Sinh thời, trong một lần “tự bạch”, khi trả lời câu hỏi của con gái về “câu cách ngôn mà cha thích nhất?”, Các Mác đã chọn câu của Térence - nhà thơ La Mã cổ đại: “Không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi”(1). Cũng có thể nói như vậy về Bác Hồ. Người vĩ đại, siêu việt, hơn thường, nhưng không phải là “siêu nhiên”, mà là một con người với tất cả khát vọng về hạnh phúc, niềm vui như mọi người trên thế gian này. Là một người nhân hậu, giản dị, Bác gần gũi, thân thiết với tất cả mọi người, không có gì thuộc về con người lại không vang vọng sâu xa trong tâm hồn của Bác.
Nói đến “chất người giàu có” của Bác Hồ tức là nói đến chủ nghĩa nhân văn, tấm lòng nhân ái, khoan dung, sự thấu cảm nhạy bén trước mọi cảnh ngộ và tâm tư sâu kín của con người... “Chất người” đó được thể hiện ra một cách tự nhiên trên mọi bình diện, ở mọi lúc, mọi nơi, với đồng bào, đồng chí, với những người lầm lạc, ngay cả với những người đối lập.
Tháng 12 năm 1945, cụ Hồ đến thăm Hội nghị cán bộ Trung ương đang họp tại huyện đường huyện Hoài Đức (ở ngã tư đường Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy của Hà Nội, nay là địa điểm của Học viện báo chí - tuyên truyền), với sự có mặt của Tổng bí thư Trường Chinh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Quốc Hoàn, các đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Hữu Nhân, Trần Cung, Lê Thu Trà và nhiều cán bộ trung ương khác. Nhân cụ đến thăm, anh em tranh thủ xin ý kiến cụ về hướng giải quyết một số vụ việc phức tạp đang diễn ra, xung quanh mối quan hệ với Hoa kiều và quân đội Tưởng.
Sau việc chung rồi đến việc riêng. Anh Xích (tức Hoàng Hữu Nhân) khi ấy là Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, chừng 26-27 tuổi, mạnh dạn hỏi:
- Thưa cụ, những người có vợ con rồi thì làm việc minh mẫn lắm, còn chúng cháu chưa có vợ thì đầu óc cứ mụ mị cả đi. Vậy cụ thấy thanh niên giờ có nên lấy vợ không? Nhiều người cho rằng lúc này mà đa mang vợ con vào, bận bịu thì không làm ăn gì được?
- Tại sao lại không nên! Già cũng cần có vợ nữa là thanh niên!
Cụ trả lời một cách tự nhiên, dí dỏm, nhưng không cười, trong khi mọi người cười ồ lên một cách thú vị. Ai cũng đều hiểu rằng “già cũng cần có vợ” nghĩa là cụ cũng cần như mọi người, chứ đâu phải một nhà tu hành?
Chị Lê Thu Trà, một cán bộ phụ vận trung ương, đứng lên xin hỏi:
- Cháu muốn thưa với cụ về việc hiện nay có một vài anh cán bộ lấy vợ lẽ, thì nên đối phó thế nào, xin cụ chỉ bảo cho…
Người không trả lời thẳng vào vấn đề chị Trà nêu ra mà kể lại một câu chuyện vui về Mác:
- Ngày trước, Các Mác có đưa anh thư ký từ Đức theo mình sang Luân Đôn, tiếp tục giúp việc. Một thời gian sau, anh này có dan díu với một cô gái người Anh. Không hiểu sao, cô vợ bên nước biết được, đã viết thư thắc mắc với Mác. Mác bèn bảo anh thư ký: “Tại sao việc ấy lại để cho vợ nó biết?”.
Mọi người lại nhìn nhau cười và hiểu rằng muốn “ăn vụng” thì phải “chùi sạch mép”, vì đó là việc trái với đạo lý thông thường(2).
Chế độ đa thê là sản phẩm của xã hội cũ, cách mạng vừa thành công, ta chưa có luật về hôn nhân gia đình, nhưng với người cán bộ cách mạng, chuyện “vợ lẽ, con thêm” cũng bị coi là vi phạm về mặt đạo đức. Tuy không phê phán, mà chỉ kể lại câu nói vui của Mác, nhưng qua đó có thể thấy Người cũng có cái nhìn khoan dung đối với những nhược điểm của con người.
