HV113 - Toàn cảnh thơ và trưng bày thơ

Mọi sự trưng bày đều có mục đích, nên cần bình luận về Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, đề tài quốc gia trọng điểm do TS Nguyễn Bá Thành thực hiện, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2015.

Phải nói ngay là tư duy nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Thành rất lộn xộn, trước sau bất nhất. Ở đầu cuốn sách nói trên, ông nói: Nghiên cứu các bộ phận văn học miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa cần có một thái độ, một lập trường đúng đắn, một quan điển hòa hợp nhưng không đánh đồng các khuynh hướng văn học có tính đối lập (sđd, tr.20). Nhưng thực tế, tác giả đánh đồng tất tật và không nêu lên thái độ, quan điểm, lập trường nghiên cứu. Ông thừa nhận: Nghiên cứu thơ ca giai đoạn 1945-1975 từ góc độ chính thể, thể chế là một hướng nghiên cứu thơ ở ngoài thơ, nghiên cứu văn học bên ngoài văn học, đó là nghiên cứu điều kiện ra đời của tác phẩm. Đó là sự quản lý của Nhà nước đối với các sản phẩm tinh thần và văn hóa (sđd, tr.57). Biết thế mà ông vẫn nghiên cứu văn học theo các chính thể, và không nghiên cứu sự quản lý của Nhà nước mà lại nghiên cứu nội dung tác giả, tác phẩm. Một tư duy như thế dù vô tình hay cố ý đều không tiếp cận được bản chất của đối tượng nghiên cứu. Chắc chắn đây là sự cố ý, vì ông hoàn toàn lẩn tránh bản chất của đối tượng mà chỉ dựa vào hình thức bên ngoài để suy luận, phán đoán, khái quát.

Sau đây là những vấn đề cần bình luận.

I. Quan điểm, phương pháp nghiên cứu

- “Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 tập hợp tất cả các sáng tác, các khuynh hướng, các trào lưu…, các tác giả là những người đã từng sống và sáng tác thơ trong cùng một thời đại, trên cùng một quê hương, đều bằng một thứ ngôn ngữ dân tộc vào trong cùng một danh mục tác giả” (sđd, tr.58).

- “Văn học Việt Nam 1945-1975 là toàn bộ các hiện tượng văn học, từ nhà văn, tác phẩm và đối tượng tiếp nhận văn học trong giai đoạn đó. Không phân biệt khuynh hướng, trào lưu, tư tưởng và nghệ thuật” (sđd, tr.26).

- “Văn học dân tộc (…) phải bao hàm đầy đủ các bộ phận hợp thành, toàn bộ các yếu tố, các hiện tượng từ sáng tác đến lý luận, bao hàm đầy đủ các thành viên và các vùng miền” (sđd, tr.23).

Như thế chưa phải là nghiên cứu văn học, mới chỉ là giai đoạn sưu tầm, tập hợp tư liệu. Nếu nghiên cứu theo quan niệm đó, là nhầm với thống kê, điều tra xã hội học về tình hình văn học. Thống kê, điều tra xã hội học đương nhiên phải có mục đích và phương pháp của nó, như điều tra dân số… Đấy cũng là một khoa học, nhưng không phải khoa nghiên cứu văn học. Nghiên cứu một đối tượng nào đó, thì nhìn toàn cảnh chưa đủ mà phải nhìn toàn diện. Và quan trọng hơn, phải trừu xuất, khái quát được bản chất, quy luật của nó. Nhìn toàn cảnh để phân biệt, chọn lọc những điểm cần chú ý, không phải để ôm lấy tất cả.

Tác giả công trình là người nghiên cứu giảng dạy văn học ở khoa Ngữ văn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã lâu năm, không lạ gì những yếu tố tiên quyết của nghiên cứu khoa học. Nhưng ông cố tình xập xí xập ngầu như thế, cho nó đục nước để có thể tung ra những nội dung mà chúng tôi sẽ dẫn giải tiếp theo.

Như dẫn trên, tác giả quan niệm văn học nói chung và thơ nói riêng giai đoạn này là tất tần tật những hiện tượng tác giả tác phẩm người đọc… không phân biệt bản chất, giá trị của các hiện tượng. Đó thực chất là đánh đồng mọi giá trị, mọi trào lưu, khuynh hướng văn học. Đây là một quan điểm chính trị hơn là văn học. Là trào lưu hạ thấp giá trị của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cào bằng tất cả, đặt những giá trị nhân văn - dân tộc ngang với phản nhân văn - dân tộc. Trào lưu này không chỉ trong văn học mà có cả trong sử học, trong giáo dục đào tạo… tiếp nối mưu toan chống phá từ bên ngoài mà chúng tôi sẽ nói rõ trong một bài viết khác.

