* HỎI: Tại sao ta gọi “Việt Nam Cộng hòa” là ngụy quyền?
- ĐÁP: Ngụy hay không là do ở cái nguồn gốc. Chính quyền có nguồn gốc xấu là ngụy quyền.
“Việt Nam Cộng hòa” xuất phát từ “Quốc gia Việt Nam”. Mà “Quốc gia Việt Nam” thì ai cũng biết là một chính quyền bù nhìn do thực dân Pháp dựng lên để dùng người Việt đánh người Việt. Trong khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là từ nhân dân mà ra, nhờ nhân dân nuôi mà lớn, đánh thực dân giành độc lập, thì “Quốc gia Việt Nam” là từ thực dân mà ra, nhờ thực dân nuôi mà lớn, theo thực dân đàn áp kháng chiến!
Kể cho có đầu đuôi, thực dân Pháp đã không đẻ ngay ra “Quốc gia Việt Nam”. Sau khi tiến hành tái xâm lược, thoạt tiên nó trắng trợn chia rẽ dân tộc ta bằng cách dựng lên cái quái thai “Nam Kỳ quốc” và lăm le lập “Cộng hòa Tây Kỳ” ở Tây Nguyên, “Cộng hòa Nùng Thái” ở miền Bắc!!!(1). Nhưng rồi kháng chiến ngày một lớn mạnh, quân Pháp bị tổn thất ngày thêm nặng nề, khiến thực dân cảm thấy cần phải phát triển ngụy binh thành tay sai đắc lực, mà muốn thế thì cần lập một ngụy quyền duy nhất trên toàn lãnh thổ nước ta, khoác cho nó một cái vỏ độc lập. Thế là “Quốc gia Việt Nam” ra đời.
Cái bản chất của “Quốc gia Việt Nam”, chính một nhà văn chống Cộng nổi tiếng có lần vô tình viết ra rất rõ. Trong bài nhận định về tác phẩm của một cựu sĩ quan “Quốc gia Việt Nam” có hàng chữ: “...hoàn cảnh éo le của lớp thanh niên bị buộc phải chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp, đánh nhau với cộng sản trong hàng ngũ kháng chiến quân (...) nhục nhã, phẫn uất, dằn xé nơi họ”(2). Đó, ai kháng chiến ai theo giặc đàn áp kháng chiến, ai vinh quang ai nhục nhã, trong như nước suối!
* “Việt Nam Cộng hòa” liên hệ với “Quốc gia Việt Nam” cụ thể như thế nào?
- Vắn tắt, rượu cũ rót vào bình mới.
* Tại sao ta chấp nhận ký Hiệp định Genève?
- Vì ta không có đủ vũ lực để sau Điện Biên Phủ tiếp tục đánh cho đến khi Pháp phải chịu rút quân vô điều kiện. Nên nhớ bấy giờ địch không còn phải chỉ là một mình Pháp nữa, mà đã gồm thêm siêu cường Mỹ. Vì lý do chiến lược, chắc chắn Mỹ sẽ giúp Pháp vô giới hạn nếu chiến tranh tiếp diễn.
Hơn nữa, Hiệp định Genève quy định sẽ có tổng tuyển cử trong tháng 7 năm 1956. Với thành tích vừa lãnh đạo dân tộc đánh đuổi được thực dân Pháp, chắc chắn Đảng Cộng sản sẽ đại thắng. Đất nước thống nhất cách hòa bình, còn gì bằng.
Dĩ nhiên ta thừa biết Mỹ đang “đạo diễn” một trò ma, nhưng hoàn cảnh như vừa nói khiến ta không làm khác được.
* Trò ma ấy diễn tiến ra sao?
- Trước tiên, Pháp ký Hiệp định Genève nhằm mua thời gian, với Mỹ và “Quốc gia Việt Nam” cố ý đứng ngoài. Sau đó, úm ba la: từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau bỗng nhiên là một “nước”!
Nhìn từ phía Mỹ, đó là bước đầu xây dựng một tiền đồn trong cuộc tranh giành thế giới với Liên Xô.
Nhìn từ phía Việt Nam, thì biến cố là một thiểu số có nguồn gốc hết sức xấu xa đã dựa vào thế lực ngoại bang mà hành động cát cứ.
* Tại sao “Việt Nam Cộng hòa” sụp đổ?