Linh mục Cao Văn Luận - một người Công giáo xác tín, có ý thức về bổn phận với Chúa, với Giáo hội, nhưng là người Việt Nam, ông cũng không quên bổn phận với Tổ quốc, với dân tộc, nên linh mục cũng có cảm tình tự nhiên với một người suốt đời đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam như cụ Hồ, một người mà theo ông, “mỗi khi nhắc đến, dù bất đồng chính kiến, ai cũng phải cảm phục”. Vì vậy, trong ba tháng cụ Hồ ở Paris năm 1946, linh mục Luận không bao giờ vắng mặt trong các buổi đón tiếp cụ Hồ của Chính phủ và nhân dân Pháp hay các buổi chiêu đãi của Việt Nam do Người chủ trì.
Trong một lần tiếp khách - bằng giọng Nghệ- Tĩnh với vị linh mục cũng là người Hà Tĩnh, cụ nói nửa bông đùa, nửa thành thật: “Chú còn trẻ, đẹp trai, không lấy vợ, uổng quá”. Linh mục cũng lấy giọng bông đùa để trả lời cụ: “Xin lỗi cụ Chủ tịch, thế tại sao cụ không lấy vợ để làm lợi cho xã hội?”. Cụ đáp: “Tôi độc thân được, nhưng các chú còn trẻ, độc thân sao nổi. Trông thấy hoa, sao khỏi muốn hái được?”(3). Qua câu chuyện do một linh mục kể lại, ta thấy cụ Hồ là một người lịch lãm, không hề xem nhẹ chuyện tình cảm, chuyện vợ con, mà coi đó là một nhu cầu tự nhiên, hơn nữa còn là nghĩa vụ xã hội của con người.
Năm 1946, sau ngày đồng ý nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng được bố trí ăn ở ngay tại Bắc Bộ Phủ. Hai cụ như đôi bạn già tri kỷ, trong cuộc sống đời thường, cũng có lúc đùa vui với nhau. Một lần, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ để “nhắc nhở” cụ Hồ vẫn đang còn ở tình trạng “trái tự nhiên”:
Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già,
Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không!
Cụ Hồ chỉ cười, vì chưa kịp nghĩ ra câu thơ để đối đáp. Ngay sau đó, cụ phải đi Pháp đàm phán. Trong một điện văn gửi về nước, cụ Hồ có kèm theo mấy vần phúc đáp cụ Huỳnh như sau:
Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời,
Nhớ cụ Huỳnh lắm, cụ Huỳnh ơi!
Non sông một gánh, chung nhau gánh,
Độc lập xong rồi, cưới vợ thôi!(4)
Hai năm sau, 19-5-1948, tại Thác Dẫng, Sơn Dương, mấy cụ nhà Nho gặp nhau nâng chén gọi là mừng sinh nhật cụ Hồ. Cụ Hồ Tùng Mậu cũng ứng tác mấy vần như để “giục giã” cụ Hồ trong chuyện này:
Năm mươi tám tuổi, vẫn chưa già,
Răng rụng rồi răng lại mọc ra.
Dân đã có cha, chưa có mẹ,
Khi mô “cậu cụ” cưới “cô bà”!(5)
Ta thấy chuyện nhắc nhở cụ Hồ lấy vợ đâu có phải là đề tài cấm kỵ?
Còn trong quan hệ với con người, Bác Hồ không chỉ thấy rừng mà thấy cả từng cây, thấy nhân dân mà cũng thấy từng con người cụ thể quanh mình, tinh nhạy và thấu cảm được những nỗi niềm sâu kín của họ.
Đầu năm 1947, Bác Hồ đi kinh lý Thanh Hóa. Một buổi, trên đường đi, Người ghé vào thăm một gia đình nông dân, hỏi một cháu gái chừng 7, 8 tuổi:
- Bố mẹ cháu có nhà không?
Cháu bé (ở thôn quê, chưa biết Bác là ai) trả lời:
- Bố mẹ “tao” đi cấy.
Những người cùng đi nghe cháu bé trả lời vậy bức xúc lắm, định xông về phía em để nhắc nhở. Bác Hồ giơ tay ngăn lại, nhẹ nhàng hỏi tiếp:
- Thế chừng nào bố mẹ cháu mới về?
Đứa bé vẫn hồn nhiên:
- Phải đến chiều bố mẹ “tao” mới về.
