HV115 - Sức mạnh của mạng xã hội và hội chứng đám đông

Một người phụ nữ đi xem triển lãm hoa đào ở Lâm Đồng hái cành hoa đào để chụp ảnh đã trả lời thách thức với một nhóm trẻ khi họ góp ý về hành vi không đẹp ấy. Thế là hình ảnh của chị này được đưa lên mạng xã hội Facebook với tang chứng rành rành vi phạm. Chỉ trong vòng 1 ngày gương mặt của người phụ nữ này xuất hiện trên mạng xã hội, cộng đồng đã tìm ra “thân thế, sự nghiệp, tên tuổi” của chị này rõ ràng: đó là một quan chức có máu mặt, một phó giám đốc Sở Tư pháp của tỉnh Bình Thuận, đại biểu Hội đồng nhân dân. Thế là một cuộc đánh hội đồng của hàng ngàn nickname trên mạng với đủ loại lời lẽ miệt thị, khinh rẻ, nặng có nhẹ có ồ ạt đến chóng mặt. Chị này lúc ban đầu còn chống chế rằng cành đào đã gãy sẵn và người bẻ xuống là anh lái xe chứ không phải chị…, nhưng áp lực của đám đông ấy đã ảnh hưởng không hề nhẹ đến tỉnh Bình Thuận, nên chính Ủy ban nhân dân đã yêu cầu chị tường trình và chính thức phải có lời xin lỗi trước truyền thông…

Mới đây nhất là câu chuyện của ca sĩ chuyển giới Hương Giang với nghệ sĩ Trung Dân khi cùng tham gia gameshow “Tìm hình đoán chữ” trên truyền hình. MC Đại Nghĩa ra câu hỏi: “Nghệ sĩ Trung Dân có thói quen thích mày mò máy móc, nên một lần anh bị thương vì đã đút đầu vào…”. Những người chơi sẽ thêm vào 3 chấm ấy là đủ loại máy như máy giặt, lò vi sóng, tủ lạnh…, nhưng riêng Hương Giang thì cô nện cho 3 chữ “vào cầu tiêu”. Trung Dân đã phản ứng dữ dội và buộc cô phải từ bỏ đáp án tục tĩu xúc phạm anh, nhưng cô ca sĩ cương quyết giữ ý kiến vì cho rằng đó là quyền suy nghĩ của mỗi người. Cuộc ghi hình đã phải ngưng nửa chừng vì Trung Dân nổi giận bỏ ra về. Tệ hơn là lẽ ra phải loại người sai lè là Hương Giang thì giữa 2 người, Ban tổ chức đã loại Trung Dân và giữ lại Hương Giang. Tưởng rằng mọi chuyện đã êm xuôi vì nó chỉ xảy ra trong phòng thu chỉ có một nhúm người biết. Nhưng gần đây Trung Dân đã chia sẻ nỗi nhục nhã của mình cho một tờ báo. Thế là mạng xã hội ào lên như sóng với tất cả những lời phê phán thậm tệ nhất dành cho cô ca sĩ này. Hương Giang lúc đầu còn nói mạnh là “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, nhưng trước áp lực dữ dội của dư luận, cuối cùng cô phải khóc và nói lời xin lỗi Trung Dân, người nghệ sĩ đáng tuổi cha chú mình. Hơn thế, cả Ban tổ chức và đạo diễn chương trình cũng bị chỉ trích thậm tệ khi dung dưỡng cho thói ngông nghênh hỗn hào của nghệ sĩ trẻ đối với bậc trưởng thượng chỉ vì đồng tiền…

Và cũng gần đây nhất là câu chuyện của anh bán kẹo kéo tên Đặng Hữu Nghị lên truyền hình trong một chương trình thi hát bolero. Cả Ban giám khảo và người xem đã xúc động rơi nước mắt khi biết hoàn cảnh anh bị vợ bỏ, gà trống nuôi 2 đứa con bị bại não, và hằng ngày phải chở con trên chiếc cũi để đi bán kẹo kéo. Từ hình ảnh đó, một làn sóng mạnh thường quân ào ào tới cho tiền, giúp đỡ anh. Mạng xã hội lại một lần nữa dậy sóng với biết bao giọt nước mắt thương cảm. Nhưng rồi mọi sự thật cũng phơi bày khi biết anh này đã kiếm tiền bằng sự thương cảm của mọi người từ 3 năm trước, đã từng có nhiều báo viết về anh, đã từng có biết bao người đến giúp đỡ và anh có tiền để mua 1 căn nhà ở Bình Tân, 1 căn ở Nha Trang. Nhưng khi có báo viết, có người cho tiền thì anh lại trở về căn nhà cũ rách nát của mình để nhận…

