HV113 - Đi tìm tổng thống Pháp mới, một vấn đề nan giải

Ai sẽ lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới đây? Câu hỏi này đặt ra trong tình hình hiện tại thực khó mà tìm ra một mẫu số chung, cuộc chạy đua vào điện Élysée chỉ còn sáu tuần lễ nữa, thế mà các ứng cử viên vẫn còn lao đao trong chiến dịch tranh cử, chưa có ai vượt mức và có dấu hiệu chiến thắng. Dẫu rằng các chương trình tranh cử mang tính chất tích cực để vực lại nền kinh tế ít khi được thực hiện, cho đến nay nhiều ứng cử viên giữ các biện pháp “ít tích cực” hơn như về thuế vụ (tăng thuế gián thâu giá trị thặng dư từ 20% lên 22%), về bảo hiểm y tế (tăng thuế trực tiếp CSG), về luật lao động (bãi bỏ chính sách 35 giờ lao động), về tuổi hưu (kéo dài tuổi về hưu chính thức lên 65 tuổi), về những biện pháp giảm trợ cấp xã hội (giảm thiểu vai trò an sinh xã hội quốc gia.)... làm biện pháp “sao” của chính trị đối nội để thu hút cử tri.

Trên thực tế, nước Pháp đang ở trong tình trạng báo động cấp quốc gia cho đến hết mùa bầu cử tổng thống, vấn đề khủng bố là một nguy cơ đang đe dọa nước Pháp và phải thường xuyên cảnh giác cao độ, đồng thời có ảnh hưởng không nhỏ lên ngành du lịch, một nguồn thu nhập chính của nước Pháp. Việc tăng cường lâu dài trong những năm sắp đến các tốn phí về an ninh là điều trông thấy trước mắt.

Vấn đề tạo dựng công ăn việc làm ổn định lâu dài cho người thất nghiệp phải được đặt làm trọng tâm cho 5 năm tới, nhưng hy vọng lại khá mong manh.

Bên cạnh đó, các vấn đề đối ngoại như sự tham dự khối NATO, vấn đề Syria, quan hệ với Mỹ, Đức và thế giới... với sự đóng góp của nước Pháp cũng không kém phần quan trọng, và cả thế giới nhìn vào cuộc bầu cử này. Chính phủ Pháp hiện nay vẫn là thành viên của khối NATO, và có thể điều này cũng không thay đổi sau bầu cử. Thế đứng của Pháp không chấp nhận chính phủ Al-Assad có thể cũng không thay đổi. Quan hệ đối với nước Mỹ thì “nước đôi”, một mặt các chính trị gia “hân hoan” vì có đổi mới, mặt khác thì lo lắng đối phó bởi những đổi mới đó.

Câu hỏi quan trọng là (cánh) tả hay (cánh) hữu sẽ nắm quyền lực sau 5 năm quyền lực của chính phủ Hollande/Valls nằm trong lời giải về vấn đề Liên minh châu Âu. Hiện tại có ba khuynh hướng về Liên minh châu Âu: những đảng phái truyền thống không muốn rút ra khỏi Liên minh châu Âu, khuynh hướng cải thiện lại quan hệ ràng buộc với Liên minh châu Âu bằng những biện pháp riêng rẽ, và khuynh hướng đòi lại quyền tự trị, tách ra khỏi Liên minh châu Âu.

Mô hình Brexit hiện nay đang là một thí dụ điển hình cho tình hình chính trị ở Pháp. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác, nhất là nước Đức trong tương quan Pháp - Đức dẫn đầu khối Liên minh, tất nhiên theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong ích lợi chung của khối. Cuộc bầu cử tại Hà Lan vừa qua, ngày 15-3-2017, với chiến thắng của cánh “hữu tân tự do” trước khuynh hướng dân túy của cánh cực hữu “Populisme”, tuy là việc thành lập nội các còn nhiều thương thuyết với các đảng nhỏ để đảng cầm quyền có thể chiếm đa số trong quốc hội Hà Lan. Cuộc bầu cử này được xem là cuộc “thử sức” cho khả năng ở Pháp và ở Đức: các đảng dân túy chưa đủ mạnh, chưa đủ sức thuyết phục đa số dân chúng mong muốn một sự thay đổi. Bà Angela Merkel, người sẽ ứng cử chức vị thủ tướng Đức lần thứ 4, chúc mừng ông Mark Rutte với cái nhìn hướng về nước Pháp “Tôi vui mừng vì một sự tiếp tục tốt đẹp cộng tác chung là bạn, là láng giềng, là người châu Âu”, mà cái điểm nhấn của bà nằm ở chữ “tiếp tục tốt đẹp châu Âu”.