Một lần nữa, mọi người lại càng thêm bực bội về cách xưng hô của cháu bé; riêng Bác Hồ thì vẫn ôn tồn, Người chuyển sang hỏi một câu khác:
- Thế tên cháu là gì?
- Dạ, tên cháu là Tao(6) ạ!
Bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ, thở phào, rồi càng thêm cảm phục lòng nhân ái, sự điềm đạm và tinh tế của Bác đối với một cháu nhỏ, bởi nếu thiếu đi tình thương yêu và sự khoan hòa thì đã không đủ bình tĩnh hỏi han tiếp, giúp cho mọi người hiểu ra cái nghĩa của một từ địa phương, nếu không cháu bé tên Tao kia sẽ khó tránh khỏi bị mắng mỏ hay một trận đòn oan uổng(7).
Hồi đầu kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, cán bộ giúp việc cho vị Chủ tịch đều ở xa gia đình, xa vợ con. Hiểu được nỗi lòng của mỗi người, Bác Hồ thường kín đáo tạo điều kiện để anh em được kết hợp công tác và thăm gia đình, vì thông cảm trong hoàn cảnh kháng chiến khẩn trương, ai cũng ngại xin nghỉ phép để về thăm vợ con.
Một lần, Bác Hồ cử anh Chánh - bác sĩ chăm lo sức khỏe cho Người - đi công tác địa phương, vì biết ở gần nơi đó, vợ con bác sĩ đang tản cư. Xong việc, bác sĩ tranh thủ về ngay để báo cáo kết quả với Người. Gặp lại bác sĩ, câu đầu tiên Bác hỏi, không phải về công việc mà về con người: “Thế nào, cô ấy và các cháu có khỏe không?”. Bác sĩ Chánh ngớ ra, hơi lúng túng, rồi thú thực với Người: giải quyết xong công việc, vội về ngay cơ quan, nên không kịp ghé thăm vợ con. Nghe xong, Bác không vui và trách nhẹ một câu: “Chú thật là một người ‘vô tình’!”.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa kể: “Một lần tôi được đi công tác cùng với Bác xuống địa phương. Đến bữa ăn, nơi đón tiếp dọn ra một mâm cơm toàn thịt chó, đủ các món. Tôi cứ ngây người ra ngồi nhìn. Bỗng thấy Bác bảo: “Đưa thêm một đĩa thịt gà ra đây. Chú Nghĩa không ăn được thịt chó đâu!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên về sự tinh tế của Bác. Hồi đó, tôi về nước chưa lâu, chính tôi cũng không được biết Bác thích và không thích món ăn gì, mà sao Bác lại biết và quan tâm đến mình như thế!”.
Nữ anh hùng Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế kể: cuối tháng 11-1966, lần đầu tiên chị vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong trò chuyện, Bác biết chị Huế đã lập gia đình, nhưng chưa có con. Nghe chị nói: đánh Mỹ xong, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rồi, chị sẽ sinh con. Bác cho là không phải: “Đánh Mỹ là chuyện lâu dài, đâu phải cứ quyết tâm là thắng được, nên cháu phải vừa có con vừa đánh Mỹ”. Rồi Người quay sang nói với đồng chí phụ trách đơn vị ngồi bên cạnh: “Xong đợt công tác này thì nên giải quyết cho cháu Huế được chuyển về gần chồng, để cả hai cùng hoạt động, sinh con và tiếp tục đánh Mỹ”.
Thiếu tướng Dương Bá Nuôi, năm 1963, từ mặt trận Trị-Thiên-Huế được cử ra báo cáo tình hình chiến trường với Bác Hồ và Trung ương Đảng. Lần đầu tiên được gặp Bác, anh tỏ ra rất hồi hộp và xúc động. Cảm thông với tâm trạng đó, Bác cười đôn hậu, bảo: “Bác cháu ta hãy nói chuyện với nhau một lát đã”. Rồi Người hỏi: “Thế quê cháu ở đâu, sức khỏe ra sao, gia đình thế nào?”. Nghe Bác hỏi về gia đình, đồng chí Nuôi hơi ngần ngại, vì anh xuất thân trong một gia đình phong kiến, quan lại. Cuối cùng, anh cũng đành ấp úng thưa với Bác: “Dạ, cháu là... con quan ạ!”. Bác Hồ cười, giải tỏa ngay cho anh: “Con quan thì tốt chứ sao? Bác cũng là con quan đấy. Thế đã được gọi là “cậu ấm” chưa?”(8).
