về âm nhạc của một thời đạn bom, gian khổ của cha ông, của đất nước mình. Nói như vậy, không phải là phủ định tất cả vì tất nhiên, cũng có một bộ phận các bạn trẻ vẫn yêu, vẫn say mê hát và nghe những ca khúc cách mạng… Tôi nghĩ vấn đề hiện nay chính là vấn đề giáo dục âm nhạc truyền thống, đưa âm nhạc cách mạng trở lại với vị trí vốn có của nó trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Muốn thế, nhà nước ta, đài truyền hình, báo chí, các trường đại học nên chăng tổ chức nhiều hơn những cuộc thi hát và tìm hiểu về nhạc cách mạng, yêu nước, có những chính sách quan tâm nhằm tôn vinh những nhạc sĩ, ca sĩ của dòng nhạc cách mạng?
Đối với bản thân tôi - một người trẻ và yêu thích âm nhạc - tôi nghe và hát đủ các thể loại, nhưng đối với tôi mỗi khi được nghe giai điệu của những ca khúc cách mạng, lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc mãnh liệt, thấy tự hào về những con người của một thời đạn bom gian khổ, thấy khâm phục và ngưỡng mộ những tình yêu chung thủy qua những lá thư tay, những sự hy sinh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, và trên tất cả là lòng quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm. Tôi cũng không thành kiến và hà khắc gì với dòng nhạc bolero, thi thoảng tôi vẫn nghe và vẫn hát cùng với bạn bè. Nhưng giới trẻ chúng tôi khi hiểu rõ thêm về nguồn gốc xuất xứ của dòng nhạc này thì không thể chấp nhận được sự tôn vinh dòng nhạc này một cách thái quá như hiện nay. Chúng ta không thể đảo lộn và làm lu mờ những giá trị lịch sử như nó vốn có, để tôn vinh thứ âm nhạc không mang lại những giá trị tri thức và văn hóa.
Có ai đó nói rằng: “Âm nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ và điều chỉnh cả tâm trạng, đời sống của người nghe”. Nhạc bolero, ngoài những lời thở than, yếu đuối, ủy mị, quên đời, quên người… thì ta sẽ không nhận lại được cho mình bất cứ giá trị nào về mặt tri thức. Âm nhạc sẽ có khổ đau, gian khó và tuyệt vọng, nhưng sau hết phải cho con người nhìn thấy những khát vọng, hoài bão và những ước mơ tốt đẹp, có như thế âm nhạc mới sống và giúp ích cho đời, cho con người - đó mới là giá trị và là sứ mệnh của âm nhạc.