HV115 - Văn hóa khoa học và trách nhiệm đạo đức của người nghiên cứu

Hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong đời sống văn hóa khoa học ở nước ta hiện nay

Những vi phạm đạo đức, gian dối trong khoa học đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng vào thời đó, khoa học chưa thật phát triển, nên nội tình nghiên cứu thời ấy ta vẫn chưa có điều kiện biết đến một cách cụ thể. Ngày nay, khoa học đã phát triển bùng nổ chưa từng thấy, trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm thay đổi thời đại, đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho nhân loại. Nhà nước và các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh tế… đã bỏ ra những khoản ngân sách lớn đầu tư vào các chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho kinh tế và quốc phòng, đặt ra nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế… Làm khoa học ngày nay vừa có danh vừa có lợi, nên có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trí thức và khoa học.

Nhân loại mãi mãi biết ơn và vinh danh những nhà bác học thiên tài đã cống hiến cho loài người những phát minh vĩ đại làm biến đổi thế giới. Nhưng tiếc rằng, bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, không thể quy tất cả những vụ xì căng đan trong khoa học đều là do háo danh, vụ lợi; nhưng dù vô tình hay hữu ý, do chủ quan, sơ suất, hay cả tin… thì ít nhiều cũng đều có liên quan đến trách nhiệm đạo đức của người làm khoa học.

Những năm gần đây, ngay ở các quốc gia phát triển nhất, đã liên tiếp xảy ra những vụ bê bối trong khoa học, mà tiếc thay, trong số những can phạm lại có những nhân vật tên tuổi trong giới chính khách và khoa học gia. Hàn Quốc - một quốc gia phát triển ở Đông Á - thế mà có thời gian bị coi như mắc bệnh “kinh niên” về gian dối, đạo văn trong khoa học. Có lẽ vụ tai tiếng nhất làm bàng hoàng tất thảy mọi người dân xứ Hàn là “Vụ án tế bào gốc” do Giáo sư Hwang Woo-Suk, một nhà khoa học nổi danh, một ứng viên Giải Nobel của Hàn Quốc, gây ra. Đây là một công trình bị coi là đã ngụy tạo về dữ liệu, gian dối trong phân tích, lạm dụng danh tiếng của mình để được nhận những khoản tài trợ lớn, lên tới 40 triệu USD! Ông bị buộc tội đã phạm vào luật đạo đức y học, tội lừa dối và tham ô, phải nhận mức án 2 năm tù, bị mất tất cả thanh danh, sự nghiệp và tiền bạc(1).

Tổng thống Hungary Pal Schmitt được bầu lên năm 2010, bị cáo buộc đạo văn khi viết luận văn tiến sĩ, bảo vệ năm 1992, nên đã bị tước bỏ học vị này, sau đó phải từ chức Tổng thống (năm 2012). Bà Silvana Koch Heyneman, nữ chính khách của Đảng Dân chủ tự do Đức (FDP) đã phải tuyên bố từ chức Chủ tịch FDP tại Nghị viện châu Âu và chức Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, cũng vì bị buộc tội đạo văn khi viết luận án tiến sĩ. Ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức, cũng bị tước bằng tiến sĩ vì bị cáo buộc đã sao chép một phần trong luận án tiến sĩ Luật của một người bảo vệ trước ông tại Trường đại học Bayreuth, nơi ông soạn và bảo vệ luận án tại đây năm 2007(2).

Có thể dẫn ra nhiều vụ việc khác nữa từng diễn ra ở Mỹ, ở Trung Quốc và nhiều nước khác, để thấy rằng những vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học là điều thường có thể xảy ra khi một vài người làm khoa học thiếu đi sự trung thực, để cho danh lợi vấy bẩn lương tâm, dẫn đến hủy hoại sự nghiệp và danh vọng cả một đời phấn đấu và gây dựng. Có điều ở các nước đó, khi sự việc được phát hiện, người ta không hề bưng bít để bảo vệ lẫn nhau, không sợ “xấu chàng hổ ai”, mà đã dũng cảm phanh phui và nghiêm khắc xử lý, vì danh dự quốc gia và sự trong sạch của một nền khoa học chân chính.

