* PV: Cơ duyên nào Hồng Ánh đến với Đảo của dân ngụ cư?
- Đạo diễn HỒNG ÁNH: Sau khi làm xong bộ phim Đời cát, nhóm chúng tôi gồm đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Quang Lập và tôi cùng đọc truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến, thấy đây là một truyện hay, giao cho Nguyễn Quang Lập chuyển thể sang điện ảnh. Dự định của chúng tôi ngày ấy là Nguyễn Thanh Vân sẽ làm công việc đạo diễn, tôi - Hồng Ánh sẽ làm sản xuất và diễn vai Chu, con gái ông chủ nhà. Mọi thứ chuẩn bị xong hết chỉ còn chờ nguồn tiền xem có ai đầu tư không. Đi đâu, gặp ai có điều kiện, chúng tôi cũng đều giới thiệu dự án của mình nhưng người ta nói phim này không có tính thị trường cao, khó hoàn vốn. Tình trạng đợi chờ này kéo dài cả chục năm. Đến năm 2016, tôi “chào hàng” với lãnh đạo Hãng phim Live Media và được họ sẵn sàng đầu tư, coi như đây là sản phẩm đầu tay của hãng phim họ. Thật ra, họ cũng hiểu bộ phim này khó thu hồi vốn khi ra khán giả.
* Chị thích điều gì trong câu chuyện Đảo của dân ngụ cư?
- Diễn biến tâm lý của những con người trong đó rất thú vị, cho mình những cảm xúc khác biệt nhau. Trên hết, đó là khát vọng được làm chủ cuộc đời mình; đó là quyền sống của mình không ai được can thiệp, dù nhân danh tình yêu. Tôi thích những ý tưởng độc đáo của nhà văn như “Linh hồn và thể xác của mỗi người thật ra là không ăn nhập gì tới nhau”, hay “Tự do tâm linh cũng là một nhu cầu đồi trụy”… Các nhân vật ở đây vượt ra khỏi những định kiến, những quan niệm phong kiến của “ông chủ”, một người mà quyền lực bao trùm lên tất cả các thành viên trong ngôi nhà. Tôi bị cuốn hút bởi tư tưởng khát khao tự do, được giải thoát mình khỏi những trói buộc.
* Giữa phim và truyện có sự khác biệt như thế nào?
- Khi dàn dựng, tôi cố gắng giữ cho được tinh thần từ tác phẩm văn học song truyện, kịch bản văn học và phim là ba cá thể độc lập, mong mọi người đừng so sánh với nhau. Ở kịch bản văn học, bối cảnh là ở bờ biển, nhưng khi làm phim, tôi đưa câu chuyện hoàn toàn vào trong nhà. Tôi muốn đẩy lên cao sự ngột ngạt, bí bách vì “đảo” của dân ngụ cư là sự cô đơn trong mỗi con người. Trong phim, tôi cho cái chết là sự giải thoát khi người ta không vượt qua được bản thân mình.
* Giải thoát bằng cái chết? Hồng Ánh không nghĩ đó là một cái kết quá tiêu cực sao?
- Đó là một cuộc đấu tranh, mà đã đấu tranh tất phải có hy sinh, có hy sinh mới hướng tới sự thay đổi. Cái giá của sự thay đổi chính là sự mất mát.
* Lần đầu làm đạo diễn, điều khó nhất đối với Hồng Ánh là gì?
- Hai mươi mốt năm theo nghề diễn viên, những vất vả làm phim đối với tôi là chuyện bình thường. Những kiến thức về chuyên môn nghề nghiệp đạo diễn mới là điều mới mẻ. Là người đầu tàu nên mình phải nắm được những kiến thức này mới điều khiển được cả một bộ máy. Những cộng sự của tôi đều là những người có chuyên môn nghề nghiệp giỏi. Biết tôi là người mới nên họ đều giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều. Tất cả vì bộ phim chứ không vì cá nhân một ai cả.
* Bộ phim Đường đua trước đây do Hồng Ánh làm sản xuất đã chịu lỗ nặng, vậy nó đã cho chị kinh nghiệm gì?
- Kinh nghiệm về sản xuất. Phim Đường đua trước đây với tôi đúng là một bài học lớn. Bài học quá mắc nhưng tôi không ân hận. Lần này, tôi kiểm soát rất kỹ về mặt sản xuất.
* Đảo của dân ngụ cư đến Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 vừa qua với vai trò gì?
- Đại diện cho Điện ảnh Việt Nam, đến để làm công việc giới thiệu, quảng bá (cùng với các bộ phim Cuộc đời của Yến, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Quyên). Phim Đảo của dân ngụ cư cũng được tham gia chiếu tại Madrid, Tây Ban Nha nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Tây Ban Nha.
Ở Tây Ban Nha, ít người Việt, khán giả hầu hết là người bản xứ. Phim Đảo của dân ngụ cư chiếu đúng vào thời điểm người bản xứ đang quan tâm đến vấn đề nhân quyền phụ nữ. Những ngày ở đây, chúng tôi gặp một cuộc biểu tình lớn ở quảng trường với những mô hình búp bê bị chảy máu ở cổ, ở mắt trong khi miệng ngậm bông hồng. Họ đấu tranh cho quyền phụ nữ vì đang có chuyện thời sự phụ nữ bị đánh đập, bị giết… nên họ kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật. Nội dung phim Đảo của dân ngụ cư vì thế, phù hợp với điều người ta đang quan tâm. Sau buổi chiếu phim có cuộc giao lưu, họ rất ngạc nhiên khi biết đây là phim đầu tay của một đạo diễn nữ.
* Dường như công việc đạo diễn và sản xuất đang là cái đích đến phía trước của Hồng Ánh?
- Tôi vẫn muốn được làm diễn viên, chỉ sản xuất những dự án của Hãng phim Xanh bởi tôi muốn quản lý tốt nguồn tài chính do hãng mình đầu tư. Nhưng tiếc là bây giờ không có nhiều vai diễn ở lứa tuổi của tôi. Sở dĩ tôi làm đạo diễn phim Đảo của dân ngụ cư này vì là cơ hội đến, người ta tin mình, tại sao mình lại không tin mình? Đạo diễn là công việc tôi không hề có dự tính trước. Nhiều người hỏi tôi, sau phim này có làm đạo diễn nữa không. Nếu gặp được một kịch bản hay, một câu truyện hay, và được tin tưởng, tôi cũng sẽ làm, nhưng chắc chắn sẽ là một câu chuyện khác. Bản thân tôi không có dự định gì lâu dài cho con đường đạo diễn, song một khi đã bước vào một công việc nào đó, tôi luôn tìm cách học hỏi, nắm bắt, làm tốt hết sức có thể chứ không làm nửa vời.
* Công việc sắp tới của chị là gì?
- Tôi sẽ tham gia đóng một vai trong phim có tên là Ngựa hoang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dự định sẽ khởi quay vào cuối tháng 6-2017. Tôi cũng đang viết kịch bản cho bộ phim thứ hai do Hãng phim Xanh của mình sản xuất, dự kiến cuối tháng 8-2017 này sẽ thực hiện, nhưng chưa nghĩ tôi có làm đạo diễn hay không.