HV115 - Tháng ngày lên rẻo cao

Đường lên Xín Mần

Cuối năm 1962, Đoàn ca múa miền Nam chưa ổn định tổ chức, chưa tiến hành xây dựng chương trình, tôi được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa, điều động lên vùng núi Tây Bắc và Việt Bắc để nắm tình hình hoạt động và phương hướng nghệ thuật của các đoàn ca múa chuyên nghiệp.

Ngày đầu tôi lên Hà Giang thì Đoàn ca múa tỉnh nhà đang lên đường đi biểu diễn ở huyện Hoàng Su Phì, rồi lên Xín Mần. Ban lãnh đạo Ty Văn hóa bảo tôi hãy chờ đoàn về; vả lại, đường xa xôi hẻo lánh, không an toàn. Thấy tôi cương quyết đòi đi, muốn trực tiếp xem Đoàn ca múa trình diễn, ty bèn cử một cậu nhiếp ảnh đi dẫn đường.

Trời vừa chạng vạng, chúng tôi đến thị trấn Hoàng Su Phì. Ngủ nhờ nhà tổ trưởng khu phố thì gặp cuộc họp phụ nữ. Mấy bà họp để đăng ký chỉ tiêu: giảm bớt cữ hút thuốc phiện trong tháng tới! Vì sao phụ nữ ở đây bị ghiền thuốc phiện? Được biết, mỗi lần bị cảm cúm, nhức đầu, xổ mũi, ho hen, đau lưng, đau bụng, nhức mình nhức mẩy… đều dùng đến thuốc phiện để trị bá chứng. Riết rồi mắc bịnh ghiền luôn!

Sáng hôm sau, trước khi lên đường đi lên Xín Mần, cậu dẫn đường cảm thấy không được khỏe lắm, xin được trở về thị xã Hà Giang. Tôi bị hụt hẫng, đành chia tay cậu ta. Còn lại một mình, không còn cách nào khác, tôi đành nổi máu phiêu lưu mạo hiểm, trực chỉ về thị trấn Xín Mần! Đây là con đường đất ngoằn ngoèo, trơn trợt. Hai bên đường là vách đất rêu phong. Con đường có nhiều đoạn dốc, không một bóng người. Nếu nhằm đúng chợ phiên ở Hoàng Su Phì, chắc bà con các dân tộc và ngựa thồ đi về tấp nập…

Mặt trời sắp lặn. Tôi bị đuối sức, mỏi cẳng, nhễ nhại mồ hôi, bụng đói, cổ họng khát khô. Ngồi nghỉ xả hơi và nghĩ ngợi mông lung. Phải chi mình đừng dễ dãi cho cậu nhiếp ảnh quay về nhỉ? Tôi nhai cái bánh dầy lạt nhách, uống vài ngụm nước ở khe suối. Tôi nghĩ tối mà ngủ dọc đường giữa rừng núi hoang vu thì gay go lắm.

Nghe đồn trên con đường này có một chuyện lạ: “Phiên chợ tàn, có một người Mông chuyên bán món thắng cố, đội cái chảo đụn trên đường về bản làng. Tới một khúc quẹo um tùm cỏ tranh thì… thình lình có một con cọp từ trên lao xuống định vồ mồi. Nào ngờ, cọp ta ôm phải đít chảo đụn. Cái chảo cùng với con cọp quay tít thò lò. Cọp ta hoảng hồn, té đái, phóng nhanh xuống vực! Cái cổ ông già bị quay tròn như cái lò xo!”. Nhớ lại “chuyện cổ tân trang” này, tôi rởn tóc gáy, bèn mau mau đứng dậy tiếp tục hành quân. Thật không ngờ, mới vừa quẹo khúc cua thì nhà cửa thị trấn Xín Mần chình ình ngay trước mặt!

Anh chị em Đoàn ca múa đón tiếp tôi thân mật như người nhà. Trưởng đoàn Hứa Ninh và phó đoàn Hà Huy Hiền tỏ vẻ “phục” tôi lắm, nói tôi bộ có uống mật gấu hay sao mà dám lên đây một mình.

Ở Xín Mần, ngày hay đêm, hễ mở cửa ra thì mây ùa vào tràn ngập cả nhà. Ngoài chợ, người bán phải thắp đèn dầu, kẻ mua phải bấm đèn pin. Còn ăn phở, phải nêm một tí dầu ớt cay xé cổ họng, miệng hít hà, mồ hôi lâm râm nhỏ giọt, mới cảm thấy ngon. Một củ cải trắng trồng trên đất này to đùng, xào cho cả gia đình ca múa ăn không hết. Các bà, các chị và trẻ con đều cầm một khúc củ cải sống nhai giòn giải khát. Xung quanh nhà cửa, phố xá toàn là những cây hồng sum suê, đầy trái chín mọng. Chim họa mi bay về chuyền cành, hót líu lo, lảnh lót cả bầu trời. Nhà nào cũng có những lồng họa mi treo trước mái hiên.