Còn ở nước ta, khỏi phải chứng minh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép đang tràn ngập thị trường khoa học Việt Nam, các “chợ luận văn” thạc sĩ, tiến sĩ mọc lên như nấm quanh các trường đại học, đề tài nào, chuyên ngành gì cũng có, vấn đề là giá cả bao nhiêu? Điều này giải thích tại sao nhiều trung tâm đào tạo không dám công khai đưa lên trang web của đơn vị mình những luận văn, luận án đã bảo vệ thành công sau mỗi khóa đào tạo - một điều kiện để xã hội có thể giám sát, đánh giá, phát hiện, nhằm đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực đang ngang nhiên diễn ra trong đời sống học thuật của nước nhà!

Đó là chuyện các sinh viên, nghiên cứu sinh đang tập dượt làm nghiên cứu khoa học, nhức nhối hơn là chuyện của các “lão làng” đã có tên tuổi, có danh hiệu, cương vị mà vẫn mắc vào chuyện đạo văn. Trong cuốn sách Bàn phím và cây búa(3), nhà phê bình Nguyễn Hòa đã vạch ra 6 trường hợp đạo văn, đạo công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và nước ngoài để đưa vào giáo trình và sách chuyên khảo do một số vị phó giáo sư, giáo sư có “tên tuổi” viết mà chúng tôi không tiện nêu lại ở đây.

Đáng sợ là ở nước ta không phải chỉ có chuyện đạo ý tưởng, số liệu, sự kiện… mà có người còn đạo cả một chương sách, thậm chí đạo cả một công trình, thay đổi bìa, đề tên mình vào, in thành sách rồi phát hành công khai. Theo báo Hà Nội mới, ở một trường đại học của tỉnh Thanh Hóa đã có đến 6 tiến sĩ đạo văn, trong đó một nữ tiến sĩ đã lấy 3 công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học của cố GS Đỗ Hữu Châu và GS Diệp Quang Ban, đề tên mình vào, nhân bản hàng trăm cuốn rồi bán cho sinh viên.

Gần đây nhất, tháng 10-2013, một ông phó viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng, thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, bị thu hồi bằng tiến sĩ và đang bị kiến nghị tước chức danh phó giáo sư do bị phát giác trong luận án tiến sĩ ông bảo vệ năm 2003 đã “đạo” tới hơn 30% luận án của một tiến sĩ khác thuộc Học viện Ngân hàng, đã bảo vệ năm 2002(4).

Trên đây dù sao cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo báo cáo của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa ra thì trong tổng số các tiến sĩ của ta hiện nay (số liệu năm 2008) chỉ có 30% là các nhà nghiên cứu trực tiếp làm khoa học, 70% còn lại là các nhà lãnh đạo - quản lý và doanh nhân(5)! Một con số đáng kinh ngạc: các nhà quản lý, doanh nhân vì sao phải ồ ạt đi làm tiến sĩ nhiều như vậy, đề tài luận án của họ có thuộc các chuyên ngành khoa học kinh tế và khoa học quản lý hay không, kết quả nghiên cứu của họ đã có đóng góp gì vào việc đổi mới và phát triển của đất nước?

Thực chất giá trị khoa học của các luận án đó như thế nào, ai cũng đoán được, nhưng ít ai muốn đụng vào, bởi đây là một cuộc chiến không dễ dàng. Nói như GS Vũ Cao Đàm: “Ở nước ta, phanh phui những cái xấu có khi còn bị lên án hơn cả chính những tên tội đồ!”(6), nên có khui ra thì rồi cũng dễ trở thành chuyện “ném bùn sang ao”, vì vậy “tảng băng chìm” của vấn nạn “mua bằng, bán điểm” này vẫn sẽ còn tiếp tục chìm trong im lặng.

Tại sao nạn gian dối trầm trọng ấy lại chậm được khắc phục? Không khó để lý giải hiện tượng đáng xấu hổ này.

