HV115 - Sương lạnh trăng non nghe con cáo hú

Ông Giàng Pao, người già nhất bản Tà Ngải, kể rằng ven rừng giáp biên có con cáo yêu tinh lông xám vằn đen sinh trú. Con cáo có đôi mắt xếch xanh lè nhìn ngang tinh quái, hai tai vểnh cao, mõm nhọn. Những đêm gió lạnh trăng non rừng hoang vu mây sương mờ ảo thì nó hú. Tiếng hú của cáo kéo dài rùng rợn nghe đến gai sống lưng, dựng tóc gáy. Dân bản nổi lửa đốt đuốc, thổi tù và, gõ nồi chảo, đập sàn nứa xua đuổi cáo. Nhưng chỉ yên được mấy hôm rồi cáo lại về hú, rình mò. Cáo lẻn vào tận các nhà bắt gà vịt, bắt chim nuôi. Dân bản đồn đãi nó là con yêu tinh, là quỷ đói. Đã mấy lần dân mời thầy mo về cúng xin tổ tiên người Mông trừ khử cáo yêu tinh cứu dân bản. Thầy mo đã dùng hết phép thuật cao tay. Thầy lấy hai mảnh trúc đẽo gọt phẳng phiu gieo xuống đất giống người Kinh gieo hai đồng tiền xuống đĩa. Nếu hai mảnh trúc đều úp xuống đất là tổ tiên chưa thuận lòng. Hai mảnh trúc đều lật ngửa lên trời là tổ tiên còn lưỡng lự. Thầy mo phải khấn vái lạy xin, khi một mảnh trúc lật úp xuống đất, một mảnh lật ngửa nhìn trời là tổ tiên đã thuận lòng phù hộ con cháu. Mỗi lần cúng, thầy mo phải gieo mảnh trúc đến năm lần bảy lượt nhưng cáo yêu tinh vẫn cứ hú rùng rợn ở bìa rừng. Dân quân bản Tà Ngải đã giăng bẫy diệt trừ cáo. Nhưng đâu có diệt được. Ông Páo nói từ đời ông đến đời cha ở vùng non ngàn này chưa ai nhìn thấy cáo dính bẫy. Cáo là loài gian giảo, ranh quái vào bậc nhất nhì các loài thú. Tổ tiên người Mông từ thuở đẻ bên cửa bếp có chín ngọn lửa sáng soi, làm nương trên cửa trời có chín mặt trời vàng chiếu đã kể chuyện cáo tu hành luyện phép nghìn năm thành yêu tinh rồi…

Thế nhưng có một dạo rừng Tà Ngải vắng tiếng cáo hú. Dân bản vui mừng. Không ai biết cáo yêu tinh đã chết hay đã bỏ đi đến phương nào. Rồi dân vùng biên chuyền tai nhau câu chuyện lạ. Chuyện rằng một buổi sớm trời đang đằm sương đằm mây, chú thỏ trắng bất ngờ gặp cáo xám vằn đen buồn bã đi. Thỏ run rẩy chào cáo xám: “Ông đi đâu sớm mà có vẻ buồn vậy?”. Cáo xám đáp lại: “Thực ra tao không muốn bỏ rừng Tà Ngải này nhưng vì con người và cả trăm loài muông thú ở đây chán ghét tiếng hú của tao, cho đó là điềm quái gở gọi ma về, tao phải đi tìm miền rừng khác…”. Nghe xong, thỏ trắng thưa lại: “Vậy tốt nhất là ông đừng bỏ đi đâu cho phí sức. Nếu ông không bỏ được tiếng hú của mình thì dù đi đến bất cứ nơi nào cũng bị xua đuổi thôi…”. Nghe xong, cáo xám quắc mắt xanh lè, nhe răng nhọn hoắt dọa thỏ: “A! Mày dám dạy bố mày đấy hả. Tao là “cửu vĩ thiên hồ” đây (cáo đã tu hành luyện phép đến bậc có chín đuôi). Tao chẳng sợ thằng nào…”.

