Ngày 6-4-2017, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk của quân đội Mỹ đã bắn vào một căn cứ không quân của Syria tại sân bay Shayrat, nơi Mỹ cho là điểm xuất phát của vụ tấn công hóa học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không nhất trí về việc xác minh vụ tấn công hóa học tại Syria, ông Trump đã xác nhận việc Mỹ tấn công Syria, kêu gọi “tất cả các dân tộc văn minh” cùng đoàn kết để kết thúc sự giết chóc tại quốc gia này. Ông nói: “Đêm nay tôi đã ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào một sân bay ở Syria, nơi vụ tấn công hóa học được phát động. Lợi ích an ninh quốc gia của đất nước này chính là mục đích mà Mỹ muốn ngăn chặn việc sử dụng và lan truyền loại vũ khí hóa học chết người đó. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia văn minh hãy cùng tham gia với chúng tôi nhằm chấm dứt sự tàn sát đẫm máu ở Syria, cũng như kết thúc tất cả các loại hình chủ nghĩa khủng bố”. Cũng như vào năm 2003 Mỹ đã tấn công xâm lược Iraq với cái cớ là có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt; đất nước Iraq đã tan hoang, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị treo cổ và người ta cho rằng đó là cái mầm nở ra IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) sau này. Nhưng thông tin Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt sau đó đã được chứng minh là vô căn cứ. Đó là một tin tình báo sai lệch. Nó đã đem tai họa đến cho đất nước và nhân dân Iraq, đồng thời chủ nghĩa cực đoan của IS đã nổi lên. Thông tin này có từ đâu, thông tin về vũ khí hóa học của Syria có từ đâu? Ngày 4-4 vừa qua những nhóm đối lập tại Syria đã cáo buộc các máy bay chiến đấu của chính phủ nước này đã thải khí độc vào Khan Sheikhoun, một thị trấn hiện do phe đối lập nổi dậy kiểm soát, thuộc một vùng nông thôn Tây Bắc Syria. Hơn 70 người được cho là đã thiệt mạng trong vụ tấn công này. Cùng ngày, Mỹ và các nước phương Tây đã lên tiếng tố cáo chính phủ của Tổng thống Bashar al- Assad đứng sau vụ tấn công này. Một vụ tấn công nghiêm trọng như vậy được phát động mà không có bất kỳ một sự điều tra kỹ lưỡng nào hết. Về phía Syria họ thừa nhận mình đã tiến công vào Khan Sheikhoun nhưng bác bỏ việc phun khí độc xuống thị trấn này. Ngày 6-4, ngoại trưởng Syria tuyên bố các cuộc không kích là nhằm vào một kho vũ khí thuộc sở hữu của mặt trận Al-Nusra có quan hệ với Al-Qaeda. Ông cho biết vào thời điểm hiện nay, cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những âm mưu nhằm vào Syria thì việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là điều phi lý. Ông khẳng định các lực lượng quân đội Syria đã và sẽ không sử dụng vũ khí hóa học và họ hiện đã không còn tàng trữ các loại vũ khí này. Chính là các lực lượng đối lập đã lưu trữ các nguyên liệu hóa học này mà chúng mang từ Iraq sang Syria. Giới phân tích thế giới cho rằng thời điểm này quân đội Syria đang ở trong tình trạng rất tốt thì không có lý do gì để họ dùng những phương sách cuối cùng là vũ khí hóa học. Có vẻ như là chiến dịch chống chính phủ Syria này dường như đã được Mỹ và phương Tây hoạch định từ trước. Tình hình hiện nay gợi nhớ đến những gì đã diễn ra vào năm 2013, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là B. Obama đã đe dọa áp dụng những biện pháp quân sự chống Damascus vì đã sử dụng nguyên liệu hóa học trong cuộc chiến ở Syria. Nhưng sau đó Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận vào phút chót, theo đó tiêu hủy hết kho vũ khí của chính phủ Syria dưới sự giám sát của tổ chức cấm vũ khí hóa học. Vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy hết. Tiêu hủy kho vũ khí của Syria chính là sự trao đổi để Mỹ không tiến hành chiến dịch quân sự vào năm 2013. Còn bây giờ, đâu là mục tiêu đằng sau sự leo thang này?
Rõ ràng, ông Trump đã thay đổi ý kiến hoàn toàn so với ý kiến trước đó được ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ không đặt việc lật đổ Tổng thống Syria Assad là mục tiêu hàng đầu của họ. Nay thì trái hẳn lại, mục tiêu là lật đổ chế độ al-Assad ở Syria.
Cùng lúc Mỹ gây áp lực lên Nga, nước đồng minh chủ chốt của Syria. Nga đang bị phương Tây bao vây cấm vận vì vấn đề Ukraina, Crimea…, nay đứng trước khả năng có thể bị cấm vận thêm vì vấn đề Syria.
