HV115 - Nhớ về một người Anh, người Thầy

Bước vào cổng ngôi nhà nhỏ ở đường Tú Xương, quận 3, TP.Hồ Chí Minh là nơi ở của nhà văn hóa Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, vừa nghỉ hưu. Thấy ông trong nhà bước ra, tôi vội chào:

- Xin chào thầy.

Ông có vẻ ngạc nhiên và ngỡ ngàng nhìn tôi:

- Xin lỗi, tôi chưa nhận ra là ai đây…

Tôi vui vẻ nói luôn:

- Xin thầy hãy nghe đoạn văn thầy viết cách đây hơn 50 năm trên tập kỷ yếu lớp Tuyên truyền Miền Trung Nam Bộ do thầy phụ trách ngày 20 tháng 5 năm 1947: “Hơn 600 năm trước non sông Việt Nam đang gặp bước hiểm nghèo. Muôn vạn quân Nguyên tràn vào nước ta như muôn dòng thác lũ. Kinh thành Thăng Long thất thủ, vua tôi tị nạn ở xa, cảnh đau lòng vong quốc tưởng không còn gì cứu vãn. Nhưng sau lời hịch thống thiết của Trần Hưng Đạo phát ra, toàn dân đã quy tụ dưới một lá cờ. Thế giặc đang hăng, bỗng chùn bước lại. Sau đó Bạch Đằng giang nhuộm đỏ máu quân Nguyên rền thét lên khúc hùng vĩ.

Xưa quân Nguyên, nay giặc Pháp, hai dân tộc, hai thời đại, song cũng cùng chung là một lũ hung tàn.

Dù người Việt thế kỷ 13, hay người Việt buổi này cũng đều là người Việt. Quân Nguyên khi xưa đã ngàn năm khóc hận trên sóng Bạch Đằng thì giặc Pháp ngày nay quyết phải cùng chung cảnh ngộ!

Lòng thổn thức cảm hoài tôi hòa giọt máu của tôi vào chén máu của sinh viên để viết lên lời phi lộ cho tập kỷ yếu này!”.

- Ôi! Anh nhớ tốt quá, lời tôi viết phi lộ cho tập kỷ yếu mà chính tôi ngày nay đã quên hết rồi! - ông Ung Ngọc Ky siết chặt tay tôi thốt lên giọng cảm động.

- Đã nửa thế kỷ qua rồi. Biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử qua hai cuộc kháng chiến, làm sao thầy nhớ nổi điều thầy viết trong tập kỷ yếu nhỏ của lớp học Tuyên truyền Miền Trung Nam Bộ năm xưa.

Ù

... Hồi ấy lớp tập huấn Tuyên truyền Miền Trung Nam Bộ được mở ở xã Tiên Long, huyện Sóc Sải, tỉnh Bến Tre với 19 sinh viên được tập hợp từ bốn tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gò Công. Các tỉnh khác đã họp khóa trước rồi. Hôm khai giảng là ngày 1-5-1947. Các học viên đều bốc thăm để trình bày lời nói của mình theo gợi ý của Ban huấn luyện. Hôm ấy tôi bắt thăm trúng số 1 nghĩa là phải trình bày đầu tiên trước lớp với đề tài “Thống nhất là dĩ nhiên, thống nhất là cần” vì hồi ấy địch đã cho thành lập chánh phủ Nam Kỳ tự trị do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh là Thủ tướng, thực hiện âm mưu chia cắt nước ta. Trước đó năm 1946, trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác Hồ đã có câu nói nổi tiếng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Tôi dựa theo câu nói đó để củng cố thêm bài viết của mình, và được Ban huấn luyện khen sau khi tôi trình bày.