Nghe Bác nói, anh Dương Bá Nuôi thấy nhẹ hẳn người. Chỉ qua một câu hỏi thân tình, Bác đã đánh tan mặc cảm về thành phần xuất thân lâu nay từng đè nặng lên tâm trí anh. Anh thấy Bác gần với mình hơn, như một người thầy, một người cha động viên anh suốt đời gắn bó với cách mạng. Nhà thơ Việt Phương kể: vào những dịp giáp Tết, Bác Hồ vẫn thường đi chúc tết đồng chí, đồng bào, nhưng chủ yếu là đến thăm những người nghèo không có Tết. Đầu năm 1955, Tết đầu tiên của Hà Nội sau giải phóng, Bác đến thăm gia đình một chị phu đổi thùng, góa chồng. Lúc Người đến đã quá 11 giờ khuya mà chị vẫn chưa về, chỉ có 2 đứa con nhỏ ở nhà, nhưng không có quần áo mới đón Tết. Trên bàn thờ chỉ có 3 nén hương chưa thắp, một nải chuối xanh, nhưng không có bánh chưng, khoanh giò hay mâm ngũ quả như các nhà khác. Bác Hồ đặt quà tết lên bàn thờ rồi ngồi đợi chủ nhà. Gần 12 giờ chị chủ nhà mới về, nhận ra Bác, xúc động quá, để mặc hai chiếc thùng tuột khỏi vai, chị ngồi thụp xuống đất, ôm mặt khóc. Bác lại gần an ủi: “Thôi cháu đừng khóc nữa, sắp giao thừa rồi, Bác đến chúc tết mẹ con cháu đây”. Chị nức nở: “Cháu chỉ là phu đổi thùng, đâu ngờ lại được Bác đến thăm” - “Từ nay, cháu không phải là phu đổi thùng nữa, mà là công nhân vệ sinh - một công việc có ích, đáng trân trọng. Thử nghĩ, nếu không có sự đóng góp của những người lao động cực nhọc như cháu thì thành phố của chúng ta sẽ lâm vào tình cảnh như thế nào? Vào dịp Tết, Bác không đi thăm những gia đình như cháu thì đi thăm ai?”(9).
Tuy nhiên, kế thừa truyền thống “kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ” của dân tộc, ta vẫn thấy ba lớp người nói trên thường được Bác Hồ quan tâm nhiều hơn. Đến thăm địa phương, hội nghị hay lớp học, bao giờ Người cũng đi xuống chào hỏi, bắt tay và trân trọng mời các vị cao tuổi ngồi lên hàng ghế trên. Viết thư cho các bậc cao niên, như cụ Phùng Lục (Ứng Hòa, Hà Đông) 90 tuổi, cụ Nguyễn Văn Ấm (Kiến An, Hải Phòng) 94 tuổi, vị Chủ tịch nước vẫn xưng “cháu” với người dân(10).
Trong kháng chiến, có đồng bào biếu Bác một cây gậy rất đẹp và quý, ghép lại bằng xương rắn, mỗi đốt đều mang hình chữ “nhân” (人). Trong một buổi họp liên tịch giữa Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, Người đem cây gậy chữ “nhân” đó tặng lại cho cụ Bùi Bằng Đoàn, khi ấy là Trưởng ban Thường trực Quốc hội và nói một câu vừa giản dị, vừa ý nghĩa: “Khi đỡ tay, có cây gậy này, cụ sẽ luôn nghĩ đến nhân dân”. Cụ Bùi cảm động lắm, đứng dậy hứa: “Dù tuổi già, bệnh tật, sức yếu, có cây gậy này trong tay, tôi nguyện sẽ vượt qua mọi bước đường kháng chiến gian khổ, một lòng một dạ đi với nhân dân đến thắng lợi cuối cùng”.
