Ai đã từng mở đọc những trang thơ yêu nước của những ngày đầu quân Pháp đánh vào Sơn Trà - Đà Nẵng, chắc hẳn không thể không ấn tượng với những câu thơ hừng hực lửa căm thù: “Mắt căm giận nhìn lũ giặc đến Trà Sơn” (Nộ mục Trà Sơn xú lỗ lai 怒目茶山醜虜來) hay: “Lũ giặc ngông cuồng làm càn, khiến dân chúng đều tức giận,/ Tướng sĩ đua nhau muốn cầm vũ khí xông lên phía trước” (Cuồng di phạm thuận, chúng cộng nộ,/ Tướng sĩ tranh nguyện mâu hồ tiên 狂夷犯順眾共怒/ 將士爭願鍪弧先 - Thoái lỗ ca).
Tác giả của những câu thơ trên là danh sĩ Phạm Văn Nghị: một nhà giáo, nhà thơ, vị quan yêu nước thương dân, theo đường lối kháng Pháp dưới triều Nguyễn.
Phạm Văn Nghị 范文誼 sinh năm 1805, mất năm 1881 (1884 ?), hiệu Nghĩa Trai 義齋, quê làng Tam Đăng - tổng Đại An - phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang - xã Yên Thắng - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định); 21 tuổi (1826) đỗ tú tài; 32 tuổi (1837) đỗ cử nhân; 33 tuổi (1838) đỗ hoàng giáp. Từ đó, Phạm Văn Nghị được người đời trân trọng gọi là ông Hoàng giáp Tam Đăng.
Ngay sau khi thi đỗ với thành tích xuất sắc, Phạm Văn Nghị được bổ làm quan Tu soạn viện Hàn Lâm, rồi làm Tri phủ Lý Nhân. Đại Nam liệt truyện chính biên chép, khi tại chức, dân có tranh tụng, ông đều lấy điều nghĩa hiếu để khuyên bảo. Tuy làm quan được lòng dân như thế, song cũng không tránh phạm lỗi và bị giáng về làm quan Biên tu ở Quốc sử quán. Năm 1845, khi vừa tròn 40 tuổi, Phạm Văn Nghị cáo bệnh về quê dạy học, sau được bổ chức Đốc học Nam Định.
Phạm Văn Nghị dành gần trọn cả đời dạy học và đã có công đào tạo ra những bậc hiền tài cho đất nước như: Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (đỗ hoàng giáp kỳ thi 1865 triều Tự Đức); Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (đỗ hoàng giáp kỳ thi 1871 triều Tự Đức); Đình nguyên Đỗ Huy Liêu; Cử nhân Phạm Thận Duật (làm quan đến chức Thượng thư); Tiến sĩ Tống Duy Tân (thủ lĩnh phong trào Cần vương chống Pháp); Đinh Công Tráng (thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình); Giải nguyên Nguyễn Thế Cao (đồng thủ lĩnh khởi nghĩa Bãi Sậy); Phó bảng Lã Xuân Oai; Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi…
Sự nghiệp trồng người với nhiều thành tựu được người đời kính trọng, song Phạm Văn Nghị còn được kính phục hơn bởi khí phách chống giặc cứu nước. Mùa thu tháng 9 năm 1858, Phạm Văn Nghị đang ở quê nhà Nam Định dạy học, nghe tin Pháp đánh vào Sơn Trà - Đà Nẵng, dù mang bệnh và tuổi tác đã qua hàng ngũ thập, nhưng ông đã viết Trà Sơn kháng sớ 茶山抗疏 dâng lên vua, xin được “đầu bút tòng quân”. Lửa yêu nước nhiệt tình của ông đã truyền cho hàng ngàn học trò và nhân sĩ muốn đi theo, nhưng vì nhiều lý do nên chỉ chọn hơn 300 nghĩa sĩ trong đó có 5 cử nhân, 8 tú tài và hàng chục học trò), lập thành đoàn nghĩa quân dũng mãnh lên đường vào Đà Nẵng đánh Pháp.