Nhưng các mục tiêu này không phải dễ dàng đạt được. Nga hiện đang điều các hạm tàu quân sự đến gần Syria và chính phủ Syria cho biết họ sẽ không thay đổi chính sách. Có chuyên gia cho rằng Mỹ làm vậy chẳng khác gì phát động một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba và đó sẽ là hành động gần như tự sát. Một loạt nước cũng không đồng tình với trò chơi nguy hiểm này của Mỹ và kêu gọi đàm phán. Bất chấp tình hình căng thẳng giữa Nga và Mỹ, ngoại trưởng Mỹ đã đến Nga vào ngày 11 và 12-4 này. Trước đó ngoại trưởng Nga cũng đã điện đàm với ngoại trưởng Mỹ. Trong cuộc gặp ở Moskva, hai ngoại trưởng đã thống nhất với nhau không làm cho tình hình Syria căng thẳng thêm.
Tình hình bán đảo Triều Tiên còn căng thẳng hơn nhiều. Sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Mỹ đã điều hạm tàu sân bay USS Carl Vinson và các chiến hạm khác từ Australia đến Triều Tiên. Triều Tiên liên tục tuyên bố họ sẽ giáng trả Mỹ, nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, ngày 15-4, kỷ niệm 105 năm ngày sinh nguyên soái Kim Nhật Thành, sau một cuộc diễu binh rầm rộ ở Bình Nhưỡng, có các vũ khí tên lửa tầm xa mới, Triều Tiên lại phóng tên lửa mới. Nhưng lần phóng này thất bại. Có nguồn tin cho rằng do Mỹ dùng vi tính phá. Mỹ vẫn đang tiếp tục điều thêm tàu chiến đến Triều Tiên. Nhưng Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố là Mỹ sẽ không lựa chọn giải pháp quân sự với Triều Tiên lúc này. Mặc dù vậy, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc thăm Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tuyên bố Mỹ sẽ không áp dụng chính sách kiên nhẫn chiến lược như trước đây nữa, mà sẽ có hành động quân sự…
Trung Quốc là một bên can dự vào vấn đề Triều Tiên. Từ trước đến nay, ai cũng nghĩ Trung Quốc chơi con bài Triều Tiên để gây áp lực với Mỹ, với các nước khác như Hàn, Nhật… Trung Quốc có lợi ích chiến lược ở đây: là một bên tham gia chiến tranh, “kháng Mỹ viện Triều” (1950- 1953). Trung Quốc là nước viện trợ kinh tế lớn nhất, có quan hệ gần gũi nhất với Triều Tiên, có thiệt hại khi nổ ra chiến tranh, ở sát nách mình (Trung Quốc lo nhất là luồng người Triều Tiên di tản). Nhưng trong cuộc gặp gỡ Tổng thống D. Trump, ông Tập Cận Bình chỉ trong 10 phút đã làm cho Trump hiểu rằng không phải Trung Quốc có thể bảo gì Triều Tiên cũng nghe. Ta phải hiểu rằng Triều Tiên có chủ trương, đối sách độc lập của họ. Trung Quốc phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa THAAD ở Hàn Quốc sát biên giới của họ. Nhưng trong cuộc gặp của ông Tập với ông Trump ở Florida, sau sự giải thích của Mỹ, Mỹ vẫn tiếp tục triển khai tên lửa này. Còn Mỹ thì tuyên bố rằng họ sẽ hành động để chặn đứng việc Triều Tiên thử tên lửa mà không cần tới Trung Quốc.
Vấn đề là, trong những ngày này, dân cư nơi giáp ranh Trung - Triều vẫn tĩnh lặng, qua lại buôn bán bình thường (nơi con sông Áp Lục nổi tiếng ở biên giới, có nơi chỉ cách nhau 20 mét sông). Hàn Quốc vẫn tĩnh lặng lo chuyện bầu cử tổng thống, sau khi bà Park Geun Hye(*) bị phế truất, bị bắt giam và bị xử án (một vụ án vô tiền khoáng hậu). Dân chúng ở đây đã quen với những tình thế đe dọa nhau thế này. Còn ở Bình Nhưỡng tuy có tin nói sẽ có sơ tán, nhưng rốt cuộc vẫn yên. Tóm lại là, dân chúng các nơi đều hiểu rằng sẽ không có chiến tranh.
