HV115 - EMMANUEL MACRON: Niềm hi vọng của nước Pháp?

Tổng thống thứ 8 của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp đã được bầu ra: Emmanuel Macron. Kết quả chính thức đã được Bộ Nội vụ Pháp công bố. Ông Macron thắng cử với 20.743.128 phiếu (43,61% trên tổng số phiếu bầu hợp lệ), bà Marine Le Pen đạt được 10.638.475 phiếu (22,36%), con số không đi bầu: 12.101.366 cử tri (25,44%), phiếu trắng: 3.021.499 (6,35%), phiếu bất hợp lệ: 1.064.255 (2,24%).

Ngay sau khi kết quả được công bố, các báo chí trong nước Pháp đều đồng loạt đua nhau hết lời ca ngợi chiến thắng và con đường ngắn ngủi đưa ông Macron đến tột đỉnh vinh quang lúc chưa tròn 40 tuổi. Báo chí Pháp đều nêu lên hai điểm nổi bật của Macron: ông rất thuận tình với châu Âu và toàn cầu hóa.

Còn báo chí thế giới nở rộ hình ảnh chiến thắng của Macron, chiến thắng của cái “tích cực” đối lập lại cái “tiêu cực”, của tầng lớp trẻ, của đổi mới và hi vọng. Tại Đức, là đồng minh thân thiết nhất của Pháp trong khối Liên minh châu Âu, tạp chí Der Spiegel liên tiếp đưa lên nhiều bài đánh giá cuộc bầu cử.

Ông Emmanuel Macron sinh ngày 21-12- 1977 tại Amiens, phía bắc nước Pháp, con út của một gia đình thuộc vào tầng lớp thượng lưu ở Amiens; cha là Jean-Michel Macron, 67 tuổi, giáo sư bác sĩ về thần kinh học ở bệnh viện công Amiens; mẹ là François Noguès, bác sĩ cố vấn bảo hiểm sức khỏe. Cha mẹ của ông Macron ly dị năm 2010.

Về cuộc hôn nhân của ông Macron với bà Brigitte Trogneux, hiện nay 64 tuổi, đã có 7 đứa cháu, thì cùng với cuộc bầu cử, sự xuất hiện đầy âu yếm của vợ chồng ông Macron dấy lên một làn sóng chia hai nước Pháp. Bà Brigitte Trogneux (tên khai sinh) đã có 3 người con với ông André Louis Auzière, dạy Pháp văn và kịch nghệ tại trường trung học của các giáo sĩ dòng Jesuite, La Providence tại Amiens, nơi Macron theo học. Năm 1993, khi hai người bắt đầu cuộc tình thì ông Macron mới có 15 tuổi, đang học trung học, và bà Brigitte Trogneux đã 39 tuổi, con trai của bà còn lớn hơn Macron hai tuổi. Gặp sự chống đối của cha mẹ Macron, hai người vẫn tiếp tục gặp nhau ở Paris, nơi Macron bị cha mẹ cho chuyển trường học tiếp và đổi chỗ ở để thi lấy bằng tú tài Pháp. Bà Brigitte Trogneux ly dị với chồng, ông Auzière năm 2006, rồi lấy ông Macron năm 2007. Vì thế có dư luận tại Pháp cho rằng, bà vừa ngoại tình nhiều năm vừa dụ dỗ trai vị thành niên, đáng lẽ ra có thể bị phạm tội hình luật. Nhưng, báo chí thế giới lại đồng loạt khai thác cuộc tình duyên này theo khía cạnh “lãng mạn Pháp” để bán báo, một chuyện thật là hiếm có xưa nay. Sau khi ông Macron đắc cử thì bà Brigitte Trogneux trở thành “Đệ nhất phu nhân” và được ông Macron hứa hẹn sẽ phong chức vị chính thức cho bà vì từ trước đến nay của thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, theo Hiến pháp 1958, ngôi vị này không hề được thiết lập, với lý do rất đơn giản là dân bầu chỉ một người làm tổng thống, không phải bầu cả hai vợ chồng hay thê thiếp, và vợ chồng là việc riêng tư, chỉ có dưới thời đại quân chủ thì mới có vua và hoàng hậu cai trị thần dân. Tóm lại, đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron vẫn còn được thế giới nhìn bằng hai con mắt khác nhau, kẻ khen người chê.

Bà Marine Le Pen nhìn nhận sự thất bại của mình và hứa hẹn sẽ cải tổ lại đảng phái của mình, nhất là không mang cái tên hiện tại Front National đã gắn liền với quá khứ của người đi trước, cha của bà, ông Jean-Marie Le Pen. Trong đảng của bà cũng có nhiều khuynh hướng, rất cực hữu hay ôn hòa hơn.