Trước hết, phải thừa nhận rằng những di chứng nặng nề của nền giáo dục Nho giáo cùng với căn cốt tiểu nông ngày xưa vẫn còn đeo bám dai dẳng trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp hành xử của con dân nước Việt hiện tại. Chúng ta vẫn chủ yếu dạy theo cách nhồi nhét kiến thức, nặng về áp đặt một chiều, không khuyến khích đối thoại, phản biện, tìm tòi sáng tạo cái mới; muốn được điểm cao, học sinh cứ phải học thuộc lòng rồi trả bài nguyên xi theo lời thầy giảng (kể cả những điều sai). Chính cách dạy, cách học ấy đã đặt cơ sở cho sự hình thành nạn sao chép, đạo văn, nhai lại. Một nhà giáo dục nước ngoài đã phải thốt lên: “Thảm họa cho nền giáo dục nào không dạy cho trẻ em biết hoài nghi” (C. Darrow). Bởi không biết “hoài nghi khoa học” thì sẽ không chịu tìm tòi, lật đi lật lại, khám phá đến cùng để phát hiện chân lý. Một nền giáo dục cứ kiên trì bám lấy những kiến thức lạc hậu, cũ kỹ, đã bị thời đại vượt qua, thì xã hội ấy khó mà đổi mới và tiến lên được.

Nho giáo trọng danh chứ không trọng thực, dùi mài kinh sử để đi thi, làm quan, không được làm quan thì vẫn là ông Cử, ông Tú, có chỗ đứng vinh vang giữa xóm làng. Thói háo danh ấy nay vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội ta. Tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư là học vị, chức danh chỉ dành cho những người làm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tức là của giới hàn lâm; một khi đã là doanh nhân hay đã chuyển sang làm chính khách rồi, thì các danh hiệu đó chẳng còn ý nghĩa gì đối với những việc ngoài khoa học. Thế nhưng khi giới thiệu một vị lãnh đạo trước đám đông, người ta vẫn cứ giới thiệu kèm theo đầy đủ các danh hiệu giáo sư này, tiến sĩ nọ, chỉ cốt để khoe sang chứ các danh hiệu đó chẳng thể nào bào chữa được cho khả năng quản lý, lãnh đạo kém cỏi. Điều này vừa gây phản cảm trong công chúng vừa tạo ra ngộ nhận cho một số kẻ nuôi tham vọng: muốn được cơ cấu vào guồng, trước tiên phải cố kiếm cho được mảnh bằng thạc sĩ hay tiến sĩ! Rõ ràng, đã đến lúc Nhà nước ta phải kiên quyết nói “không” với chuyện danh hiệu, bằng cấp!

Như trên đã trình bày: nước nào cũng có chuyện đạo văn, không nhiều thì ít, nhưng khi phát hiện được, vì danh dự quốc gia và sự trong sạch của nền khoa học đất nước, người ta đã kiên quyết xử lý: sinh viên đạo văn bị đuổi học, bộ trưởng, tổng thống đạo văn cũng bị mất chức…, không trừ một ai. Còn ở ta, hình như đang có sự “chung sống với lũ”. Sự việc đã ầm ĩ như thế, nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài nào được Nhà nước đưa ra để trừng trị và răn đe, chưa có quan chức nào bị phát giác và chịu kỷ luật đúng mức; nghiêm trọng như một tiến sĩ ở một đại học tỉnh Thanh Hóa, “đạo” đến ba công trình của người khác mà chỉ bị thôi chức tổ trưởng chuyên môn, còn vẫn được tiếp tục lên lớp giảng dạy như thường! Một giảng viên như vậy liệu có còn đủ uy tín khoa học và đạo đức để đứng trên bục giảng hay không?

