HV113 - “Du” và “Lượng” trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp

Trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp có hai bậc thầy tuổi đời ngang nhau, nổi tiếng ngang nhau, đó là Lương Vũ Sinh và Kim Dung.

Năm 1954, hai môn phái võ thuật lớn là Thái Cực và Bạch Hạc tổ chức cuộc đả lôi đài ở Ma Cao. Hôm ấy, các biên tập viên, tác giả của Tân vãn báo ở Hồng Kông, trong đó có Lương Vũ Sinh và Kim Dung, đều sang Ma Cao xem trận đấu, xem rồi cả hai xúc động mãi không thôi.

Sau khi trao đổi, hai ông nhận thấy tiểu thuyết võ hiệp nhất định sẽ thu hút độc giả, thế là quyết định mở mục tiểu thuyết võ hiệp đăng dài kỳ trên Tân vãn báo. Lương Vũ Sinh được chỉ định làm người chấp bút đầu tiên. Ngay hôm sau trận đả lôi đài, Tân vãn báo đăng dự báo về tiểu thuyết võ hiệp và ngày thứ ba, Long hổ đấu Kinh Hoa của Lương Vũ Sinh ra mắt độc giả.

Quả nhiên, tiểu thuyết võ hiệp vừa lên báo đã được bạn đọc và các giới quan tâm đón nhận, chẳng những ở Hồng Kông, Đài Loan mà còn ở nước ngoài. Long hổ đấu Kinh Hoa được công nhận là tác phẩm mở đầu cho văn học võ hiệp mới, Lương Vũ Sinh từ đó trở thành tông sư của dòng tiểu thuyết này. Ngay sau đó, Kim Dung cũng viết cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên làThư kiếm ân cừu lục, cùng Lương Vũ Sinh giương cao lá cờ “tân tiểu thuyết võ hiệp”. Hai ông được tôn vinh trong tám chữ “Kim Lương tịnh xưng, nhất thời Du Lượng” (Kim, Lương cùng nổi tiếng, là Chu Du, Gia Cát Lượng một thời).