Tại sao người ta gắn vào ông Macron một niềm hi vọng, sẽ thay đổi được nước Pháp đang ì ạch, bảo thủ và hơn thế nữa ông Macron còn đem lại một luồng gió mới cho khối Liên minh châu Âu? Trẻ, xông xáo, năng động, hăm hở, chưa bị hao mòn - đó là những điểm tích cực mà người ta gắn cho ông Macron, nhưng còn những điểm kém tích cực hơn?

Ông Macron hiện nay chỉ là thủ lĩnh của một phong trào mới được thành lập vào tháng 4-2016 trong mục đích tranh cử tổng thống, không có cơ sở của một đảng phái lâu năm đã mọc gốc rễ trong dân chúng, không có một đại diện cho dân trong quốc hội. Tuy thế, trong khi tranh cử vòng 2 ông lại được hỗ trợ bởi các đảng phái đang trên đường thoái hóa: đảng Những người Cộng hòa, đảng Xã hội, đảng Xanh và đảng trung lập MoDem, để chống lại sự nổi lên của đảng cực hữu Front National của bà Marine Le Pen. Sau khi thắng cử ngày 7-5 thì ngày 8-5 ông từ chức chủ tịch Phong trào En marche! và phong trào này được đổi tên lại là La République en marche (LREM). Vì thế, sau bước đắc cử tổng thống Pháp, tầm nhắm của ông Macron là kỳ bầu cử quốc hội Pháp sắp đến, hầu chiếm giữ đa số ghế dân biểu.

Ồ ạt 15.000 cái đơn và hồ sơ đã được gửi đến LREM để xin được quyền đại diện ứng cử quốc hội dưới danh nghĩa LREM. Trong số này, ê kíp của ông Macron chọn ra một danh sách ứng cử quốc hội với 511 người. Mục đích của Macron là tối thiểu phải chiếm được 289 ghế dân biểu trên 577 ghế để có được hậu thuẫn chính trị cho mọi vấn đề phải được thảo luận và thông qua trước quốc hội. Trong những vấn đề “nan giải” và gấp rút, ông Macron dự trù sẽ dùng quyền lực tối thượng của tổng thống để giải quyết mà không cần thông qua quốc hội.

Macron cũng đã chọn ông Édouard Philippe, thuộc cánh hữu Les Républicains và đang là thị trưởng thành phố cảng Le Havre, làm thủ tướng. Ông Philippe nhận nhiệm vụ thành lập một nội các với 18 bộ và với những thành phần “chính quy” của Phong trào En marche! và đảng trung lập MoDem cộng với những thành phần “đào thoát” của các đảng Cộng hòa (LR), đảng Xã hội (PS) và đảng cực tả (PRG).

Ngày 17-5-2017, nội các của Édouard Philippe ra đời gồm tổng cộng 22 vị bộ trưởng, gồm có đồng đều nam và nữ. Nhân dịp này người ta nhận thấy tầm quan trọng của những lãnh vực trọng điểm đã được đưa thành bộ. Thí dụ như Bộ Quân đội, thay thế cho Bộ Quốc phòng, một danh xưng không được dùng từ năm 1974 đến giờ. Quan trọng hơn cả là các chức vụ: ông Gérard Collomb - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, François Bayrou - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Jean-Yves Le Drian - Bộ trưởng Bộ Châu Âu và ngoại giao, Bruno Le Maire - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Gérald Darmanin - Bộ trưởng Bộ Hành động và tài chánh, Sylvie Goulard - Bộ trưởng Bộ Quân đội, Jean-Michel Blanquer - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, François Nyssen - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Agnès Buzyn - Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và sức khỏe, Muriel Pénicaud - Bộ trưởng Bộ Lao động, Jacques Mézard - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nicolas Hulot - Bộ trưởng Bộ Môi trường…

Trong cuộc thử sức thuận/chống Liên minh châu Âu này, người ta vui mừng có được cái kết quả là dân Pháp vẫn còn ít ra là một nửa gắn bó với châu Âu. Cái mới năm nay là người ta vừa kêu gọi, gây sức ép, tình cảm hay không tình cảm, vừa đổ lỗi cho người không đi bầu.

Báo Pháp trích lời ông Jean-Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng của đảng Les Républicains, tuyên bố: “Những người phủi tay với việc này là những kẻ đồng lõa cho tình trạng thê thảm của nước Pháp” để lên án những người từ chối không đi bầu cử. Trở đầu ngọn giáo, đó là một chiến lược thông thường của những chính trị gia chuyên nghiệp.

