Sau thắng lợi của chiến cuộc Đông-Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 7-1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Dù chịu sức ép thỏa hiệp của các nước lớn, chưa phản ánh đúng so sánh lực lượng và thế tiến công của cách mạng, nhưng chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình lập lại ở nửa nước Việt Nam, ghi nhận một chặng đường thắng lợi. Thắng lợi này phải trả giá bởi đất nước bị chia cắt bằng dòng sông Bến Hải. Nhân dân miền Nam từ chỗ có lực lượng vũ trang, có căn cứ địa vững chắc, trở thành người trắng tay, chỉ biết trông chờ, hy vọng “hai năm đấu tranh hòa bình rồi thống nhất”.
Nhận chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn đi gấp vào Nam Bộ để tổ chức cuộc chuyển quân tập kết theo đúng Hiệp định Genève. Dọc đường vào Nam, qua miền Trung, nhân dân vui mừng chào đón hòa bình, giơ hai ngón tay với lời hẹn ước, hai năm sau sẽ sum họp một nhà. Xót xa trước tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ, đồng chí Lê Duẩn đã khóc, vì biết chắc rằng kẻ thù sẽ rắp tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, có thể xé bỏ Hiệp định Genève. Không thể có độc lập dân tộc, khi nửa nước được giải phóng, nửa nước còn dưới gót giày xâm lược. Đó là điều day dứt ngày đêm của Bác Hồ. Thấu hiểu sâu sắc tấm lòng của Bác với miền Nam, đồng chí Lê Duẩn xin Trung ương ở lại miền Nam, cùng đồng chí, đồng bào tìm cách đi tiếp con đường còn dang dở. Chia tay trên con tàu cuối cùng rời Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn ôm đồng chí Lê Đức Thọ: “Anh ra thưa với Bác là tất cả đồng bào, đồng chí ở trong này đều mong Bác sống lâu, mạnh khỏe. Cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó. Tình thế này thì dễ đến 18, 20 năm nữa, anh em ta mới lại gặp nhau”.
Không giống hoàn toàn ngày Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, 19-12-1946, khi sục sôi ý Đảng lòng dân, bằng ý chí tự lực tự cường, toàn dân tộc, tay không làm nên nghiệp lớn. Ngày ấy, cách mạng Trung Quốc chưa thành công, Liên Xô vừa ra khỏi chiến tranh. Nhưng giờ đây, cả Trung Quốc và Liên Xô đã mạnh lên, họ có điều kiện để vừa thỏa hiệp, vừa tranh giành ảnh hưởng. Bằng đường lối “chung sống hòa bình”, “thi đua hòa bình”, Liên Xô không muốn vì Việt Nam mà bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh như Triều Tiên năm 1950- 1953, “từ một đốm lửa nhỏ có thể gây nên đám cháy lớn”. Trung Quốc muốn ta “trường kỳ mai phục”, “chổi ngắn không quét được xa”, “phải nằm chờ, 10 năm không xong thì 100 năm”. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ta diễn ra trong hoàn cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự bất đồng, trước hết là hai nước lớn. Những quan điểm, phương thức cách mạng của Liên Xô, Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, hành động của một bộ phận lãnh đạo Đảng, dẫn đến nhận thức có khi chưa thật đúng. Thời kỳ ấy, miền Bắc vừa được giải phóng, mình còn đầy thương tích, liên tiếp bị thiên tai, hơn nửa triệu người đói. Cùng lúc, miền Bắc vừa phải đấu tranh giữ dân, chống cưỡng ép di cư, vừa tổ chức đón tiếp hàng chục vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết. Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta khi ấy đều tin vào pháp lý Hiệp định Genève, Việt Nam sẽ được thống nhất bằng tổng tuyển cử. Nhưng, để trả lời khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai không đếm xỉa đến Hiệp định Genève, thẳng tay đàn áp những người yêu nước ở miền Nam. Những người cộng sản bị bắt giữ, giam cầm. Các chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”, các vụ thảm sát trả thù diễn ra ở khắp nơi. Chúng tăng cường lực lượng vũ trang, mở những cuộc hành quân, ra Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, thậm chí hô hào “Bắc tiến”. Lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, cơ sở Đảng bị khủng bố, đảng viên ở nhiều nơi còn lại chưa đến một phần mười. Nhân dân sống nghẹt thở, cách mạng miền Nam bị đẩy vào thời kỳ thoái trào, tưởng chừng không có đường ra. Đồng bào ở nhiều nơi kiến nghị với Xứ ủy Nam Bộ, đòi vũ trang vùng lên. Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh nhận đơn thư của nông dân Thủ Dầu Một chất vấn: “Xứ ủy có báo cáo Bác Hồ và Trung ương biết tình hình miền Nam hay không mà chịu khoanh tay, để địch đàn áp bừa bãi?”. Nhân dân Tây Ninh gửi tâm thư ra Bác Hồ, “xin cho bộ đội miền Nam tập kết trở về đánh giặc, cứu dân”. Mang nỗi đau của đồng chí, đồng bào, Bác Hồ ngày đêm trăn trở về con đường cách mạng cho miền Nam, nhưng buộc phải chờ đợi, thuyết phục để thống nhất trong Đảng. Hai năm hy vọng vào pháp lý Hiệp định, rồi tiếp hai năm chờ đợi một con đường… Giữa năm 1957, hai anh Phan Văn Đáng, Ủy viên Thường vụ và Phạm Văn Xô, Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ đi ròng rã ba tháng trời mang ý nguyện nhân dân ra kiến nghị với Bác Hồ và Trung ương. Trước đó, Bác phân công một số người chuẩn bị nghị quyết cách mạng miền Nam, nhưng chưa được, vì thế phải trực tiếp điều đồng chí Lê Duẩn, người đang “sống, chết cùng dân”, tác giả chính “Đề cương cách mạng miền Nam”, ra Bắc nhận trách nhiệm cùng Người và Bộ Chính trị chuẩn bị Nghị quyết 15 trình Trung ương.
