Bán đảo Sơn Trà: nơi đầu sóng ngọn gió
Nói như vậy, vừa đúng về mặt địa dư vừa đúng cả về mặt lịch sử.
Về mặt địa dư: “Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo… Qua thời gian dài, dòng nước chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên, tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó” (vi.m.wikipedia.org).
Từ bao thế kỷ qua, bán đảo Sơn Trà như cánh tay người mẹ hiền vươn ra biển Đông để che chở cư dân Đà Nẵng khỏi các đợt gió mùa đông bắc lạnh lẽo hay những cơn bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương đổ bộ vào. Nhờ vậy, thời tiết và khí hậu vùng Đà Nẵng - Nam - Ngãi trở nên ôn hòa hơn, không cực đoan như ở vùng Bình - Trị - Thiên.
Về mặt lịch sử: Bán đảo Sơn Trà là nơi bị thực dân đánh chiếm đầu tiên.
Lợi dụng việc giảng đạo, các thừa sai Công giáo len lỏi khắp nơi, thám thính tình hình Việt Nam. Trong thư gửi lên vua Napoléon III, tháng 1-1857, linh mục Huc viết: “Đà Nẵng nằm trong tay người Pháp sẽ là một hải cảng không ai tấn công nổi và là cứ điểm quan trọng để chế ngự Bắc Á”(1). “Giám mục Retord cũng khuyên nên tấn công và chiếm Đà Nẵng”(2). Giới hải quân đồng tình với các thừa sai. Trong thư đề ngày 4-10-1857 gửi cho Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly viết: “Đà Nẵng quả là chỗ neo tàu khá an toàn cả trong mùa gió đông bắc. Và vì nó gần kinh đô Huế, việc chiếm đóng nó sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng trên chính quyền Việt Nam”(3).
Triều đình Việt Nam không phải không biết việc các nước tư bản phương Tây đang dòm ngó Đà Nẵng. Một quan chức đã tâu lên vua Tự Đức: “Mới đây, [người Âu] đem tàu đến Đà Nẵng, họ giả vờ xin được tự do buôn bán… [nhưng] họ không mấy quan tâm đến việc buôn bán… Nguy hiểm nằm trong vịnh Đà Nẵng; do tầm cỡ to lớn, vịnh này cho phép tàu bè qua lại dễ dàng và nhờ có núi bao bọc, nó là chỗ neo tàu thích hợp để tránh gió”(4). Vua Tự Đức đã ra lệnh lập một hệ thống phòng thủ khá kiên cố để bảo vệ Đà Nẵng và con đường dẫn ra Huế.
Sáng ngày 1-9-1858, hạm đội Pháp - Tây Ban Nha, do R. de Genouilly chỉ huy, tiến vào Đà Nẵng. Nhờ ưu thế về súng đạn và tàu chiến, sau một hồi kịch chiến, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chiếm hai thành An Hải và Điện Hải. Lấy bán đảo Sơn Trà làm đại bản doanh, R. de Genouilly cho xây ở đây pháo đài, trại lính, nhà kho, nhà thờ, bệnh viện, trại nuôi gia súc…
Vua Tự Đức gửi thêm viện binh, cử nhiều tướng tài vào mặt trận Đà Nẵng, trong đó có Nguyễn Tri Phương làm tổng chỉ huy.
Do vũ khí của ta thua kém súng đạn của địch cả về số lượng lẫn chất lượng, Nguyễn Tri Phương chủ trương phòng thủ, xây phòng tuyến Liên Trì cùng nhiều đồn lũy, ra lệnh cho dân chúng tản cư khỏi những nơi bị giặc chiếm, cắt nguồn tiếp tế lương thực thực phẩm… Nhiều lần R. de Genouilly cho quân đánh nống ra nhưng không thành công. Một sĩ quan Pháp kể lại: “Người An Nam không tấn công chúng ta, nhưng đã bao vây chúng ta bằng những công sự tác chiến, ngăn chặn mọi liên lạc với nội địa. Có vài lần chúng ta đã thử đẩy lùi họ nhưng nào có ích gì đâu, nếu hôm nay lấy của họ ít đất thì ngày mai họ lại chiếm trở lại… Từ ngày chiếm Đà Nẵng, chúng ta luôn luôn giữ thế thủ trên một bán đảo [Sơn Trà]… Nếu tiếp tục thế này thì cuộc chiến sẽ kéo dài hàng trăm năm”(5).
Không chỉ bị thương vong trong các trận đụng độ, lính viễn chinh còn bị các bệnh nhiệt đới (dịch tả, kiết lị…) làm hao mòn.