Đoàn ca múa Hà Giang có nhiều thành phần dân tộc: Việt (Kinh), Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Hoa. Nổi tiếng nhất là nghệ sĩ Sùng Thị Mai, người dân tộc Mông, là “chim sơn ca” và cũng là nghệ nhân thổi kèn lá rất điêu luyện (bất kỳ loại lá cây nào). Chị còn là “bảo tàng sống” về những làn điệu dân gian Mông ở vùng địa đầu đất nước. Tôi vẫn còn mãi nhớ cô gái người Lô Lô trẻ đẹp Vương Ngọc Vấn, là nhạc công accordéon (đến năm 1969 là sinh viên khoa Sáng tác Đại học Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội, đồng môn với nhạc sĩ Xuân Hồng).

Đường đến Bắc Mê

Tôi được qua Cổng Trời, lên Đồng Văn, tới Lũng Cú… Được cưỡi trên lưng ngựa, tay cầm súng tiểu liên của bộ đội biên phòng để… chụp hình một kiểu làm kỷ niệm. Ghé tham quan cơ ngơi của Vua Mèo Vương Chí Sình. Gặp chợ phiên, làm gan xơi một tô thắng cố thịt dê, nấu trái su su với ruột non. Phải nốc một bát rượu ngô, nhai vài trái ớt chỉ thiên và mấy lá mùi tàu (ngò gai) cho tan dần cái mùi đặc biệt của thắng cố mới ăn lần đầu.

Khoảng năm 1964-1965, theo đề nghị của nhà thơ Nông Quốc Chấn, Vụ trưởng Vụ Miền núi kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, tôi lại lên Hà Giang cùng đi với Đoàn ca múa Hà Giang về huyện Bắc Mê.

Tất cả hành lý, phục trang, phông màn, nhạc cụ, đạo cụ đều do đoàn ngựa thồ vận chuyển. Trưởng, phó đoàn và diễn viên đều lội bộ. Tôi chống gậy hăng hái vượt lên trước để “lấy le” với mấy cô gái dân tộc thiểu số trẻ măng, xinh đẹp. Đường mòn nhỏ hẹp và trơn trợt, hai bên vệ đường toàn cây mùi tàu quào xước mu bàn chân ri rỉ máu, ngứa ngáy khó chịu. Lâu lâu gặp một khoảnh đất mọc đầy rau tía tô, lá có hai màu xanh - nâu hai mặt rung rinh ngửa úp theo làn gió. Đám rau này mà hái đem về Hà Nội bán có thể kiếm được bộn tiền. Khi cả đoàn người ngồi nghỉ giải lao bên bờ suối, tôi bỗng phát hiện bên vách đất rêu phong ẩm ướt, có vô số rau dấp cá lá tươi xanh mơn mởn. Tôi và bạn Tân Xô Lực (người Quảng Ngãi, chơi violon) hái một bó để dành cho bữa cơm chiều. Lúc đầu, có vài người ăn chưa quen, chê tanh. Chỉ mấy người ăn thử, chấm rau với cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với thịt heo luộc cùng nhâm nhi một hớp rượu thì… thấy ngon đáo để!

Giờ nghỉ giải lao đã hết. Đoàn ngựa thồ vừa qua suối thì… bỗng đâu, nước từ thượng nguồn chảy xuống ầm ầm, cuốn theo cây cối tróc gốc. Lũ xuống bất ngờ. Ai nhanh chân thì lội qua bờ bên kia. Tôi liền “bồng” chị cấp dưỡng (cũng may chị ấy nhỏ nhắn), vượt qua dòng nước đang chảy xiết, đến bờ an toàn. Phân nửa quân số khoảng 20 người còn kẹt lại. Nước lũ vẫn đổ xuống ào ào, nhìn con hoẵng bị nước cuốn trôi đi mà cảm thấy thèm thuồng, luyến tiếc!

Nước rút cũng nhanh. Số người bị kẹt cũng đã lội qua được bên này bờ suối. Mặc dầu, người và quần áo đều bị ướt át, có người bị lạnh, run lẩy bẩy, nhưng phải lên đường. Trời chạng vạng thì chúng tôi đến nơi sắp biểu diễn. Cả đoàn đóng quân trong nhà kho. Mọi người hong áo quần, sưởi ấm quanh những đống lửa. Có người cho rằng hình ảnh tôi bồng chị nuôi vượt qua suối trong dòng lũ quét giống hệt điệu múa trong vũ kịch Hồ Thiên nga!

Sáng hôm sau, tôi rủ Tân Xô Lực đi dạo, ngắm nhìn cảnh vật. Thấy những đống đá chồng chất nằm rải rác bên sườn đồi, mới biết đó là những nấm mồ chôn cạn của người Dao.

Hai đứa xuống suối mò bắt được vài con cá bằng nửa bàn tay. Rồi nhổ vài bụi khoai môn bên bờ suối, đem lên nhóm lửa nướng ăn chơi. Mùi khói thơm mấy củ khoai lùi nóng hổi làm muốn ăn liền. Nào ngờ, đó là khoai môn dại nên cuống họng hai đứa ngứa ngáy thiếu điều nhảy dựng. Phải chi mượn được cái bồ cào của lão Trư Bát Giới để thọc vô tận cổ họng mà quào thì đã ngứa biết bao?!