Trên đây chỉ là 3 câu chuyện mới nhất về sức mạnh tích cực của mạng xã hội. Nhờ đó mà bà Phó giám đốc mới chịu nhận lỗi, Hương Giang mới mở lời xin lỗi người nghệ sĩ mà trước nay cô coi thường. Coi thường vì cô biết rõ giữa cô và Trung Dân thì nhà đài và nhà tổ chức sẽ chọn cô. Cô biết cô có nhiều người hâm mộ trẻ, mà chỉ có người trẻ mới theo sát các gameshow truyền hình, mới bấm máy nhắn tin bầu chọn, mới đem tiền về ào ạt cho nhà tổ chức và nhà đài. Thế thượng phong ấy từ lâu đã hình thành trong tư tưởng những nghệ sĩ trẻ mới nổi. Bên cạnh ảo tưởng của bệnh ngôi sao, đồng tiền đã trực tiếp nhào nặn nên cách ứng xử và nhân cách của con người… Và chính sự dung dưỡng của những người lớn, người có trách nhiệm với văn hóa dân tộc khi nắm giữ mạng truyền thông quốc gia đã hình thành nên thói ngông nghênh dường ấy. Vì thế, ta không ngạc nhiên khi những nghệ sĩ cây đa cây đề phải tránh xa các gameshow truyền hình nếu không muốn chuốc lấy những tình huống đau lòng như Trung Dân đã gặp…

Nhưng ở câu chuyện thứ ba mới thấy hội chứng đám đông ghê gớm như thế nào! Một hoàn cảnh thương tâm trên truyền hình đã đánh động lòng tốt của con người, và anh Nghị đã mua được đến 2 căn nhà, nhưng vẫn tiếp tục đem con đi khắp nẻo đường để kiếm thêm tiền từ lòng thương của mọi người. Người ta tự hỏi vì sao những anh bộ đội trở về sau chiến tranh, vì nhiễm chất độc da cam mà có những đứa con tật nguyền, hoàn cảnh bi đát gấp trăm lần anh Nghị, nhưng nào có ai quan tâm?! Mà đó là những người đã hiến cả tuổi trẻ của mình cho độc lập dân tộc. Đã có rất nhiều sách báo viết về những trường hợp cụ thể cần giúp đỡ, và những nhà xã hội các nước cũng đã đến và giúp đỡ một phần, nhưng mạng xã hội của Việt Nam vẫn im tiếng? Bởi vì thực sự muốn khuấy động mạng xã hội thì truyền thông mà trước nhất là truyền hình phải lên tiếng… Và tôi ước mong sao các gameshow hãy đi theo hướng này, hãy khuấy động một chương trình làm từ thiện cụ thể cho những làng quê bị nhiễm chất độc da cam, những mảnh đời dở sống dở chết với những đứa con tật nguyền sau khi đã cống hiến một phần đời của mình cho đất nước.

Tuy nhiên, mạng xã hội không phải chỉ có mặt tích cực. Hiện nay, việc dùng nó để làm phương tiện bêu xấu và “ném đá” một nhân vật nào đó là gần như phổ biến. Không cần biết đúng sai, không cần biết thật giả, không hề được kiểm chứng, cứ đưa lên mạng xã hội về nhân vật X, Y với những hình ảnh và câu chuyện vô căn cứ, là y như rằng có người hưởng ứng và sẵn sàng miệt thị, “ném đá” tới tấp. Chưa bao giờ hội chứng đám đông được phát huy ghê gớm như hiện nay trên mạng xã hội. Cũng từ đó, chính mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu nhất cho bọn phản động kêu gọi biểu tình, tung nhiều bài viết nói xấu Nhà nước Việt Nam, gieo những thông tin thất thiệt về chính sách của Nhà nước, tung hỏa mù về lịch sử, đổi trắng thay đen về cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Chúng ta không ngạc nhiên khi hiện nay có vô số bài viết ca ngợi Ngô Đình Diệm, ca ngợi vua Bảo Đại và cố tình bôi đen lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng tiếc thay lại được sự hưởng ứng của một số người trẻ. Những bài viết có vẻ như là công trình nghiên cứu, nhưng thực ra là cố tình lật lại lịch sử, phủ nhận các chiến thắng vang lừng của dân tộc, cho rằng nếu ta không đánh giặc Pháp thì Pháp sẽ tự ý trả độc lập cho Việt Nam, nhưng lại cố tình lờ đi thông tin Pháp trả độc lập cho các nước châu Phi chính nhờ vào trận Điện Biên Phủ vang dội của Việt Nam, và hiện nay, chính các nước này cũng phải chịu chấp nhận vô số qui định lệ thuộc Pháp về cả mặt kinh tế và chính trị…

Vấn đề là hiện nay ai là người tiếp xúc với mạng xã hội nhiều nhất. Đó chính là giới trẻ, là rường cột tương lai của đất nước. Vì thế, ta cứ hình dung cả một thế hệ tương lai hằng ngày lang thang trên mạng xã hội và bị tiêm nhiễm dần những luận điểm dối trá về lịch sử như trên thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG