Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp từ ngày 5-5 đến 10-5-2017 đã ra quyết định kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh với hình thức đưa ra khỏi Bộ Chính trị, giáng chức làm Phó ban Kinh tế Trung ương.
Chúng ta vui mừng thấy kết quả kiểm tra và kết luận xác đáng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, làm Chủ nhiệm. Theo đó, ông Thăng đã vi phạm nhiều quy định để ra những quyết định sai trái, làm thất thoát những tài sản lớn, khi ông làm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp xúc với cử tri Hà Nội vừa qua, nói rằng: “Về mặt chính quyền, đang tiếp tục xử lý” và “các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện” (theo VGP News), “đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm” (theo VnExpress).
Đây là vụ kỷ luật liên quan đến một cán bộ cấp chiến lược Bộ Chính trị, nên người dân, dư luận trong, ngoài nước rất quan tâm. Trước nhất, nó liên quan đến công tác tổ chức cán bộ đã để lọt lưới vào cấp cao nhất một cán bộ như vậy. Thứ hai, ai cũng biết rằng, giữ những trọng trách trong nền kinh tế đất nước, ông Thăng đã vi phạm kỷ luật khi ra những quyết định sai, hại lớn; còn thì ông và những người khác, khi ngồi trên đống vàng đống của do mình quản lý, liệu có “liêm chính” mà không tơ hào? Hiện trong xã hội, nhân dân đều biết loại cán bộ quản lý kinh tế như thế, nhiều kẻ đang rất giàu, “giàu như Thạch Sùng”. Nhưng phải có điều tra, xét xử ra chứng cớ thì mới thu hồi được phần nào của cải thất thoát. Quan tham sợ nhất là mấy cái này, chứ mất chức, thậm chí “mất Đảng” họ cũng chả ngán. Đây là việc khó, nhưng ta cũng nên học các nước (như Trung Quốc, Hàn Quốc…) mà làm. Ta nói tham nhũng có thể làm mất chế độ. Chế độ này xây trên công lao, xương máu bao thế hệ, nhưng nó không phải “mình đồng da sắt”, phá hoại mãi thì nó sẽ phải suy.
Vẫn biết rằng, ông Thăng khi làm việc cũng có thể có công. Ví như lúc làm Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, ông tỏ ra là người năng động, nghe dân, lo cho công việc… Nhưng liệu rằng đó có phải là bản chất không, liệu rằng công ấy có chuộc được tội không? Vấn đề không phải là cá nhân ai, đứng trước đất nước, nhân dân, mọi cá nhân đều nhỏ. Nhưng xử lý phải đúng người đúng tội thì phép nước mới nghiêm minh. Đây chúng tôi nghĩ vậy thôi, có thể là nghĩ cạn, đừng ai ngờ chúng tôi ghét gì ông Thăng… Dân TP.Hồ Chí Minh nhiều người cũng thích cách ứng xử linh hoạt, trẻ trung của ông ấy… Nhưng ngay từ đầu, các vị cán bộ lão thành ở đây, nhiều người tỏ ý nghi ngờ quá trình liêm chính có tai tiếng của ông ấy…
Bài học này đáng cho chúng ta ngẫm nghĩ sâu.
Bây giờ người thay thế ông Thăng là ông Nguyễn Thiện Nhân. Là tiến sĩ Tự động hóa ở CHDC Đức trước đây, ông Nhân được phong là giáo sư Kinh tế ở ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2002, khi ấy ông là Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ra làm Bộ trưởng Giáo dục rồi làm Phó thủ tướng phụ trách giáo dục - văn hóa…, ông được cho là người “tốt bụng”, nhưng chưa làm người ta tin tưởng ở các quyết sách chiến lược về việc mở nhiều đại học, về đào tạo 20.000 tiến sĩ… Quả thật lĩnh vực ông phụ trách là rất khó. Rồi ông vào Bộ Chính trị, qua làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, người ta thấy ông năng động, yêu công việc, làm cho công tác này khởi sắc. Ông nói: phải lấy sự hài lòng của dân làm thước đo cho lãnh đạo. Ông nói như vậy, đúng quá, hay quá! Phải trải qua công tác Mặt trận mới nói được câu chí lý ấy.
Công việc ở TP.Hồ Chí Minh, nơi gánh gần 1/3 ngân sách và chiếm 1/4 GDP cả nước thật không dễ dàng. Thuận rất nhiều, nhưng khó cũng lắm. Thành phố đang thiếu vốn, và cũng thiếu cả người…, tốc độ phát triển của nó phải gánh cho cả các vùng nghèo khó của cả nước… Thế mà nó lại chưa phải là nơi đứng đầu về chỉ số đầu tư hấp dẫn của cả nước… Chúng tôi chưa nói đến văn hóa, giáo dục… nhìn kỹ vào, nó đang khủng hoảng trong khủng hoảng chung, vực nó lên để cho có con người, trước hết là năng suất lao động của con người, bằng các nước quanh vùng, không phải dễ.