- Được cái nước vừa siêu cường vừa siêu phú ấy viện trợ cực kỳ hào phóng, thậm chí kéo chư hầu nhảy vào đánh giúp, sau khi rút quân vẫn tiếp tục viện trợ và chi viện hỏa lực, thế mà vẫn thua! Mỹ rốt cuộc đành chấp nhận mất vốn đầu tư khổng lồ, gồm cả xương máu người Mỹ, là vì thấy “Việt Nam Cộng hòa” làm ăn quá bết bát! Nếu Nixon đã được tiếp tục ngồi trong Nhà Trắng để đánh bom như điên, thì chiến tranh cũng chỉ kéo dài thêm một đôi năm nữa thôi. Có hai lý do khiến chính quyền Sài Gòn phải sụp.
Thứ nhất, ngay từ đầu nó đã không có được sự ủng hộ của đa số nhân dân miền Nam.
Thứ hai, dưới cơn mưa đôla viện trợ, nó rồi trở nên thối nát kinh khủng, khiến lại càng thêm mất lòng dân.
Trong số những người bênh vực nó, có kẻ cho rằng “Việt Nam Cộng hòa” thua một phần là do bị Mỹ can thiệp, không cho tiến hành chiến tranh theo ý mình. A, nếu đó là một lý do của thất bại thì hiển nhiên “mình” chỉ có mình thôi để mà trách! Không độc lập, thì đòi tự chủ làm sao?!
* Có phải tất cả những người tham gia ngụy quyền đều xấu hay không?
- Không. Có những người tham gia không phải vì quyền lợi, mà chỉ vì nhận thức sai lầm về chuyện cần làm. Họ đặt chống Cộng lên trên tất cả, trong khi giành lại độc lập và thống nhất đất nước mới đáng là ưu tiên số một.
* Những người lính “Việt Nam Cộng hòa”, có nên tiếp tục gọi họ là quân ngụy hay không?
- Xét theo lý, gọi quân đội của ngụy quyền là ngụy binh là đúng. Nhưng chúng tôi cảm thấy bất nhẫn. Bởi tội là ở ngụy quyền mà thôi. Họ chẳng qua là những người bất hạnh, vì đã phải liều thân cho một cớ hoàn toàn sai trái. Nên gọi họ là “những người lính bên kia” chăng?
* Có phải tất cả những người ấy đã chiến đấu miễn cưỡng và rất tồi?
- Nói chung, so với chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam và bộ đội chính quy miền Bắc, họ có tinh thần thấp hơn rất nhiều và không thiện chiến bằng. Họ đi lính vì bị bắt lính; rồi do kém nỗ lực, họ chiến đấu không xuất sắc. Nhưng quân đội “Việt Nam Cộng hòa” cũng có một số ít đơn vị có tinh thần cao và chiến đấu tinh nhuệ.
* Tôi là bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ - ngụy. Sao tôi không gặp lính Mỹ mà chỉ gặp toàn “lính ngụy”?
- Trước tiên hãy cùng nhau ôn lại chuyện xảy ra những năm tháng ấy. Chúng tôi xin trích dẫn lời ghi sau đây của trang history.com là một trang mạng chuyên về lịch sử rất nổi tiếng ở Mỹ: “Trong mấy năm sau đó (1965-1968), tình trạng chiến sự kéo dài, tổn thất cao, và việc phát hiện quân đội Mỹ phạm tội ác chiến tranh, như ở Mỹ Lai, đã làm cho nhiều người Mỹ trở nên phản chiến. Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân khiến hy vọng có thể sớm thắng của lãnh đạo Mỹ bị vỡ tan tành và đưa phong trào phản chiến lên tới đỉnh. Trước tình hình như thế, tháng 3 năm 1968 Johnson tuyên bố sẽ không tái ứng cử tổng thống, nêu lý do cảm thấy có trách nhiệm đã tạo ra một sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ quốc gia về vấn đề Việt Nam. Ông cũng ra lệnh bắt đầu đàm phán hòa bình (...). Richard Nixon, tổng thống Mỹ kế nhiệm, quyết định khởi sự rút quân và tiến hành kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh [năm 1969]”.
Mỹ rút bộ binh, nhưng đầu tư phát triển quân đội “Việt Nam Cộng hòa”. Ngụy quyền chưa nhào thì nó còn bắt lính. Bộ đội miền Bắc vào Nam về sau không gặp lính Mỹ mà chỉ gặp “lính ngụy”, là vì thế.