Người xưa từng yêu cầu “thức giả tín chi”, nghĩa là người trí thức phải giữ cho được chữ “tín”. Xưa nay, chữ “tín” vốn được coi là “quốc bảo”, bởi “nhân vô tín, bất lập”. Muốn sang, muốn giàu thì đi làm nghề khác. Người làm nghiên cứu khoa học là đi tìm sự thật và vẻ đẹp của cái “chân”, cái “thiện”, nên họ biết tự trọng và tôn trọng người đọc; biết xấu hổ nên biết khinh mọi điều giả dối, khi mắc sai lầm thì dám công khai thừa nhận và tích cực sửa chữa. Có giữ được như thế thì mới nêu được gương sáng cho các thế hệ mai sau, mới cổ vũ họ dấn thân đi vào con đường khoa học đầy chông gai, để cùng với khoa học tạo ra động lực mới, sức mạnh mới, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, “sánh vai, mở mặt với năm châu”.

Những yêu cầu đạo đức cần có của người làm khoa học

Không có bộ luật đạo đức nào dành riêng cho các nhà khoa học. Là con người, là công dân, họ cũng phải hành xử theo danh dự, nghĩa vụ, lương tâm của đạo đức dân tộc và nhân loại. Ngày18-6-2013, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ, gồm 11 chương, 81 điều, trong đó điều 8 đưa ra 4 hành vi bị cấm, trong đó có nội dung cấm “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ(7); tuy nhiên không có điều khuyến cáo nào về đạo đức, bởi pháp luật thuộc phạm trù cưỡng bức, còn đạo đức là lĩnh vực của tự do.

Nghiên cứu khoa học, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, cũng phải có những yêu cầu, những quy tắc riêng của đạo đức nghề nghiệp. Hội Y khoa thế giới năm 1964 đã ra “Tuyên bố Helsinki”, nêu lên những nguyên lý cơ bản về đạo đức trong nghiên cứu y học; năm 2013 lại có “Tuyên bố của Singapore về tính trung thực trong nghiên cứu khoa học”, đề cập đến những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cần tuân thủ trong nghiên cứu. Ở Việt Nam, nhiều giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà nghiên cứu… đã viết bài trao đổi về các yêu cầu đạo đức của người làm khoa học. Hệ thống vấn đề, cách diễn giải mỗi người có thể khác nhau, song yêu cầu và nội dung của các chuẩn mực đạo đức trong khoa học, về cơ bản là cũng gần nhau.

Trên cơ sở đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu, người viết bài này cũng trình bày cách hiểu của mình, chưa nâng lên thành nguyên tắc hay chuẩn mực, mà chỉ dám coi là một vài yêu cầu hành xử về đạo đức mà người làm khoa học cần phải tuân thủ trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

1. Trung thực và khách quan trong nghiên cứu

Đây là phẩm chất hàng đầu của nhà khoa học mà những người tham gia thảo luận đều nhất trí. Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy để ứng dụng vào thực tiễn, muốn thế khoa học phải rất coi trọng sự thật - “những sự thật đã được quan sát, thu thập bằng các phương pháp khách quan, những sự thật có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ được, chứ không phải dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận cảm tính”(8). Bởi sự thật vừa là mục tiêu vừa là cứu cánh của khoa học.

Vì vậy, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải có động cơ trong sáng, liêm khiết, không vụ lợi; phải có cái nhìn khách quan về đối tượng nghiên cứu mới có thể đạt tới những kết quả có giá trị khách quan. Mỗi kết quả nghiên cứu, muốn được công nhận, phải qua thẩm tra, bình duyệt của một Hội đồng nghiệm thu. Nếu dữ liệu không trung thực, phương pháp thiếu khách quan, nếu mọi phân tích, diễn giải đều vặn vẹo theo ý đồ chủ quan của người nghiên cứu, thì công trình đó sẽ sụp đổ và tương lai của nhà khoa học đó cũng đã được an bài.

Tục ngữ Anh có câu: “Không có gì đẹp hơn sự thật”. Vinh quang của nhà khoa học phụ thuộc vào lòng chính trực, sự cần mẫn và tính minh bạch, như vậy chính phẩm hạnh mới là triết lý của thành công.

2. Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của

người khác

Một tác phẩm nghệ thuật trứ danh là sản phẩm thuần túy của một cá nhân, phản ánh trí tuệ, tài năng, phong cách, cá tính sáng tạo độc đáo của riêng cá nhân đó, khó ai có thể bắt chước, mô phỏng, làm theo mà không rơi vào thô lậu, kệch cỡm. Ngược lại, không có phát minh khoa học nào từ trên trời rơi xuống, thành quả khoa học nào cũng là sự kế thừa và phát triển tiếp nối trí tuệ của các thế hệ đi trước, của cả cộng đồng khoa học.