***

Theo Sách Đỏ Việt Nam xuất bản năm 2007 - loài cáo là động vật hoang dã quý hiếm xếp vào nhóm 2B trong số 418 loài ngoài thiên nhiên đang bị đe dọa (116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao, 9 loài coi như đã tuyệt chủng…). Nghị định của Chính phủ năm 2002 đã quy định cần phải điều tra và có kế hoạch bảo vệ loài thú quý hiếm này để nghiên cứu về môi trường sinh thái và giữ nguồn gien của loài thú hoang dã.

Các tài liệu khoa học cho chúng ta biết rằng loài cáo thuộc họ chó (cùng loài với chó sói), bộ thú ăn thịt. Cáo có 42 răng. Răng nanh nhọn và dài, rất sắc. Hai chân trước mỗi chân 5 móng. Hai chân sau mỗi chân 4 móng. Móng nào cũng nhọn, sắc. Cáo chạy nhanh và êm hầu như không có tiếng động bởi dưới gan bàn chân nó có phủ một lớp lông dày. Tốc lực tối đa của cáo lúc săn đuổi mồi nhanh đến 50km/giờ. Cáo có thể nhảy nhẹ nhàng như bay qua rào cao hơn 2m và bơi rất giỏi. Đặc biệt đôi mắt cáo được cấu tạo đồng tử hình trái xoan, có tầm nhìn xa và cực kỳ tinh tường. Cáo có thể nhìn thấy con mồi chuyển động cách xa trên 300m. Thính giác của loài cáo cũng đặc biệt nhạy. Cáo nghe được con gà túc túc gọi nhau xa hơn 300 bước, và nghe được tiếng bầy chuột rúc rích trong hang xa hơn 100 bước. Cáo nghe được tiếng vỗ cánh của con quạ bay xa gần nửa cây số. Còn cái mũi của loài cáo thính đến mức nó có thể phân biệt được mùi của các loại con mồi cách xa đến vài trăm mét.

Cáo là kẻ săn mồi tạp nhất nhì trong các loài thú. Mỗi ngày một con cáo ngốn hết gần 3kg thức ăn các loại động vật nhỏ: thỏ, sóc, chim, chuột, gà, vịt, thằn lằn… Cáo xơi hầu như tất cả các loài côn trùng, quả cây chín và không chê… xác động vật đang phân hủy.

Tập tục của loài cáo là thích sống “phóng khoáng” lang bạt. Giang sơn của cáo là cả cánh rừng bao la chứ không an cư cố định. Chỗ cáo ở thường là nó “đánh chiếm” của chồn hoặc xua đuổi các loài thú khác để cướp lấy. Ban ngày, cáo chỉ nằm im ẩn giấu tung tích để bắt mùi và định hướng con mồi ở bốn phía. Những lúc ấy, cáo có bộ mặt lờ đờ, đôi mắt khép hờ lơ đãng. Chờ đến sẩm tối lúc chim gọi nhau về tổ, chuột rúc rích rời hang thì cáo vụt đứng dậy, rùng cổ, giũ lông, khởi động móng vuốt. Sự gian giảo ranh mãnh hiện lên trong đôi mắt xanh lè của nó. Những đêm trời bức bối gió mưa, ẩm ương thời tiết, các nơi hoang vắng thường xuất hiện tiếng cáo. Lúc ấm ức như tiếng trẻ con, lúc nỉ non như tiếng tâm tình, lại có lúc rộ lên tiếng hú hét, gầm gào rùng rợn như có “chiến trận”. Ấy là thời điểm các “chàng” cáo giao tình. Những “chàng” cáo sung mãn dục tình hoang dã, điên cuồng săn tìm tranh cướp các “nàng” cáo. Bởi lúc động tình các “nàng” tiết ra “mùi hương” cực kỳ quyến rũ chúng. Mùi hương ấy do cái hạch nơi “nhạy cảm” của các “nàng” cáo tiết ra. “Mùi hương” ấy nồng hắc khắm khúa mũi người không thể chịu nổi. Vậy là “cuộc chiến” khốc liệt tranh giành để được làm chủ cái mùi hương “rất cáo” ấy nổ ra. Có những “chàng” si tình đã gục ngay tại trận. Loài cáo giao phối, sinh sản quanh năm không có mùa như nhiều loài thú hoang dã khác.

