…Cháu xin gửi chú một số chi tiết về những ngày cuối cùng của cha cháu. Cha cháu sau một đợt mệt khá nặng đã khá trở lại, lại vẫn ham đọc, dịch nghĩa các câu đối Hán Nôm, giải thích một số chi tiết, từ ngữ trong một bài ca dao về Hà Nội. Song khoảng từ ngày 20-5-2017, cha cháu mệt trở lại do bệnh viêm phổi của người già. Cha cháu ho nhiều, ăn rất ít và thời gian mệt phải nghỉ ngày một nhiều lên. Dù vậy cha chúng cháu vẫn rất tỉnh táo chuyện trò, dặn dò con cháu về nhiều việc, về ý nguyện khi ra đi.
- Đây là bài Cảm nghĩ cuối đời. Cha cháu dặn các con đọc sau lời điếu văn, như một lời cảm ơn của cha cháu tới mọi người:
“Không thể biết được, giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Không thể tránh bao nỗi đau thương, tiếc nuối và cả lòng biết ơn vô hạn các vị ở nhiều thế hệ, nhất là trong thời hiện tại đã ban cho cuộc sống và trao cho bí quyết kế tục tạo nên sức sống vững mạnh và tươi đẹp bậc nhất vũ trụ hiện nay”.
- Điều tâm niệm cả đời là di nguyện của cụ thân sinh Nghiêu Văn-Vũ Duy Hoán:
“Trung hiếu dám đâu sai tấc dạ
Văn chương tạm cũng góp vài câu”
chữ Nôm (cụ Nguyễn Xuân Bách viết) cầm dẫn trước đám đưa về với tổ tiên.
- Và treo ở chậu hoa mai trước Hoa đình (Tĩnh tâm trai): “Rủng rỉnh mai vàng lên tiên” - Vũ Tuân Sán (chữ Nôm do cụ Bách viết). Chú thích: - Rủng rỉnh - đủng đỉnh (thong thả khi di chuyển); - Rủng rỉnh mang nghĩa “đủng đỉnh” nhưng thêm ý mừng vui. (Cháu có hỏi thêm về nghĩa khác song cha cháu bảo chấm ở đây. Ở ngày 25-5 vẫn sáng suốt thế).
- Đây có lẽ là bài thơ cuối cùng (18 giờ 20 phút ngày 26-5):
“Tuổi tác thường cho rất khó lầm
Mà nay sai xuyễn lại hơn trăm
Ước sao bước tiến hòa đồng đẹp
Cho cả doanh hoàn lẫn nội tâm”.
(Ghi chú: sai xuyễn là nhầm tưởng).
- Ở ngày cuối tháng cha chúng cháu mong được gặp, được ôm chia tay từng con, cháu, chắt, nói vài lời ý nguyện, căn dặn, vĩnh biệt. Cha chúng cháu đã được mãn nguyện.
- Cả gia đình đã ra sức thuyết phục cha cháu đi bệnh viện để có phương tiện hiện đại chữa trị. Cha cháu sớm đấy vẫn giảng cho chúng cháu nghĩa của sự sống, sức sống, quan niệm triết học của phương Đông, phương Tây về “sống”, nhấn mạnh chữ “hòa” ở Á Đông quan trọng thế nào... Hỏi về bài Cây đa (loài cây mang tinh thần “phản kỳ bản”, bài ca dao...).
- Cha chúng cháu đã về nhà sau đúng 1 tuần khi Hà Nội chịu trận đợt nóng khủng khiếp, khi lúc nào cũng tha thiết được ra viện. Và cha cháu đã trút hơi thở cuối cùng trong căn phòng Tĩnh tâm trai giữa màu xanh của cỏ cây, hương thơm của vườn hồng, giữa nỗi đau khôn xiết của chúng cháu. Hai cháu ở nước ngoài cũng về kịp với ông.
Thưa chú, giờ cháu mới ghi lại được những việc vừa qua, ở những nét lớn mà cháu trực tiếp thu nhận được. Những ngày tháng qua, cha chúng cháu khỏe, vui vì có bao con cháu, dâu, rể luôn bên cạnh, có sự chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, khoa học của các con, nhất là em Vân, em Tiệp, em Kiên cháu. Cháu không được ở gần nên khó viết cụ thể về sức khỏe cũng như những tâm sự, ý nguyện của cha mà cháu chưa hẳn đã biết hết. Có điều cháu luôn cảm nhận được niềm tin yêu vào cuộc đời, ham mê học hỏi không ngừng, khao khát, niềm vui không cạn khi được góp cho đời bằng tất cả tâm huyết để thấy cuộc sống của mình còn ý nghĩa ở người cha ngoài trăm tuổi. Đây là điểm tựa tinh thần cho cháu cũng như bao con cháu. Chú có tưởng tượng được ánh mắt rạng rỡ của cha cháu khi bài Một nụ cười được in trong Hồn Việt số vừa rồi không ạ? Giờ cháu càng hiểu ra vì sao cận ngày cha cháu lại hỏi cháu đã gửi bài Cây đa vào chú chưa, cảm giác cha cháu hạnh phúc trở về cội khiến cháu không cầm nổi nước mắt.
Chú ạ, chú bảo cháu viết gửi cho chú một số kỷ niệm về cha cháu. Cháu đã gửi bằng nỗi niềm chia sẻ đau buồn của cháu tới chú, người mà cha cháu rất quý trọng, yêu mến…
_____
* Trích thư của Vũ Uyển Di, con gái của cụ Vũ Tuân Sán, gửi Tổng biên tập tạp chí Hồn Việt.