Đoàn nghĩa quân do Phạm Văn Nghị chỉ huy và cai quản Trung đạo. Tiền đạo giao cho bạn thân là Phạm Văn Xưởng (người Quảng Nam, từng làm quan Án sát tỉnh Biên Hòa) cai quản; Hậu đạo giao cho học trò là Phó bảng Đặng Ngọc Phác (còn có tên Đặng Ngọc Cầu, người Hà Nam, từng làm Bố chính tỉnh Tuyên Quang) cai quản. Với khí thế “Ba trăm quân tinh nhuệ, một lá cờ tướng,/ Tiếng vọng từ trời cao vang khắp chốn, dù đường hiểm trở cũng thành bằng phẳng” (Tam bách tinh binh, nhất tướng kỳ,/ Thiên thanh đáo xứ, hiểm thành di 三百精兵一將旗/ 天聲到處險成夷 - Hành quân đồ gian tự thuật), nhưng khi đến Huế thì giặc đã bị quân dân ta do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đánh bại, nên đã rút vào đánh Gia Định. Dòng nhiệt huyết thôi thúc nghĩa quân Phạm Văn Nghị tiếp tục tiến vào Gia Định, nhưng có lời vua khuyên nên đành quay về. Trong giây phút ấy, Phạm Văn Nghị đã cảm tác bài thơ Khâm phụng chỉ hứa hồi cung chức thuật hoài với những lời thơ chân thành: “Mắt căm giận nhìn lũ giặc đến Trà Sơn,/ Nay mây mù (do lũ giặc gây nên) trên biển Trà Sơn đã tan,/ Nghĩa sĩ mang lòng căm phẫn muốn tiến lên phía trước(1),/ Vua xót thương vất vả lại cho quay về./ Tiến hay lui, phải chăng ở cảnh ngộ,/ Khen hay chê, vì sao cứ nghi ngờ nhau?”(2)/“Tuế hàn tùng bách”(3), lời vua còn đó,/ Một tấm lòng son, chưa chịu nản lòng” (Nộ mục Trà Sơn xú lỗ lai,/ Trà Sơn kim nhật hải phân khai./ Sĩ hoài phẫn kích tương tiền vãng,/ Đế chẩn gian lao thả hứa hồi./ Hành chỉ, mạc phi an sở ngộ,/ Hủy dư, hà sự cánh tương sai./ “Tuế hàn tùng bách” thần chương tại,/ Nhất phiến đan tâm vị nhẫn hồi (hôi) 怒目茶山醜虜來/ 茶山今日海氛開/ 士懷憤激將前往/ 帝軫艱勞且許回/ 行止莫非安所遇/ 毀譽何事更相猜/ 歲寒松栢宸章在/ 一片丹心未忍灰).
Dẫu rằng, “Lưỡi gươm chưa dính máu, bọn giặc đã rút” (Binh nhận bất huyết, lỗ tự thoái 兵刃不血虜自退 - Thoái lỗ ca), song khí phách và hành động xả thân vì nước, cùng nhân cách cao đẹp của nhà giáo Phạm Văn Nghị đã làm chấn động giới sĩ phu miền Bắc lúc bấy giờ. Hàng loạt bài thơ yêu nước của các nhân sĩ ra đời lúc ấy, chính là minh chứng cho tinh thần quyết tâm đánh giặc, quyết tâm bảo vệ Sơn Trà - “con mắt thần canh giữ biển khơi” - của cha ông ta.
_____
(1) Ý nói đoàn nghĩa quân muốn tiếp tục vào Gia Định đánh giặc.
(2) Hành động nghĩa dũng của Phạm Văn Nghị được nhân dân hết sức ca ngợi và ủng hộ, song lại bị một số quan trong triều nghi ngờ, vì cho rằng “chia quyền” với triều đình.
(3) Khi Phạm Văn Nghị hành quân vào đến Huế, vua Tự Đức ban cho bốn chữ “Tuế hàn tùng bách”. Bốn chữ ấy vốn xuất xứ từ Luận ngữ: “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã 歲寒然後知松栢之後彫也” (Phải trải qua mùa lạnh, mới biết cây tùng cây bách tàn rụng sau những loài cây khác).