II. Cào bằng giá trị

Từ quan điểm nghiên cứu trên, tác giả đã cào bằng, đánh động mọi hiện tượng, sự kiện văn học và lịch sử.

- Về lịch sử, tác giả cho rằng Gia Long Nguyễn Ánh và Quang Trung Nguyễn Huệ đều yêu nước và cứu nước nhưng theo quan điểm khác nhau nên đã trở thành đối thủ tiêu diệt của nhau… (sđd, tr.50).

Biện luận như thế là gian lận về học thuật. Sử liệu và dư luận học thuật chân chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu biểu, đã khẳng định Gia Long có tội bán nước, mở lối cho thực dân Pháp can thiệp và xâm chiếm Việt Nam. Nhà văn Vũ Hạnh phân tích rõ, mục đích của Nguyễn Ánh là chiếm lại cho kỳ được ngôi vị của dòng tộc, sẵn sàng bán nước và cầu viện ngoại bang (báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, số 439, ngày 2-3-2017).

Quan niệm yêu nước khác nhau mà đi đến tiêu diệt nhau là phi lý về logic và thực tiễn. Lịch sử dân tộc từ khởi thủy đến nay chứng tỏ, nước Việt Nam độc lập đến hôm nay là nhờ lực lượng yêu nước, dù có những quan niệm và lợi ích khác nhau, đều đoàn kết để bảo vệ độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc là cứu cánh, là mục đích. Quan niệm yêu nước khác nhau là cách thức đi tới. Chưa tới đích mà diệt nhau thì là logic gì? Thời Lý, thời Trần và đặc biệt thời đại Hồ Chí Minh, qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chứng tỏ như thế.

- Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chính thể dân chủ cộng hòa phải rời thủ đô, sơ tán về khu Việt Bắc, hoạt động như một chính thể bất hợp pháp… Trong khi đó thì phía Pháp cùng với các nhóm chính trị thân Pháp lại tái lập một chính thể quân chủ, lấy tên là Quốc gia Việt Nam, quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại… Thủ đô đặt tại Sài Gòn… (sđd, tr.39).

Sao lại cưa sừng làm nghé hồn nhiên như thế? Trong môn đấm bốc, có những chỗ cấm, nhưng phải chường mặt ra mà đấm vào nhau. Còn trong chiến tranh thật sự mà như thế thì quê hương của TS Nguyễn Bá Thành đã “trở về thời kỳ đồ đá” rồi, thì cũng chẳng có TS Nguyễn Bá Thành hôm nay, chẳng còn các chính thể để mà nghiên cứu văn học chính thể. Nhưng đây là chỗ giả vờ ngô nghê để ném đá vào lịch sử: Chính thể dân chủ cộng hòa (1946-1954) là bất hợp pháp, còn Quốc gia Việt Nam là hợp pháp và Hiệp ước Élysée ngày 8-3-1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại là hợp pháp, có giá trị pháp lý. Nhờ cái nhìn chính thể mà biến một tay sai của thực dân Pháp và phát xít Nhật, phản quốc và phản lại chính mình (“Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”)… thành một quốc trưởng hợp pháp. Đến đây thì TS Nguyễn Bá Thành thành ra một người làm chính trị không kém gì Nguyễn Ánh, không từ bất cứ một thủ đoạn nào… miễn được con chuột thì thôi!

- Từ một quốc gia chậm tiến, kém phát triển, tiến tới một quốc gia hiện đại, văn minh, người Việt Nam không thể không lựa chọn và sự lựa chọn khác nhau của người Việt Nam đã tạo nên những bị kịch về sự bất hòa và bất đồng của quan điểm chính trị qua việc lựa chọn mô hình chính thể (sđd, tr.41).

Đến đây thì TS Nguyễn Bá Thành tới tận cùng trong quan điểm chính trị và lịch sử. Không có công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài từ năm 1858 đến năm 1975, không có thực dân Pháp, không có phát xít Nhật và người Mỹ can thiệp, không có gì cả ngoài sự lựa chọn khác nhau về chính thể của nội bộ người Việt Nam. Với TS Nguyễn Bá Thành văn học là cái gì chứ không phải nhân học. Xin ông hỏi oan hồn của 2 triệu dân Việt Nam chết đói năm 1945 xem họ đã lựa chọn chính thể nào mà nên nông nỗi ấy?! Làm sao mà một thầy giáo dạy văn học, một nhà nghiên cứu văn học lại có thể bất nhân đến thế?!