Nhìn chung, ai là người sẽ lèo lái con thuyền nước Pháp trong giai đoạn khó khăn này, đáng lẽ phải được cử tri Pháp trả lời, nhưng đồng thời người ta có cảm giác là cử tri Pháp hầu như “tê liệt”; không khí trước bầu cử nói lên một sự chán ngán, không quan tâm đến mọi sự thay đổi chính trị, khuynh hướng bảo thủ chiếm số đông, theo như giới truyền thông đưa tin. Các “sondage” (thăm dò cử tri) và báo chí tiếp tục ảnh hưởng lên ý định bầu cử của người dân.

Hiện tại, việc Pháp rút ra khỏi Liên minh châu Âu và khu vực đồng euro (Frexit, viết tắt của chữ Frenchxit = France exit) là một điều không tưởng. Mặc dù người Pháp đã chỉ trích nhiều những áp đặt của Bruxelles, nhưng việc rút lui không phải là dễ thực hiện một sớm một chiều, người dân cần có một chính phủ đủ mạnh, đoàn kết, để có tiếng nói thiết thực trong khối Liên minh châu Âu và nếu cần thiết từng bước lấy lại quyền tự quyết dân tộc. Như trong trường hợp Brexit, dân Anh đã bỏ phiếu quyết định ngày 23-6-2016 với 52% phiếu chống, 9 tháng sau, giữa tháng 3-2017 quốc hội lưỡng viện Anh chấp thuận cho Thủ tướng Anh Theresa May được phép tuyên bố rút lui ra khỏi khối Liên minh châu Âu và bắt đầu cuộc thương thuyết các điều kiện rút lui trong vòng hai năm (theo điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu).

Tóm lại, người ta có cảm tưởng dân Pháp đang do dự giữa hai ý định, hoặc tiếp tục đi con đường cố hữu với thay đổi không đáng kể, bình cũ rượu mới, hoặc can đảm bước vào một cuộc phiêu lưu chính trị mới, một cuộc “cách mạng”, như dân Anh. Có phải vì một sự thiếu hiểu biết tình hình chính trị của nước mình và của thế giới và phó mặc cho những chính trị gia chuyên nghiệp quyết định?

Nếu người dân Pháp lựa chọn người lãnh đạo tối cao theo tiêu chuẩn trên thì có thể lựa chọn giữa một bên là các ông Fillon, Macron, Hamon... và bên kia là bà Le Pen, ông Dupont-Aignan, Mélenchon, Asselineau...

Ngày 17-3, danh sách ứng cử viên tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 được công bố. Các ứng cử viên phải hội đủ điều kiện được tranh cử đã được chính quyền Giscard d’Estaing cũ bắt đầu sửa đổi từ năm 1976, tức là phải có được sự đề cử, bảo hộ bởi 500 người có quyền lực từ cấp thị trưởng hay xã trưởng trở lên và những nhân vật đề cử được nêu danh tính thay vì 100 người không nêu danh tính trước đây. Mục đích là để dân chúng biết rõ thị trưởng hay xã trưởng ở địa phương nào ủng hộ các cánh cực hữu hay cực tả, và ứng cử viên có được sự chấp thuận rộng rãi của dân chúng hay không.

Có thể kể ra đây vài nhân vật hội đủ điều kiện tranh cử cho đến giờ chót ngày báo lên trang: bà Nathalie Arthaud (623 đề cử), bà Marine Le Pen (618) và các ông François Fillon (2.953), Emmanuel Macron (1.548), Benoit Hamon (1.717), Nicolas Dupont-Aignan (672), Jean-Luc Mélenchon (666), Asselineau (569) ra tranh cử.

Tạm thời, tình hình hai bên cánh tả và hữu với những nhân vật nổi bật của họ đều chia ba, xẻ bảy: cánh hữu có Fillon, Marine Le Pen, Dupont-Aignan và Asselineau, cánh tả có Hamon, Mélenchon và Macron... bởi thế ở vòng 1 các ứng cử viên bị chia phiếu rất nhiều. Qua đến vòng 2 là vòng quyết định thắng - bại thì cử tri phải sử dụng đến “vote utile”, có nghĩa là dồn phiếu cho ứng cử viên mình không thích nhưng “ít xấu” nhất trong hai ứng cử viên để bầu ra tổng thống.