Năm 1858, R. de Genouilly háo hức bao nhiêu thì sang năm 1859 ông ta thoái chí bấy nhiêu. Trong báo cáo ngày 16-5-1859, R. de Genouilly “không thể không thừa nhận rằng một cuộc chiến chống đất nước này khó hơn một cuộc chiến chống thiên triều Trung Quốc”(6). Trong báo cáo ngày 4-8-1859, R. de Genouilly thừa nhận đây là “một cuộc chiếm đóng quá sức hao tổn về người và về tiền của” và tiên liệu “sự chiếm đóng trong tình hình như vậy cuối cùng sẽ đưa đến tiêu diệt”(7). Chán nản đến tột độ, trong báo cáo ngày 5-9-1859, R. de Genouilly không giấu diếm nỗi tuyệt vọng: “Tôi không thấy cách nào khác hơn là rút lui”(8).
Khi liên minh nhà vua - nhà binh - nhà buôn - nhà thờ không chịu từ bỏ ý đồ xâm lăng Việt Nam thì R. de Genouilly xin về nước (tháng 10-1859).
Chuẩn đô đốc Page sang thay. Chỉ huy mới nhưng tình hình vẫn như cũ. Trong báo cáo ngày 20-10-1859, ông viết: “Thần chết bay lượn quanh khắp các đồn trại. Đã hơn 1.000 người (600 bộ binh và 400 thủy binh) đã được cắm thánh giá rải rác trên đất nước này… Các đội quân kiệt sức còn lại cũng nao lòng với những ý nghĩ bi thảm. Càng ngày, hàng ngũ chúng ta càng thưa thớt thêm”(9).
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở Đà Nẵng đã đánh bại chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, bẻ gãy ý đồ đánh chiếm Đà Nẵng để làm đầu cầu tiến ra kinh thành Huế. Page than thở: “Đâu đâu kẻ thù cũng trang bị vũ khí. Vua Tự Đức đã kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chúng ta. Tôi có thể làm gì để đánh bại ông ta?”(10).
Page không thể làm gì ngoài việc rút quân ra khỏi Đà Nẵng. Ngày 23-3-1860, sau khi đốt hết doanh trại, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cuốn gói lên tàu, chỉ để lại hai thứ: một ngôi nhà thờ và một nghĩa địa với khoảng 1.500 hài cốt.
105 năm sau, Đà Nẵng đối đầu với kẻ thù mới:
Ngày 8-3-1965, 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn viễn chinh số 9 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bờ biển Xuân Thiều, cách bán đảo Sơn Trà không xa. Trong ba năm sau đó, số lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên tới hơn nửa triệu người. Mỹ biến Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp hải-lục-không quân. Từ đây, máy bay ném bom Mỹ đi gieo tội ác tại hai miền Nam, Bắc. Mỹ xây trên đỉnh núi Sơn Trà trạm ra đa quân sự mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát lên tới 300km.
Nhưng 8 năm sau, thi hành Hiệp định Paris, toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Đà Nẵng.
Trận chiến mới giữa bảo tồn tự nhiên và bê tông hóa
Bán đảo Sơn Trà có núi, có rừng, trước mặt là biển, sau lưng là sông. Vì vậy, Sơn Trà có sự đa dạng sinh học hiếm nơi nào có. Trên cạn, có gần 1.000 loại cây cỏ và hàng trăm loài động vật khác nhau, có bãi cát trắng phau trải dài mút mắt; dưới nước, tôm cá… đua bơi giữa các rặng san hô nhiều màu sắc. Đặc biệt, Sơn Trà có quần thể voọc chà vá chân nâu lớn nhất thế giới, có vẻ đẹp đáng yêu được vinh danh là “nữ hoàng của các loài linh trưởng”.
Bán đảo Sơn Trà còn có giá trị về mặt môi trường. Đây là “lá phổi xanh” có khả năng tái tạo oxy cho 4 triệu dân Đà Nẵng, là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố.
Về phương diện quốc phòng, bán đảo Sơn Trà là nơi neo đậu tàu chiến của Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam. Trạm ra đa ở độ cao 621m so với mực nước biển giúp Bộ đội Phòng không và ngành Hàng không dân dụng quan sát cả một vùng trời - vùng biển bao la.
Cha ông ta giữ đất, giữ nước để lại cho chúng ta ngày nay. Chúng ta khai thác phải đầy đủ lương tâm, trách nhiệm. Không chỉ toan tính lợi ích trước mắt, dù du lịch đang là một trong những mũi nhọn kinh tế chiến lược. Phải tính toàn diện. Sơn Trà quý hơn tất cả, cao hơn tất cả những lợi ích “bỏ túi”. Đừng làm du lịch theo kiểu “bê tông hóa”, dần dần xé nát môi trường sinh thái!