Bác Hồ rất thông cảm với cuộc sống vất vả, cực nhọc của người phụ nữ, nhất là ở nông thôn, nên rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, đặc biệt Người thường lên án gay gắt tệ nạn chồng hay đánh chửi vợ ở thôn quê. Tháng 5-1969, một đoàn đại biểu Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình lên báo cáo với Người về tình hình địa phương. Lúc này sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều, đi lại phải chống gậy. Khi tiếp đoàn đại biểu Thái Bình, biết địa phương này vốn có tệ nạn chồng hay đánh chửi vợ, nên câu đầu tiên Người hỏi là: “Vậy vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ được thực hiện đến đâu rồi?”. Trưởng đoàn là một phụ nữ, Phó chủ tịch tỉnh, thành thật thưa với Bác: vấn đề này có được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt. Nghe xong, với giọng không vui, Bác đưa chiếc gậy song mây Người đang dùng hàng ngày, từ năm 1966, tặng cho đoàn và nói: “Bác cho cô chiếc gậy này để trị những đứa nào còn đánh vợ!”. Đây không phải một câu nói đùa vui mà gửi gắm trong đó sự cảm thông và cả nỗi bất bình của Người trước một tệ nạn còn kéo dài ở nông thôn, người phụ nữ có công lớn trong sản xuất và chiến đấu, nhưng chưa có quyền bình đẳng, vẫn còn bị đối xử tệ bạc.
Bác Hồ đặc biệt yêu trẻ em, nên thường bảo các đồng chí phục vụ gần Bác thỉnh thoảng nên đưa con nhỏ đến chơi với Bác. Dưới nhà sàn, trong thiết kế ban đầu, vốn không có các bệ xi măng mặt lát gỗ như hiện nay. Người bảo: “Các cháu đến nhà Bác chơi, phải có chỗ ngồi để Bác cháu quây quần bên nhau”. Không chỉ yêu thương, Bác còn tôn trọng các cháu, như một chủ nhà hiếu khách. Các cháu nhỏ thường hiếu động, tò mò, đôi khi cũng lục lọi chỗ này, chỗ khác, có lần bị đồng chí thư ký khiển trách. Các cháu về rồi, Người nhắc nhở ngay: “Lần sau, chú đừng làm như thế. Chú là người giúp việc cho Bác, còn các cháu là khách của Bác!”. Rồi Bác hỏi: “Ở nhà, có khi nào chú đánh con không?”. Đồng chí thư ký thừa nhận là có lúc bực mình, không tự chủ được, cũng có đánh. Bác bảo: “Như thế là dã man!”.
Đến thăm các gia đình hoặc tới bất cứ cuộc vui nào, Bác cũng xà vào với các cháu thiếu nhi, chia kẹo đến từng tay mỗi cháu, rồi cùng vỗ tay, hát đồng ca, nhảy múa hồn nhiên với các cháu. Người lãnh tụ của dân tộc, hằng ngày bạc tóc với những lo toan lớn lao của đất nước, thế mà khi gặp gỡ các cháu lại chẳng khác gì một ông tiên vui tính giữa đàn cháu ngây thơ!
Nói về tấm lòng nhân hậu của Bác, không thể không nhắc tới hiện tượng hiếm có này: trong tập thơ Nhật ký trong tù có hai bài của tác giả - vốn đang là một tù nhân - lại làm thơ khen ngợi viên cai ngục:
Rét đến cho than, không mấy kẻ,
Đời nay người thế vẫn còn mà!
(Tiên sinh họ Quách)
hoặc:
Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ,
Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân.
(Trưởng ban họ Mạc)
Đó là điều chưa từng có trong thơ ca viết trong tù (bởi xưa nay, tù nhân và cai ngục vốn là hai đối thủ không khoan nhượng của nhau). Riêng với Bác Hồ, do tấm lòng nhân hậu và cái nhìn lạc quan về con người, Bác của chúng ta vẫn thấy được ở những viên cai ngục - như ông Quách, ông Mạc - hãy còn “nhất điểm linh đài”, vẫn thấy được cái phần thiện trong con người họ chưa mất hẳn, do đó chỉ sau đôi lần trò chuyện, Người đã cảm hóa được họ, nói những lời động viên để họ ngày càng đối xử tốt hơn với tù nhân. Đó chính là thể hiện sức cảm hóa lớn của một tấm lòng nhân ái vô biên.
Cụ Hồ là một con người, cũng có đủ cả “bảy tình”: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục(11) như mọi người, đâu phải “siêu nhân” gì! Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Chỉ có không ngừng hướng tới sự hoàn hảo mới có thể dần dần trở thành người dẫn đường hoàn hảo mà thôi. Chính “chất người giàu có”, chất nhân văn sâu đậm và lòng tin yêu con người vô hạn ấy, đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu của Bác Hồ.