Sau đó suốt thời gian lớp học là thầy Ung Ngọc Ky phụ trách chính. Thầy có một trí nhớ tuyệt vời khiến cả lớp hết sức khâm phục, nhất là khi thầy giảng về các nhân vật lịch sử dân tộc thời xưa như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến các vị anh hùng thời chống Pháp xâm lược hồi nửa sau thế kỷ 19 như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân v.v... Mỗi cuộc đời của các nhân vật lịch sử đều có những nét độc đáo qua lời giảng của thầy trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ nhớ. Như chuyện về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, theo thầy thì Nguyễn Trung Trực tuy làm nghề chài lưới nhưng là một thanh niên có học chớ không phải là người làm nghề hạ bạc thường dốt chữ. Bằng chứng là trước khi bị giặc xử chém, ông đã làm bài thơ chữ Hán nêu rõ uất hận của mình gửi lại đồng bào:

“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên

Yêu gian đảm khí hữu long tuyền

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa

Bão hận thâm cừu bất đái thiên”.

Nhà thơ Đông Hồ dịch là:

“Theo việc binh nhung thuở trẻ trai

Phong trần bao độ tuốt gươm mài

Anh hùng gặp phải hồi không đất

Thù hận chang chang chẳng đội trời”.

Còn Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky dịch là:

“Tuổi xanh theo việc binh đao

Lưng đeo lưỡi kiếm khí hào thung dung

Non sông ví khuất anh hùng

Đành ôm uất hận chẳng chung đội trời”.

Bài thơ nguyên tác chữ Hán cũng như hai bài thơ dịch, tôi đều đưa vào cuốn tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Trung Trực - Khúc ca bi tráng tôi viết sau này.

Ngoài ra, khi giảng về Thủ Khoa Huân - người chí sĩ chống Pháp tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) bị chúng đưa đi hành quyết ở cù lao Rồng, thầy đọc luôn bài thơ của ông:

“Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường, há phải gông!

Oằn oại đôi vai quân tử trúc,

Long lay một cổ trượng phu tòng.

Thác về đất Bắc danh còn rạng,

Sống ở thành Nam tiếng bỏ không.

Thắng bại dinh hư trời khiến chịu,

Phản thần đéo hỏa đứa cười ông”

Những bài giảng về lịch sử cùng những mẩu chuyện sinh động của cá nhân các nhân vật lịch sử của thầy đã mở mang kiến thức chúng tôi rất nhiều về lịch sử đấu tranh của dân tộc suốt chiều dài bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, củng cố thêm niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, dù lúc đó lực lượng của ta còn rất yếu so với địch.

- Hồi ấy các anh gọi tôi như thế nào trong lớp học? - Ông nhìn tôi mỉm cười, nụ cười pha chút hóm hỉnh.

- Dạ, hồi đó chúng tôi đều gọi thầy là Anh, chữ Anh hoa như gọi các đồng chí lãnh đạo cách mạng như Anh Ba Lê Duẩn, Anh Hai Hùng, Anh Sáu Thọ v.v...

- Vậy thì bây anh nên gọi tôi như hồi đó cho nó thân mật, chớ anh gọi là thầy nghe nó “nghiêm trang” quá! Anh đồng ý chớ?

Tất nhiên tôi đâu dám từ chối tấm lòng thầy đối với chúng tôi trong lớp học năm xưa, và riêng trong thâm tâm tôi vẫn coi thầy là người thầy có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ của tôi về lòng yêu nước, về nhân cách con người cách mạng, và niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Bác Hồ vĩ đại.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, tuy chưa một lần gặp lại nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến người Anh, người Thầy có lối sống giản dị, khiêm tốn, hành xử đầy tình nghĩa của người trí thức đi theo cách mạng và càng nhớ sâu đậm buổi tôi thay mặt anh chị em lớp học bưng chén máu của chúng tôi trích ra đến xin thầy viết lời phi lộ cho tập kỷ yếu của lớp học - tập ấy có thể nay không còn - nhưng tôi không bao giờ quên nét mặt vô cùng xúc động của thầy khi tay run run đỡ lấy chén máu và lời phi lộ thầy viết hôm đó đã theo trí nhớ của tôi đến tận hôm nay.

Tháng 1-2017

DƯƠNG LINH