Sau này, nhiều người kể lại, mỗi tháng một lần, hai anh Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô đều đến gặp đồng chí Lê Duẩn đề nghị triệu tập hội nghị bàn về cách mạng miền Nam, nhưng đều bị trả lời: “Lúc này chưa họp được, vì còn nhiều ý kiến chưa thống nhất”. Bức xúc trước tình hình, hai anh kiên quyết đòi trở về Nam, xin được gặp Bác Hồ trình bày những uất ức của Đảng bộ và nhân dân miền Nam. Bác trả lời với hai người: “Trung ương lập ra Xứ ủy để làm gì?... Nếu nói Xứ ủy chỉ chịu trách nhiệm với Trung ương thôi, là chưa đủ. Trung ương ở xa, giao trách nhiệm cho Xứ ủy. Vậy thì Xứ ủy còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân miền Nam nữa. Bất kỳ tình hình như thế nào cũng không được để địch tàn sát dân, tiêu diệt cơ sở cách mạng”. Khi hai anh ra về, Bác còn dặn: “Mấy chú về báo cáo với Xứ ủy là Bác phê bình Xứ ủy thiếu sáng tạo, chỉ biết phục tùng cấp trên”. Từ chỗ Bác về, hai anh đến chào đồng chí Lê Duẩn, kể lại lời Bác Hồ. Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn quá xúc động, reo lên: “Vậy là Bác đồng ý rồi! Các anh về cứ làm đi”. Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo chiến lược đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Xứ ủy Nam Bộ đã kịp thời đề ra chủ trương sáng tạo hợp lòng dân, đúng như “Đề cương cách mạng miền Nam” khẳng định, “nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”. Từ tư tưởng chỉ đạo và phong trào cách mạng là cơ sở lý luận và thực tiễn để đồng chí Lê Duẩn xây dựng Nghị quyết 15 của Đảng. Mặc dù vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 họp đợt một, tháng 1-1959, mới chỉ dừng lại biên bản. Phải trải qua đấu tranh, thuyết phục, đến giữa năm 1959, họp đợt hai, mới ra được nghị quyết. Và đến Nghị quyết Đại hội III, cuối năm 1960, với hai chiến lược cách mạng, mối quan hệ và nhiệm vụ của hai miền, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, liên tục tiến công, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc họ phải từng bước xuống thang chiến tranh. Bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại, bằng đường lối độc lập tự chủ, Đảng ta đã dẫn dắt cuộc chiến tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để có ngày vui toàn thắng năm 1975, có độc lập, thống nhất đất nước hôm nay, cả dân tộc ta, đặc biệt là nhân dân miền Nam, phải trải qua những năm tháng cam go, hy sinh vô bờ bến. Hồi ấy, miền Bắc không chỉ là đầu não chỉ huy, tổ chức lực lượng, hậu phương quyết định, tiền tuyến chia lửa, mà còn dốc toàn lực cho miền Nam. Những lãnh đạo ưu tú như Nguyễn Chí Thanh, các tướng lĩnh tài ba, xông pha trận mạc từ Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Du kích Ba Tơ đều có mặt trên chiến trường, cầm quân các chiến dịch. Thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, viện trợ to lớn của bạn bè quốc tế khi đó, cũng ưu tiên cho tiền tuyến miền Nam.
