HV116 - Giỗ chồng

Tôi đọc nhiều truyện của Phạm Phát (sắp in) mắt nhòa nước mắt. Chân thực, giản dị, chi tiết chọn lọc rất đắt, hiệu quả nghệ thuật rất cao, tính cách nhân vật độc đáo... đó là vài nét về truyện của anh (ngoài ra anh còn là một nhà thơ haiku thâm trầm).

MAI QUỐC LIÊN

Anh Năm, con ông bác ruột của tôi, có kiểu ăn thịt heo không giống ai. Mỗi khi nhà có đám có kỵ, anh xắn tay áo pha thịt làm cỗ. Cúng xong, một tay anh soạn mâm, mời khách nhưng không thấy anh ngồi mâm bao giờ, hoặc có người mời lắm anh cũng chỉ lên đũa lấy lệ rồi xin kiếu, xuống bếp. Ở đó, anh soạn mâm cỗ riêng cho mình: một mình một mâm, một món. Thịt heo mỡ xắt quân cờ, trộn rau sống Trà Quế, rưới mắm ớt tỏi. Xong đâu đấy anh bưng bát thịt mỡ lên và như và cơm. Ai thấy cũng lè lưỡi, lắc đầu. Nhưng nghĩ thấy tội: cũng là cách ăn của con nhà nghèo. Thì quanh năm rau mắm, phải tới giỗ tới chạp, mới có được ba lát thịt.

Làng mộc Kim Bồng ngày tôi còn nhỏ chỉ được cái tiếng chứ dân thì nghèo xác nghèo xơ. Ngoài dăm ba chủ trại còn phần lớn thợ thuyền đều sống nghề làm thuê. Cứ ăn tết ra, từng đoàn người tay bào tay đục, mang cái tinh xảo của ông bà để lại đi kiếm cơm tứ phương, phần đông vào Sài Gòn, Đà Lạt. Nếu không có việc chi thì đến tết năm sau mới về. Anh Năm tôi nằm trong đội quân lam lũ đó. Nhưng Tết năm đó - Tết Bính Thân 1946 - sau Toàn quốc kháng chiến, anh nhờ người “đánh dây thép” về, chỉ sáu chữ “mắc đánh Tây không về được”.

Ba mươi Tết nhà nhận điện thì sáng mồng một anh bị trúng đạn. Thì cũng phải hàng chục năm sau ở nhà mới biết tin ảnh hy sinh. Tin dữ này là do anh Sáu tôi - em ruột anh Năm - về báo. Cả toán dân quân đeo huy hiệu vuông, hồi đó gọi là “Việt Minh ca-rê” bị địch vây đánh suốt ngày ở Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), và đã hy sinh không còn ai.

Sau ngày giải phóng, chúng tôi về hỏi anh Sáu giờ ở đâu thì ai cũng lắc đầu. Lâu nay chẳng thấy về, không biết chết sống thế nào, bom đạn, loạn lạc có trời mà biết. Có người lại bảo đã có vợ, có con, nghe nói lưu lạc qua tận bên Lào, chẳng có tin tức gì. Bỏ quê mà đi như rứa hồi trước chỗ tôi gọi là đi vong.

Vừa xót anh Sáu vừa thương anh Năm, gia đình cất công vào tận Sài Gòn dò tìm. Các cơ quan có trách nhiệm của TP.Hồ Chí Minh cũng rất tận tình giúp đỡ nhưng chẳng có căn cứ nào để làm chế độ cho anh Năm. Mà khó thật: trận đánh có được ghi lại trong sử, nhưng những chiến sĩ dũng cảm trong trận là ai, bao nhiêu người..., chịu!

Đứa cháu của anh có thời gian học ở TP.Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến đền thờ liệt sĩ Bến Dược dò tìm khắp sổ vàng bia đá cũng chẳng thấy tên anh. Thế là anh tôi đã hòa vào trời đất rồi! Thôi đành đến ngày Sóc ngày Vọng chắp tay vái anh cầu cho anh được siêu thoát. Chứ biết răng chừ, anh Năm!

Ngày nhà tôi xây dựng Nghĩa trang gia tộc, được sự đồng ý của chị, chúng tôi lập cho anh một nấm mộ gió nằm ngay dưới chân hai bác tôi và trí cho chị một cái sinh phần bên cạnh để lo chuyện trăm năm cho chị. Trên bia mộ anh chúng tôi khắc hai chữ Liệt sĩ kèm theo tên anh. Hôm khánh thành, chị Năm tôi ôm bia khóc, rồi mới nói với tôi: - Không được ai công nhận thì chị em mình, gia đình mình công nhận ảnh, rứa cũng là vinh dự cho chị rồi.

Trong những năm bao cấp ai cũng cực. Chị sống với đứa cháu gọi bằng cô, hằng ngày nấu cháo gạo đỏ ngồi bán ở đầu phố.

Những năm gần đây chị về sống ở quê với cháu gọi bằng dì. Ở đâu chị cũng được các cháu chăm sóc rất chu đáo. Dù vậy khi bàn tay còn cục cựa được chị cũng buôn bán lẹt xẹt để có đồng ra đồng vào, đỡ cho các cháu, với lại già thì già chứ ngồi không không chịu được.

Thỉnh thoảng vợ chồng tôi về thăm chị. Tết năm đó, tôi cố ý về đúng trưa mồng một để thắp hương cho anh. Cầm ba nén hương cắm lên bát hương, tôi sững sờ khi ngó thấy bát thịt heo xắt quân cờ trộn rau sống, cắm thêm trái ớt xanh đặt trước bài vị anh. Như có ai cầm hai tay tôi chắp lại, tôi lạy anh ba lạy và gọi thầm “Anh Năm ơi! Anh Năm ơi”, mắt nhìn món thịt cúng, lòng lại trào lên niềm ân hận đã không làm hết sức để đưa anh về được với chị và gia đình.

Khấn vái anh xong, tôi quay ra, chị ngồi im như pho tượng nhìn đăm đăm ra cánh đồng trước nhà, không nói.

Lần trước tôi về, chị cũng nhìn trân trân như thế, rồi hỏi:

- Chú Bảy này, sắp nhỏ nhà ni nói với tôi: cứ qua hết cánh đồng này, chạy xe vài tiếng sẽ đến Tam Kỳ, rồi chạy tiếp, chạy tiếp sẽ đến Sài Gòn, đến Hạnh Thông Tây. Tụi hắn nói rứa có đúng không chú?

Tôi bảo các cháu nói đúng đấy. Chị bảo anh Năm chú khéo lựa chỗ nằm thiệt, cái tên đất trong nớ cũng có ba tiếng giống như tên làng tôi - Kim Bồng Trong.

Giờ đây chị ngồi im nhìn ra cánh đồng, nhìn thật xa, nghiêm trang và đau đớn, tôi không dám mở lời. Tôi hiểu chị tôi, nhìn đôi mắt đã bạc màu, ướt đẫm của chị, một lần nữa tôi lại ân hận. Hồi còn công tác, tôi đã có ý định nhân vào Sài Gòn sẽ tìm đến thăm Hạnh Thông Tây, nơi anh Năm tôi đã khéo lựa chỗ để nằm xuống, nằm mãi ở đấy mà đến nay tôi vẫn chưa một lần đến được.

Vậy mà đã trên 60 năm.

Xuân Kỷ Sửu - 2009

PHẠM PHÁT