- Với quan điểm và phương hướng nhìn toàn cảnh, văn học chính thể, TS Nguyễn Bá Thành đi đến khái quát thơ Việt Nam 1945-1975 bằng loại hình tác giả và đưa ra sáu tác giả tiêu biểu:

Hồ Chí Minh: loại hình tác giả: nhà cách mạng làm thơ

Tố Hữu: nhà thơ cách mạng

Chế Lan Viên: thơ trí tuệ

Vũ Hoàng Chương: loại hình nhà thơ mới sáng tác theo con đường cũ, sống với chế độ (?)

Bùi Giáng: loại hình nhà thơ giang hồ du đãng, vô chính trị và vô chính phủ

Thanh Tâm Tuyền: loại hình nhà thơ có chính kiến, có lý luận, quan niệm nghệ thuật, sống cùng với chế độ (?)

(sđd, tr.56).

Trước khi phân tích thơ Vũ Hoàng Chương, chúng tôi xin hỏi tác giả Nguyễn Bá Thành: Nghệ thuật là một hoạt động có giá trị hay chỉ là một trò chơi đơn thuần, giải trí tiêu khiển? Giá trị của nghệ thuật ở tính Chân - Thiện - Mỹ hay là ở hình thức câu chữ, loại hình tác giả? Câu trả lời này sẽ là sự đánh giá cho Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, một đề tài quốc gia trọng điểm!

Về Vũ Hoàng Chương, tiêu biểu cho loại hình tác giả thuộc lớp nhà thơ mới sáng tác theo con đường cũ chung sống với chế độ…, TS Nguyễn Bá Thành viết: “Thơ Vũ Hoàng Chương sau năm 1955 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về phía hiện thực và lịch sử. Chỉ có điều ông đã ngộ nhận về chế độ tự do dân chủ… nếu gạt bỏ cái ngộ nhận chính trị ra ngoài, thì thơ ông đã để lại cho người đọc khá nhiều ấn tượng mà sâu đậm nhất là tấm lòng nặng trĩu của ông đối với quê hương đất nước…” (sđd, tr.256-257).

Xin thưa, tấm lòng đối với quê hương đất nước không đơn thuần là chữ nghĩa thơ phú mà cốt lõi của nó là vấn đề chính trị. Có hai nhà thơ nguyên là thầy giáo và sinh viên đủ chứng minh cho luận điểm trên. Đó là nhà thơ chiến sĩ Lê Anh Xuân, tức Ca Lê Hiến, nguyên giảng viên khoa Lịch sử và Vũ Đình Văn, sinh viên khoa Văn đều đã hy sinh trên chiến hào chống Mỹ. Nếu gạt bỏ yếu tố chính trị ra ngoài thì Dáng đứng Việt Nam sẽ tạc vào đâu? Tiến sĩ văn chương mà giảng giải văn chương như thế thì học trò xem nhẹ môn Văn là phải lắm.

Ta hãy xem tấm lòng nặng trĩu của ông [Vũ Hoàng Chương] đối với quê hương đất nước như thế nào.

Vũ Hoàng Chương trước 1945 thì ta đã biết rồi. Con người tự nhận đầu thai nhầm thế kỷ, sống vùi trong những cơn say. Vũ đã đi theo kháng chiến và có những câu thơ đáng ghi nhận: “...Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe lên năm cửa ô”. Song, Vũ không chịu đựng được gian khổ, đã đầu hàng và dinh tê về “Hà Nội vàng son”. Pháp rút khỏi Hà Nội, Vũ lại bàn đèn khăn gói vào theo và uốn lưỡi ngợi ca Ngô Đình Diệm: “Lá phiếu trưng cầu một hiển linh/ Xé toang bạo lực dưới muôn hình/ Từ nay nước Việt dân làm chủ/ Nhạc nào say bằng khúc tái sinh” (Từ nay - 1955).