Rất mong là ông Nguyễn Thiện Nhân, qua quá trình thể nghiệm nhiều công tác, sẽ cùng với Thành ủy có những quyết sách xứng tầm, để lập nên kỳ tích trong việc lãnh đạo một vùng đất then chốt của Tổ quốc.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trần Đại Quang đến Bắc Kinh là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Trung, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Đó là sự củng cố và làm sâu thêm các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại… đã có, cam kết giữ gìn hòa bình trên biển Đông theo những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, theo DOC và tiến tới COC, trước hết không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế…
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (có thể đã lên đến 100 tỉ USD theo cách tính của Trung Quốc, còn theo Việt Nam thì phải phấn đấu đến năm 2020). Làm thế nào cho hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản, nông nghiệp… vào Trung Quốc nhiều hơn, và Việt Nam bớt nhập siêu hàng Trung Quốc nhiều hơn để cán cân thương mại cân bằng? Làm thế nào để Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam những gói đầu tư chất lượng cao, không ảnh hưởng đến môi trường?... Trong tình hình chính quyền D. Trump (Mỹ) chưa đưa ra được chính sách đối với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thì Trung Quốc chủ động đi bước trước. Xem xét tất cả các mặt, Việt Nam tăng cường quan hệ với Trung Quốc, trên cơ sở bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của mình là hợp lý. “Chuyến thăm của ông Trần Đại Quang tới Bắc Kinh cho tới nay thể hiện nỗ lực của hai phía muốn giảm căng thẳng về tranh chấp tại biển Đông và tập trung vào hợp tác kinh tế” (báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng). Tính đến tháng 3-2017, Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng số vốn trên 11 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam (đứng thứ 8/116 nước). Piotr Tsvetov (Sputnik, Nga) bình luận, đại ý: Những năm 1950, quan hệ Việt - Trung là như “môi với răng”. Lần thăm này, quan hệ hai nước sẽ lên tầm cao mới, hơn cả mối quan hệ “môi - răng” trước đây… Cảnh Sáng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cùng quan điểm như vậy.
Chúng ta vui mừng trước kết quả chuyến thăm. “Được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ” - tục ngữ Việt Nam nói thế. Chúng ta coi trọng quan hệ với nước lớn láng giềng Trung Quốc, mong muốn hòa bình, hợp tác… có lợi cho hai nước. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy, sẽ là không đơn giản.
Còn về sáng kiến “Vành đai và con đường” trị giá đầu tư 900 tỉ USD của Trung Quốc với tham vọng lớn, tạo hành lang kinh tế vươn ra Âu - Á - Phi với Trung Quốc là trọng tâm, mà Việt Nam tham dự diễn đàn, cũng chưa rõ là Việt Nam sẽ tham gia như thế nào? Có thể Việt Nam sẽ hợp tác với Trung Quốc qua một cảng biển, như Hải Phòng, chăng? Trước mắt, Trung Quốc tuyên bố cam kết chi 124 tỉ USD cho đại dự án này(1). Nếu Trung Quốc giúp Thái Lan 28 tỉ USD để đào kênh đào Kra Isthmus thì liệu có làm đảo lộn hệ thống thương mại, địa chiến lược của Đông Nam Á không?(2)
Sau chuyến đi Trung Quốc này, sẽ là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tất nhiên, quan hệ thương mại - kinh tế giữa hai nước (sau khi Mỹ rút khỏi TPP và “tố” Việt Nam là nước đứng thứ 6 phá giá đồng USD - Việt Nam xuất siêu khoảng 30 tỉ USD sang Mỹ) sẽ được bàn thảo, và kể cả vấn đề biển Đông. Ông Trump đã nhận là sẽ tham dự APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11 tới, đó là một tín hiệu tích cực. Mong rằng quan hệ hai nước sẽ ấm lên.
_____
(1) Dự án này còn nhiều ngờ vực, 6 nước châu Âu (Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Estonia) từ chối ký thông cáo chung ngày 15-5-2017 khi Hội nghị bàn tròn của diễn đàn kết thúc.
(2) Kênh đào Kra Isthmus dài 100km ở miền Nam Thái Lan, nhằm rút ngắn hải trình của tàu bè Trung Quốc chở dầu từ Trung Đông về Quảng Châu (rút ngắn 1.200km so với tuyến đường qua eo biển Malacca).