Hiện nay, cái tình người, cái chất người trong quan hệ ứng xử của một bộ phận nhân dân và cán bộ ta, đang phai nhạt dần đi, lòng tử tế đang trở nên thiếu vắng, thói ích kỷ, sự vô cảm có phần tăng lên, cái xấu, cái ác đang hoành hành. Văn hóa, đạo đức, lòng nhân ái trong xã hội đang xuống cấp một cách đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân là tại đâu?
Có một câu hỏi đặt ra: tại sao cũng đất nước này, cũng những con người ấy, trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến gian khổ, chúng ta vẫn sống cao đẹp và anh hùng, một thời đã được nhân loại tiến bộ ca ngợi “Việt Nam là lương tâm của thời đại”, còn nay trong hòa bình, xây dựng, lại đang để cho những bầy chuột tham nhũng tung hoành, vơ vét của dân “không từ một thứ gì”! Phải chăng chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh được một hệ thống chính trị minh bạch và liêm khiết, một nền giáo dục trung thực, tôn vinh các giá trị đạo đức - nhân văn của dân tộc và nhân loại; chưa hình thành được một thế hệ công dân và quan chức biết tự trọng, biết xấu hổ, có ý thức chăm lo giữ gìn danh dự và phẩm giá như giữ gìn con ngươi của mắt mình?
Tổ quốc ta đang đối diện với những nguy cơ, thách thức lớn. Những ai còn một chút tâm với tương lai dân tộc đều có chung nỗi lo lắng này: nếu tình người, tình đồng chí, tình đồng bào, tình yêu đất nước cứ bị phai nhạt dần đi, nếu Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không gắn kết được với nhau thành một khối vững chắc, nếu các bậc “chăn dân” nay chỉ còn biết nghĩ đến lợi ích của bộ phận, của phe nhóm... thì rồi ai sẽ đem xương máu ra bảo vệ cơ đồ tổ tiên để lại? Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết và cấp bách là phải trở về với bài học vỡ lòng mà
Người đã sớm căn dặn chúng ta từ ngày đầu lập nền cộng hòa dân chủ: “Nước lấy dân làm gốc”(12), nên phải “sao cho được lòng dân?”(13), bởi “dân vô tín” thì “bất lập”.
_____
(1) Térence (190-159): nhà thơ, nhà viết hài kịch La Mã cổ đại. Nguyên văn chữ La tinh: “Nihil humani a me alienum puto”.
(2) Trích Hồi ký của Trần Cung, tức Nguyễn Ngọc Cư, nguyên Xứ ủy viên Bắc Kỳ, phụ trách Khu Tả ngạn. Bản thảo đánh máy, tr.2-3, chưa xuất bản. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
(3) Linh mục Cao Văn Luận: Bên giòng lịch sử 1940-1965, Hồi ký, chương 10 (dẫn lại theo bản đăng trên mạng vantuyen.net).
(4) Bức điện văn hiện lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Xem thêm: Xưa & Nay, số 207, tháng 3-2004.
(5) Năm ấy, cụ Hồ bị rụng thêm một chiếc răng, phải làm răng giả. Bài thơ do cụ Nguyễn Lương Bằng đọc cho cụ Hà Huy Giáp. Tác giả ghi lại theo lời kể của cụ Giáp.
(6) “Tao” tiếng miền Trung không phải đại từ nhân xưng “mày, tao” như ngoài Bắc, “tao” là tên gọi đầu mối bện dây đay hay dây mây, thường gắn với: tao quang, tao võng, tao nôi... Còn trong xưng hô thì họ dùng “tau, mi, qua, choa”, chứ không nói “mày, tao”.
(7) Theo cụ Nguyễn Nhã, khi đó là Chánh án Tòa án tỉnh Thanh Hóa, tháp tùng đoàn, chứng kiến và kể lại.
(8) “Con quan thì tốt chứ sao”, trong Bác Hồ với chiến sĩ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.128-129.
(9) Xem bài của Việt Phương, đăng trên Tia sáng, số ra ngày 2-6-2010.
(10) Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần 2, 1995, t.5, tr.427.
(11) Nghĩa là: mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn.
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần 2, 1995, t.5, tr.409.
(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần 2, t.4, tr.47-48.