* HV: Anh có thể kể vài kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của anh ở quê nhà?
- Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê trung du thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng đất ấy xưa thuộc phủ Tam Đái (sau gọi chệch là phủ Tam Đới) gồm các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang. Dân dã gọi đó là xứ Đoài. “Xứ Đoài mây trắng lắm” trong thơ Quang Dũng không chỉ có Sơn Tây, mà bao hàm cả một vùng rộng lớn như đã nói ở trên. Tôi có may mắn, khi đã có thể nhận biết được ít nhiều, thì cái làng cổ với toàn bộ nếp sống và các phong tục cổ còn nguyên vẹn. Đó là ánh tà huy cuối cùng của một vùng văn hóa xa xưa thấm đẫm tuổi thơ tôi. Nó rực rỡ và bền vững đến mức không một ai dám ngờ rằng, chỉ một vài năm sau đó, nó đã bị đập vỡ ra từng mảnh vụn dưới gót sắt của chiến tranh. Khi tôi lớn lên, đình chùa vẫn là còn nguyên vẹn. Tôi đã được chứng kiến những chàng trai đinh mình trần xoạc chân chữ bát giã bánh dầy, giã càng lâu, xôi nếp dẻo quẹo vít lấy đầu chày, phải dai sức lắm mới nhấc lên để giã tiếp. Sau đó là những cảnh tế lễ dâng hương dâng hoa dâng đèn dâng rượu vô cùng cung kính trong tiếng nhạc bát âm. Những buổi rước kiệu, đèn đuốc sáng rực dọc con kênh nhỏ. Rồi chọi gà, thi đánh đu, vật, kéo co, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu đất đựng đầy tro bếp. Làng vào hội, ai cũng đẹp ai cũng vui. Rồi những đám cưới theo lối cổ mà lũ trẻ chúng tôi thường nối dây chuối chặn ngang đám rước dâu do ông chủ hôn vác dao quắm đi đầu. Con dao vẫn dùng để phát bờ, được lau chùi sáng loáng để trừ tà đuổi quỷ nhưng ông chủ hôn rất hiền, luôn móc hầu bao chìa cho chúng tôi một dúm tiền trinh, chúng tôi mới chịu thu dây cho đi. Chặn đoạn này nhận tiền xong, chúng tôi lại chạy ù lên phía trước, tiếp tục chăng dây để xin tiền lẻ đánh đáo. Cứ như thế, ba bốn bận đám rước dâu mới về đến nhà trai. Lạ là không ai coi đó là chuyện phiền hà lếu láo, mà lại hỉ hả cười vui. Càng phát được nhiều lộc cô dâu chú rể sau này càng đông con lắm cháu. Rồi những chiếu chèo, những đêm hát ống, những bữa cỗ cúng thần chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh giữa cánh đồng hun hút gió, véo xôi oản, xé thịt gà chia nhau ăn sung sướng giữa cánh đồng cày vỡ phơi ải đợi vụ chiêm. Vào vụ cấy, khi gánh bữa trưa ra đồng, tôi đứng ngẩn lắng nghe đám thợ cấy hát đuổi, hát ví lên bổng xuống trầm, có người lĩnh xướng, có bè đuổi theo, làm ngọt lịm cả tâm hồn thơ dại của tôi. Một vùng quê không thật giàu có nhưng nền nếp, thanh bình, quy củ, phong lưu. Tất cả là một cảnh thần tiên, quà tặng vô giá cho tuổi thơ của thế hệ chúng tôi.
