Cái vỉa hè - một vật thể và lợi ích nhóm - một phi vật thể, hai phạm trù thoạt nghe và cả trong thực tiễn đời sống hầu như chẳng ăn nhập và có mối liên hệ gì với nhau trên nhiều phương diện. Vậy nhưng, vừa mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2-2017, phát biểu quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước báo giới về việc ủng hộ chủ trương “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” của chính quyền quận 1, TP.Hồ Chí Minh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu không làm quyết liệt đó sẽ là mảnh đất dung túng cho lợi ích nhóm!
Đô thị là nơi tập trung trụ sở các cơ quan hành chính từ cấp thị trấn, phường trở lên. Hằng ngày, hằng giờ, cái vỉa hè phơi mặt trước bàn dân thiên hạ chứ có lẩn khuất, chui nhủi ở chốn thâm sơn cùng cốc nào đâu. Hình hài, kích cỡ nó như thế nào, có thông thoáng không, hay có bị lấn chiếm không và lấn chiếm đến mức độ nào thì chắc chắn không một ai, kể cả những cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cấp, các ngành không thấy, không biết. Thậm chí có không ít cán bộ, công chức không hiếm khi ngồi ăn uống, nhậu nhẹt chính ngay trong những hàng quán ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè! Đối tượng lấn chiếm vỉa hè cũng chẳng xa lạ gì. Chủ yếu là cư dân đô thị trực tiếp hoặc cho thuê buôn bán, kinh doanh, và dòng người từ nông thôn di cư ra thành phố kiếm kế mưu sinh.
Những ngày qua dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông rất đồng tình và hoan nghênh tinh thần “dám làm, dám chịu” của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, TP.Hồ Chí Minh - nơi khởi xướng phong trào “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” một cách quyết liệt. Kết quả bước đầu, ở nhiều tuyến đường có phần thông thoáng hơn, được đông đảo cán bộ, nhân dân thành phố ghi nhận và đánh giá cao. “Phát súng lệnh” từ thành phố mang tên Bác lập tức lan tỏa đến thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác. Nhưng trong sâu xa, dư luận xã hội vẫn còn đó không ít băn khoăn, ngờ vực về tính bền vững, hiệu quả của nó! Điều đó không phải không có lý. Bởi lẽ, mấy chục năm qua, ở nhiều địa phương, đã từng có biết bao nhiêu cuộc ra quân rầm rộ, trống giong cờ mở rình rang, nhưng rồi tất cả vẫn cứ đâu lại vào đấy chẳng khác “đá ném ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa”!
Theo lẽ thông thường, hễ bệnh để kéo dài sẽ dễ trở thành tật, và khi đã thành tật thì việc chạy chữa càng khó, thậm khó, có khi bất lực. Mà khi quyền lực nhà nước bị suy yếu thì kỷ cương trở nên lỏng lẻo, phép nước không nghiêm. Trật tự xã hội vì thế sẽ ngày càng khó kiểm soát.
Vậy đâu là nguyên nhân? Thiết nghĩ câu trả lời đã quá rõ ràng tại hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường kiểm soát trật tự giao thông của Hà Nội vào ngày 4-3 vừa qua. Tại hội nghị, một sự thật được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thẳng thắn “vạch mặt chỉ tên” đã làm dậy sóng dư luận. Ông cho biết: “Khi còn làm Giám đốc Công an thành phố, ông đã thống kê 180 quán bia ở vỉa hè có đến 150 ông công an đứng sau”. Ông cũng khẳng định: “Ai chống lưng cho vi phạm thì bản thân các đồng chí ngồi đây đều biết. Có đồng chí bí thư, chủ tịch quận, huyện nào ngồi đây mà dám cam đoan với tôi là không có người nhà, họ hàng đứng sau các điểm trông giữ xe không?”. Nhưng, câu hỏi của ông sau đó đã rơi vào im lặng! Là người từng trực tiếp giữ vị trí lãnh đạo cao nhất về công tác trật tự trị an trên địa bàn, phải chăng, ông Chung đã “điểm trúng huyệt” nên họ không đường chối cãi? Xin thưa, hoàn toàn không sai! Đã từng có không ít vụ việc bị lôi ra ánh sáng mà thủ phạm chính là cán bộ, công chức của các ngành chức năng như: cán bộ kiểm lâm “bắt tay” với lâm tặc phá rừng; hải quan, quản lý thị trường “chống lưng” cho bọn buôn lậu, gian lận thương mại; công an bảo kê cho tội phạm, cho các tụ điểm mại dâm, ma túy… Thậm chí, còn có cả các thế lực “nâng đỡ”, “tiến cử” những kẻ “đức thấp”, tài hèn ngoi lên “ngôi cao” trong bộ máy. Tình trạng trên không phải là riêng có ở TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà chúng đã và đang hiện hữu trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, ngành, địa phương trong cả nước.
Như vậy, chỉ với riêng cái vỉa hè thôi đã có tới hai nhóm đối tượng cùng khai thác và hưởng lợi phi pháp: nhóm thứ nhất là lấn chiếm vỉa hè; còn nhóm thứ hai, như ông Chung đã chỉ ra, chúng trục lợi trên từ nhóm thứ nhất.
Xét một cách công bằng và khách quan thì, trong chừng mực nào đó, với nhóm lợi ích thứ nhất có thể thông cảm được. Trong đó, với những người nghèo, nguồn sống chủ yếu dựa trên vỉa hè, không nên cực đoan mà cần phải có giải pháp hợp lý hợp tình. Nhưng với nhóm lợi ích thứ hai, đó đích thị là “lợi ích nhóm”, là tham nhũng - một trong những nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà Đảng đã nhiều lần cảnh báo.
Cho nên, để giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè một cách triệt để, và cả những sai phạm trên các lĩnh vực khác, đã đến lúc cần phải đề cao pháp trị. Đúng như ý kiến của ông Nguyễn Đức Hà - hàm Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương khi trao đổi với báo Tiền phong ngày 10-10-2016 về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “… để tạo ra đột phá thì phải nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào? Chớ bây giờ kêu gọi đạo đức, tự giác thì rất khó. Cái vừa rồi chúng ta nặng về “đức trị”, nhẹ “pháp trị”. Bây giờ phải nhấn mạnh về “pháp trị”, khi pháp trị tốt rồi mới “đức trị”. Chứ trong lúc bộn bề như hiện nay mà lại dùng “đức trị” thì hiệu quả đạt được sẽ thấp. Chúng ta vừa xây vừa chống nhưng tình hình như hiện nay thì phải đặt chống trước, nhấn mạnh cái chống mới hiệu quả. Một số vụ việc nổi cộm như hiện nay thì phải xử lý nghiêm minh”.
Những chuyển động bước đầu từ cái vỉa hè là đúng định hướng của một chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ khi nhậm chức. Nhân dân đang rất kỳ vọng và chờ đợi ngày càng nhiều, nhiều hơn những hành động tích cực như thế từ bộ máy công quyền!