HV114 - Nguyên nhân nào khiến đạo đức học sinh xuống cấp?

LTS: Bài sau đây là quan điểm của tác giả; tòa soạn không có điều kiện để kiểm chứng những chi tiết được nêu ra. Nhưng đây là một tiếng nói cần lắng nghe. Chúng tôi đăng lên và mong có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề quan trọng này.

Là công dân - cựu chiến binh - cựu giáo chức, tôi luôn theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt kỳ họp thứ hai khóa 14 này có chất vấn một số “tư lệnh” ngành, nhất là trả lời về nguyên nhân xuống cấp đạo đức của học sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) còn bị coi nhẹ, nhất là không có giáo viên chuyên trách dạy môn này. Theo tôi, việc giảng dạy GDCD không đến nỗi khó, chỉ có người dạy hay và không hay mà thôi, và đây không phải là nguyên nhân cơ bản giúp giáo dục đạo đức thành công trong trường học. Hơn nữa, từ xưa không hề có giáo viên được đào tạo chỉ để dạy GDCD, mà các thời trước gọi là luân lý, nhưng chưa có bao giờ đạo đức trong học sinh xuống cấp nghiêm trọng như ngày nay.

Hàng nghìn năm qua, cha ông ta đã đúc rút và đi đến tổng kết bằng những câu thành ngữ xác đáng, rất cụ thể, rất đúng ở mọi chế độ, mọi thời đại, đó là “nhà dột từ nóc”, “cha nào con nấy”… Trong một gia đình nếu người cha nghiện rượu thì không thể cấm được người con uống rượu, anh không văng tục chửi thề thì em không dám nói bậy… Nói rộng ra, nếu cả xóm, cả làng ai cũng tốt, cũng chăm chỉ lao động và chăm chút môi trường sống thì đất nước mới yên bình vững mạnh.

Hãy đi vào một số vấn đề xã hội hiện nay sẽ thấy:

Không có công bằng xã hội, mà còn đặc biệt bất bình đẳng về pháp luật (thống kê thì nhiều lắm). Tình trạng “con vua thì lại làm vua” khiến các tài năng không được trọng dụng, thậm chí bị gạt bỏ, hoặc nếu “bất đắc dĩ” có dùng người tài thì cũng chỉ cho “ngồi chơi xơi nước”, “điếu đóm” khiến tài năng chán nản rồi bỏ cơ quan! Người có quyền chức thì lạm dụng quyền lực bắt nạt dân lành, quan chức tham nhũng vơ vét đủ mọi thứ mà người dân đã đổ mồ hôi để đóng thuế khi mua từ cái bỉm của trẻ đến viên thuốc cho người ốm…, họ ăn chặn cả hàng cứu trợ tiền xương máu của thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam… Ấy thế mà kẻ tham nhũng và làm mất hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước lại chỉ bị khiến trách, cảnh cáo! Đau buồn hơn nữa là có kẻ đáng phải bị xử trảm lại được thăng quan tiến chức. Ngay ở xã tôi, Bí thư Đảng ủy “ăn” đất đai, dùng bằng cấp giả để tiến thân, bị mất chức nhưng được hưởng lương hưu và một năm sau lại được vinh danh 30 năm tuổi Đảng; Chủ tịch xã đánh người dân đến phải đi nằm viện, mất chức, bốn năm sau lại trúng cử Trưởng thôn, và hàng loạt cán bộ chủ chốt bị mất chức vì đắp mộ giả để lấy tiền đền bù thì nay có ông trong số đó lại ra làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã!

Văn hóa ứng xử của người lớn trong xã hội ngày càng tồi tệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên môi trường. Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, nhân dân rất lo lắng, bất bình về kiểu ăn nói tục tằn, thô lỗ và cách hành xử bạo lực bất kể ở đâu, sự vụ to hay nhỏ, bất kể thân sơ và đau đớn hơn nữa là bạo hành với cả thầy giáo và đấng sinh thành… Gần đây nhất là hai “đấng tu mi nam tử” là quan chức tấn công nữ tiếp viên hàng không và ông giáo sư già 76 tuổi đến chảy máu mồm. Rồi hàng giả, buôn ma túy, buôn người, lừa đảo, trộm cắp… xảy ra nhiều hơn cơm bữa từ thành thị đến miền sơn cước xa xôi hẻo lánh. Chẳng những thú hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ngay đến con mèo - khắc tinh của loài chuột - ở quê tôi cũng có nguy cơ bị xóa sổ vì có đến bốn, năm quán “tiểu hổ” nghênh ngang ngay trước mắt các “quan” địa phương.

Thử hỏi, những dẫn chứng cụ thể có thật 100% ở trên, ai cũng biết, vậy các em học sinh có biết không? Biết quá đi chứ. Và có những vấn đề các trẻ còn biết nhiều hơn người lớn! Đấy, bài học đạo đức, luân lý hay giáo dục công dân là ở người lớn là ông bà, cha mẹ, anh chị… và các quan chức chứ ở đâu nữa! Dù bài học trên lớp học có súc tích, sinh động đến mấy cũng không thể khắc sâu vào tim óc trẻ thơ bằng những thực tế ngoài xã hội diễn ra trước mắt, bởi “trăm nghe không bằng một thấy”.

Nhân đây tôi kể thêm một câu chuyện:

Tháng 10-2016, cháu gái 3 tuổi từ Ba Lan theo bố nó về thăm quê. Đón cháu, cả nhà ai cũng mừng. Tối hôm đó, ông nội cháu “mở tiệc chiêu đãi” cả nhà, ăn cơm xong còn tiệc ngọt, tiệc trà. Thế là giấy gói bánh kẹo, vỏ cam quýt, vỏ trầu cau cùng đầu mẩu thuốc lá vứt khắp nhà. Cháu gái này cứ trố mắt nhìn các bậc lớn tuổi, rồi lấy túi ni lông, lúi húi nhặt rác… Đến lượt các ông bà, chú bác trố mắt nhìn “cái sự lạ” ở cháu. Bố cháu bảo: - Ở bên kia, ai cũng làm thế, chứ con có dạy cháu đâu. Thì ra, cháu bắt chước hành vi văn minh của người lớn bên nước bạn chứ đâu đã được học GDCD của Việt Nam. Giả sử, có lên lớp giảng dạy, phân tích như sách vở đã biên soạn thì cháu 3 tuổi này chỉ như “vịt nghe sấm”!

NGUYỄN HOÀI VŨ (Ngọc Mỹ - Quốc Oai - Hà Nội)