Cho đến ngày 15-3, ông François Fillon, cựu Thủ tướng dưới thời Sarkozy, có nhiều tai tiếng, kiên quyết giữ vững vị trí tranh cử của mình. Lợi thế của ông là Alain Juppé, người có thể là “phương án B” thay thế Fillon nếu ông này vì áp lực sau vụ “Penelope-Gate” rút lui, đã tuyên bố buông giáo, từ chối không tranh cử tổng thống. Bà Penelope Fillon, người Anh, bỗng chốc nổi tiếng như cồn vì bị nghi là ăn lương nhà nước một cách dối trá là phụ tá cho chồng. Hai vợ chồng ông Fillon đang bị điều tra bởi tòa án, nhưng điều ấy không cản trở được ông Fillon ra tranh cử. Hơn nữa, thế lực nội bộ đảng Les Républicains cuối cùng đã xếp hàng lại sau lưng ông Fillon, và ông Fillon tuyên bố chấn chỉnh lại đội quân tranh cử của mình sau những cuộc từ chức đã xảy ra.

Bà Marine Le Pen, thường được báo chí thổi phồng làm “con ngáo ộp” đe dọa sự cân bằng chính trị của nước Pháp, nhưng thật ra đảng FN của bà đang chịu áp lực lớn, và bản thân bà đã bị tước quyền miễn nhiễm bởi quốc hội Liên minh châu Âu. Trong vòng hai năm đã có 400 người được bầu của đảng FN trả lại thẻ đảng, rút lui, tính ra là chiếm 28% tổng số đại biểu được dân bầu của đảng FN. Chương trình của đảng FN nhắm vào mọi biện pháp chính trị xua đuổi người di tản và rút ra khỏi khu vực Euro. Trên thực tế, con đường chính trị của bà Le Pen còn bị nhiều cử tri chống đối.

Ông Dupont-Aignan, người đã từ lâu cho rằng mình là người kế thừa của De Gaulle nhưng luôn bị “đì” không nổi lên được, được xếp vào cánh “quốc gia”, có vẻ lướt vế bà Marine Le Pen trong cuộc tranh cử lần này. Dù được các “sondage” (thăm dò ý kiến) đánh giá là ông chỉ ở mức 2,5%, ông Dupont-Aignan sẽ là một “ngạc nhiên thầm lặng” với những hứa hẹn cho cử tri người Pháp gốc, vì ông theo đuổi chủ nghĩa dân túy quốc gia mà cách giải thích của ông lại có phần “ôn hòa” hơn, khéo léo hơn bà Le Pen. Người ta thấy trong mùa bầu cử này ông Dupont-Aignan có rất nhiều cố gắng thuyết phục cử tri ngả về phía mình.

Cử tri của đảng Xã hội năm nay bị chia phiếu bởi hai ứng cử viên, ông Hamon và ông Macron. Ông Macron, 39 tuổi, được báo chí Pháp nêu danh là người hữu trong cánh tả, “le Libéraliste intégral” (người tân tự do toàn vẹn), là “Populiste”, là đại diện của trường phái néo-libéral, thế lực tài chính ngân hàng và bảo đảm sự vẹn toàn của Liên minh châu Âu. Ông cho là ông chống lại “système” (hệ thống chính trị), như bà Marine Le Pen, nhưng chính ông là một thành viên của “hệ thống” (trong chừng mực nào đó “hệ thống” ám chỉ những người chính trị gia chuyên nghiệp, chỉ vì tiền, không vì dân, xa rời thực tế). Trong hai năm làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế (2014-2016) dưới thời François Hollande, ông này đã mang tiếng là tiêu xài hoang phí mà người ta cho là “bình thường” theo phong cách Paris, và đóng thuế quá ít cho nhà nước. Vụ “Las Vegas” đang dấy lên, bất lợi cho ông Macron. Ông Macron cũng nổi tiếng về mối tình với bà vợ già hơn ông những 24 tuổi, trước đây là cô giáo dạy trung học của ông ở trường La Providence Amiens, họ lấy nhau năm 2007. Sau này, ông Macron lại nổi tiếng hơn khi làm nhân viên ngân hàng cho Rothschild. Ông Macron, sau khi chỉ ở Đảng Xã hội Pháp trong ba năm (2006-2009), đã lập một phong trào riêng biệt gọi tên là “En marche!” (Tiến lên!), tạm thời được xếp vào cánh tả.

Trong khi đó ông Hamon, đại diện chính thức cho cử tri của Đảng Xã hội Pháp, cố gắng xuất hiện với một chương trình tranh cử có lợi cho người nghèo, nhắm vào lá phiếu của cử tri Pháp có gốc nước ngoài (les immigrés) và thành phần “la France d’en bas” thấp kém trong xã hội luôn bị thiệt thòi.

Phần ông Mélenchon, với khẩu hiệu “La France insoumise” (nước Pháp không khuất phục) theo đuổi chương trình tranh cử với ý định muốn sửa đổi lại Hiến pháp 1958 và phân phát đất cho người nghèo.

Ngày 16-3-2017

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris -Pháp)