Sau gần hai tháng nằm trong bầu thai của mẹ, đàn cáo con ra chào rừng. Cáo cái đẻ cũng rất “kỷ lục cáo”, có lứa đến 10-12 con. Sau hai tuần, cáo con mở mắt, mọc răng sữa. Một tháng rưỡi, chúng bò ra cửa hang nô đùa nghịch ngợm. Cáo mẹ bắt đầu truyền nghề luyện phép cho con bằng cách ném con qua bụi rậm, vứt con lên cành cây, tha con bỏ xa tổ để buộc nó tự tìm về. Cáo mẹ bắt chuột, bắt chim về để rèn dạy cho đàn con các “miếng” cắn bắt, săn vồ mồi. Đến lúc đàn con bập bẹ biết hú - sau một năm - thì ra sống tự lập. Từ lúc mới đẻ, cáo mẹ phải tìm chỗ giấu biệt đàn con vì sợ “bố nó” rủ bạn về… xơi thịt. Cáo trưởng thành có thể nặng đến ngót chục ký lô. Con cái có hình dáng nhỏ, thon thả hơn con đực. Tuổi thọ của cáo trên chục năm. Nơi có nhiều thức ăn, có môi trường sống tốt thì tuổi thọ của cáo có thể dài hơn.

Trên thế giới, cáo có đến 27 phân loài (có tài liệu nói 45 phân loài), chia thành hai nhóm. Nhóm cáo sinh trú phương Bắc kích thước lớn hơn. Nhóm cáo phương Nam lông sáng màu hơn. Cáo phân bổ ở Bắc bán cầu đến Bắc Phi, Trung Mỹ và châu Á. Cáo sống song song với sự phát triển tiến hóa của con người, có lịch sử lâu đời bên con người. Loài cáo có gốc từ lục địa Á - Âu, tiến hóa và phát triển nhiều ở Trung Quốc. Hóa thạch của loài cáo được phát hiện sớm nhất ở Bulgaria - Hungary có tuổi từ 3,4 đến 1,8 triệu năm. Sau kỷ băng hà, loài cáo ở Bắc Mỹ phát triển nhanh và có khả năng dễ thích ứng với vùng địa lý nó sống. Loài cáo rất dễ biến đổi gien nên đã xuất hiện cáo bạch tạng, cáo hắc tố… Lông cáo có thể biến dị sang màu hung đỏ, vàng sẫm, màu xám, nâu hoặc phớt đen… theo môi trường sinh cảnh nơi nó ở. Thế kỷ 17-18, cáo ở châu Âu được người ta du nhập sang châu Úc thả vào các vùng đồn điền thuộc địa để phát triển thú vui săn bắn và để nó xua đuổi chim, thú, giữ bình yên những vùng cây ăn quả. Nhưng đến nơi có môi trường sống tốt, thức ăn nhiều, loài cáo đã phát triển cực kỳ nhanh. Cáo đã càn quét dọn sạch các loài động vật hoang dã nhỏ của bản địa. Một số loài đã tuyệt chủng. Rồi cáo còn táo tợn xông vào tận nhà dân rình bắt gia súc, chim cảnh… Cáo là loài gian giảo vào bậc nhất nhì trong các loài thú xưa nay. Ấy vậy mà có một kỳ tích làm ta nhớ đến nước Nga Xôviết. Hơn 40 năm trước đây, dự án thuần hóa giống cáo đỏ thành lông màu trắng bạc do nhà khoa học Xôviết Dmitri Belyaev (1917-1985) thực nghiệm. Trong hơn 40 năm, ông đã có kỳ công chọn lọc, nhân giống cáo để tạo ra những đặc điểm tự nhiên và các hành vi của nó thường xuyên thấy ở các loài động vật hoang dã khác đã được con người thuần hóa. Dưới bàn tay và trí tuệ của nhà khoa học Xôviết, con cáo hoang dã đã được biến đổi dần dần giống với chó nhiều hơn. Nó mất mùi đặc trưng “khắm khúa” của cáo. Nó trở nên thân thiện với con người. Rồi cáo thay đổi dần màu lông, đôi tai mềm rủ xuống, đuôi cong lên. Con cáo hoang đã biết vẫy đuôi vui thích khi người cho nó ăn, người vuốt ve lưng nó. Và, nó bắt đầu biết… sủa, từ biệt tiếng hú rùng rợn.