Sau đó, chẳng bao lâu là chiến tranh. Bắt đầu là những gia đình tản cư từ thủ đô Hà Nội rồi Phúc Yên, Hương Canh, Vĩnh Yên. Cả nhà tôi dồn xuống nhà ngang, nhường năm gian nhà trên cho khách ở. Bên nhà ông tôi cũng vậy. Những năm 1947, 1948, làng Phú Vinh quê tôi trở thành một nơi sầm uất nhất vùng. Chợ phiên họp kín mấy quả đồi. Thuyền bè, cửa hàng dựng san sát hai bờ sông. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những mái tóc phi dê, những đôi guốc cao gót, những chiếc mũ phớt, những chiếc áo sơ mi cổ bẻ, mùi cà phê và những tiếng xưng hô cậu, mợ rất kiểu cách. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là mùi sơn hăng hắc nhưng vô cùng cuốn hút tỏa ra từ những bộ trống thiếu nhi. Chợ Phú Vinh trở thành nổi tiếng đến mức, sau này tôi đọc Phiên chợ trung du của Ngô Tất Tố tôi cứ nhất quyết là nhà văn viết về chợ làng mình. Nhưng sự sầm uất cũng không tưng bừng được lâu. Cuối năm 1948, thực dân Pháp cho một đàn máy bay đến bắn phá rất dã man giữa lúc phiên chợ đang đông người nhất. Ngồi tránh đạn trong chiếc tăng xê không mái, tôi nhìn rõ những chiếc máy bay gầm rú, quay lộn trên đầu, tự nghĩ dại cả chợ phen này thì không còn ai sống sót được với chúng nó. Sau trận bắn phá, bố tôi lúc đó là xã đội phó từ chợ chạy về tìm các con. Khi tìm thấy mấy anh em đang trú trong hầm, người ôm bế từng đứa và chỉ cho chúng tôi một mảnh bom sắc chỉ cách chỗ tôi ngồi hơn một gang tay. Tối hôm ấy, bố tôi thắp hương đứng trước bàn thờ bái tạ tổ tiên đã độ trì cho cả nhà được tai qua nạn khỏi. Hơn 60 năm sau, để chuẩn bị viết một bài về anh Nguyễn Đình Thi, tôi vô cùng cảm động khi đọc bài Tất cả để chiến thắng viết năm 1948, anh Thi đã nhắc đến trận oanh tạc dã man của Pháp đối với quê tôi. Anh viết: “Trong những ngày lung lay của nó, quân thù đang luống cuống xoay xở. Và chúng nó lồng lộn. Lê dương da đen, ngụy binh nhảy dù, đổ bộ, lại giết, lại đốt, lại hiếp. Tàu bay ngày ngày đi ném bom những chợ búa, xả liên thanh vào các nhà thương, trường học. Năm em học trò gái nhỏ chết trong lớp ở Tuyên Quang, dưới làn đạn máy bay Pháp. Hơn một trăm người đàn bà buôn thúng bán mẹt ở chợ Thắng bị tàn sát vì bom Pháp. Bom ném nhà thờ Yên Bái, bom ném chợ Phú Vinh, bom ném bốn lần liền xuống phố buôn bán ở Ấm Thượng, Ao Châu, thuyền gỗ, bắn, đò nan, bắn, mỗi ngày mỗi giờ, lại thêm những người mẹ, người anh, người vợ phải để tang”. Tôi tiếc, giá lúc ấy anh Thi còn sống, tôi sẽ chạy tới để cám ơn anh đã nói lên nỗi tang tóc của quê hương tôi và sự may mắn của một đứa trẻ thoát chết.
Rồi đến lượt quê tôi phải tản cư. Bố tôi cho tôi sang ở hẳn với ông để giúp việc vặt. Tôi nhớ nhất những đêm cả làng bồng bế gánh gồng luồn qua một cánh đồng hẹp giữa bốt Vàng và bốt Thứa để chạy ra vùng tự do. Ông giao cho tôi dắt một con trâu có bộ sừng kềnh càng nhưng rất hiền. Tôi khoác chéo một chiếc chiếu, một tay cầm chạc dắt trâu, một tay ôm chặt lấy một chiếc hộp gỗ sơn son thếp vàng được bọc vải rất cẩn thận. Bao nhiêu lần chạy loạn ông tôi đều giao cho tôi làm việc ấy. Năm 1954, ngày hòa bình đầu tiên, ông tôi bóc lớp vải, trịnh trọng đặt hộp gỗ sơn son thếp vàng lên bàn thờ, rồi thắp hương khấn thỉnh tổ tiên. Xong xuôi, ông bảo tôi ra đứng trước bàn thờ, vái tổ ba vái. Người nói:
- Mấy năm ông giao cho cháu giữ bài vị tổ tiên chạy loạn. Đến nay tất cả đều lành lặn. Thế là có hiếu.