Vì sao? Điều đơn giản là nếu chiến tranh nổ ra, mặc dù Triều Tiên có binh lực hùng hậu, có vũ khí mạnh đến đâu, Mỹ - Hàn sẽ thắng. Nhưng cái giá phải trả thì Mỹ không chịu nổi: Seoul cách biên giới Triều Tiên chỉ có 50 km sẽ bị hủy diệt, nếu không vì tên lửa hạt nhân thì cũng vì đại pháo đã bố trí chĩa vào. Cả Nhật cũng sẽ bị đe dọa và cả Mỹ - Trung nữa, vì Triều Tiên tuyên bố có tên lửa bắn đến đó…
Rút lại, phương án tấn công Triều Tiên là bất khả thi. Trừ phi Triều Tiên tấn công trước, nhưng chắc Triều Tiên “hăng” thế, chứ chuyện chiến tranh hủy diệt cả một đất nước, một dân tộc không phải chuyện đùa.
Trung Quốc chủ trương ngồi vào bàn đàm phán 6 bên trở lại. Chắc chắn là nhiều nước ủng hộ điều này, cho dù khó khăn tới đâu. Không có sự lựa chọn nào khác. Không thể để nổ ra một cuộc chiến hạt nhân và đó cũng chẳng khác gì một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Về tình hình biển Đông, trước tin Tổng thống Philippines Duterte ra lệnh quân đội chiếm đóng các thực thể mà Philippines có yêu sách chủ quyền mà chưa bị bên nào chiếm đóng cũng như sẽ thăm đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa trong thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam rất quan tâm và đang theo dõi xác minh các thông tin nói trên. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi, các bên phải kiềm chế không làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tuyên bố về cách ứng xử của các bên về biển Đông (DOC) năm 2002. Nay thì ông Duterte tuyên bố không đi thăm đảo Thị Tứ nữa rồi, chắc cũng không điều binh ra chiếm đảo nữa vì ông nói ông quý trọng tình hữu nghị với Trung Quốc (?!). Nhưng tháng sau Philippines sẽ cùng với Mỹ tập trận, chắc là cuộc tập trận thường niên theo quy ước.
Trong cuộc hội đàm ở Florida ngoài các vấn đề kinh tế thương mại, vấn đề Triều Tiên, có vấn đề biển Đông, người ta chưa biết rõ là hai bên Mỹ - Trung đã thỏa thuận những gì, chỉ biết là họ đều tỏ ra hài lòng. Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc xem biển Đông là lợi ích cốt lõi, là lập trường không thay đổi của họ. Mỹ có lợi ích bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng dầu tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc về nhiều mặt, cái thế bị phụ thuộc vào Trung Quốc của ông Trump là khá rõ. Rút các xí nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc về trong nước để dân Mỹ có việc làm thêm ư? Thì giá cả sẽ tăng vọt gấp đôi, người dân Mỹ phải chịu thiệt. Vả lại, Mỹ là con nợ của Trung Quốc. Tuy nói rằng mỗi năm Mỹ bị thiệt 500 tỉ đôla vì Trung Quốc và các nước khác, nhưng mất thị trường Trung Quốc thì Mỹ sẽ ra sao? Mỹ nhập của Trung Quốc mỗi năm 20% hàng hóa giá rẻ. Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bắc Kinh nhiều khi phải báo động đỏ về môi trường là vì Trung Quốc trở thành một “công xưởng của thế giới”, của Mỹ để sản xuất hàng giá rẻ cho họ, đó là cái giá phải trả cho cả đôi bên. Những ràng buộc như vậy làm cho cả hai bên đều phải nhân nhượng nhau. Trong vấn đề biển Đông, theo chuyên gia B. Poling, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 11-4: “Phải chăng chúng ta [Mỹ] đã mất biển Đông?”. Vì Mỹ chưa có chiến lược rõ ràng về biển Đông, để lại những dấu hỏi lớn về sự cam kết của Mỹ trong khu vực. Mặc dù 9 tháng qua, Trung Quốc không leo thang mạnh mẽ, nhưng chưa bao giờ cán cân ở biển Đông nghiêng hẳn về Bắc Kinh như lúc này với chiến lược bậc thầy của Trung Nam Hải… theo lời B. Poling. Cũng theo ông B. Poling, một vấn đề quan trọng nữa là đa số dân Mỹ không nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông đối với quyền lợi trên biển của Mỹ.
Ngày 17-4, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm Bắc Kinh, gặp Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh và hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Hai bên vẫn cam kết giữ gìn những điều đã thỏa thuận về biển Đông, nghĩa là duy trì hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình (trong khi đó có báo mạng Trung Quốc cho rằng chính sách đối ngoại “đa phương hóa” của Việt Nam làm phức tạp tình hình biển Đông. Lẽ nào Việt Nam không được nhận sự ủng hộ quốc tế về biển Đông, để mặc cho Trung Quốc thực hành việc triển khai đường chín đoạn, độc chiếm biển Đông sao?). Tiếp theo chuyến đi Bắc Kinh, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đi tiếp sang Mỹ. Ở đây, ông sẽ xem xét quan hệ giữa ta và Mỹ mà chắc chắn trong đó có vấn đề biển Đông và vấn đề hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11.