Nhân đây cũng xin bàn qua về ý nghĩa của chiến sự Tết 1968. Tuy Quân đội Nhân dân và nhất là Quân giải phóng đã bị tổn thất lớn mà không đạt được những mục tiêu cụ thể đề ra, nhưng như chính phía Mỹ nhận định, cuộc tổng công kích đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh. Cái hướng thay đổi là có lợi cho nỗ lực thống nhất, vì không có quân Mỹ đánh giúp thì chắc chắn ngụy quyền sớm muộn cũng đổ.
* Trong những năm ngay sau 1954, miền Nam thanh bình và no ấm...
- Thử hỏi nhờ đâu mà miền Nam sạch bóng giặc Pháp mà thanh bình?!!! Nhờ đâu mà miền Nam sạch bóng địa chủ để nhân dân được hưởng thành quả của lao động mình bỏ ra mà no ấm?!!! Chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” tha hồ ăn gian mà nhận công, nhưng đa số nhân dân miền Nam chắc chắn biết rõ sự thực.
* Ta nên đối xử thế nào với những thành tích văn học nghệ thuật trong vùng do chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” kiểm soát?
- Hầu hết sáng tác phẩm giá trị trong vùng do “Việt Nam Cộng hòa” kiểm soát không có nội dung chính trị. Ta nên thu vào kho tàng của dân tộc, chỉ cần lưu ý không cho quan điểm sai trái về chuyện đất nước, nếu có, vào theo! Do đang có những kẻ tìm cách lợi dụng uy tín của một số tác giả để xuyên tạc lịch sử nên việc thu này hiện nay không thể làm nhanh được.
* Tại sao sau bao nhiêu năm người Việt Nam ở hai phía của cuộc chiến tranh ấy vẫn chưa ngồi lại được với nhau?
- “Phía bên này” sẵn sàng ngồi xuống với những người thuộc “phía bên kia” mà không nhắc đến chuyện đã qua. Thậm chí, chấp nhận dùng cái tên “Việt Nam Cộng hòa” thay vì ngụy quyền.
Đã có xảy ra nhiều lần hai bên ngồi xuống cùng nhau rồi chứ, nổi tiếng nhất là trường hợp Nguyễn Cao Kỳ. Nếu muốn hồi hương, nhà nước Việt Nam sẵn sàng cho phép, như trường hợp Phạm Duy.
Vậy không phải là tất cả, mà chỉ có một số người bên kia không chịu “ngồi”. Điều kiện để “ngồi” của họ là phía đúng phải nhận sai!!! Có người vẫn liên tục vận dụng đủ thứ phương tiện để xuyên tạc lịch sử hết sức nặng nề.
* Tại sao nhà nước Trung Quốc không gọi chính quyền Quốc dân đảng là ngụy quyền?
- Vì đó không phải là một ngụy quyền!
Chính quyền Quốc dân đảng có gốc ở Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng nhằm phục hưng Trung Quốc.
Quốc dân đảng rốt cuộc thua Đảng Cộng sản vì không tranh thủ được đa số nhân dân và vì tham nhũng kinh khủng. Tức cũng như “Việt Nam Cộng hòa” sau này, nhưng “Việt Nam Cộng hòa” có một nguồn gốc xấu xa, còn Quốc dân đảng bên Trung Quốc thì không.
Về vấn đề Đài Loan, thử tưởng tượng: nước Mỹ nội chiến, Trung Quốc ủng hộ một bên, bên ấy thua, chạy ra Hawaii dựa vào Trung Quốc mà chống cự mãi, Mỹ có thích không?!
* Thế còn trường hợp Nam Hàn, mà bây giờ gọi là Hàn Quốc? Chính quyền ở đó có phải là một ngụy quyền hay không?
- Cũng không. Từ năm 1910 đến 1945, nước Hàn bị nước Nhật chiếm. Năm 1945, Nhật thua Đồng minh. Liên Xô và Mỹ chia nhau tạm cai trị Hàn. Đến năm 1948, Lý Thừa Vãn tuyên bố độc lập, lập chính quyền Hàn ở phía nam; ngay sau đó, Kim Nhật Thành cũng thành lập chính quyền Hàn độc lập ở phía bắc. Vì không phải do ngoại bang dựng lên để giúp xâm lược, cả hai chính quyền này đều không phải là ngụy quyền.
Tình hình ở bán đảo Triều Tiên là đại bất hạnh cho dân tộc Hàn! Vốn là một, mà nay không biết bao giờ mới trở lại một!
______
(1) Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, NXB Quân đội Nhân dân, 1974.
(2) Võ Phiến, Văn học Miền Nam - Truyện 1, NXB Văn nghệ, Mỹ, 1992.