Hình tượng “quái thú” của loài động vật hoang dã này đã xuất hiện rất đẫm nét trong nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết, giai thoại văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt Trung Quốc tạo ra nhiều chuyện ly kỳ về loài thú hoang dã ăn thịt này. Họ gọi cáo là hồ ly. Cáo tu hành luyện đạo trăm năm thì đạt “yêu hồ” mọc ra 3 cái đuôi; tu luyện ngàn năm mọc ra 6 cái đuôi thì đạt “lục vĩ ma hồ”, và tu luyện thêm nữa khi mọc ra 9 cái đuôi thì đạt danh hiệu “cửu vĩ thiên hồ” nhất thế gian. Cáo tu hành luyện đạo trên nghìn năm thì trở thành người con gái sắc nước hương trời xinh đẹp tuyệt trần đạt danh hiệu “hồ cung chủ”, tương truyền sắc đẹp của Đắc Kỷ thời Trụ Vương chính là một “hồ cung chủ” thời đó. Đắc Kỷ đã làm mê muội hớp hồn những người đàn ông có quyền lực(1).

***

Ở nước ta, cáo còn có những tên gọi khác. Bà con người Tày, người Thái gọi là con ma này, con tu hân; người Châu Ma gọi là con xo rhao… Tên nào, âm chữ nào cũng biểu thị cho sự gian giảo, quái dị. Cáo sống được trong nhiều sinh cảnh khác nhau: luồn lủi ở bụi rậm, bìa rừng, ở miền trung du các vùng biên giới, ở các làng bản sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc. Đặc biệt cáo thích sinh trú ở những bãi tha ma lạnh lẽo, hoang vắng. Theo các tài liệu nghiên cứu và nhiều toán thợ săn nói rằng loài cáo sống ở nước ta có đặc trưng, tập tục không khác nhiều so với cáo sống ở các châu lục khác. Song sự gian giảo, tinh quái, liều lĩnh và lì lợm thì con cáo ở nước ta có phần vượt trội (có lẽ vì môi trường sống khắc nghiệt, phải giành giật miếng ăn để sinh tồn). Ví như khi đến chỗ ở, cáo thường thám thính địa hình xung quanh: đường đi tìm mồi, nơi có nhiều chim chóc côn trùng…, đường lẩn trốn lúc bị săn đuổi. Cáo biết cất giấu thức ăn dưới thảm lá rừng, dưới rêu cỏ để phòng ngày mưa không săn bắt được mồi. Cáo còn biết đánh lạc hướng thợ săn và chó đánh hơi truy đuổi bằng thủ đoạn vất con mồi vừa bắt được ra một hướng rồi chạy ngoặt về hướng khác để thoát thân. Điều đặc biệt, cáo không bao giờ chịu buông tha con mồi nó đã rình rập mà chưa bắt được. Nó sẽ nằm lì, bám sát con mồi cả buổi, cả ngày. Nó bò trườn như con rắn để tiếp cận con mồi. Cáo bắt mồi bằng miếng đánh hiểm “chộp nhanh vồ gọn” và giết chết tức khắc.