Tản cư lên huyện Lập Thạch được một thời gian ngắn, cả làng cả xã đói dài đói rạc, bữa sắn bữa rau. Chủ trương của trên là tất cả trở lại vùng địch tạm chiếm bám đất bám ruộng vừa có cái ăn vừa có cái tiếp tế cho kháng chiến. Lúc này người lớn đều ở lại vùng tự do. Trong làng chỉ có các cụ già và trẻ nhỏ. Mấy anh nhỉnh hơn tôi thì góp gạo vào Vĩnh Yên đi trọ học để trốn bắt lính. Không còn ai để bắt phu, giặc phải quơ lũ trẻ chúng tôi thế vào. Gánh gạch, gánh cát, cắt cỏ, đi tuần đường, giặt giũ quần áo, khiêng nước đổ vào các bếp ăn và căn hầm gái điếm... Bạt tai, đá đít, quất roi. Khổ nhất và sợ nhất là đi tuần đường. Vì nhiều lần bị bộ đội ta phục kích bắn cháy nhiều xe, giết nhiều lính, nên địch bắt phu phải đi tuần đường dàn một hàng ngang lội ruộng, từ đồn Vàng về bốt Vân Tập gần chục cây số. Nhiều buổi tôi phải dắt trâu đi đúng vào hai vệt bánh ô tô, nếu có mìn thì cả trâu và cả người đều đi đứt. Trên suốt chặng đường tim tôi co thắt, lúc nào cũng nhấp nhổm lo bị mìn nổ. Nỗi sợ ấy không chỉ kéo dài một ngày một tháng mà nó đeo đẳng suốt ba năm từ 1950 đến mùa hè năm 1954. Thua trận ở Điện Biên Phủ, địch cho nổ mìn phá sập toàn bộ bốt Vàng rồi rút về phòng thủ ở Vĩnh Yên. Chúng tôi thoát.
Đấy, tuổi thơ của tôi đã trải qua như vậy đấy. Một tuổi thơ phải biết quá sớm thế nào là chiến tranh, thế nào là tội ác dã man của kẻ xâm lược.
* Thời chống Mỹ anh là lính tăng, chiến trường và quân đội có góp phần tôi luyện nên một nhà thơ Hữu Thỉnh bây giờ không? Cơ duyên nào anh đến với thơ văn, và những vần thơ đầu tiên trong đời có liên quan gì tới đời lính không?
- Đã làm lính thì phải sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả hy sinh cao nhất là hy sinh tính mệnh của mình. Cuộc sống đã đặt mình vào nơi sinh tử, lẽ tự nhiên mọi suy nghĩ đến cách sống, hành động hằng ngày cũng phải thay đổi cho phù hợp. Mà này, các động tác tập hợp, hàng dọc hàng ngang, liên tục sớm chiều nó có ý nghĩa lạ lắm. Ấy là luôn luôn nhắc nhở mình là thành viên trong một đội hình. Dần dần, tự mình cảm thấy hòa vào một dòng chảy xiết, tự nguyện khép mình vào một khuôn khổ mà lại cảm thấy rất thoải mái. Tất cả tập trung vào một việc là làm tròn phận sự. Cái ấy nó choán hết mọi thời gian, sức lực. Có lúc cạn nghĩ, nó chẳng liên quan gì đến thơ cả. Nhưng thực ra, nếu không có những quăng quật, những hiểm nghèo, cả những lựa chọn phải quyết định dứt khoát trong chốc lát thì không biết lấy gì để làm thơ. Hoặc cũng có thể làm thơ, thì rất dễ sa vào cái bi đát, chán chường, tủn mủn chẳng cần thiết cho ai. Cuộc sống chiến trường nâng tầm người lính lên, cũng có nghĩa là nâng tầm thơ lên. Rồi đến một lúc, tôi không có cảm thấy sự mâu thuẫn giữa cái vật vã hằng ngày với cái mơ mộng vốn có; làm lính và làm thơ hòa làm một. Nếu khống sống tận cùng cuộc sống của người lính thì cũng không thể lặn đến tận cùng thế giới của thơ ca.