Hãy lắng nghe tiếng nói của bây giờ và tiếng nói thiêng liêng của quá khứ!
_____
(1) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr.50.
(2), (3) Sđd, tr.92.
(4) Sđd, tr.91.
(5) Lưu Anh Rô, Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp 1858-1860, NXB Đà Nẵng, 2005, tr.112-113.
(6) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr.106.
(7) Sđd, tr.111.
(8) Sđd, tr.112.
(9), (10) Sđd, tr.114.
Bê tông hóa Ảnh: KHÁNH HỒNG
10
Số 116èTháng 7-2017
Nữ nhà báo đoạt giải Pulitzer và loạt bài chấn động về Việt Nam
Deborah Nelson - nữ nhà báo điều tra người Mỹ, phóng viên của The Los Angeles Times, người đã từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer, là tác giả của loạt bài viết phơi bày tội ác lính Mỹ gây ra ở Việt Nam trong cuộc thảm sát Mỹ Lai gần 50 năm về trước.
Nhà báo Deborah Nelson
(ảnh trái)
DI LINH
Vượt nửa vòng trái đất, dành thời gian hàng năm trời để gõ cửa từng ngôi nhà những cựu binh tham gia cuộc thảm sát 19 người vô tội ở Việt Nam vào tháng 2-1968, Deborah Nelson thuyết phục họ lên tiếng về vụ việc tưởng như đã được lãng quên. Bà cũng là người nhiều tháng trời lặn lội ở Việt Nam tìm gặp những nhân chứng để tái hiện một câu chuyện kinh hoàng.
Hơn tất cả, nữ nhà báo đã trao cho những người lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát mà họ phải thực hiện theo mệnh lệnh một cơ hội, đó là được nói lời xin lỗi những nạn nhân của họ!
Những ngày giữa tháng 5-2017, sau 12 năm loạt bài Phía sau tội ác được đăng tải, Deborah Nelson chia sẻ những câu chuyện của một nhà báo đầy lương tâm.
Lật lại lịch sử
Tháng 2-1968, một tháng trước cuộc thảm sát tai tiếng ở Mỹ Lai, một đơn vị lính Mỹ ở miền Trung Việt Nam đi càn qua một ngôi làng nhỏ, bắt được 19 người dân không có vũ trang - bao gồm phụ nữ, trẻ em, thiếu niên và một người đàn ông lớn tuổi.
Hôm đó, toán lính nhận được mệnh lệnh “giết sạch những gì di động”. Họ dồn dân làng vào nơi trống trải rồi nã đạn. Sau vụ việc, thanh tra quân đội lấy lời khai có tuyên thệ của hàng tá binh sĩ, thu thập được nhiều chi tiết ám ảnh miêu tả lại cuộc thảm sát. Tuy nhiên, vụ việc bị chìm xuồng, không ai bị kết tội.
Những lời khai đó - và ghi nhận của hàng trăm cựu chiến binh Mỹ khác từng chứng kiến các vụ thảm sát, giết chóc, cưỡng hiếp, tra tấn - được Ban tham mưu lục quân Mỹ những năm 1970 đưa vào diện hồ sơ đặc biệt cần lưu trữ bí mật và cất kỹ suốt 30 năm. Hồ sơ bao gồm cả những vụ việc đã được chứng minh liên can đến hơn 300 lời cáo buộc, liên đới đến thành viên mọi sư đoàn lớn từng tham gia cuộc chiến.
Năm 2005, nữ nhà báo Deborah Nelson và nhà sử học quân sự Nicholas Turse đã cùng nhau bắt tay tìm hiểu sự thật phía sau những chồng hồ sơ mật. Những bài báo sau đó đã được đăng tải, và được in thành cuốn sách Phía sau cuộc chiến - câu chuyện đầy đủ nhất về quá trình hai tác giả đi tìm câu trả lời từ những người bị cáo buộc phạm vào tội ác chiến tranh, từ những nhân chứng cáo buộc và cả các quan chức cấp cao đã che giấu sự thật.
Phía sau tội ác lần đầu tiên nhìn thẳng vào những bí mật đen tối nhất về cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là lời bào chữa cho những cựu lính Mỹ đã dũng cảm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng như những nhà hoạt động chính trị phản chiến của thời đại - những người kêu gọi sự cảm thông của cộng đồng với những sai lầm trong quá khứ…l
(Nguồn: TuanVietNam.net)
11
Tháng 7-2017èSố 116