***

Dạo này rừng Tà Ngải lại có tiếng cáo hú. Những đêm trăng non, sương lạnh, lúc canh tàn dân bản lại xôn xao rùng rợn với tiếng hú ma quái ấy. Ông Giàng Pao, người Trưởng Công an già của bản, nghe ngóng rồi nói với anh Chỉ huy Đồn biên phòng rằng sao tiếng hú nghe lạ tai lắm. Tiếng hú ngắn, không vút cao, không rền dài như con cáo xám vằn đen hú ngày nào. Tiếng hú nghe sao cứ khàn khàn có lúc đứt hơi sau. Và rất lạ, mỗi lần cáo lại hú một nơi khác nhau. Đầu mùa trăng cáo hú ở Cồn Ma. Cuối mùa trăng cáo hú ở khe vàng. Lúc tàn canh đêm qua cáo lại hú ở Dốc Cun. Dân bản Tà Ngải đã râm ran bên các bếp lửa lời ông bà xa xưa kể lại trong bao ngày dài đêm vắng, mặt trời lặn mặt trăng tỏ, con cáo lông xám vằn đen đi luyện tu phép thuật thành yêu tinh nay đã trở về. Rồi nó sẽ mang rủi ro, tai họa về cho con người. Nhưng anh Chỉ huy Đồn biên phòng thì lại nghĩ khác. “Rất có thể có nhóm tội phạm hay nhóm lợi ích nào đó đang có mưu gian biến vùng biên cương xung yếu này thành ổ ma túy. Vì từ ngày có tiếng cáo hú đã có những kẻ lạ mặt lén lút vào bản. Và, người trong bản bỏ nương ngô không chăm, bỏ rẫy kê không làm cỏ mà chỉ chăm mang túi, xách gói xuống chợ. Muốn rèn dao phải giũa sắt ngay khi vừa nung đỏ”. Nghĩ vậy, anh Chỉ huy Đồn biên phòng điều ngay các Đội chiến đấu phối hợp cùng dân quân bản Mông “giăng bẫy” những nơi có tiếng cáo hú.

Một đêm trăng mờ ảo, mây mù màu sữa non che phủ non ngàn. Rừng bản vùng biên chìm sâu trong bầu không khí trầm lắng mênh mông. Bỗng có tiếng động trên thảm lá chuyển dịch từ đường biên về phía Cồn Ma. Hai “cáo đen” xuất hiện. Chúng mang ba lô nặng dò dẫm từng bước. Rồi chúng lọt vào… “bẫy”. Hai “cáo đen” khai rằng, chúng chuyển ma túy chính hiệu “Sư tử vàng” từ Tam giác vàng sang vượt biên đưa vào Tà Ngải. Chúng nhại tiếng cáo hú để làm tín hiệu gọi bọn tội phạm đã móc nối ra nhận hàng. Mỗi chuyến chúng giao hàng một nơi để tránh bị phát hiện. Hai “con cáo” được đưa ngay về bản. Ông Giàng Pao soi bó đuốc sáng rực vào chúng để dân bản nhìn rõ mặt “cáo”. Ông nói: “Chúng mày đúng là cáo lại nòi rồi. Cáo tu luyện nghìn năm thành người, nay chúng mày muốn lại nòi thành cáo”. Ông vụt cho mỗi đứa một gậy rồi nói to: “Dân bản ơi, con chim cứ cư(2) tốt bụng thì ta nhuộm đẹp màu lông, sơn mỏ cho nó, ngồi nghe nó hót. Con cáo dối trá, gian giảo xấu bụng thì ta cắt lưỡi nó đi. Ta phải cho hai “con cáo” lại nòi này chết đen như ngón, chết xám như than, chết héo chết tàn như tàu lá úa…”.

Mấy ngày sau ở Nhà văn hóa cụm dân cư vùng giáp biên có bài thơ bằng chữ phổ thông và chữ Mông của chú biên phòng viết trên giấy dán ở Bản tin.

“Con cáo tu luyện nghìn năm thành người

Nay có đứa muốn lại nòi thành cáo

Hú hét giữa rừng khuya nghênh ngáo

Gọi ma về đưa cái chết đến cho người.

Dân bản ta ơi

Hãy biến cáo lại nòi thành phân nuôi cây rừng xanh lá

Hãy quẳng “cáo” cho hổ vằn hổ hoa

Ném “cáo” xuống vực sâu làm mồi cho cá

Để con người mãi mãi là người

Rừng trúc thổi khèn suối nước dìu dặt tiếng đàn môi

Nương cải hoa vàng gọi bướm ong về nếm mật ngọt.

Hết cáo lại nòi chim cứ cư rủ nhau về hót

Đón mùa ngô và làm tổ đợi bạn tình

Biên cương thơm gió thanh bình…”.

 

_____

(1) Truyền thuyết về những con vật thần bí - Minh Thư sưu tầm.

(2) Chim cứ cư có tiếng hót hay, lông đẹp, đôi mắt khuyên vàng.

TRẦN HỮU TÒNG