Vừa qua người đứng đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu một ý kiến gây xôn xao, bức xúc trong dư luận nhất là trong giáo giới: Bộ sẽ thí điểm thực hiện không còn công chức, viên chức trong giáo viên, sẽ thực hiện theo chế độ hợp đồng, có ra, có vào (báo Lao động ngày 15-5-2017).
Theo tôi ý kiến trên thật khó hiểu vì theo Luật viên chức hiện hành số 58-2010-QH12 ngày 15-11-2010 thì giáo viên trong các trường không phải là công chức, thế thì lấy gì mà thí điểm xóa bỏ. Cũng theo luật, giáo viên chỉ là viên chức theo hợp đồng. Luật của Quốc hội quy định thì giáo viên có quyền được hưởng, trừ khi Quốc hội thay đổi chứ Bộ GD-ĐT cũng không thí điểm bỏ “viên chức” được. Còn muốn có ra, có vào thì luật đã quy định rõ: nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vì lý do sức khỏe, ốm yếu (có quy định cụ thể) thì đơn vị tuyển dụng có quyền chấm dứt hợp đồng. Vậy vấn đề là thực hiện luật chứ đâu còn là thí điểm.
Điều 58 của Luật viên chức cũng quy định việc chuyển đổi từ viên chức sang công chức, nếu viên chức làm việc từ 5 năm trở lên (tất nhiên phải làm việc tốt) thì sẽ được xét tuyển thành công chức không phải qua thi tuyển. Đây là một sự động viên lớn đối với nhà giáo phấn đấu vươn lên, không nên xóa bỏ mà bất cứ một ngành nào cũng không xóa bỏ đươc vì là quyền lợi của người lao động được luật của Quốc hội ban hành. Nếu những ý kiến trên chỉ là những dự kiến đề nghị thì cũng không nên có.
Để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo nghị quyết của Đảng, không gì bằng thực hiện đúng luật của Quốc hội, không có gì phải sửa đổi, thí điểm và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với nhà giáo: “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” với sự động viên to lớn: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”... là “những anh hùng vô danh”.