Theo một đánh giá của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), Việt Nam năm nay sẽ tăng 6,5% GDP. Lý do là đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam đang tăng. Dù có nhiều khó khăn, chúng ta hy vọng trước triển vọng phát triển. Vấn đề nợ, nợ xấu đang là vấn đề gay cấn, chắc chắn sẽ được quan tâm trong Hội nghị Trung ương tháng 5 sắp tới chăng? Theo một số liệu, nợ của các doanh nghiệp nhà nước lên tới 237 tỉ USD. Số nợ công của chúng ta theo tính toán đã xấp xỉ hoặc vượt trần 65% GDP cho phép. Trong cuộc họp Quốc hội tháng 5 tới đây, chính phủ cũng phải trình Quốc hội về vấn đề nợ công này.
Ủy ban Phòng chống tham nhũng Trung ương do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu vừa qua cũng quyết định chỉ đạo xử lý hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, nhiều vụ có liên quan đến các ngân hàng. Vấn đề tham nhũng, trong đó có vấn đề tham nhũng về đất đai, luôn luôn là vấn đề gay gắt. Ở ta, người ta làm giàu từ đất, từ bất động sản nói chung. Vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội có liên quan đến vấn đề tranh chấp đất và vấn đề phức tạp đang được lãnh đạo Hà Nội rốt ráo xử lý. Đã kết luận 25/48 nội dung nhân dân tố cáo là có cơ sở và đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ ở huyện xã, nhưng việc dân bắt giữ trái phép 38 cán bộ, công an là vấn đề pháp luật nghiêm trọng. Vấn đề là làm sao phải quan tâm nhiều hơn đến dân chủ - đối thoại, hỏi ý kiến dân ở cơ sở. Ở cơ sở, nhất là ở nông thôn là nơi dễ xảy ra vi phạm pháp luật và tham nhũng nhất. Và như chúng tôi đã nói trong một số Hồn Việt góp ý về Hiến pháp, khái niệm sở hữu toàn dân - một khái niệm vay mượn, không xác định nội hàm, dễ bị lạm dụng do quy định “nhà nước quản lý”. Chiều hôm qua, sau một ngày làm việc mệt nhoài vì nắng nóng, chúng tôi ra quán cà phê chơi cờ tướng với một anh cán bộ Ban thanh tra Trung ương quen biết. Anh cho biết vừa đi công tác Kiên Giang, An Giang về. Ở đó, có những vụ lấy đất của dân bằng đủ mưu mẹo, thủ đoạn. Dân khiếu kiện ra tòa cũng chẳng ăn thua gì. Vì mọi việc người ta đã dàn xếp xong xuôi. Nghe những chuyện như thế, mình cảm thấy đau lòng và bất lực. Dầu được giáo dục từ thuở lọt lòng về lòng thương yêu nhân dân, nhất là nhân dân lao động, như Xuân Diệu viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”, thì những nhà văn nghệ, những trí thức có thể làm được gì, khi mà như một câu thơ của Sandoz Petofi đã viết: “Đất ơi! Người ăn gì mà quá khát. Sao uống nhiều nước mắt máu tươi”; khi mà như lời nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, một lần buồn rầu nói với tôi trước khi mất: “Tao với mày đều là phó thường dân thì làm gì được”. Bất lực, một sự bất lực kéo dài từ lịch sử xa xưa của những trí thức lớn cỡ Trần Nguyên Đán, Đại tư đồ và ông ngoại Nguyễn Trãi: “Đọc hết cả ba vạn quyển sách mà chẳng làm được gì, bạc đầu rồi luống phụ tấm lòng yêu nhân dân” (Tam vạn quyển thư vô dụng xứ. Bạch đầu không phụ ái dân tâm 三萬卷書無用處.白頭空負愛民心).
Ngày 20-4-2017
_____
(*) Nói đến thân phận bà Park, chúng tôi không khỏi một chút chạnh lòng! Một người từ vị trí Tổng thống một nước công nghiệp thứ 11 trên thế giới, rơi vào vị trí tội phạm, bị xét xử và chắc sẽ bị tù; oái oăm vậy thay. Mình không phải dân Hàn Quốc để hiểu hết vấn đề. Nhưng báo chí thế giới bình luận rằng đây là sự thực thi dân chủ của Hàn Quốc, nước dám bắt và xét xử một tổng thống. Cha của bà, tướng Park Chung Hee khi xưa là một tay quân phiệt. Đội quân của ông ta tham gia chiến tranh Việt Nam đã phạm nhiều tội ác. Nhưng tay quân phiệt cực đoan đó lại là người kiến tạo nền công nghiệp hiện đại và nền dân chủ Hàn Quốc mà con gái ông nay là “nạn nhân”, còn ông thì bị ám sát.