Theo luật lệ hiện hành tại Pháp, không ai bị bắt buộc phải tham dự bầu cử. Người ta có thể không đi bầu cử hoặc cử đại diện đi thay thế, vì một lý do nào đó như địa lý (nhà xa, thiếu phương tiện di chuyển…), thời tiết (mưa bão…), bệnh tật (liệt giường, yếu chân…), hay không được đi bầu cử vì thay đổi địa chỉ, vì tuổi tác (quá trẻ, quá già…), nghề nghiệp (thất nghiệp, mù chữ…). Không tham dự bầu cử cũng là một cách biểu hiện của một thành phần cử tri thầm lặng - kỳ bầu cử nào cũng có nhưng không bao giờ được chú ý đến - nói lên sự bất mãn của mình với những ứng cử viên, với những đảng phái quá xa vời đối với họ. Ở nhà thầm lặng, hơn là tích cực bỏ phiếu trắng hay phiếu không hợp lệ để phản đối, thường là biểu hiện của một sự khủng hoảng dân chủ.

Tháng 12-2015, trong kỳ bầu cử tầm mức vùng tại Pháp, con số cử tri thầm lặng không đi bầu ở nhiều nơi lên đến 72,2% (thí dụ vùng bắc Paris, vùng đông nam Paris, một số những khu vực biên giới). Riêng khu vực Paris-Ile-de-France con số không đi bầu trong vòng 1 lên đến 3.834.493 người, chiếm 54,11% tổng số cử tri. Toàn nước Pháp, tính trung bình con số cử tri thầm lặng là 22.687.084 người, chiếm tỉ lệ 50,09%. Những con số này phải chăng đã báo động tình trạng mất sự tin tưởng vào các đảng chính thống đang nắm quyền, và chờ đợi/đòi hỏi một sự thay đổi?

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như Thủ tướng Đức Angela Merkel chúc mừng sự thành công của ông Macron. Bà Merkel tuyên bố “Đây là chiến thắng cho một châu Âu vững mạnh và tình hữu nghị Pháp - Đức”. Ông Trump thì “Tôi nóng lòng muốn làm việc với ông ấy”. Ngày 25-5 tới đây, hai nhà lãnh đạo Trump - Macron lần đầu tiên sẽ gặp nhau trong khuôn khổ hội nghị của khối Liên kết Bắc Đại Tây Dương tại Paris.

Kế tiếp là bà Theresa May, Thủ tướng nước Anh, đã gọi điện cho Macron để chúc mừng ông về chiến thắng, đồng thời cũng nói ngắn về Brexit, và bà thủ tướng Anh mong muốn có một đối tác là khối Liên minh châu Âu vững chắc và thịnh vượng. Từ Canada, không chút trễ nải, Thủ tướng Trudeau chúc mừng chiến thắng của Macron. Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đều chúc mừng Macron, và hứa hẹn một châu Âu xã hội hơn, dân chủ hơn.

Riêng đối với nước Đức, trong sự phấn khởi vì người đồng minh thân thiết nhất của mình đã loại bỏ được một tình trạng căng thẳng cho 5 năm tới, ông Sigmar Gabriel, lãnh đạo của đảng SPD, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhìn nhận là “Nước Đức được hưởng nhiều thuận lợi trong thị trường châu Âu là quốc gia xuất khẩu. Đó chính là nhờ vào nước Pháp. Bây giờ, phải giúp đỡ Macron, nếu không bà Le Pen sẽ nắm chính quyền trong lần bầu cử sắp đến. Và để giúp nước Pháp, Đức phải thay đổi chính sách ngân sách quốc gia và châu Âu rất nghiêm ngặt. Nặng về tiết kiệm thì chưa bao giờ sáng tạo ra công việc”. Ông Gabriel nói thật là đúng, xã hội tiêu thụ thì phải có tiêu thụ mới thúc đẩy sản xuất, mới thúc đẩy công ăn việc làm, nếu… không bị rô bốt thời đại mới chiếm hết công việc!

Trong tấm ảnh chụp chính thức ngày ra mắt nội các Édouard Philippe sau phiên họp đầu tiên ngày 17-5-2017, người ta dụi mắt ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên có cử chỉ hai bàn tay chập lại gần giống như cái chập tay nổi tiếng của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Macron đã sang thăm chính thức bà Merkel ngày 15-5-2017.

18-5-2017

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)