Còn hỏi cơ duyên nào dẫn tôi đến với thơ văn, thì trước hết là kho vô tận của dân ca, ca dao, truyện cổ tích, là mọi phong tục, nếp sống làm nên môi trường văn hóa của một vùng đất cổ, mà người tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mẹ tôi. Tất cả nó ngấm vào tôi lúc nào không biết, nhưng nó ở lại mãi, càng ngày càng lớn lên để trở thành một cái gì rất riêng tư. Đó là tổng thể. Còn duyên do trực tiếp thì buồn cười lắm. Sau hòa bình 1954, làng tôi luôn có bộ đội về đóng quân. Lúc đó tôi đang học lớp 3, lớp 4 gì đó, các anh bộ đội dạy hát, dạy múa, lại cho mượn nào họa báo, nào tạp chí, nào sách vở. Có một lần vớ được một tập truyện hay quá, tôi lén đọc suốt đêm. Thế rồi, nghĩ bụng, những chuyện đánh nhau thế này, làng mình thiếu gì, có khi còn ly kỳ hơn ấy chứ. Thế là tôi hì hục mấy đêm liền, viết được hơn chục trang, kể chuyện du kích làng tôi lập mưu bắt những kẻ làm tay sai cho địch. Cứ theo địa chỉ ghi ở cuối sách, tôi gói lại, xin các anh bộ đội mấy cái tem, gửi qua đường bưu điện về nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 23 Lý Nam Đế - Hà Nội. Bọc giấy ấy gửi đi, tôi thấp thỏm chờ đợi hết ngày này sang ngày khác, chẳng thấy tăm hơi gì cả. Lâu dần quên mất cả chờ đợi. Sau này nghĩ lại thấy xấu hổ quá. Liều mạng đến thế là cùng. Nhưng cũng cho mình một bài học. Tôi tự nghĩ là tôi không có khiếu về văn xuôi, thế mới xoay ra làm thơ. Lên đến cấp II, tức là bậc phổ thông cơ sở bây giờ, tôi làm thơ nhiều lắm. Nhưng sợ không dám gửi đi đâu cả. Lên đến cấp III thì tôi mạnh dạn gửi đi cho một số báo. Gửi không biết nản. Cuối cùng thì được đăng. Nói buồn cười. Nhuận bút bài thơ đầu tiên của tôi trên báo Người giáo viên nhân dân năm 1962, được 4 đồng. Tôi mua được một mẻ bánh rán khao bạn bè mà vẫn còn đủ tiền mua rau ăn hết cả tuần. Với cái máu mê như thế, nếu không vào bộ đội chắc tôi vẫn cứ đeo đẳng viết lách suốt đời, chỉ có điều, mặc áo lính thì thơ tôi ngoặt sang một hướng khác, nó thành ra tôi bây giờ.
* Thời kỳ đổi mới có ảnh hưởng đến thơ của anh không? Anh sẽ “mài dũa” nghiệp thơ của mình như thế nào khi mà nhà thơ ở nước ta ngày càng nhiều... Làm sao có được giọng điệu riêng, ý tưởng riêng để khẳng định bản sắc của thơ mình?
- Cái việc làm thơ, nói nghiêm chỉnh, từ bài này sang bài khác anh đã phải tự thay đổi rồi. Chẳng chờ ai ra lệnh cả, đấy là do vấn đề, tâm trạng khác nhau, thì anh phải có cách viết khác nhau. Thế thôi. Bước vào Đổi mới, tôi đã hơn 40 tuổi. Và đã tự trau dồi một xác tín: Phải tựa chắc vào tinh hoa của văn học truyền thống. Mình là người Việt Nam, mình có cái hay của mình, mình viết trước hết cho nhân dân mình, thế đã; học người, nhưng không nên lóa mắt. Và tôi cứ cái mạch ấy tôi đi.