Ca ngợi tên Việt gian khát máu tàn bạo như Ngô Đình Diệm thì cái Chân cái Thiện cái nhân văn nhân bản của Vũ ở đâu? Ngô Đình Diệm từ “Lá phiếu trưng cầu một hiển linh” của Vũ (1955) cho đến 1963 hẳn không khó hiểu. Chỉ xin nêu một vấn đề, một tư liệu: Tại sao Ngô Đình Diệm đang làm tri huyện Hải Lăng trước 1930 lại được thăng lên hàm tuần phủ rồi về Nam Triều làm đến thượng thư bộ Lại? Theo hồi ký của nhà cách mạng Nguyễn Tạo, thì Ngô Đình Diệm đã phát hiện ra các tổ chức cách mạng Tân Việt, Thanh niên lúc đó, bắt bớ hàng ngàn người nộp cho Pháp mà được thăng quan tiến chức. (Tôn Quang Phiệt 1900-1973, NXB Văn học, 2014, q.II, tập 2, tr.722). Về Luật 10-59, xin TS Nguyễn Bá Thành đến thăm Bảo tàng Bến Tre. Ở đó có trưng bày cái ghế băng và phía dưới là cái chậu gốm. Bên cạnh có tấm pa nô phóng to toàn văn Luật 10-59. Luật 10-59 có điều khoản chủ yếu là bắt được cộng sản thì xử tử ngay không cần xét xử, không được giảm khinh. Người có liên quan, bao che, nuôi giấu cũng bị xử tương tự. Và quân của Diệm ở Bến Tre đã bắt những chiến sĩ cách mạng nằm trên ghế đó để chặt đầu, cái chậu để hứng máu… Bài thơ của Vũ ca ngợi Ngô Đình Diệm viết sau sự kiện ở Hải Lăng (khoảng 1929) và trước Luật 10-59. Nhưng sau khi Diệm đổ (1963), không thấy Vũ nói lời gì.

Về tấm lòng nặng trĩu đối với quê hương đất nước của Vũ, đặc biệt đối với Thăng Long ngàn năm lịch sử (sđd, tr.257-258), xin gửi tới TS Nguyễn Bá Thành câu thơ này của Vũ: “Sẽ có ngày ta về lại thủ đô/ Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ…”. Nếu Vũ về lại được thủ đô, thì không biết bây giờ TS Nguyễn Bá Thành, thầy giáo Nguyễn Bá Thành, khoa Ngữ văn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ ở đâu nhỉ? Thầy giáo Nguyễn Bá Thành và khoa ta có được no theo với Vũ không?

Vũ Hoàng Chương nghiện hút. Có thể ông ta viết để lấy tiền mua thuốc. Dù sao, viết những câu thơ “khát máu” như thế thì không thể không chịu trách nhiệm. Bỏ qua thì thôi, nhưng “ca” ông ta thì phải xét.

III. Mấy lời kết luận

Tác giả công trình cho rằng để hội nhập toàn cầu, hội nhập quốc tế có hiệu quả thì trước hết phải có sự hòa hợp, sự đồng thuận trong văn hóa dân tộc… Phải nhất thể hóa văn hóa quốc gia…, quốc gia hóa trước khi quốc tế hóa… Mà nhất thể hóa, theo tác giả là trong toàn cảnh có gì lấy nấy, tất cả nhập vào một, nhất thể…

Chỗ này tác giả nên xem lại khái niệm nhất thể hóa và toàn cầu hóa, hội nhập… Về kinh tế khác với văn hóa. Về văn hóa, một nền văn hóa dân tộc thống nhất phải dựa trên quan điểm thẩm mỹ thống nhất, trên giá trị thẩm mỹ thống nhất, khác giá trị trao đổi hàng hóa.

Quan niệm như tác giả và qua sự thực hành của tác giả là loại bỏ vấn đề cơ bản này, nhập cục mọi hiện tượng văn hóa vào một nhất thể. Đó là một thủ pháp để đánh đồng mọi giá trị, thực chất là loại bỏ tiêu chí giá trị ra khỏi việc khảo sát, đánh giá các hiện tượng văn học. Tố Hữu, Chế Lan Viên cũng ngang hàng chung chiếu với Vũ Hoàng Chương, Thanh Thâm Tuyền thì làm gì còn giá trị! Quan niệm này hoàn toàn phản khoa học và là biểu hiện của một quan niệm chính trị: phủ nhận giá trị văn hóa tinh thần của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng này là biểu hiện của mưu đồ muốn xóa bỏ thời đại Hồ Chí Minh, đã biểu hiện ở luận văn Vị trí của kẻ bên lề…, ở Bài thuốc Phan Châu Trinh, ở việc chiêu tuyết cho các nhân vật có tội với đất nước, với dân tộc như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, vương triều Nguyễn, Phạm Quỳnh v.v…

Công trình này đang là một giáo trình, đó là điều cần lưu ý đối với ngành Giáo dục và Đào tạo về văn hóa. Quan điểm khác nhau trong nghiên cứu khác với đề tài quốc gia trọng điểm, với giáo trình ở bậc đại học. Không thể cố tình lẫn lộn, đánh tráo các chức năng rất khác nhau.

TP.Hồ Chí Minh, 8-3-2017

CHU GIANG