Vì vậy, nghiên cứu bất cứ một đề tài nào, yêu cầu bắt buộc đầu tiên là phải có phần trình bày về “lịch sử vấn đề”: những ai là người nghiên cứu đầu tiên, họ đã giải quyết đến đâu, những điều nào đã sáng tỏ, những điều còn hạn chế hoặc sai lầm… từ đó mới dẫn đến lý do đưa ra hướng nghiên cứu mới và khả năng đóng góp của đề tài mới. Đó cũng còn là một cách đề phòng để khỏi “phát hiện ra châu Mỹ lần thứ hai!”.

Tính kế thừa dẫn đến một yêu cầu bắt buộc là phải tuân thủ nghiêm ngặt về trích dẫn nguồn.

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, ngoài việc trích dẫn nguồn, còn phải biết đánh giá đúng mức sự đóng góp của những người cùng tham gia hội thảo hoặc cộng tác nghiên cứu đề tài với mình, tùy mức độ đóng góp mà đưa họ lên hàng đồng tác giả, hoặc đưa vào danh sách cộng tác viên, chí ít, trong “Lời nói đầu” khi xuất bản thành sách, cũng cần có lời cám ơn đối với sự cộng tác, giúp đỡ của họ.

3. Hợp tác và tôn trọng lẫn nhau trong

nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học vừa là cuộc đua tranh tim tòi, sáng tạo, lại vừa phải có tinh thần hợp tác, hai mặt đó tương tác với nhau, thúc đẩy cho khoa học phát triển.

Hợp tác không phải là “móc ngoặc” theo cách đổi chác kiểu con buôn (“bánh ít đi, bánh quy lại”; hôm nay anh ngồi Hội đồng cho tôi, đến mai tôi lại ngồi Hội đồng cho anh!). Hợp tác trong nghiên cứu là san sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, số liệu, sự kiện, phương pháp nghiên cứu… Hợp tác khoa học bao gồm cả tranh luận, phản biện trong tìm tòi chân lý, nhất là trong khoa học xã hội và nhân văn. Tranh luận trong khoa học đòi hỏi một tinh thần cầu thị, xây dựng, cởi mở, biết tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng cái nhìn đa chiều, chỉ nên tập trung vào tính khoa học, tính logic của sự nghiên cứu, hết sức tránh những định kiến thiên lệch, biến tranh luận thành xung đột cá nhân. Thiếu tinh thần này, khoa học sẽ rơi vào trì trệ, không thể nào tiến lên được.

4. Cẩn trọng và khiêm tốn

Nghiên cứu khoa học là một quá trình phấn đấu gian nan, đầy thử thách, có thể “sai một ly, đi một dặm”, nên người nghiên cứu khoa học phải luôn luôn thận trọng, tỉnh táo, không nên chạy theo số lượng, ham hố công bố nhiều để lấy thành tích. Muốn trở thành nhà khoa học chân chính thì không thể là kẻ hiếu danh, vì anh ta hiểu khoa học cũng vận động và phát triển như bản thân đối tượng mà nó nghiên cứu. Cái hôm nay được coi là đúng, ngày mai có thể bị chứng minh là sai, ví như lý thuyết về hố đen trong vũ trụ của A. Einstein đang được các nhà vật lý, trong đó có nhà bác học thiên tài người Anh Stephen Hawking, chứng minh là không tồn tại.

Vì vậy, trong nghiên cứu, không nên vội vã nhảy ngay tới kết luận từ những bằng cớ chưa đầy đủ. Mỗi kết quả nghiên cứu, trước khi công bố, cần thận trọng kiểm tra lại các luận điểm, số liệu, dẫn chứng, chú thích, trích dẫn nguồn… để tránh những sơ suất, nhầm lẫn không đáng có. Ai cũng có thể mắc sai lầm, vậy nên cần hết sức tránh đại ngôn, mỗi kết luận đưa ra chỉ nên coi là những giả định, vì còn phải được kiểm nghiệm và thử thách của thực tiễn. Đó là thái độ khiêm tốn cần có trong khoa học. Càng khiêm tốn, nếu có sai lầm, thì tác hại càng nhỏ, càng dễ sửa chữa và khắc phục.