Nhưng cũng phải thừa nhận, Đổi mới đem đến cho mình nhiều thứ. Điều kiện để đọc, tiếp cận thông tin, mở rộng tầm nhìn đến việc tháo cởi những gò bó, tất cả, nó cho người viết nhiều lắm chứ. Hơn nữa, điều này rất quan trọng, người đọc đã thay đổi, dân trí ngày càng cao, đòi hỏi của bạn đọc đa dạng hơn, nghiêm khắc hơn, lẽ tất nhiên mình phải nâng mình lên ghê lắm may ra có thể đáp ứng được đôi phần. Thời thế đã thay đổi, thì thơ cũng phải thay đổi. Hơn nữa, có biết bao nhiêu vấn đề đặt ra trước mắt nhà văn, đòi hỏi lương tâm phải lên tiếng. Đó là nói về tầm nhìn và trách nhiệm. Còn riêng về cái hồn cốt làm nên cái riêng của thơ mình, thì phải giữ lấy và vun gốc cho vững. Đổi thì cứ đổi, mới thì cứ mới, nhưng không được để mất mình.
*Mọi người rất tâm phục anh ở thể loại viết chân dung văn nghệ và điếu văn. Anh cho biết vài ý kiến về thể loại không dễ viết đó…
- Xin nói chuyện viết điếu văn trước. Điếu văn là văn khóc, là đánh giá phẩm hạnh và công lao, bày tỏ sự thương tiếc người đã khuất. Thế thì tôi phải viết điếu văn từ năm học cuối cấp III phổ thông, năm 1963 kia. Hè năm ấy, chúng tôi cắm đầu ôn thi tốt nghiệp. Bạn tôi, anh Nguyễn Văn Cốc, học cùng tổ cùng lớp, ngồi trước tôi một bàn, bị mất do điện giật ngã khi trèo lên tường thay bóng đèn để ôn thi. Cả lớp kéo về quê anh ở xã Vật Cách - Yên Lạc để đưa tang. Đám tang người trẻ, không có kèn trống gì cả. Bạn bè thấy sái quá, bảo tôi phải viết vài câu đọc trước mộ anh. Thế là tôi viết ngay tại chỗ, rồi đọc trước lúc hạ huyệt. Cả lớp bưng mặt khóc. Đó là điếu văn đầu tiên tôi viết trong đời, nếu có thể gọi như vậy.
Vào bộ đội, chẳng hiểu thế nào, khi đơn vị có đồng chí hy sinh tôi cũng thường được thủ trưởng giao viết. Khi chính thức chuyển ra Hội Nhà văn Việt Nam, thì viết điếu văn vừa là chuyện tình cảm vừa là trách nhiệm, nhiều trường hợp không đẩy cho ai được. Chuyện là chuyện tình nghĩa, thế mà cũng có người đem ra diễu, thật chẳng còn hiểu ra làm sao. Mình có giành giật của ai cái việc đó. Lắm lúc nghĩ cũng buồn. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, kiếm cớ từ chối đâu có được. Thế là tôi lại viết. Mình đi dự nhiều đám tang, thấy thương tiếc thì thương tiếc thật, nhưng sao viết công thức và sơ lược quá, cứ như làm cho xong chuyện. Tôi nghĩ nhà văn với nhau không thể như thế được. Người xưa nói “cái quan định luận”, tức là lời đánh giá của người đời với người đã khuất. Thế thì hẳn đây phải là việc vô cùng nghiêm túc, phải cân lời đo chữ từng tí một, chứ không thể tùy tiện, càng không thể qua loa. Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ. Cuộc đời người ta, sự nghiệp người ta, sống chết chỉ một lần, phải viết thế nào cho thật cho đúng, cho thật với người đã khuất, và thật với lòng mình. Muốn vậy, phải đổi mới cách viết. Đổi mới thế nào? Trong lúc tôi đang loay hoay nghĩ thì may quá, do một duyên cớ nào đó, tôi có được tập tạp chí Sông Trà của Sở Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi. Số tạp chí in đã lâu, giấy đã ngả màu, tôi lật xem mục lục, thấy có bài điếu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong lễ tang cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tôi liền đọc một mạch, vô cùng bất ngờ và khâm phục một bài văn điếu tầm cỡ, xúc động đến thế. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, học lấy cái tinh túy của bài văn điếu nổi tiếng để làm bài học, giải đáp nỗi băn khoăn đang đeo đẳng. Nhớ lần viết điếu văn anh Nguyễn Khải. Mặc dù gần anh cũng lâu, đọc anh cũng lắm, nhưng tôi phải mất hai ngày hai đêm mới viết xong bài điếu hơn 4 trang A4 viết tay. Lúc đọc xong, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng cạnh, bảo: “Anh ấy là nhà văn, em viết như thế là phải”. Viết điếu văn anh Chính Hữu, xúc động quá tôi bị cảm gần như ngất giữa chừng. Cả nhà xúm lại thuốc thang, chạy chữa, hồi sau đỡ mới lại viết tiếp. Còn bài điếu anh Nguyễn Đình Thi do đồng chí Phạm Thế Duyệt đọc tôi phải viết đi sửa lại đến 11 lần.
