Ở Huế có một con đường đi bộ rất đáng đi, song hành với hữu ngạn sông Hương, đoạn nằm giữa hai đầu cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân. Mỗi buổi sáng các vị cao tuổi thuộc dòng họ NGUYÊN (xin đừng tưởng là họ Nguyễn) đã nghỉ hưu, sau khi kết thúc bài đi bộ thể dục thường vào quán cà phê bên bờ sông để dùng chút điểm tâm và nói chuyện đời. Hôm ấy nhằm cuối tháng tư nên chuyện đời của họ xoay quanh ngày 30-4.
Một cụ Nguyên sĩ quan quân Giải phóng kể: “Mới đó mà đã hơn 40 năm. Còn nhớ vào ngày 25-3-1975, đơn vị chúng tôi tập kết ở cửa rừng chuẩn bị xuất kích. Đồng chí chỉ huy trưởng nói trước toàn quân: ‘Hôm nay chúng ta sẽ đánh trận quyết định để giải phóng thành phố Huế. Các đồng chí nên nhớ, ở nội thành không chỉ có địch mà còn có lực lượng đấu tranh chính trị cùng đồng bào thành phố tiếp sức cho ta’. Rồi ông lấy cái radio mang bên mình mở đài phát thanh Giải phóng thật lớn cho bộ đội nghe một chương trình ca nhạc của sinh viên tranh đấu ở nội thành gồm những bài: Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe, Tình nghĩa Bắc Nam, Nối vòng tay lớn… Quả nhiên tinh thần của bộ đội rất phấn khởi”.
Một cụ Nguyên ca sĩ đài phát thanh nói: “Trưa 30-4 tôi mở đài Sài Gòn bỗng nghe tiếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài Nối vòng tay lớn để kêu gọi đồng bào, sinh viên học sinh xuống đường đón chào quân đội cách mạng và mừng ngày hòa bình thống nhất đang đến. Hình như khi ấy Trịnh Công Sơn không có cây đàn guitar. Anh phải hát mộc và vỗ tay xuống bàn để đệm. Đây là bài hát đầu tiên của Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng để báo tin mừng đại thắng. Khi ấy một số mũi tiến công của quân Giải phóng vẫn chưa kịp hội sư ở dinh Độc Lập”.
Một cụ Nguyên sinh viên y khoa (nay là bác sĩ nghỉ hưu) làm bộ ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, hình như lúc ấy bài Nối vòng tay lớn chưa được cấp giấy phép biểu diễn mà sao Trịnh Công Sơn dám hát? Chẳng những ca khúc này mà e rằng hầu hết những ca khúc trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe trước năm 1975 của các nhạc sĩ tranh đấu như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Xuân Tân… cũng rứa.
Một cụ khác gật gù tiếp lời:
- Ngay cả bài Tiến quân ca của Văn Cao, những bài ngợi ca Hồ Chủ tịch và hàng trăm bài nhạc chiến đấu thời chống Pháp và chống Mỹ cũng chỉ mới được cấp giấy phép biểu diễn cách nay không lâu thôi. Hì Hì!
- Ai cấp phép, ai cấm hát?
- Thì cái Cục… Cục gì đó của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ ai. Lúc người ta cất cao lời ca tiếng hát bên chiến hào, trong phong trào tranh đấu, trong làn khói lựu đạn cay và dây kẽm gai hay trong chốn lao tù của Mỹ - ngụy thì cái Cục ấy chưa sinh ra đời, lấy ai để mà cấp với cấm? Nực cười!
Vừa lúc ấy có cụ bà gánh một gánh bún bò đi tới. Các ông họ Nguyên liền kêu cụ bà dừng lại bán cho mỗi người một tô. Một cụ hỏi:
- Mệ có ớt xanh nguyên trái bẻ kêu cái bụp không?
- Có chớ. Không có thì răng mà kêu là bún bò Huế?