Đêm diễn bắt đầu. Tiết mục nào cũng đều được khán thính giả tỏ ra thích thú. Chỉ có điều không quen vỗ tay tán thưởng. Ông chủ tịch xã bèn nhảy lên sân khấu đất, nói bằng tiếng dân tộc thiểu số, đại khái:

- Văn công hát hay không, dớ?

- Có!

- Văn công múa giỏi không, dớ?

- Có!

- Sao không chịu vỗ tay?

Rồi ông chủ tịch làm thị phạm, khán giả vỗ tay theo cho đến khi rập ràng, rôm rốp mới thôi.

Để kết thúc đêm diễn thường có một vở kịch nói của ông trưởng đoàn Hứa Ninh. Kịch đang diễn đến hồi cao trào thì bỗng nhiên có một cụ ông, đầu đội mũ bê rê đen, tự nhiên như ở nhà, bước lên ngồi chồm hổm giữa sân khấu, lấy “đạo cụ” là ống điếu thuốc lào, châm lửa hút một hơi thoải mái. Cụ vừa ngây ngất phun khói thành hình tròn, vừa coi các vai diễn. Rồi cụ đi ngả nghiêng đến bàn, rót nước trà hớp một ngụm, phun phèo phèo làm cho khán giả cười rộ lên (như có thêm tiết mục).

Chúng tôi lại lên đường tới một bản làng khác. Được một ngày nghỉ xả hơi. Khuya hôm đó, tổ đi săn của anh Hà Huy Hiền khiêng về một con hoẵng. Hôm sau, để ăn mừng “bồi dưỡng sức dân”, có một trận bóng đá “giao hữu” giữa tổ nhạc với tổ múa. Sân bóng nhỏ hơn sân bóng chuyền, nên mỗi đội chỉ đưa ra sân chừng 4 hoặc 5 cầu thủ. Tôi và Tân Xô Lực đá bên tổ nhạc, là hai “ngôi sao” sáng giá nơi núi rừng này nên làm bàn liên tục. Có điều, sân nhỏ mà ở trên cao, nếu đá trái banh bay bổng lên trời, ra ngoài sân, thì trái banh rơi xuống vực. Mất hơn mười phút lượm trái banh lên, lại bị đá bay xuống vực nữa.

Cổ động viên múa và nhạc vì binh đội nhà nên cãi vã đến hồi cao trào. Mấy cô gái văn công rẻo cao đâu có rành luật lệ bóng đá. Có một hai cô tức tối với nhau đòi thôi việc, bỏ về nhà!? Ban lãnh đạo phải năn nỉ ỉ ôi mới đi đến “hòa giải dân tộc”.

***

Sau một đợt đi biểu diễn, ban phụ trách thường hay mở tiệc liên hoan mừng thắng lợi. Tổ “hậu cần” cấp dưỡng qua cầu Vị Xuyên mua về đủ thứ gia vị: cà ri, riềng, tỏi và khiêng về một… con vện mập ú.

Trưởng đoàn Hứa Ninh đang thảo “đít cua”. Phó đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật Hà Huy Hiền vừa viết xong bản tổng kết thành tích và biểu dương những người xuất sắc. Có mời một số đại biểu các ban ngành, trưa nay cùng đến nhâm nhi tí rượu để hạ “cờ tây” (cầy tơ). Mọi người chộn rộn, tất bật như ngày hội. Nào là trang trí hội trường, treo khẩu hiệu. Nào là chuẩn bị bát đĩa, giã riềng, nấu nước sôi để cạo lông cầy. Con vện bị treo lủng lẳng trên cành cây sát bờ sông, cậu Xường diễn viên múa cao kều và khỏe mạnh, đang cầm cây gậy, mặt mày căng thẳng chuẩn bị hạ “cờ tây”. Một tiếng cổn vang lên lạ lẫm, rồi những tiếng kêu “ẳng ẳng”. Có lẽ anh chàng sát thủ lấy hết sức lực, đập thật mạnh, ai dè trúng sợi dây làm rơi con vện lăn cù xuống đất. Con vện hoàn hồn, tháo chạy trước mặt một người đang bưng nồi nước sôi đến để cạo lông. Anh ta nhìn con mồi, chỉ biết la ú ớ: nó… ó…! Vện ta chạy ra đường phố, băng qua cầu, rồi thoát trên đường mòn của núi rừng thăm thẳm.

… Đã gần 50 năm, nhưng những ký ức về mảnh đất và con người Hà Giang vẫn đeo đẳng mãi một thời tuổi trẻ đầy thi vị của đời tôi. Tôi không biết anh Hứa Ninh hiện giờ đang ở đâu. Còn nhạc sĩ Hà Huy Hiền từ lâu đã định cư tại thành phố Đà Lạt. Tôi chưa có dịp gặp lại hai người đẹp của “cao nguyên đá”: Sùng Thị Mai và Vương Ngọc Vấn. Chúc hai cô em hạnh phúc và may mắn…

LƯ NHẤT VŨ