...Nói về con người Việt Nam, Lê Duẩn nhận xét khái quát và sâu sắc: “Dân tộc ta trọng đạo lý làm người và biết làm người”. Lê Duẩn trân trọng vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ trong gia đình. Đồng chí nhắc đến ý kiến của Hồ Chí Minh đối với công lao của người mẹ: “Nhân dân biết ơn các bà mẹ của hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Lê Duẩn tiếp ý và nhận xét: “Chính những bà mẹ Việt Nam từ bao thế kỷ nay đã truyền lại cho chúng ta khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu đức tính cần cù lao động, lòng thương nước, thương nhà”. Chúng ta có quyền tự hào về những bà mẹ Việt Nam. Trong xã hội cũ, dưới chế độ phong kiến, người đàn bà bị xem thường, “đối với văn hóa phong kiến, sỉ nhục người đàn bà, coi đàn bà là khó dạy, đòi chồng nói phải theo”, văn hóa nhân dân nêu lên “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” và đặt bà mẹ vào địa vị tôn quý “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Trong câu chuyện hàng ngày đối với một cán bộ gần gũi, Lê Duẩn thường ca ngợi những sáng tác dân gian, những câu ca dao, truyện cổ hấp dẫn và giàu ý nghĩa xã hội. Lê Duẩn cũng chú ý tới những người phụ nữ trong văn nghệ và cho rằng truyện Lưu Bình - Dương Lễ tuy đề cao tình bạn bè nhưng lại thiếu tôn trọng người phụ nữ. Về Quan Âm Thị Kính, đồng chí bày tỏ sự thương cảm đặc biệt với nỗi oan và sự chịu đựng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nghiệt ngã. Trong những suy nghĩ về văn hóa, nhất là trong văn hóa Việt Nam, Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh đến tình thương. Tình thương có cội nguồn từ truyền thống nhân ái của nhân dân, tình thương cũng là phẩm chất của mỗi cá nhân trong đời sống hàng ngày và tình thương cũng là sức mạnh của truyền thống dân tộc. Những câu ca xưa nói nhiều về tình thương: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Tiếp đến là những tác phẩm thể hiện sâu nặng tình thương con người như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, các bài Văn tế nghĩa sĩ của Nguyễn Đình Chiểu. Tình thương là thuộc về địa hạt của tình cảm. Đồng chí Lê Duẩn cũng chỉ rõ sự khác biệt và quan hệ giữa lý trí và tình cảm. Lý trí gắn với tư duy, với sự suy nghĩ, với những phân tích, đánh giá, phán đoán sự việc và con người trong cuộc sống. Nói đến bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, từ quá khứ đến hiện tại, từ triết lý, đạo lý đến lý trí, tư tưởng, hạt nhân bản chất của mọi sự việc là con người, vì văn hóa trước hết cần nhận thức khái niệm từ con người. Lý trí mà không có tình cảm thì cũng thiếu sức hấp dẫn, truyền cảm, thiếu tình người. Các ngành khoa học thường chú trọng chuyên biệt từng lĩnh vực, lý trí và tình cảm, nhưng cũng không tách rời nhau. Đồng chí Lê Duẩn có một nhận xét sâu sắc: “Nói đến văn nghệ là nói đến quy luật của tình cảm”. Tình cảm được tạo ra từ sự xúc động, từ trái tim yêu thương của người nghệ sĩ.
Trong các hoạt động văn hóa của một dân tộc, đồng chí Lê Duẩn cũng đặc biệt chú ý tới vai trò của giáo dục. Trước hết phải hiểu truyền thống “dân tộc ta vốn là một dân tộc hiếu học”. Lê Duẩn xem giáo dục là công nghiệp nặng cần phát triển nhanh và đúng hướng. Đồng chí nhận xét: “Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều người trong các đồng chí cho rằng ‘nghề dạy học không có tiền đồ’. Nhận thức như vậy là trái với lịch sử dân tộc ta, là ngược lại nguyện vọng tha thiết hằng ngày của nhân dân ta, ngược lại yêu cầu rất cơ bản của cách mạng ta trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí cũng cho rằng, chức năng và trọng trách của thầy giáo trong việc xây dựng con người mới là: “Thầy giáo không chỉ dạy bằng công thức, bằng những câu, chữ có sẵn, mà phải dạy bằng tất cả tâm hồn của mình. Nếu bản thân thầy không có tình cảm cách mạng, thì dù đọc thông thạo chủ nghĩa Mác - Lênin đến mấy đi chăng nữa cũng không thể nào làm công tác giáo dục tốt được. Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh tức là xây dựng cho các em lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, thương đồng bào, yêu lao động, lòng dũng cảm, trung thực và tinh thần quốc tế vô sản. Tình cảm không phải đơn thuần là một phản ứng sinh lý mà là một sản phẩm xã hội, có nội dung giai cấp”. Trong giáo dục, mối quan hệ giữa thầy và trò có ý nghĩa quan trọng: “Học trò phải kính trọng, thương yêu thầy, nhưng thầy giáo cũng phải thương yêu và trọng đãi học trò. Vì học sinh, dù chỉ mới 11, 12 tuổi cũng có nhân cách, có lòng tự trọng. Muốn xây dựng nhân cách cho học sinh, phải tôn trọng nhân cách của học sinh. Đối xử tàn nhẫn, quở phạt, trách mắng học sinh là sai lầm. Trái lại, phải xây dựng quan hệ bè bạn, vì đó là cơ sở quan hệ tốt giữa thầy và trò”. Đây là ý kiến mới mẻ nhất trong quan hệ thầy trò trong xã hội mới.
Thể hiện niềm tin sắt đá vào ý chí, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, thể hiện tình cảm trân trọng và yêu thương con người là cơ sở xuyên suốt những suy nghĩ về văn hóa của Lê Duẩn. Những trang viết vừa có cơ sở lý luận, vừa gắn liền thực tiễn của cuộc sống đã tạo cho suy nghĩ về văn hóa của Lê Duẩn là những bài học phong cách riêng rất đáng quý.
* Giáo sư, Giải thưởng Hồ Chí Minh.