- Mệ xưng là bún bò Huế, rứa răng gánh bún bò của mệ không có dán cái lô gô?
- Là cái chi rứa?
- Bây giờ ai bán bún bò cũng cần được cơ quan nhà nước chứng nhận chất lượng và cấp cho một cái nhãn hiệu BÚN BÒ HUẾ. Không có cái thương hiệu đó thì không được tự xưng là bún bò Huế.
Bà cụ tưởng là nói giỡn nên vui vẻ trả lời:
- Không được xưng là bún bò thì tui xưng là bún lết Huế cũng được. Tui bán gánh bún bò ni cả đời có thấy ai hạch hỏi ba cái lô gô lô ghiếc chi mô?
- Xưa khác nay khác mệ ơi! Bây chừ không có cái lô gô đó mà mệ rao là bún bò Huế, không chừng bị phạt đa nghe. Để lách luật, mệ phải rao là: “Ai ăn Nguyên bún bò Huế không?”. Một cụ cười sặc cả sợi bún.
Lúc này ở phía đầu cầu Trường Tiền có một nhóm nữ sinh tóc dài áo trắng đang nhí nhảnh tạo dáng để chụp hình cho nhau. Họ tìm góc độ để lấy cho được hình ảnh cầu Trường Tiền và cây phượng vĩ đỏ rực ở sau lưng.
Một cụ gật gù khen: “Nhìn các cháu dễ thương thật. Theo mấy bác thì gái Huế có phải là một phần hồn trong cái đẹp của thành phố mình không?”.
- Đương nhiên. Nếu không thì làm sao hình ảnh cô gái Huế có thể đi vào thơ văn, âm nhạc, hội họa, điện ảnh ngọt ngào như thế? Ngay từ khoảng giữa thế kỷ 20, đã có nhà thơ Phỗng Đá làm bài thơ ca ngợi như sau: “Khách du lịch ai là người chưa đến Huế/ Xin tạm nghe tớ kể một đôi lời/ Dẫu chân đà đi khắp mọi nơi/ Chưa đến Huế ai ơi thì cũng tục/ Cô gái Huế mắt nhung hàm răng ngọc/ Tà áo bay, suối tóc mượt mà…”. Chứng tỏ từ xưa hình ảnh cô gái Huế đã có sức hấp dẫn du khách.
- Vậy thì có chút rắc rối đấy. Hiện nay, phàm cái gì đã thành danh hiệu, nhãn hiệu, thương hiệu hấp dẫn du khách đều có thể có cơ quan chức năng gì đó bày đặt nhảy vào quản lý để thu phí giống kiểu thu phí hoa chi ngoài chợ. Đến những bài hát xương máu của cách mạng mà cũng phải xin-cho thì đúng là tận thu rồi. Cũng như các bài hát và món bún bò Huế vậy - e rằng mai mốt các cháu nữ sinh kia cũng phải đăng ký và nộp một khoản quản lý phí gì đó để được cấp mỗi đứa một cái lô gô GÁI HUẾ. Không có cái tem phiếu ấy thì chỉ được gọi chung chung là gái thôi.
Biết là nói đùa, các cụ đều cười. Nhưng bà cụ Nguyên bún bò Huế thì tưởng thiệt bèn hỏi:
- Rứa rồi mấy đứa nó dán cái tem GÁI HUẾ ở mô? Không lẽ dán lên mặt lên mũi?
- Thì trên người còn thiếu chi chỗ. Tìm chỗ mô kín kín mà dán là được rồi.
Lại thêm một trận cười. Có cụ cười khà khà. Có cụ cười khành khạch. Có cụ cười khọt khẹc.
Trước khi rã đám, một cụ Nguyên nhà thơ đọc một bài ngẫu hứng như sau:
Thời buổi hài nhảm đang lên ngôi
Khán giả ôm bụng cười đã đời
Hăm hở diễn viên múa lại hát
Đầu thì rỗng tuyếch, mặt bôi vôi!