Còn chuyện chân dung văn học? Chị hơi nói quá. Thực sự tôi chưa dám nghĩ đến chuyện ấy. Đó là công việc của các nhà phê bình văn học thực thụ. Do công việc, tôi có viết được một số bài về các bậc đàn anh và đồng nghiệp. Mỗi bài, cố gắng tìm ra một đôi nét đặc sắc trong cuộc đời và văn nghiệp của họ. Nhưng dù viết ngắn viết dài, tôi đều phải đọc, chí ít là những tác phẩm quan trọng nhất của họ. Chẳng hạn với anh Nguyễn Đình Thi, để viết một bài về anh ấy, tôi đã phải bỏ ra hàng mấy tháng đọc gần như toàn bộ tác phẩm của anh. Đọc để thấy được cái tổng thể, cái đại cục, rồi muốn tách ra để đi sâu vào một đôi khía cạnh nào đó thì sẽ cân nhắc sau. Với ai cũng vậy, nếu không phát hiện ra được thêm điều gì mới, tôi không dám viết.
* Với cương vị là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, anh dồn sức mình vào việc nào nhiều nhất để phát triển văn học nghệ thuật nước nhà? Khó khăn và thuận lợi?
- Với tư cách là cơ quan đại diện và đầu mối phối hợp cao nhất của giới văn học nghệ thuật, nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên hiệp là góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng cho văn học nghệ thuật, đánh giá đúng và khích lệ kịp thời các cống hiến, tạo mọi điều kiện cho tài năng phát triển. Nói tham mưu đâu phải chỉ có một mình Liên hiệp, còn bao nhiêu cơ quan hữu quan khác. Nếu mình có quan hệ tốt, để họ hiểu mình, ủng hộ mình thì công việc sẽ được trôi chảy nhiều lắm. Cho nên cái tôi lo nhất của Liên hiệp là cơ chế và chính sách, nói hơi to tát, đó là lĩnh vực vĩ mô.
Còn ở Hội Nhà văn thì nghiêng về tổ chức thực hiện với những công việc cụ thể hàng ngày. Liên hiệp có 74 cơ sở là các tổ chức thành viên. Tôi làm việc với các đồng chí lãnh đạo các tổ chức thành viên nhiều hơn là từng văn nghệ sĩ. Còn ở Hội Nhà văn thì có hơn 1.000 hội viên, mỗi hội viên là một cơ sở. Phải làm việc với từng người, lắng nghe ý kiến của từng người, xử lý từng công việc rất cụ thể. Mà ý kiến thì nhiều khi rất khác nhau. Dân chủ mà. Nhưng tôi rất tin vào tập thể, dựa vào tập thể, kiên trì nhẫn nại chờ đợi, thế nào cũng tìm ra cách xử lý hợp lý hợp tình. Tập thể ở đây, tôi muốn nói cả tập thể hội viên và tập thể lãnh đạo. Tạo được không khí thực sự đồng thuận trong hội viên và cơ quan lãnh đạo thì việc khó cũng trở thành dễ.
Lao động sáng tạo là việc vô cùng khó khăn.
Điều hành một lĩnh vực vô cùng khó khăn mà mong dễ làm sao được.
29-5-2017