Những năm trước tới thăm Paris, khi ra đường ngoạn cảnh, khách du lịch thường phải dò dẫm từng bước một vì sợ cứ mải ngắm nhìn cảnh đẹp có thể sẽ đạp phải những bãi chất thải của các… “cục cưng” bốn chân của các ông bà sang trọng và lịch sự, nói nôm na là dẫm phải… cứt chó! Bởi người dân Paris từ bao đời nay đã nổi tiếng là rất yêu súc vật và thường có thói quen dắt chó ra đường phóng uế để... khỏi dơ nhà. Một thời cảnh sát Paris đã phải rất vất vả để lo… hót phân chó bởi lẽ nếu phạt vạ chủ chó e rằng Hội những người bạn của… chó sẽ lên tiếng ngay và Sở cảnh sát sẽ bị tẩy chay, bị lên án là vô nhân đạo, là thiếu từ tâm, là không biết quý trọng súc vật (!?).
Thế nhưng năm nay nếu khách trở lại thăm Paris, ắt sẽ thấy đường phố đã thay đổi hẳn bộ mặt, và sạch sẽ tới không ngờ. Điều đó cũng đã được Sở Vệ sinh của Tòa Đô chính Paris xác nhận qua báo cáo điều tra chính thức là hiện tại khoảng 60% chủ nhân của các cô chó hoặc chú chó đã chịu khó cúi lượm cái thứ mà “đệ tử ruột” của mình thải ra và bọc vào bao giấy đặng bỏ vào thùng rác công cộng. Việc đó xưa nay các quý chủ nhân của bầy chó thường không chịu làm vì mắc cỡ, và vì cái lối lý luận cù nhầy: đã là chó thì nó biết… chó gì mà không đại tiểu tiện bậy, có khi nó còn thải ngay cả trên giường của chủ nhân ấy chứ!
Đường phố Paris ngày nay sạch đẹp vậy chính là nhờ Tòa Đô chính đã cho áp dụng biện pháp mạnh từ nhiều năm qua là tăng cường số nhân viên đi kiểm tra và phạt vạ thật nặng các ông bà chủ để chó ra đường làm bậy. Nếu bị bắt tại trận không chịu hót phân của chó nhà mình thải ra, các vị chủ sẽ bị phạt 183 euro sau khi đã bị đưa ra Tòa xử vì tội làm ô uế đường phố hoặc công viên. Kẻ tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Sau phân chó là cái nạn bà con Paris thường len lén quẳng các bịch rác dưới các gốc cây, gốc trụ điện hoặc bên tường thành, sau đó thì các bịch bị bới tung ra bởi các tay chuyên lượm ve chai y như ở xứ ta vậy. Thế là mọi cái bầy hầy, dơ dáy được tự do triển lãm trên đường phố… Bây giờ thì đừng tưởng cứ len lén làm vậy không ai nhìn thấy thì thôi! Tòa Đô chính sẽ sử dụng biện pháp tìm… dấu tích. Cũng chẳng khó khăn gì, các dấu tích tố cáo chủ nhân đích thực của các bịch rác thường nằm ngay trong chính… bịch rác!
Lần đầu tiên, chủ nhân bị cảnh cáo, lần vi phạm thứ hai bị phạt nặng. Và trong chuyện này, nhân viên Tòa Đô chính còn thường được sự trợ giúp phát hiện của… tai mắt nhân dân các khu vực. Họ thường “phôn” tới hoặc trực tiếp tố cáo cùng các nhân viên về tung tích của những người quẳng rác bậy bạ. Thế là các nhân viên sẽ có thể rình bắt tại trận vì dân chúng đã nắm chắc quy luật xả rác của các vị có tính thích ăn gian, chỉ biết lo giữ sạch mình mà làm dơ đường phố cũng như làm dơ nhà người khác như thế!
Cách làm này của Tòa Đô chính Paris có lẽ là một bài học quý cho chính quyền quản lý các đô thị ở nước ta.