Kết luận

Khoa học và đạo đức cần phải sánh vai nhau cùng tiến bước. Khoa học nâng cao nhận thức, làm giàu trí tuệ, giúp cho con người ngày càng tiến gần hơn đến chân lý; đạo đức bồi dưỡng lương tri, lương năng, giúp cho người nghiên cứu biết theo đuổi những giá trị nhân văn cao quý.

Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đang kéo theo sự xuống cấp đáng buồn của văn hóa khoa học nước nhà về cả thành tựu nghiên cứu cũng như về trình độ, tư cách, tầm vóc của người làm nghiên cứu. Đã đến lúc phải sớm dự thảo và ban hành “bản quy chuẩn đạo đức của người làm nghiên cứu khoa học”, như một cam kết, một quyết tâm “nói không” với những hiện tượng vô đạo đức trong hoạt động và nghiên cứu khoa học. Bản quy chuẩn này phải trở thành một bài giảng nhập môn bắt buộc cho mỗi khóa đào tạo nghiên cứu sinh và khi nhận bằng tiến sĩ họ cũng phải có lời tuyên thệ suốt đời trung thành với chữ TÍN trong khoa học.

Tất nhiên, chỉ kêu gọi đạo đức thôi thì không đủ, nếu như pháp luật không ra tay, nếu các tổ chức bảo vệ bản quyền tác giả không hoạt động ráo riết, không kiên quyết đưa các vụ “xâm phạm sở hữu trí tuệ của người khác” ra trước công luận và tòa án; nếu như kỷ cương phép nước còn bị vô hiệu hóa… thì các vụ việc nghiêm trọng đang làm ô danh đến quốc thể sẽ còn tiếp tục diễn ra, chỉ có nền văn hóa khoa học nước nhà sẽ cứ dần dần lụn bại, vì không còn gây được niềm tin cho bất cứ ai. Nhìn vào những người thầy và các bậc đàn anh đi trước, nếu người ta thấy tài năng cũng bình thường, đạo đức thì yếu kém, nhưng lại giỏi đạo văn, khéo chạy chọt… mà có chức, có danh, thì người ta thấy có phấn đấu làm người chân chính cũng chẳng để làm gì!

Để xây dựng một nền văn hóa khoa học phát triển lành mạnh, đang có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải tạo ra được một môi trường khoa học trong sạch. Vì vậy, việc tu dưỡng về đạo đức của người làm khoa học có tầm quan trọng hàng đầu.

 

_____

(1) Theo bài của Hiếu Trung, báo Tuổi trẻ, ra ngày 22-9-2014.

(2) Dẫn lại theo bài của Lê Chí Thiện, đăng trên Tạp chí Hương Việt, ngày 22-4-2012.

(3) Nguyễn Hòa, “Bàn phím và cây búa”, NXB Văn học, 2007.

(4) Báo Hà Nội mới, số ra ngày 7-12-2013, bài của Lâm Vũ: “Nạn đạo văn trong nghiên cứu khoa học - Làm gì để dẹp tận gốc?”.

(5) Dẫn theo bài của PGS Văn Như Cương: “Lại nói về luận văn tiến sĩ”, báo Tia sáng, 30-1-2008.

(6) Vũ Cao Đàm, “Tính trung thực của người nghiên cứu”, báo Tia sáng, 4-9-2008.

(7) Xem “Luật Khoa học và Công nghệ”, số 29/2013, Quốc hội ban hành ngày 18-6-2013.

(8) Ý của GS Nguyễn Văn Tuấn: “Đạo đức khoa học”, phát biểu trong buổi Tọa đàm, do Viện IRED tổ chức tại TP.HCM ngày 17-9-2008.

GS SONG THÀNH