Là cộng sự trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn tâm niệm phải thực hiện bằng được hoài bão lớn lao cứu dân, cứu nước của Người. Tính toán thời cuộc, so sánh lực lượng trên chiến trường, nhận ra thời cơ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chủ động kết thúc chiến tranh, chấm dứt sự đổ máu cho cả hai bên. Là người giữ trọng trách cao nhất, sau khi Bác đi xa, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương dồn tất cả tâm lực cho các phương án giải phóng miền Nam, sao cho nhanh nhất, gọn nhất, ít tổn thất nhất và các thế lực khác không kịp trở tay. Rút ra bài học xương máu từ Hội nghị Genève, ngày 18-9-1974, trong thư của Bộ Chính trị gửi Trung ương cục, Khu 5, Khu Trị Thiên, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Ý đồ chiến lược của ta sau khi ký Hiệp định Paris là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch. Đối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Paris không phải ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần mà điều mấu chốt là Mỹ phải ra đi, còn quân ta thì ở lại… Lúc này, chúng ta có thời cơ. 20 năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn; ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm 10, 15 năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục, mạnh lên thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng…”.
Trên phương hướng chiến lược lớn, trong điều hành, đồng chí Lê Duẩn thể hiện một phong cách sâu sát, cụ thể, kiên quyết, táo bạo và luôn đề phòng các âm mưu ngăn cản bước tiến của quân ta. Ngày 1-4-1975, trong thư gửi các anh Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ ‘một ngày bằng 20 năm’. Do đó, chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm, phải hành động ‘thần tốc, táo bạo, bất ngờ’, phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp”.
Ngay sau khi lên nắm quyền tổng thống, Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Nắm được ý đồ sâu xa của một số nước lớn thỏa hiệp với nhau đạo diễn đưa tướng Minh lên để tránh đầu hàng vô điều kiện, tìm cách thương lượng với ta dưới ngọn cờ hòa giải, hòa hợp, nhằm ngăn cản ta giành thắng lợi hoàn toàn, ngày 29-4-1975, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp điện cho các anh Thọ, Hùng, Dũng, Trà, Tấn: “Lệnh cho bộ đội ta tiếp tục tiến công vào giải phóng Sài Gòn theo kế hoạch đã định. Tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch”. Âm mưu cứu vãn tình hình, lặp lại mô hình như Hiệp định Genève của một số nước bị phá sản hoàn toàn. Trước sức tiến công như vũ bão của ta, tướng Dương Văn Minh không nghe theo trò thâm hiểm của một số nước lớn, đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, góp phần hạn chế tổn thương, Sài Gòn không bị tàn phá.
Có một điều mà văn kiện không lưu, nhưng nhiều nhân chứng kể lại: Trong quá trình xây dựng chủ trương giải phóng miền Nam mùa xuân 1975, đồng chí Lê Duẩn suy nghĩ, phát kiến, nhưng luôn lắng nghe phản biện, mong tìm cái hay, tâm đầu ý hợp. Một câu hỏi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là: ta xốc tới giải phóng miền Nam thì Mỹ có quay lại không? Vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng không phải ý ai cũng giống nhau. Ở một hội nghị của Bộ Chính trị, anh đặt vấn đề chờ mọi người cho ý kiến khá lâu. Giữa lúc đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đứng phắt dậy, cười hà hà: “Có cho kẹo, Mỹ cũng không dám quay lại”. Được lời như cởi tấm lòng, đồng chí Lê Duẩn kết luận: “Vậy chúng ta đồng tình nhé. Ta giải phóng miền Nam, nhất định Mỹ không quay lại”.
Câu nói tưởng như thâm cung bí sử ấy, gần 10 năm sau, tôi may mắn được nghe chính từ lời đồng chí Phạm Văn Đồng. Hôm ấy, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn. Các đồng chí ở Trung ương đến chúc mừng rất sớm. Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng cùng đến một lúc. Đồng chí Lê Duẩn kính trọng, chân tình xuống đón hai người bạn cùng chung tù tội, cùng dưới sự chở che, đào luyện của Bác Hồ. Vẫn tiếng cười sang sảng, đồng chí Phạm Văn Đồng chỉ vào đồng chí Lê Duẩn: “Tôi gọi anh Ba là anh, nhưng tính tuổi ra anh còn nhỏ hơn tôi. Anh Ba chắc còn nhớ, tôi là người đầu tiên lên tiếng ủng hộ anh đấy nhé”. Đồng chí Lê Duẩn gật đầu cười. Đồng chí Trường Chinh cười to hơn: “Đúng thế! Tôi làm chứng”. Ba lãnh tụ, ba người bạn, ba người đồng chí ôm nhau cùng cười. Phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hôm ấy chỉ còn việc đưa máy lên… và bấm.
_____
* Nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân dân. (HV)