HV116 - Một con người hiếm quý - Một nhà văn hóa bậc thầy*

Cụ Vũ Tuân Sán năm nay đã hơn 100 tuổi (cụ sinh năm 1915) mà vẫn mải miết làm việc, khảo cứu, đặc biệt là về Hán Nôm. Cụ đã hiệu đính và dịch thơ Đường (1959), toàn tập Cao Bá Quát, Nguyễn Du, thơ Hồ Chí Minh… của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Đó chẳng phải là người lạ, việc lạ ở trên đời này sao! Vẫn biết là “trời cho” tuổi thọ, nhưng chủ yếu là người hiền đức thế nào thì mới được đặc ân như thế! Cụ Vũ đúng là người hiền đức, một người hư tâm, chỉ nghĩ đến văn hóa, đến việc cống hiến và làm đẹp cho đời. Cụ không những chỉ khảo cứu, mà còn làm thơ, làm câu đối - phổ biến trong chỗ bạn bè là chính - nhưng đọc vào sau mỗi dòng mỗi chữ đều thấy “tấc lòng” của cụ gởi gắm trong đó: “cương thường khôn biến tấc son” (Nguyễn Trãi).

Còn nói về việc khảo cứu thì: Cụ là cử nhân Tây học (thời đó thế là đại trí thức, mà nay những người như cụ còn quá hiếm hoi); nhưng nếp nhà, lòng yêu văn hóa dân tộc đã đưa cụ vào văn hóa Hán - Nôm và ở đây, cụ (nhiều khi với biệt hiệu Tảo Trang), cùng với các cụ túc Nho đã quá cố như Nam Trân, Hoàng Tạo, Nguyễn Văn Tú, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Sĩ Lâm, Thạch Can… là những bậc thầy một thời.

Đó là nói về trình độ - một trình độ tích hợp văn hóa Đông - Tây ở đỉnh cao, cộng với một tác phong làm việc cẩn trọng, khiêm nhường, miệt mài, khoa học đã khiến cho những công trình khảo cứu của cụ trở thành mẫu mực. Thường thì khảo cứu văn hóa, văn học người ta thường ngồi trong phòng sách làm “bác học thư phòng”. Với một chiếc xe đạp, cụ Vũ suốt mấy chục năm đi “điền dã”, khảo sát tại chỗ, và từ đó phát hiện ra từ trong dân dã, từ trong bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản… biết bao điều mà nếu chỉ ngồi nhà phán đoán thì sẽ không thể nào có được. Những khảo luận của cụ về Hà Nội xưa và nay - mỗi công trình là một khám phá, một bổ sung, một khẳng định tin cậy. Có thể có người cho đó là những công trình “nhỏ”. Nhưng trong khoa học, văn hóa, dài dòng mà có khi nhạt nhẽo, không có gì; trái lại ngắn gọn, súc tích, kiệm lời, chắc thiệt… lại giá trị hơn hẳn.

Cho nên đây là một tập sách khảo cứu Hà Nội của một nhà văn hóa bậc thầy, của một tâm hồn yêu Hà Nội, yêu đất nước thiết tha, nồng cháy và chung thủy. Từ ngày thành lập (1993) đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chúng tôi được cụ Vũ nhiệt tình tham gia liên tục. Cụ đã dành cho chúng tôi, cho văn hóa nước nhà bao nhiêu tâm huyết, công sức, tấm lòng. Cụ động viên, khích lệ chúng tôi trên mỗi công việc. Chúng tôi dào dạt lòng biết ơn chân thành đối với cụ. Mới đây, cùng nhà văn hóa lão thành Hữu Ngọc và vài ba anh chị nhà văn trẻ, chúng tôi về thăm “Vũ gia trang” của cụ ở Bắc Linh Đàm, Thanh Trì, Hà Nội. Cụ Hữu Ngọc và cụ Vũ nhắc lại thời xa xưa, từ 1940 hai cụ cùng dạy ở Vinh. Những lần gặp gỡ, trò chuyện như thế, cùng với những bức thư bài thơ cụ gởi làm lòng chúng tôi phấn chấn lạ thường. Noi gương cụ, chúng tôi càng cố sức trên con đường xa của văn hóa nước nhà, của văn hóa truyền thống - điều càng bức thiết, quan trọng bao nhiêu trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hôm nay.

 

* Lời giới thiệu trong Hà Nội xưa và nay, Vũ Tuân Sán, NXB Hội Nhà văn, 2007.

-----------

 

Kính tặng nhóm Tam Tam (Ngọc, Liên, Trang)*

VŨ TUÂN SÁN

Muôn đóa tinh hoa trời Quốc học

Ngàn trùng vi diệu cõi Doanh Hoàn

Hán - Nôm nghĩa lý bừng sông núi

Hữu ái ân tình nặng thế gian

Hà Nội, 24-7-2014

_____

* Bài thơ ghi lại tình cảm gắn bó và cả về hoạt động, tâm tình giữa ba người: Ngọc - nhà văn hóa Hữu Ngọc, Liên - GS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Trang - Tảo Trang, bút danh nhà Hán học Vũ Tuân Sán.

MAI QUỐC LIÊN